Ngày 18/1 Bộ trưởng Giáo dục và Đào tạo Phùng Xuân Nhạ đã ra chỉ thị chấn chỉnh tình trạng lạm dụng hồ sơ, sổ sách trong nhà trường.
Văn bản nêu rõ, hiện nay trong các trường mầm non, tiểu học, trung học cơ sở, Trung học phổ thông và trung tâm giáo dục thường xuyên, trung tâm kỹ thuật tổng hợp - hướng nghiệp,
giáo viên phải sử dụng các loại hồ sơ, sổ sách ngoài quy định tại Điều lệ hoặc Quy chế nhà trường, làm mất công sức, gây áp lực và ảnh hưởng đến hiệu quả làm việc của thầy cô.
Áp lực hồ sơ sổ sách đè nặng giáo viên (Ảnh minh họa VOV) |
Theo đó, Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo chỉ đạo"Giám đốc các Sở Giáo dục, Trưởng phòng Giáo dục và Hiệu trưởng nhà trường tuyệt đối không được quy định thêm, hoặc yêu cầu giáo viên có thêm loại hồ sơ, sổ sách ngoài những loại theo quy định tại Điều lệ hoặc Quy chế nhà trường do Bộ Giáo dục ban hành".
Những hồ sơ sổ sách trong quy định
Đối với giáo viên tiểu học, trung học và giáo dục thường xuyên bắt buộc phải có những loại hồ sơ:
Giáo án (bài soạn hoặc sổ tay lên lớp) các môn học và hoạt động giáo dục;
Sổ ghi chép sinh hoạt chuyên môn và dự giờ;
Sổ điểm cá nhân (không yêu cầu đối với giáo viên tiểu học);
Sổ chủ nhiệm (đối với giáo viên làm công tác chủ nhiệm lớp); Sổ công tác Đội (đối với giáo viên làm Tổng phụ trách Đội).
Ngoài việc cấm phát sinh sổ sách không cần thiết, Chỉ thị còn nêu rõ:
Giáo viên được phép chọn hình thức viết tay hoặc đánh máy khi sử dụng sổ ghi chép và khuyến khích các nhà trường ứng dụng công nghệ thông tin trong quản lý chuyên môn.
GDVN) - Bộ Giáo dục và Đào tạo vừa ban hành Chỉ thị về việc chấn chỉnh tình trạng lạm dụng hồ sơ, sổ sách trong nhà trường. |
Cụ thể là áp dụng các phần mềm soạn giáo án, sổ điểm điện tử thuận tiện....
Nhiều trường không “đẻ” thêm hồ sơ sổ sách nhưng lại “đẻ” thêm những cách làm nhiêu khê
Cũng chỉ những hồ sơ sổ sách ấy nhưng mỗi trường lại có một kiểu quy định khác nhau tùy vào sự ngẫu hứng của phó hiệu trưởng nhà trường.
Cụ thể, giáo án ngoài quy định chung, các môn học đều soạn vào một cuốn và trình bày theo thời khóa biểu từng ngày.
Một số trường học còn yêu cầu giáo viên có thêm cuốn giáo án khác chỉ ghi bài tập nâng cao cho học sinh.
Trong khi bài soạn môn Toán và tiếng Việt phần bài tập nâng cao này cũng đã được soạn trong đó.
Ở một số môn học có lồng ghép kĩ năng sống, giáo dục văn hóa địa phương đã được thầy cô soạn chung vào giáo án nhưng trong lịch báo giảng, nhà trường vẫn buộc ghi lại những thông tin này lần nữa.
Hay như việc điểm thi, điểm kiểm tra của học sinh đã cập nhật vào phần mềm có thống kê cụ thể.
Nhưng một số trường vẫn buộc giáo viên thống kê riêng ngoài giấy theo cái mẫu tự mình thiết kế một cách khá chi tiết từng thang điểm nhỏ như 0-2; 3-4; 5-6;7-8;9;10 mà chẳng biết để làm gì?
(GDVN) - Bộ trưởng đã hướng tới việc giảm áp lực cho giáo viên, giảm bớt những cuộc thi không cần thiết đang tồn tại trong ngành giáo dục. |
Cuốn sổ chủ nhiệm đã có nguyên phần theo dõi lý lịch, phần nhận xét chi tiết về học lực và năng lực phẩm chất từng học sinh.
Ngoài việc giáo viên phải nhận xét chi tiết vào sổ (viết tay), đồng thời phải nhận xét thêm lần nữa vào phần mềm Vnedu.
Trong khi những lời nhận xét này, ngoài giáo viên và Ban giám hiệu chẳng ai được đọc.
Rồi học bạ, người ta chỉ yêu cầu thầy cô nhận xét chung về năng lực và phẩm chất học sinh.
Không ít trường buộc giáo viên kẻ thêm những cột nhận xét riêng từng năng lực (3 năng lực và 4 phẩm chất). Lại có trường vừa bắt làm học bạ giấy, vừa buộc phải làm trên phần mềm.
Nay, Chỉ thị của Bộ Giáo dục và Đào tạo nêu rõ “Giám đốc các Sở Giáo dục, Trưởng phòng Giáo dục và Hiệu trưởng nhà trường tuyệt đối không được quy định thêm hoặc yêu cầu giáo viên có thêm loại hồ sơ, sổ sách ngoài những loại theo quy định tại Điều lệ hoặc Quy chế nhà trường do Bộ Giáo dục ban hành”.
Hy vọng với sự chỉ đạo quyết liệt lần này, nhiều trường học sẽ không còn tự mình “đẻ” thêm hồ sơ sổ sách hoặc “đẻ” thêm những quy định để gây nên áp lực không đáng có cho giáo viên.