Bộ nên cấm tuyệt đối giáo viên và các trường công dạy thêm chính khóa thu tiền

04/03/2022 06:31
Nguyễn Nguyên Lương
0:00 / 0:00
0:00
GDVN- Nội dung dạy thêm chủ yếu luyện giải đề kiểm tra, đề thi, không có tác dụng phát triển tư duy, càng không có tác dụng tích cực cho giáo dục.

Ngày 7/1/2022, Viện Khoa học Giáo dục Việt Nam (Bộ Giáo dục và Đào tạo) đã có Công văn số 04/CV-VKHGDVN gửi Sở Giáo dục và Đào tạo Thành phố Hồ Chí Minh về việc khảo sát thực trạng dạy thêm, học thêm tại các lớp cuối cấp trong nhà trường phổ thông.

Theo đó, Công văn có nội dung như sau: “Theo Quyết định số 2190/QĐ-BGDĐT về phê duyệt Danh mục đề tài khoa học và công nghệ cấp bộ thực hiện từ năm 2022 của Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo, Viện Khoa học Giáo dục Việt Nam phụ trách thực hiện đề tài “Nghiên cứu tác động của dạy thêm, học thêm đến việc dạy và học trong nhà trường phổ thông”. [1]

Bên cạnh tác động “tích cực” dễ thấy nhất của dạy thêm, đó là học sinh có điểm số đẹp, học bạ đẹp, nhiều học sinh khá giỏi, giáo viên dạy thêm được có cuộc sống khá giả hơn.

Thế nhưng, tác động tiêu cực của dạy thêm học sinh chính khóa ngay trong nhà trường phổ thông công lập là vô cùng lớn, dạy thêm làm hình ảnh thầy cô trở nên “xấu xí”, dạy thêm đánh cắp tuổi thơ của học trò, dạy thêm gây áp lực kinh tế lên phụ huynh, xã hội, dạy thêm làm giảm tỷ lệ sinh …

So với "lợi ích" đem lại, tác hại của dạy thêm có thu tiền quá lớn, vì thế, nên cấm tuyệt đối giáo viên/các trường phổ thông công lập tổ chức dạy thêm/dạy buổi 2/dạy tăng cường cho học sinh chính khóa có thu tiền.

Ảnh minh hoạ: Laodong.vn

Ảnh minh hoạ: Laodong.vn

Tại sao nên cấm hẳn các trường/giáo viên dạy thêm học sinh chính khóa có thu tiền?

Thứ nhất, cấm hẳn các trường/giáo viên tổ chức dạy thêm cho học sinh chính khóa có thu tiền, vì mục tiêu của chương trình giáo dục phổ thông 2018 là giúp học sinh phát triển toàn diện về đạo đức, trí tuệ, thể chất, thẩm mỹ và các kỹ năng cơ bản, phát triển năng lực cá nhân, tính năng động và sáng tạo, hình thành nhân cách con người Việt Nam xã hội chủ nghĩa, xây dựng tư cách và trách nhiệm công dân; chuẩn bị cho học sinh tiếp tục học lên hoặc đi vào cuộc sống lao động, tham gia xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.

Nếu học sinh tối ngày đi học thêm như hiện nay, mục tiêu của chương trình giáo dục phổ thông 2018 chỉ nằm trên giấy, việc đầu tư thực hiện chương trình mới đổ xuống sông, xuống biển.

Thứ hai, cấm hẳn giáo viên/các trường phổ thông công lập tổ chức dạy thêm học sinh chính khóa có thu tiền để khẳng định vai trò, vị trí của thầy cô giáo trong xã hội.

Thực tế hiện nay, hình ảnh, vai trò, vị trí của thầy cô giáo đang bị “mờ nhạt” trong xã hội, có nhiều nguyên nhân, trong đó tác động của việc giáo viên dạy thêm vì lợi nhuận là không nhỏ.

Nếu cấm hẳn dạy thêm học sinh chính khóa có thu tiền, chắc chắn chẳng giáo viên nào dùng “chiêu trò” ép học sinh học thêm.

Mối quan hệ thầy trò sẽ trong sáng, thầy ra thầy, trò ra trò, hình ảnh thầy trò lại trở về như những thập niên 1980 của thế kỉ trước, khi chưa có khái niệm dạy thêm, học thêm.

Thứ ba, cấm hẳn dạy thêm học sinh chính khóa có thu tiền là học tập tinh hoa nhân loại. Quốc gia có nền giáo dục nặng về thi cử giống nền giáo dục nước ta, như Trung Quốc, đã kiên quyết cấm hẳn dạy thêm, nhờ đó học sinh Trung Quốc chơi nhiều hơn sau khi “thoát” học thêm.[2]

Năm 2018, ông Tập Cận Bình, Chủ tịch Trung Quốc, đã chỉ trích việc dạy thêm: "làm tăng gánh nặng tài chính lên học sinh và các gia đình", "phá vỡ trật tự giáo dục thông thường". Theo ông Tập Cận Bình, "một ngành đòi hỏi sự tận tâm không thể bị biến thành ngành tìm kiếm lợi nhuận".[3]

Thứ tư, cấm dạy thêm học sinh chính khóa có thu tiền cũng phù hợp thông lệ quốc tế. Minh chứng gần nhất là Nhật Bản “Giáo viên biên chế Nhật Bản bị cấm dạy thêm ngoài trường học”, tuy nhiên, ở Nhật Bản không có dạy thêm trong trường học.[4]

Giáo viên của chúng ta tuyển dụng trước năm 2020 đều thuộc dạng biên chế, vì vậy, chúng ta thực hiện cấm giáo viên biên chế dạy thêm học sinh chính khóa có thu tiền như Nhật Bản, cũng phù hợp thông lệ quốc tế.

Thứ năm, cấm dạy thêm học sinh chính khóa có thu tiền để thúc đẩy tăng tỷ lệ sinh, đảm bảo sự phát triển dân số. Hiện nay, các thành phố, đô thị, tỷ lệ sinh giảm kỉ lục, nguyên nhân được cho là áp lực chi phí cho một đứa trẻ quá lớn, dẫn đến các cặp vợ chồng ngại sinh con, hoặc chỉ sinh 01 con.[5]

Cấm hẳn dạy thêm học sinh chính khóa có thu tiền sẽ giảm áp lực kinh tế cho phụ huynh, từ đó xóa bỏ tâm lý ngại sinh con, ngại kết hôn, đang hình thành trong giới trẻ hiện nay, giúp tăng tỷ lệ sinh phù hợp.

Thứ sáu, cấm dạy thêm học sinh chính khóa có thu tiền sẽ giảm áp lực chương trình học. Chương trình nặng hay nhẹ một phần do nguyên nhân nội tại của nó nhưng một phần do giáo viên triển khai đến học sinh.

Nếu không được dạy thêm thu tiền, giáo viên sẽ cân nhắc dung lượng kiến thức phù hợp với tâm sinh lý, khả năng nhận thức của học sinh, nội dung kiến thức sẽ nhẹ nhàng, không gây áp lực cho người học.

Nội dung dạy thêm chủ yếu luyện giải đề kiểm tra, đề thi, không có tác dụng phát triển tư duy, càng không có tác dụng tích cực cho giáo dục.

Cấm dạy thêm học sinh chính khóa có thu tiền sẽ xóa bỏ hoàn toàn nghịch cảnh "Học một đằng thi - kiểm tra một nẻo, làm sao chặn được dạy thêm cưỡng bức?".

Vì thế, nên cấm hẳn dạy thêm có thu tiền, giáo viên nào, trường nào vì học sinh thân yêu, cứ dạy thêm, đừng thu tiền, những tác động tiêu cực của dạy thêm sẽ biến mất, học sinh sẽ hạnh phúc, lớp học sẽ hạnh phúc, sẽ có trường học hạnh phúc.

Việc dạy thêm ở nước ta có nhiều biến tướng, đã gây áp lực tiêu cực cho học sinh, xã hội, gây mất lòng tin với giáo dục.

Nguy hiểm nhất, chính dạy thêm học sinh chính khóa thu tiền biến tướng đã để lại kí ức xấu trong mỗi cá nhân nói riêng, nguồn lao động nói chung với giáo dục, sẽ tác động tiêu cực lâu dài đến giáo dục.

Cấm dạy thêm học sinh chính khóa có thu tiền, chắc chắn ảnh hưởng đến “nồi cơm” của những giáo viên và ban giám hiệu các trường công lập đang sống nhờ dạy thêm. Chính vì vậy, đi đôi với cấm dạy thêm thu tiền, cần có chính sách lương phù hợp, đảm bảo cho giáo viên sống được bằng lương của mình.

Vì vậy, người viết đề nghị Bộ Giáo dục và Đào tạo, cấm tuyệt đối giáo viên và các trường phổ thông công lập tổ chức dạy thêm cho học sinh chính khóa có thu tiền, trả lại sự trong sáng vốn có của lịch sử ngành giáo dục nước nhà.

Tài liệu tham khảo:

[1]https://giaoduc.net.vn/giao-duc-24h/bo-muon-nghe-y-kien-giao-vien-ve-quan-ly-day-them-toi-gop-4-giai-phap-post224688.gd?

[2]https://vnexpress.net/hoc-sinh-trung-quoc-choi-nhieu-hon-sau-khi-thoat-hoc-them-4387471.html

[3]https://tuoitre.vn/trung-quoc-cam-ca-day-them-truc-tuyen-cuu-giao-duc-va-xa-hoi-20210908225444987.htm

[4] https://vnexpress.net/giao-vien-bien-che-nhat-ban-bi-cam-day-them-ngoai-truong-hoc-3463378.html

[5]https://nld.com.vn/suc-khoe/de-xuat-nguoi-dan-tp-hcm-va-nhieu-tinh-thanh-khi-sinh-con-duoc-tang-tien-2021102713583019.htm

(*) Văn phong, nội dung bài viết thể hiện góc nhìn, quan điểm của tác giả.

Nguyễn Nguyên Lương