Ngữ văn là môn tự luận duy nhất trong số các môn thi tốt nghiệp trung học phổ thông. Năm nay, giáo khảo Ngữ văn gặp những phiền toái không đáng có vì sự thay đổi về phiếu điểm, cách ghi điểm.
Với mong muốn góp ý thêm cho Bộ Giáo dục bớt đi những thủ tục hành chính hình thức, người viết phân tích những bất cập liên quan đến việc chấm thi môn Ngữ văn như sau.
Một số bất cập cần thay đổi
Thứ nhất, nếu như những năm trước, giám khảo 1 và 2 ghi điểm ở 2 phiếu chấm thì năm năm tăng thêm 01 phiếu nữa, như thế là chồng chéo, trùng lặp, mất thời gian và dễ gây sai sót.
Phiếu chấm điểm bài thi Ngữ văn ghi 21 điểm thành phần. (Ảnh do tác giả cung cấp) |
Bài thi môn Ngữ văn có 2 phần: Đọc hiểu và Làm văn (Nghị luận xã hội, nghị luận văn học), vậy nên giám khảo phải ghi chi tiết từng 0,25 điểm cho các phần, sau đó mới tính ra điểm tổng.
Cụ thể, bài thi của thí sinh được chấm qua 2 vòng độc lập và ghi trên 3 phiếu điểm khác nhau. Giám khảo thứ nhất ghi điểm thành phần của bài thi lên phiếu chấm màu trắng. Phiếu chấm này có 21 điểm thành phần (bao gồm điểm tổng).
Giám khảo thứ hai ghi điểm thành phần trực tiếp lên bài thi và phiếu chấm màu xanh (7 điểm thành phần, bao gồm điểm tổng).
Tiếp theo, thư kí chép điểm tổng của giám khảo thứ nhất lên phiếu chấm màu xanh, tính điểm chênh lệch giữa 2 giám khảo.
Sau đó 2 giám khảo một lần nữa ghi điểm tổng của giám khảo thứ nhất và giám khảo thứ hai lên phiếu thống nhất điểm màu vàng. Bước này là hình thức, không cần thiết vì giám khảo thứ hai và thư kí đã ghi điểm tổng lên phiếu chấm màu xanh rồi.
Như thế, chỉ cần kẻ thêm 1 cột điểm thống nhất ở phiếu chấm thứ hai thì giám khảo sẽ nhẹ nhàng đi rất nhiều, không mất thời gian, công sức và hạn chế sai sót.
Thứ hai, thay đổi về cách ghi điểm bằng chữ cũng khiến giáo viên rất dễ nhầm lẫn. Từ năm 2020 trở về trước, giám khảo được hướng dẫn ghi điểm bằng chữ theo cách cố định. Ví như, thay vì ghi 5,0 (năm không) như mọi năm thì năm nay phải ghi “năm điểm”; tương tự: 0,5 (không năm) phải ghi là “nửa điểm”.
Vậy nên, khi 2 giám khảo thống nhất điểm để lên điểm số cuối cùng, chỉ cần chép sai theo quán tính, chẳng hạn viết “năm không” (thay vì 5 điểm) thì phải thay lại phiếu thống nhất điểm cho cả 24 thí sinh (tương đương 1 phòng thi).
Nhiều giám khảo cho biết, mặc dù họ đã rất cẩn thận khi ghi chép nhưng hầu như ai cũng mắc lỗi như thế này, phải chép lại ở một phiếu ghi điểm mới, rất mệt mỏi, ức chế. Vậy nên, có giám khảo nói trong cay đắng, “hôm nay tôi phải chép phạt đến mấy lần”.
Điều đáng nói là, những năm trước, giám khảo ghi nhầm khoảng 03 lỗi/phiếu ghi điểm thì có thể gạch bỏ, ghi lại điểm mới lên trên và kí tên xác nhận sửa chữa là được nhưng năm nay thì tuyệt đối không được sai một lỗi nào.
Thứ ba, quy định chấm thi tự luận yêu cầu, nếu điểm toàn bài hoặc điểm thành phần của 2 giám khảo chấm lệch nhau từ 1,0 - 1,5 điểm thì phải ghi lại biên bản, báo cáo trưởng môn chấm thi để thống nhất điểm.
Ví dụ, giám khảo thứ nhất chấm 6 điểm, giám khảo thứ 2 chấm 7,0 điểm thì phải ghi biên bản thống nhất là 6,75 điểm. Đây cũng là khâu không cần thiết vì khi 2 giám khảo thống nhất điểm lệch để ra điểm số cuối cùng thì họ đã thỏa thuận và cùng kí tên chịu trách nhiệm.
Thay lời kết
Có thể nhận thấy, giáo viên Ngữ văn ít khi tính toán như những giáo viên dạy các môn khoa học tự nhiên nên thường xuyên gặp sai sót khi ghi điểm thành phần, đặc biệt là tính điểm tổng (từ 21 điểm thành phần/phiếu chấm thi lần thứ nhất). Vậy nên, ai đó sáng tạo ra cách ghi điểm bằng chữ khác đi và thêm một phiếu thống nhất điểm càng làm cho giám khảo mệt mỏi vô cùng.
Một điều kì lạ là, có nhất thiết phải chấm môn Ngữ văn từng 0,25 điểm như những môn khoa học tự nhiên hay không? Chia nhỏ điểm số nhìn qua có vẻ khách quan, chính xác nhưng thực tế là khiến giám khảo đếm ý cho điểm.
Nên chăng Bộ Giáo dục cần nghiên cứu bỏ hẳn phần Đọc hiểu, bỏ yêu cầu viết đoạn văn nghị luận xã hội 200 chữ, thay vào đó yêu cầu thí sinh viết bài văn với số chữ từ 500 chữ, 800 chữ, 1200 chữ… thì việc đánh giá sẽ khách quan, chính xác hơn rất nhiều.
Đợt chấm thi tự luận của kì thi tốt nghiệp năm nay, giám khảo ở những địa phương có dịch bệnh phải mang khẩu trang liên tục từ 7 giờ 30 đến 16 giờ 30 hàng ngày, thật không dễ chịu chút nào. Cộng thêm những phiền toái quy định mang tính hình thức như đã nói, hầu như giám khảo ai cũng bơ phờ.
Qua bài viết, rất mong Bộ Giáo dục xem lại những bất cập này để thay đổi cho những năm sau, nhằm tạo điều kiện cho giám khảo làm việc khoa học hơn, đỡ nhọc nhằn hơn.
(*) Văn phong, nội dung bài viết thể hiện góc nhìn, quan điểm của tác giả.