Đây là một trong những vấn đề Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Nguyễn Kim Sơn nhấn mạnh khi phát biểu kết luận tại hội nghị phát triển giáo dục và đào tạo vùng Đồng bằng Sông Hồng đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045; triển khai Nghị quyết số 30-NQ/TW, ngày 23/11/2022 của Bộ Chính trị về phát triển kinh tế - xã hội và bảo đảm quốc phòng, an ninh vùng đồng bằng sông Hồng đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045.
Trong hơn 30 phút phát biểu, Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn đã đề cập tới những thách thức xuất phát từ chính những thành tựu, vị trí cao của vùng đồng bằng sông Hồng trong hiện tại.
Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Nguyễn Kim Sơn phát biểu kết luận hội nghị (Ảnh: Lã Tiến) |
Thách thức đầu tiên được Bộ trưởng nhắc đến là “vượt qua chính mình”; kinh nghiệm có thể sẽ là rào cản, níu kéo và tạo nên sức ỳ khi thực hiện đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo.
Vị trí dẫn đầu trong giáo dục cũng đặt ra cái khó cho giáo dục đồng bằng sông Hồng khi phải giải quyết nhu cầu cung cấp nguồn nhân lực chất lượng cao và cả cung cấp nhân tài cho sự phát triển của vùng.
Truyền thống hiếu học, giáo dục luôn nhận được quan tâm hàng đầu cũng là áp lực. Bên cạnh đó, nhu cầu học tập ở vùng này không chỉ dừng lại việc được đến trường, có chỗ học mà là học với chất lượng cao, đòi hỏi cao.
Chỉ ra hạn chế, tồn tại của giáo dục vùng đồng bằng sông Hồng, Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn nhắc tới vấn đề thiếu trường, thiếu lớp, thiếu giáo viên; chọn trường, chọn lớp; dạy thêm, học thêm; áp lực thái quá cho học sinh; bệnh thành tích trong giáo dục; những biểu hiện chưa tốt của nhà giáo…
“Nếu vùng khác phải vất vả huy động trẻ đến trường thì nơi đây phụ huynh phải xếp hàng mua hồ sơ. Đó là câu chuyện phía sau của “tấm huân chương””, Bộ trưởng nói.
Bộ trưởng nhấn mạnh một số vấn đề cần ưu tiên xử lý ngay để giáo dục vùng đồng bằng sông Hồng tiếp tục là mẫu mực và mẫu mực trên một tầm vóc mới của giáo dục; trong đó, lưu ý các từ khóa: Hiện đại hoá, chuẩn hoá, hợp lý hoá, xã hội hoá, quốc tế hoá, số hoá, văn hoá hoá.
Bộ trưởng cho rằng, vùng đồng bằng sông Hồng cần đặt trọng tâm hiện đại hoá giáo dục và thực hiện chương trình giáo dục phổ thông 2018 là con đường quan trọng để hiện đại hoá. Hiện đại hoá về cơ sở vật chất trường lớp, trong đó, cản trở đối với vùng đồng bằng sông Hồng là “không phải không có nhưng cũ” và cái cũ đang cản trở khá nhiều khi “đập đi không xong, xây mới chưa được”; vậy làm thế nào để dũng cảm đập đi để làm lại.
Nhận định triển khai chương trình mới - một chương trình để hiện đại hóa, quốc tế hóa giáo dục - như cuộc cách mạng lớn, không thể trong một sớm, một chiều thực hiện được mục tiêu, Bộ trưởng cho rằng, cần cố gắng thực hiện những gì là “lõi”, căn cốt trước.
Trong đó có đổi mới phương pháp dạy - học, đổi mới tư duy giảng dạy của đội ngũ nhà giáo; tận dụng tốt quyền chủ động được trao cho nhà trường, tổ chuyên môn, giáo viên.
“Những năm đầu triển khai chương trình mới cho thấy, học sinh đã chủ động, năng động hơn. Đây chính là con đường hiện đại hóa giáo dục phổ thông muốn đạt được”, Bộ trưởng chia sẻ.
Ở khía cạnh hợp lý hoá, Bộ trưởng cho rằng, vùng đồng bằng sông Hồng cần đẩy mạnh sắp xếp quy hoạch mạng lưới, từ sắp xếp hệ thống giáo dục phổ thông, đến liên cấp và hệ thống các trường đại học, cao đẳng. Toàn vùng có khá nhiều trường cao đẳng sư phạm nhưng đang rất khó khăn.
Với “chuẩn hoá”, theo Bộ trưởng, so với cả nước, tỷ lệ trường chuẩn của vùng đã đạt cao nhưng phải vươn lên chuẩn cao hơn, dần đạt được các chuẩn mang tính quốc tế nhất là địa phương có điều kiện phát triển kinh tế - xã hội như Hà Nội, Bắc Ninh, Vĩnh Phúc, Hải Phòng…
Từ yêu cầu đẩy mạnh xã hội hoá để người học có nhiều cơ hội hơn, chia sẻ nhiều hơn cho hệ thống công lập, Bộ trưởng cho rằng, các địa phương trong vùng cần tiếp tục huy động các nguồn lực cho phát triển giáo dục và đào tạo.
Chủ trì phần tham luận, thảo luận tại Hội nghị (từ trái qua phải ảnh): Phó Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục của Quốc hội Đặng Xuân Phương; Phó Trưởng Ban Tuyên Giáo Trung ương Vũ Thanh Mai; Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn; Bí thư Tỉnh uỷ Nam Định Phạm Gia Túc; Thứ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Hoàng Minh Sơn (Ảnh: Lã Tiến) |
Đối với xã hội hoá giáo dục, các địa phương vừa tăng cường quản lý nhà nước, vừa tăng cường hỗ trợ cho hệ thống giáo dục ngoài công lập, để hệ thống này phát huy được, thể hiện được vai trò của mình.
Đối với tăng cường số hoá, Bộ trưởng nhấn mạnh: Toàn ngành đang đặt trọng tâm là chuyển đổi số, xây dựng và sử dụng cơ sở dữ liệu của ngành vào công tác quản lý; chuyển đổi số trong chuyên môn, quản trị, dạy và học ngày càng đòi hỏi đạt đến chiều sâu hơn. “Đây vừa là cơ hội, vừa là thách thức, trong đó cần nhất là biết quản lý, biết dùng và cần dùng”.
Với từ khóa “văn hóa hóa”, theo Bộ trưởng đây là nội dung quan trọng cần phải làm. Cụ thể, cùng với giáo dục văn hóa cho học sinh thì từng nhà trường, nhà giáo, học sinh phải làm việc nữa là “văn hóa hóa giáo dục”, để tố chất văn hóa của giáo dục ngày càng sâu đậm, mẫu mực.
Thêm nữa, tập trung thực hiện tốt xây dựng văn hoá học đường trong đó kỷ cương học đường, thái độ, ứng xử của người dạy, người học là trọng tâm. Việc làm sâu sắc các tố chất của văn hóa học đường giống như kháng thể, giúp lấn át các biểu hiện tiêu cực khác.
Tại hội nghị, Bộ trưởng cũng nhấn mạnh tới một số nhiệm vụ cụ thể khác như chuẩn bị kỹ lưỡng cho kỳ thi tốt nghiệp trung học phổ thông năm 2023; phát huy lợi thế của một vùng tập trung cao và đa đạng các trường đại học, trong đó có những trường đại học hàng đầu, để giải bài toán nhân lực và tạo con đường xây dựng xã hội học tập cho vùng đất hiếu học, thích học và học có chất lượng nhất cả nước.