Dạy thêm vẫn trỗi dậy trong dịch bệnh, bất chấp rủi ro lây nhiễm

26/02/2022 06:34
HƯƠNG GIANG
0:00 / 0:00
0:00
GDVN- Chiều chiều, các ngõ phố có giáo viên dạy thêm lại tấp nập cảnh phụ huynh đưa đón con em mình đến nhà thầy cô để học thêm.

Bắt đầu từ ngày 14/2 vừa qua thì gần như tất cả các cấp học ở những tỉnh phía Nam đã chuyển từ dạy và học trực tuyến sang dạy và học trực tiếp. Dù ở thời điểm hiện tại thì số ca nhiễm Covid-19 không nhiều như các tỉnh phía Bắc nhưng trong nhiều trường học đã xuất hiện tình trạng học sinh là F0.

Điều này cũng đồng nghĩa dịch bệnh vẫn đang còn khá phức tạp và các nhà trường không thể chủ quan được. Chính vì thế, các ban ngành, Ban giám hiệu đều rất sâu sát về tình hình phòng chống dịch bệnh trong các nhà trường nên đã xây dựng nhiều phương án, kế hoạch khác nhau.

Thế nhưng, lúc trường học mở cửa trở lại cũng là lúc các trung tâm gia sư, các lớp học thêm tại nhà của giáo viên ở những khu vực thị thành đã khởi động trở lại- đây thực sự là nỗi lo cho nhiều người trước những diễn biến còn phức tạp của dịch bệnh.

Dù dịch bệnh phức tạp nhưng vẫn có một bộ phận giáo viên mở lớp dạy thêm (Ảnh minh họa: Báo Lao động)

Dù dịch bệnh phức tạp nhưng vẫn có một bộ phận giáo viên mở lớp dạy thêm

(Ảnh minh họa: Báo Lao động)

Khởi động lại… các lớp học thêm

Trong suốt thời gian học tập trực tuyến, mặc dù ngành giáo dục đã chủ trương giảm tải kiến thức các môn học để giảm áp lực cho cả thầy và trò ở các nhà trường. Nhiều địa phương đã chỉ đạo tạm dừng các lớp dạy thêm, học thêm nhưng trong thực tế các lớp dạy thêm vẫn âm thầm diễn ra.

Những trung tâm gia sư thì có phần lắng xuống vì khó tuyển được đầu vào nhưng đối với giáo viên dạy một số môn học tự nhiên, môn Tiếng Anh thì không thiếu nguồn nên vẫn duy trì các lớp học thêm của mình.

Không dạy được trực tiếp thì giáo viên dạy thêm trực tuyến cho học trò. Dù số lượng không nhiều bằng học trực tiếp nhưng một bộ phận thầy cô giáo có nhu cầu dạy thêm vẫn “sống được” bằng nguồn dạy thêm trực tuyến của mình.

Trong quá trình dạy chính khóa, giáo viên sẽ có những gợi ý để học sinh đăng ký học, giáo viên chỉ việc cung cấp đường link là học sinh học tập bình thường mà không có ai để ý và biết được. Trong lớp chỉ vài em học thêm ban đầu là các em sẽ chủ động rủ thêm nhiều bạn khác cùng tham gia.

Việc dạy thêm vẫn diễn ra âm thầm trong suốt thời gian các nhà trường tổ chức học trực tuyến. Học sinh trả tiền học phí cho giáo viên qua tài khoản ngân hàng được thầy cô cung cấp theo hàng tháng.

Sau Tết Nguyên đán, các địa phương phía Nam mở cửa trường học thì việc dạy thêm, học thêm diễn ra công khai, bình thường. Các trung tâm gia sư thì tranh thủ quảng bá trung tâm của mình trên các trang mạng xã hội.

Giáo viên dạy tại nhà thì chỉ cần chuyển từ hình thức dạy thêm trực tuyến lâu nay sang dạy thêm trực tiếp mà thôi. Chiều chiều, các ngõ phố có giáo viên dạy thêm lại tấp nập cảnh phụ huynh đưa đón con em mình đến nhà thầy cô.

Tiếng giảng bài thầy, tiếng trò chuyện, đùa giỡn của học trò trong sân hay trong các lớp dạy thêm lại vang vọng. Mọi chuyện lại trở nên nhộn nhịp xem như dịch bệnh không còn tồn tại.

Giáo viên có nên dạy thêm trong bối cảnh hiện nay?

Thực tế, việc dạy thêm, học thêm là một nhu cầu có thực trong xã hội hiện nay. Thầy cô cũng muốn mở lớp dạy thêm để kiếm thêm thu nhập, học trò cũng muốn học thêm để trau dồi thêm kiến thức.

Dù còn nhiều ý kiến trái chiều nhưng chúng ta phải khẳng định một điều là nhu cầu học thêm hiện nay là có thật, nhất là những học sinh cuối cấp hoặc những học sinh ở những gia đình có điều kiện, phụ huynh luôn mong muốn kết quả học tập của con em mình đạt được tốt nhất.

Song, trong bối cảnh hiện nay phải nói là các địa phương đang phải đối mặt với muôn vàn khó khăn về dịch bệnh và mọi người không được phép lơ là, chủ quan.

Ở trường, Ban giám hiệu các trường đang phải xếp lệch giờ giữa các khối lớp và luôn yêu cầu học sinh không sang các lớp bên cạnh để đề phòng trường hợp không may có trường hợp F0 thì nhà trường dễ xử lý.

Thế nhưng, trong các lớp học thêm thì lại hoàn toàn khác vì giáo viên được phân công giảng dạy nhiều lớp trong một khối nên khi mở lớp dạy thêm sẽ có học sinh nhiều lớp đến học thêm ở nhà thầy cô. Và tất nhiên, các em sẽ ngồi chung phòng với nhau để học tập nên khi xảy ra dịch bệnh thì việc lây nhiễm chéo với nhau là điều khó tránh khỏi.

Đối với các trung tâm gia sư còn đáng lo ngại hơn vì ở đó là nơi dạy cho học sinh nhiều trường, và giáo viên cũng đến từ các đơn vị khác nhau. Đặc biệt, tại các trung tâm gia sư thì có nhiều lớp học được thiết kế trong một không gian chật hẹp nên việc tiếp xúc, dạy dỗ, học tập hàng ngày tiềm ẩn những rủi ro đến với cả người dạy và người học.

Tiền rất quan trọng trong bối cảnh dịch bệnh như hiện nay nhưng có lẽ sức khỏe của học trò, trách nhiệm của người thầy trước cộng đồng có lẽ còn đáng quan tâm hơn trong lúc này.

Nên cấm dạy thêm, học thêm trong bối cảnh hiện nay

Nhìn vào số ca nhiễm Covid-19 tăng lên từng ngày trong những ngày qua, có lẽ trong thâm tâm của mọi người không tránh khỏi cảm giác lo lắng, nhất là trong các trường học bởi không gian học tập thường rất chật hẹp.

Ngay tại các trường học thì việc giữ khoảng cách giữa các học trò với nhau đang là bài toán khó cho các nhà trường. Bởi, mỗi lớp học có đến trên 40 học trò, có những trường số lượng lên đến trên 50 học sinh/lớp thì chuyện giữ khoảng cách là rất khó.

Tại một số lớp dạy thêm còn khó khăn hơn nhiều vì giáo viên thường bố trí bàn ghế sát nhau, có lớp kê những chiếc bàn tròn, học sinh ngồi xúm lại với nhau vừa học tập, trò chuyện.

Cho dù các tỉnh phía Nam hiện nay dịch bệnh có phần lắng xuống nhưng điều đó không có nghĩa là đã an toàn tuyệt đối bởi nhiều trường học vẫn thường xuyên có F0 xuất hiện. Chính vì thế, các địa phương đang cho học sinh đi học trực tiếp cần có những quy định rõ ràng, ràng buộc với giáo viên trong các nhà trường.

Trong lúc này, điều tốt nhất là tạm dừng tất cả các lớp dạy thêm, học thêm một cách triệt để. Nghiêm cấm tình trạng dạy thêm tại nhà để hạn chế tối đa sự lây nghiễm Covid-19 trong cộng đồng.

Hậu quả sẽ rất lớn nếu như có một ca F0 trong lớp học thêm bởi từ đây nó có thể lây nhiễm chéo sang nhiều lớp, nhiều trường khác nhau.

(*) Văn phong, nội dung bài viết thể hiện góc nhìn, quan điểm của tác giả.

HƯƠNG GIANG