Bộ GDĐT: Một số địa phương chưa tổ chức đấu thầu mua sắm trang thiết bị dạy học

03/08/2023 06:32
Linh An
0:00 / 0:00
0:00
GDVN-Thiết bị dạy học chưa được sử dụng hiệu quả vẫn còn có tình trạng lưu kho, dạy chay ở một số cơ sở giáo dục.

Theo báo cáo của Bộ Giáo dục và Đào tạo, tổng số phòng học năm học 2022 – 2023 cấp trung học cơ sở là 140.176 phòng, trong đó phòng kiên cố 131.605, phòng bán kiên cố 7887 phòng; tổng số phòng học bộ môn là 38.041 phòng, trong đó phòng kiên cố 35.300 phòng, phòng bán kiên cố 2537 phòng; tổng số phòng phục vụ học tập là 15.441 phòng, trong đó phòng kiên cố 13.445 phòng, phòng bán kiên cố 1764 phòng; tổng số phòng khác là 2233 phòng, trong đó phòng kiên cố 2054 phòng, phòng bán kiên cố 2100 phòng.

Bộ Giáo dục và Đào tạo đã ban hành các danh mục thiết bị dạy học tối thiểu các cấp học phổ thông, làm căn cứ để các cơ sở giáo dục khi lập kế hoạch mua sắm thiết bị dạy học bảo đảm đủ số lượng, chất lượng, hiệu quả, tránh lãng phí, ưu tiên các thiết bị phục vụ cho các lớp học đã thực hiện Chương trình giáo dục phổ thông 2018.

Ảnh minh hoạ: TTXVN

Ảnh minh hoạ: TTXVN

Trong năm học 2022-2023, Bộ Giáo dục và Đào tạo tiếp tục chỉ đạo, hướng dẫn các địa phương, các cơ sở giáo dục triển khai rà soát thực trạng cơ sở vật chất, thiết bị dạy học và xác định nhu cầu để triển khai mua sắm bổ sung thiết bị dạy học tối thiểu theo lộ trình triển khai Chương trình giáo dục phổ thông 2018.

Đồng thời, phát động cuộc thi Xây dựng thiết bị dạy học số lần thứ I, cuộc thi Bài giảng Elearrning năm 2022 nhằm khơi dậy ý thức chủ động, sáng tạo xây dựng thiết bị dạy học số; xây dựng và phát triển kho học liệu số về thiết bị dạy học có chất lượng.

Các địa phương tiếp tục thực hiện xã hội hóa giáo dục để huy động các nguồn lực của xã hội nhằm phát triển giáo dục, đào tạo tại địa phương. Bên cạnh đó, các cơ sở giáo dục đã tổ chức phong trào xây dựng thiết bị dạy học tự làm để bổ sung, cải tiến, sửa chữa nhằm phát huy hiệu quả sử dụng thiết bị dạy học đã được trang bị, đáp ứng yêu cầu đổi mới phương pháp dạy học và nâng cao chất lượng giáo dục.

Việc đầu tư mua sắm trang thiết bị dạy học để triển khai Chương trình giáo dục phổ thông 2018 được quan tâm, trong đó có các hạng mục như: phòng học, phòng chức năng, phòng học bộ môn, thư viện, nhà vệ sinh, công trình nước sạch, bổ sung thiết bị dạy học, bảo đảm khuôn viên, cảnh quan môi trường sư phạm xanh, sạch, đẹp; khắc phục tình trạng thiếu nhà vệ sinh, công trình nước sạch ở các cơ sở giáo dục trung học.

Điều kiện cơ sở vật chất, thiết bị dạy học đã được tăng cường đầu tư nhưng vẫn chưa đáp ứng được yêu cầu nâng cao chất lượng giáo dục, đặc biệt ở một số trường vùng dân tộc thiểu số, miền núi.

Bộ Giáo dục và Đào tạo thông tin, một số địa phương còn chưa tổ chức đấu thầu mua sắm trang thiết bị dạy học, kinh phí trả lại ngân sách nhà nước, gây lãng phí và không đáp ứng được yêu cầu đổi mới của giáo dục và đào tạo. Thiết bị dạy học chưa được sử dụng hiệu quả vẫn còn có tình trạng lưu kho, dạy chay ở một số cơ sở giáo dục mà Bộ Giáo dục và Đào tạo, đoàn giám sát của Quốc hội đến kiểm tra, giám sát.

Linh An