LTS: Sau khi Bộ Giáo dục và Đào tạo ban hành Chỉ thị về việc chấn chỉnh tình trạng lạm dụng hồ sơ, sổ sách trong nhà trường, nhà giáo Sông Trà đã có bài viết chia sẻ.
Tòa soạn trân trọng gửi đến độc giả bài viết.
Vẫn sợ “phép vua thua lệ làng”
Mới đây, Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Phùng Xuân Nhạ ra chỉ thị chấn chỉnh tình trạng lạm dụng hồ sơ, sổ sách trong nhà trường.
Văn bản nêu rõ, hiện nay trong các trường mầm non, tiểu học, trung học cơ sở, trung học phổ thông và trung tâm giáo dục thường xuyên, trung tâm kỹ thuật tổng hợp - hướng nghiệp, giáo viên phải sử dụng các loại hồ sơ, sổ sách ngoài quy định tại Điều lệ hoặc Quy chế nhà trường, làm mất công sức, gây áp lực và ảnh hưởng đến hiệu quả làm việc của thầy cô.
Theo đó, Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo chỉ đạo:
"Giám đốc các Sở Giáo dục, Trưởng phòng Giáo dục và Hiệu trưởng nhà trường tuyệt đối không được quy định thêm, hoặc yêu cầu giáo viên có thêm loại hồ sơ, sổ sách ngoài những loại theo quy định tại Điều lệ hoặc Quy chế nhà trường do Bộ Giáo dục ban hành".
Hình minh họa, nguồn: Báo Tây Ninh. |
Theo Điều lệ trường thì hiện nay ở các cấp học có những loại hồ sơ sổ sách như sau:
Với mầm non, có sổ kế hoạch giáo dục trẻ em; sổ theo dõi trẻ như điểm danh, theo dõi sức khỏe, theo dõi đánh giá trẻ; sổ chuyên môn như dự giờ, tham quan học tập, ghi chép các nội dung sinh hoạt chuyên môn; sổ theo dõi đồ dùng, đồ chơi, thiết bị dạy học của nhóm trẻ, lớp mẫu giáo đối với giáo viên mầm non.
Đối với cấp tiểu học, trung học và giáo dục thường xuyên có các loại: giáo án (bài soạn hoặc sổ tay lên lớp) các môn học và hoạt động giáo dục; sổ ghi chép sinh hoạt chuyên môn và dự giờ; sổ điểm cá nhân (không yêu cầu đối với giáo viên tiểu học); sổ chủ nhiệm (đối với giáo viên làm công tác chủ nhiệm lớp); sổ công tác Đội (đối với giáo viên làm tổng phụ trách Đội).
Bên cạnh nhiều ý kiến vui mừng vẫn còn nhiều ý kiến băn khoăn, lo lắng về tính khả thi, bởi điều quan trọng là các cấp quản lý giáo dục ở địa phương.
Từ năm 2014, Bộ đã có văn bản chỉ đạo cắt giảm các loại giấy tờ, sổ sách cho giáo viên và chỉ để còn 4 đến 5 loại. Tuy nhiên, ở dưới địa phương đến cấp sở, cấp phòng giáo dục đào tạo lại có thêm nhiều thứ.
Nhiều giáo viên cho biết: “Mỗi lần kiểm tra chuyên môn, khảo sát thì thái độ của những người kiểm tra thiếu sự thân thiện, mang nặng tính chất cấp trên xuống dưới thanh tra, dò xét từng chi tiết một.
Sở, phòng và ban giám hiệu không được đặt ra sổ sách cho giáo viên |
Những lần thanh tra đấy lại đổ lên đầu hiệu trưởng và khi họp hội đồng thì lại trút lên giáo viên”.
Do đó, việc thay đổi từ cấp quản lý rất quan trọng, nhất là cấp phòng nơi quản lý trực tiếp tất cả hệ thống các trường từ mầm non, tiểu học, trung học cơ sở đóng trên địa bàn.
Ngoài việc cấm phát sinh sổ sách không cần thiết, Chỉ thị còn nêu rõ:
Giáo viên được phép chọn hình thức viết tay hoặc đánh máy khi sử dụng sổ ghi chép và khuyến khích các nhà trường ứng dụng công nghệ thông tin trong quản lý chuyên môn. Cụ thể là áp dụng các phần mềm soạn giáo án, sổ điểm điện tử thuận tiện....
Giáo viên trường tôi đã được “giải phóng” khỏi sổ sách, họp hành từ lâu…
Nhiều năm nay, Ban giám hiệu Trường trung học phổ thông Huỳnh Thúc Kháng (Thành phố Quảng Ngãi) nơi tôi đang công tác đã chỉ đạo, yêu cầu các tổ, nhóm chuyên môn và tất cả thầy cô giáo thực hiện đúng về quy định hồ sơ, sổ sách tại Điều lệ trường phổ thông, tuyệt đối không thêm bất cứ loại hồ sơ nào.
Từ năm 2003, nhà trường đã có chủ trương thầy cô giáo được linh hoạt, chủ động trong soạn giáo án, có thể viết tay hoặc đánh máy vi tính.
Nhờ “cởi mở” như thế, một số giáo viên chưa biết vi tính, chưa biết đánh máy tính đã thi đua nhau học hỏi, tập luyện để chuyển từ viết tay sang đánh máy giáo án trên máy tính.
Năm sau có dạy lại khối, lớp ấy chỉ cần chỉnh sửa giáo án đã lưu trên máy tính, đỡ tốn thời gian, công sức viết mới hoàn toàn như viết tay.
Sổ liên lạc viết tay để gửi về cho phụ huynh học sinh cũng không còn tồn tại mười mấy năm nay.
Đến sơ kết học kỳ và cuối năm học, mỗi phụ huynh đến họp phụ huynh được phát một bảng kết quả chi tiết về 2 mặt: hạnh kiểm và học lực từ dữ liệu quản lý điểm của nhà trường trên máy tính.
Trang điện tử của nhà trường đi vào hoạt động 9 năm qua, được quản trị liên tục, hàng tuần, hàng tháng cung cấp đầy đủ những thông tin cần thiết cho phụ huynh về tình hình học tập và hạnh kiểm của con em.
Phần mềm Smas đã giúp giáo viên chủ nhiệm và giáo viên bộ môn không phải cắm cúi hàng buổi ghi danh sách học sinh các lớp vào sổ điểm lớn và sổ điểm cá nhân nữa.
Bộ phận văn phòng chỉ nhập một lần, cần gì cứ thế in ra, giao cho các thầy cô giáo thực hiện.
Nhiều văn bản, tài liệu, thông tin…về chuyên môn, công việc hành chính, giáo viên đọc, nghiên cứu, trao đổi qua hệ thống email nội bộ của trường.
Vì thế, các cuộc họp hành trở nên tinh gọn, thầy cô giáo cảm thấy nhẹ nhàng, thoải mái hẳn.
Có thể nói, nhờ mạnh dạn đổi mới cách quản lý và ứng dụng công nghệ tin học nên giáo viên trường tôi đã thoát khỏi cơn “bĩ cực” không còn bị áp lực, nặng nề về hồ sơ, sổ sách và họp hành mà hiệu quả công việc, chất lượng giáo dục vẫn ổn định.