Bố trí ảnh tác giả trong SGK Ngữ văn 9 đã hạn chế được bất cập ở các lớp dưới

09/03/2024 06:18
THANH AN
0:00 / 0:00
0:00

GDVN - Khi tiếp cận với sách mẫu Ngữ văn 9 (bộ Chân trời sáng tạo), điều dễ nhận thấy là việc trình bày phần ảnh chân dung và tiểu sử tác giả hợp lý hơn các năm trước.

Trong những năm học vừa qua, trên Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam từng có một số bài viết phản ánh của giáo viên về việc sách giáo khoa Ngữ văn (bộ Chân trời sáng tạo) đã bố trí một số ảnh, tiểu sử tác giả rất dễ gây hiểu lầm giữa tác giả này với văn bản khác.

Bởi lẽ, một số ảnh, tiểu sử tác giả văn học được giới thiệu trong giáo khoa Ngữ văn được bố trí ở cuối cùng của văn bản (sau ngữ liệu, sau các câu hỏi) mà bài học phía sau lại liền kề với hình ảnh chân dung và tiểu sử của tác giả bài học phía trên.

Tuy nhiên, khi tiếp cận với sách mẫu Ngữ văn 9 khi dự Hội thảo sách giáo khoa và tổ chức lựa chọn sách giáo khoa cho năm học 2024-2025 tới đây, chúng tôi thấy những hạn chế ở các lớp dưới đã cơ bản được khắc phục. Phần nhiều, ảnh, tiểu sử tác giả văn học đã được bố trí gọn gàng vào cuối trang sách.

1.jpg
Việc bố trí phần giới thiệu tác giả ở cuối trang sách ở lớp 9 đã phù hợp hơn (Ảnh: Thanh An)

Bố trí ảnh, tiểu sử tác giả văn học khoa học sẽ tạo điểm nhấn cho tác phẩm văn học

Ở chương trình giáo dục 2006, những tác giả văn học được giới thiệu khá chi tiết cả về ảnh chân dung, tiểu sử, phong cách và sự nghiệp sáng tác. Hơn nữa, ngay phía sau ngữ liệu thì đến phần giới thiệu về tác giả rất tiện cho người dạy, người học.

Chương trình giáo dục phổ thông 2018 hiện đang có 3 bộ sách giáo khoa khác nhau, đó là: bộ Cánh Diều của Nhà nhà xuất bản Sư phạm; bộ Kết nối tri thức với cuộc sống và bộ Chân trời sáng tạo của Nhà xuất bản Giáo dục Việt Nam. Mỗi bộ sách có một cách trình bày về hình thức khác nhau.

Nếu như sách Ngữ văn (Cánh Diều), phần ảnh và tiểu sử tác giả được giới thiệu ngay ở phía sau tên bài thơ (phần chuẩn bị), phía trên phần ngữ liệu văn bản nên giáo viên, học sinh trước khi đọc văn bản sẽ thấy được ảnh tác giả, tiểu sử và sự nghiệp sáng tác của tác giả, tiện cho việc dạy và học.

Bộ Kết nối tri thức với cuộc sống, phần ảnh chân dung và tiểu sử tác giả được bố trí ngay sau phần ngữ văn văn bản (giống như cách bố trí của chương trình giáo dục 2006) nên rất tiện cho giáo viên và học sinh nắm bắt được những thông tin cần thiết của tác giả văn học.

Trong khi đó, bộ Chân trời sáng tạo lại bố trí phần chú thích về tác giả ở cuối bài học (sau phần ngữ liệu, hệ thống câu hỏi). Vì thế, nhiều chú thích về tác giả ở các năm vừa qua được nhiều giáo viên phản ánh là chưa hợp lí.

Bởi lẽ, phần ảnh và tiểu sử của tác giả bài phía trên và bài học phía dưới liền kề với nhau, không có khoảng trống nhất định. Vì thế, nếu bài học trên kết thúc ở giữa trang dễ gây hiểu lầm tác giả được sách giáo khoa chú thích là tác giả của bài học phía dưới vì nó liền kề với nhau.

Mặc dù chương trình giáo dục phổ thông 2018 không đặt nặng về tìm hiểu tác giả, phong cách sáng tác của tác giả nhưng việc bố trí ở cuối cùng bài học- sau tất cả những hoạt động của một tiết dạy như vậy sẽ khiến cho yếu tố tác giả trở nên mờ nhạt. Nhiều giáo viên và học sinh bỏ qua việc tìm hiểu văn bản văn học đó do ai sáng tác.

Bởi lẽ, theo hướng dẫn tập huấn của tác giả sách giáo khoa và hội đồng bộ môn, giáo viên dạy sách Ngữ văn Chân trời sáng tạo không nhất thiết phải tìm hiểu về tác giả và phần ghi bảng cho học sinh thì giờ đây giáo viên cũng đã bỏ qua phần này.

Trong khi, để tìm hiểu một bài thơ, một tác phẩm văn xuôi, có lẽ việc xem nhẹ tác giả văn học sẽ là một thiếu sót rất lớn.

Sách giáo khoa Ngữ văn 9- bộ Chân trời sáng tạo đã bớt gây hiểu lầm cho người dạy và người học

Giờ đây, khi tiếp cận với sách mẫu Ngữ văn 9 (bộ Chân trời sáng tạo), điều dễ nhận thấy là các tác giả sách giáo khoa và Nhà xuất bản Giáo dục Việt Nam đã chú trọng việc trình bày phần ảnh chân dung và tiểu sử tác giả có phần hợp lý hơn các năm học trước.

Cụ thể: đối với sách giáo khoa học kỳ I, phần giới thiệu các tác giả có 4 người: Tế Hanh (trang 14); Bằng Việt (trang 17); Nguyễn Đình Chiểu (trang 130); Nguyễn Du (trang 135) đều được in ở cuối trang.

Sang học kỳ II; sách giáo khoa Ngữ văn 9 giới thiệu các tác giả: Phạm Cao Củng (trang 43); Lưu Quang Thuận, Lưu Quang Vũ (trang 97); Hàn Mặc Tử (trang125) được bố trí ở cuối trang sách.

Như vậy, sách giáo khoa Ngữ văn lớp 9 đã có 8 tác phẩm bố trí ở cuối trang sách. Khi sang trang khác là bài khác nên người dạy và người học đã thấy hợp lý hơn so với các lớp dưới.

2.jpg
Mặc dù còn 6 tác giả văn học vẫn còn bố trí ở giữa trang tuy nhiên, với tinh thần cầu thị với góp ý những năm trước, các tác giả sách giáo khoa đã thiết kế thêm hình ảnh một quyển sách và các dấu sao

Mặc dù còn 6 tác giả văn học vẫn còn bố trí ở giữa trang (A-thơ Conan Doi-lơ (trang 39); Đặng Trần Côn, Phan Huy Ích (trang 69); Trần Tuấn Khải (trang 72); Uy-li-am Sếch-xpia (trang 102); Thế Lữ (trang 123); tuy nhiên, với tinh thần cầu thị với góp ý những năm trước, các tác giả sách giáo khoa đã thiết kế thêm hình ảnh một quyển sách và các dấu sao với mục đích nhắc cho giáo viên, học sinh biết rằng phần tiểu sử tác giả ở văn bản trước và phần văn bản phía sau là tách biệt nhau.

Do vậy, về mặt hình thức trình bày, khi giáo viên, học sinh nhìn vào hình ảnh quyển sách cùng với các dấu sao thì hoàn toàn có thể phân biệt được ranh giới giữa phần tiểu sử tác giả của văn bản trước và phần văn bản sau một cách dễ dàng, trực quan. Đây rõ ràng là sự cố gắng rất lớn của nhóm tác giả trong việc hoàn thiện hình thức trình bày của sách.

Trên đại thể, với hình thức trình bày này, nhóm tác giả đã cơ bản khắc phục được hạn chế mà dư luận đã phản ánh trong những năm trước.

(*) Văn phong, nội dung bài viết thể hiện góc nhìn, quan điểm của tác giả.

THANH AN