Ngoại trưởng Trung Quốc Vương Nghị, ảnh: AP. |
Bloomberg ngày 18/12 đưa tin, một cuộc tranh luận đã nổ ra trong nội bộ Bộ Ngoại giao Trung Quốc xung quanh cách ứng phó với vụ Philippines khởi kiện đường lưỡi bò Trung Quốc ở Biển Đông ra Tòa Trọng tài Thường trực (PCA). Điều này làm phức tạp thêm những nỗ lực của ông Tập Cận Bình trong việc xây dựng Trung Quốc thành một cường quốc.
Bắc Kinh vẫn quyết định tẩy chay phiên tòa khiến PCA có thể ra phán quyết sớm hơn, có thể vào giữa năm tới. Bất chấp việc phủ nhận thẩm quyền của PCA từ phía Trung Quốc, Tòa Trọng tài Thường trực đã ra phán quyết đủ thẩm quyền xét xử và chuẩn bị bước vào phần xét xử nội dung vụ kiện.
Theo trình tự luật định, PCA gia hạn cho Trung Quốc được quyền phản biện các lập luận của Philippines đến ngày 1/1/2016. Sau thời điểm này, sự vắng mặt của Trung Quốc đồng nghĩa với việc nước này không phản đối các lập luận của Philippines.
2 nguồn tin quen thuộc với vấn đề này nói với Bloomberg, đã có một cuộc thảo luận nội bộ về việc liệu Trung Quốc có nên hiện diện tại PCA khi phiên điều trần thứ 2 bắt đầu vào tháng trước. Các chuyên gia luật quốc tế đã không thể đảm bảo với các nhà hoạch định chính sách Trung Quốc về khả năng "thành công tuyệt đối" trong việc bảo vệ yêu sách "chủ quyền lãnh thổ" của Trung Quốc.
Trung Quốc đã làm rối Biển Đông vào tháng 12/2015 khi nước này ra tuyên bố của Bộ Ngoại giao nói rằng, vụ kiện của Philippines là về "chủ quyền lãnh thổ" do đó PCA không có thẩm quyền thụ lý. Tuyên bố của Bộ Ngoại giao Trung Quốc còn nhắc lại lập luận (sai trái) rằng, Trung Quốc có "chủ quyền không thể tranh cãi, là nước đầu tiên phát hiện, đặt tên, khám phá và khai thác các nguồn tài nguyên" ở Biển Đông.
PCA đã bác bỏ lập luận này và xem tuyên bố của Bộ Ngoại giao Trung Quốc như một lập trường chính thức của Trung Quốc đối với vụ kiện.
Các cuộc tranh luận nội bộ cho thấy các quan chức ngoại giao Trung Quốc lo ngại trường hợp Philippines thắng vụ kiện này sẽ khiến Trung Quốc bẽ mặt trước dư luận quốc tế. Ông Tập Cận Bình đã gắn việc bồi đắp, xây dựng đảo nhân tạo (bất hợp pháp) ở Biển Đông với "niềm tự hào quốc gia", trọng tâm của chiến lược "phục hưng dân tộc Trung Hoa, thực hiện giấc mơ Trung Quốc".
Trương Bảo Huy, Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu Châu Á - Thái Bình Dương từ Đại học Lĩnh Nam, Hồng Kông bình luận, động thái này cho thấy các quan chức Bộ Ngoại giao Trung Quốc thiếu một tầm nhìn chiến lược, những người chỉ có xu hướng thuần túy ngoại giao mà thiếu một nền tảng chính trị như vẫn thường thấy ở các nhà hoạch định chính sách đối ngoại cấp cao các nước khác.
Hành động bồi đắp, xây dựng đảo nhân tạo Trung Quốc tiến hành (bất hợp pháp) ở Biển Đông có thể gây ra những hậu quả họ không mong muốn. Trung Quốc đang đẩy Philippines và Việt Nam gần gũi hơn với Mỹ. Thậm chí các bên không có yêu sách ở Biển Đông như Singapore, Indonesia cũng cảm thấy lo ngại về tuyên bố của Trung Quốc.
Nếu PCA ra phán quyết có thể vào giữa năm 2016 mà phần lớn có lợi cho Philippines, phản ứng của Trung Quốc ra sao sẽ khó có thể dự đoán. Điều này càng tạo ra sự không chắc chắn đối với Biển Đông, một trong những tuyến hàng hải huyết mạch chiếm 30% khối lượng thương mại toàn cầu.