Đó là ý kiến phát biểu kết luận tại Hội nghị tổng kết 10 năm thực hiện Nghị quyết số 29-NQ/TW về “đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo, đáp ứng nhu cầu công nghiệp hóa, hiện đại hóa trong điều kiện kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa và hội nhập quốc tế” của Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Nguyễn Kim Sơn. Sự kiện được tổ chức vào sáng nay, ngày 14/12/2023.
Kết quả đổi mới giáo dục không đồng nhất với hoàn cảnh nơi đó giàu hay nghèo
Đánh giá cao những ý kiến đóng góp, trao đổi của các đại biểu tham dự tại hội nghị tổng kết, Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn cho biết, các đơn vị của Bộ Giáo dục và Đào tạo sẽ tiếp thu để hoàn thiện dự thảo báo cáo và đề án tổng kết 10 năm thực hiện Nghị quyết số 29.
Theo Bộ trưởng, trước đó, 63 tỉnh/thành phố đã có báo cáo tổng kết gửi về Bộ Giáo dục và Đào tạo. Bên cạnh đó, cũng đã có nhiều hội nghị tổng kết được triển khai như hội nghị do Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà chủ trì, hội nghị do Ban Tuyên giáo chủ trì, hội nghị do Hội đồng quốc gia giáo dục và phát triển nhân lực tổ chức và nhiều hội nghị khác…
Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Nguyễn Kim Sơn |
“Bản dự thảo đề án tổng kết hôm nay đã tiếp thu qua rất nhiều hội nghị và sẽ còn tiếp thu để hoàn thiện. Với sự tham gia tích cực của cả hệ thống, các địa phương, các bộ, ngành, công việc tổng kết Nghị quyết 29 đã bao quát được tiến độ, bao quát được phạm vi, đang đi được vào chiều sâu những vấn đề cần được đề cập đến trong thời gian tới”, người đứng đầu ngành giáo dục khẳng định.
Từ các trao đổi, thảo luận, Bộ trưởng khẳng định các ý kiến đều thống nhất rằng giáo dục và đào tạo trong 10 năm qua đã có những đổi mới to lớn, những chuyển biến tích cực.
Để có được những đổi mới như vậy, Nghị quyết 29 của Ban chấp hành Trung ương Đảng có ý nghĩa đặc biệt quan trọng. Đây là Nghị quyết mang tính khoa học, thể hiện tầm nhìn xa rộng và những quyết sách mạnh mẽ của Ban chấp hành Trung ương Đảng. Cho tới thời điểm này, rất nhiều nội dung quan trọng vẫn đang là quyết sách mang tính chiến lược. Nghị quyết 29 giữ vai trò quan trọng trong sự mở đường cho đổi mới giáo dục, thể hiện tầm nhìn cho sự phát triển bền vững và lâu dài của đất nước.
Lãnh đạo ngành giáo dục nhìn nhận, ở thời điểm bắt đầu đổi mới, giáo dục xuất phát thấp, khó khăn nhiều, điều kiện khó, trong khi kỳ vọng lớn, mong muốn cao, ước mong nhiều... Do vậy, những kết quả đạt được 10 năm qua cho thấy sự cố gắng vượt bậc của các bộ, ban, ngành và các địa phương. Trong đó, Bộ trưởng đánh giá cao vai trò triển khai Nghị quyết 29 của 63 tỉnh/thành phố.
“Qua quá trình đánh giá các tỉnh/thành phố, ở nơi nào, Đảng bộ, chính quyền địa phương đặc biệt quan tâm thì ở đó sự đổi mới đạt được kết quả rất cao. Điều đó lại không đồng nhất với hoàn cảnh nơi đó giàu hay nghèo. Có một số nơi điều kiện khó khăn nhưng sự đổi mới đạt được rất nhiều.
Như vậy, giữa cái khó và đổi mới dường như chỉ là sự ràng buộc tương đối. Nơi nào nhận thức, chỉ đạo quyết liệt, quyết tâm mạnh mẽ, sự đổi mới ở đó diễn ra mạnh mẽ hơn”, Bộ trưởng khẳng định.
Theo đó, lãnh đạo ngành giáo dục cảm ơn các địa phương và mong trong thời gian tới các địa phương sẽ làm tốt hơn nữa những công việc đang làm.
Theo Bộ trưởng, cả nước thực hiện tổng kết Nghị quyết 29 trong bối cảnh rất nhiều nội dung trong Nghị quyết vẫn còn đang làm, vẫn đang triển khai, vẫn chưa hoàn tất và ngay cả những việc vừa hoàn thành thì phải nhiều năm sau mới có thể nhìn thấy hết đầy đủ được giá trị, ảnh hưởng của kết quả đó; bởi giáo dục là con người cho nên không thể đơn thuần một sớm một chiều đánh giá được. Tuy nhiên, người đứng đầu ngành giáo dục khẳng định chúng ta vẫn nhìn nhận được những kết quả cụ thể và có thể đánh giá được xu hướng của sự vận động.
Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn nhấn mạnh, sự kiên định, nhất quán, thống nhất trong chỉ đạo của sự đổi mới có một ý nghĩa đặc biệt quan trọng.
Toàn cảnh hội nghị tổng kết |
Cần có hành động tương xứng với nhận thức
Bên cạnh việc khẳng định ý nghĩa đúng đắn, tầm nhìn của Nghị quyết 29, Bộ trưởng nhấn mạnh phải đồng thời phân tích những thách thức của ngành giáo dục trong bối cảnh mới.
“Giáo dục đang đứng trước nhiều thách thức mà ở thời điểm ban hành Nghị quyết chưa có điều kiện phân tích và đề cập tới nhiều. Trong đó, thách thức mới trong phát triển con người ở thời đại kinh tế thị trường đang phát triển mạnh, trong thời đại công nghệ số, không gian số, trí tuệ nhân tạo và các yếu tố mới xuất hiện,...”, Bộ trưởng phân tích.
Nhiều thách thức khác được đề cập đến như thách thức mới trong phát triển nguồn nhân lực khi những yêu cầu về năng lực mới, kỹ năng mới xuất hiện rất nhiều. Số lượng nghề nghiệp đổi mới nhanh, ranh giới rất mờ, liên ngành và tích hợp nhiều lên và yêu cầu về sự phát triển rất nhiều ngành công nghệ cao, đáp ứng yêu cầu phát triển của đất nước.
Khi nền kinh tế phát triển, đất nước phồn vinh hơn, đời sống cao hơn nhưng đứng trước việc phân hóa giàu - nghèo lớn lên thì nguy cơ mất bình đẳng trong giáo dục có thể sẽ gia tăng. Đây cũng là một thách thức lớn.
Đó là thách thức của mô hình trường học mới, mô hình giáo dục mới, phương pháp giáo dục mới, không gian giáo dục mới trong thời đại số.
“Chúng ta thường nói tới bệnh thành tích nhưng sẽ còn những vấn đề lớn phía trước, vấn đề của giá trị ảo, đối mặt với vấn đề phi truyền thống”, Bộ trưởng phát biểu.
Đại biểu tham dự hội nghị tổng kết |
Ngoài ra, người đứng đầu ngành giáo dục cũng cho rằng chúng ta đang đứng trước thách thức lớn hơn trong bối cảnh cạnh tranh toàn cầu, kể cả giáo dục phổ thông và giáo dục đại học.
Bộ trưởng nêu ví dụ, 10 năm về trước chúng ta chưa bàn luận gay gắt đến vấn đề học sinh phổ thông tìm kiếm cơ hội học tập ở nước ngoài, tuy nhiên ngày nay, các trường phổ thông tốt ở nước ngoài cũng thu hút học sinh của chúng ta. Các trường đại học cũng phải cạnh tranh nguồn lực khoa học với các trường đại học trên quy mô toàn cầu.
“Chúng ta mải miết với câu chuyện tự chủ đại học, với câu chuyện đầu tư nhưng chúng ta còn phải ứng phó với thách thức trong bối cảnh cạnh tranh toàn cầu về giáo dục”, Bộ trưởng Sơn bày tỏ.
Theo đó, tư lệnh ngành giáo dục cho biết, trong đề xuất kết luận với Bộ Chính trị, sẽ có những đề xuất nhằm tăng cường sự thích ứng, xử lý, vượt qua những thách thức trong thời kỳ sắp tới.
Trong đó, Bộ trưởng Sơn nhấn mạnh tới 3 vấn đề chính cần quan tâm, liên quan tới: Nhận thức, thể chế và nguồn lực.
Về vấn đề nhận thức, Bộ trưởng khẳng định, bản thân Nghị quyết 29 đã là đổi mới về quan điểm đối với giáo dục, nhưng nhận thức ở trong các cấp, các ngành trong giáo dục vẫn là một vấn đề lớn; sẽ còn phải tiếp tục nhận thức về đầu tư cho giáo dục, về tự chủ trong giáo dục, về xã hội hoá trong giáo dục và nhận thức trong các vấn đề chuyên môn của ngành.
Bên cạnh một nhận thức cho đầy đủ và thấu đáo, quan trọng hơn cần sự hành động tương xứng và cần sự hành động cho đến nơi đến chốn. Không chỉ dừng lại ở gia tăng về nhận rằng “giáo dục là quốc sách hàng đầu”, Bộ trưởng nhấn mạnh phải có hành động tương xứng với nhận thức để những vấn đề của Nghị quyết 29 được thực hiện một cách đầy đủ và triệt để trong thời gian sắp tới.
Về vấn đề thể chế, sẽ cần tiếp tục rà soát các văn bản, các bộ luật, xây dựng luật mới là Luật Nhà giáo; đồng thời, rà soát các văn bản quy phạm pháp luật để mở đường cho xã hội hoá trong giáo dục, tự chủ trong giáo dục và mở đường cho những đổi mới khác.
Vấn đề nguồn lực, Bộ trưởng nhấn mạnh tới 2 từ khóa quan trọng là tiền và con người.
“Càng ngày chúng ta càng nhận thức sâu sắc và toàn diện vai trò có tính chất quyết định của lực lượng nhà giáo trong công cuộc đổi mới này và chắc chắn chúng ta sẽ phải làm nhiều việc hơn nữa phát triển đội ngũ nhà giáo để hoàn tất các mục tiêu đổi mới giáo dục trong thời gian sắp tới”, Bộ trưởng chia sẻ.