Với sự nỗ lực và quyết tâm ngừng của cả hệ thống chính trị, sau 10 năm triển khai thực hiện Nghị quyết số 29-NQ/TW về đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo, mục tiêu và nhiệm vụ đổi mới giáo dục và đào tạo nước ta đã đạt được nhiều kết quả tích cực. Trong đó phải kể đến công tác thực hiện phổ cập giáo dục mầm non và tiểu học.
Nhiều tiến bộ trong phổ cập giáo dục mầm non 5 tuổi, tiểu học
Chia sẻ với phóng viên Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam, Phó Giáo sư, Tiến sĩ Trần Xuân Nhĩ – nguyên Thứ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo, hiện đang là Phó Chủ tịch thường trực Hiệp hội Các trường đại học, cao đẳng Việt Nam nhấn mạnh, từ khi Nghị quyết 29 được ban hành đến nay, công tác phổ cập giáo dục mầm non 5 tuổi và phổ cập giáo dục tiểu học đã đạt được nhiều kết quả đáng mừng.
Phó Giáo sư, Tiến sĩ Trần Xuân Nhĩ – hiện đang là Phó Chủ tịch thường trực Hiệp hội Các trường đại học, cao đẳng Việt Nam. |
Theo đó, Nghị quyết 29 đã đề ra những mục tiêu cần thực hiện đối với giáo dục mầm non gồm: Giúp trẻ phát triển thể chất, tình cảm, hiểu biết, thẩm mỹ, hình thành các yếu tố đầu tiên của nhân cách, chuẩn bị tốt cho trẻ bước vào lớp 1; Hoàn thành phổ cập giáo dục mầm non cho trẻ 5 tuổi vào năm 2015, nâng cao chất lượng phổ cập trong những năm tiếp theo và miễn học phí trước năm 2020; Từng bước chuẩn hóa hệ thống các trường mầm non; Phát triển giáo dục mầm non dưới 5 tuổi có chất lượng phù hợp với điều kiện của từng địa phương và cơ sở giáo dục.
Thống kê từ Bộ Giáo dục và Đào tạo cho thấy, đến năm 2017, toàn quốc đã hoàn thành phổ cập giáo dục mầm non cho trẻ 5 tuổi với 63/63 tỉnh, thành đạt chuẩn phổ cập này. Trong khi, năm 2013, cả nước mới chỉ có 11 tỉnh, thành được công nhận đạt chuẩn.
Năm học 2022-2023, số lượng và tỉ lệ huy động trẻ em đến trường đều tăng mạnh so với năm học trước. Theo đó, cả nước đã huy động 5.172.450 trẻ em tới trường, lớp (tăng 250.028 trẻ). Có 1.207.376 trẻ em được huy động đến các cơ sở giáo dục mầm non ngoài công lập, đạt tỉ lệ 23.3% (giảm 0.3%), trong đó có 17/63 tỉnh đạt chỉ tiêu về tỉ lệ trẻ em tại cơ sở giáo dục mầm non ngoài công lập đề ra tại Quyết định số 1677/QĐ-TTg.
Có thể thấy rằng, giáo dục mầm non đã có sự phát triển về mặt số lượng khi ngày càng gia tăng, thu hút được số lượng trẻ em trong độ tuổi được đến trường.
Bên cạnh việc gia tăng về số lượng, theo Phó Giáo sư Trần Xuân Nhĩ, về mặt chất lượng trong đào tạo giáo dục mầm non cũng có sự cải thiện rõ rệt khi Luật Giáo dục 2019 đã quy định về trình độ chuẩn được đào tạo của nhà giáo. Theo đó, chuẩn trình độ của giáo viên mầm non là tốt nghiệp cao đẳng sư phạm trở lên. Việc yêu cầu nâng cao về trình độ của giáo viên như vậy sẽ giúp giáo dục mầm non có được chất lượng tốt hơn.
Hơn nữa, điều kiện cơ sở vật chất cho các cơ sở giáo dục mầm non cũng ngày càng nhận được nhiều sự quan tâm đầu tư của nhà nước và các địa phương, đặc biệt là ở các khu vực miền núi, vùng sâu, vùng xa.
Số liệu thống kê năm học 2022 – 2023 từ Bộ Giáo dục và Đào tạo cho thấy, cả nước hiện có 14.890 trường (tỉ lệ 97.1%) có sân chơi riêng, có thiết bị đồ chơi ngoài trời theo quy định; có 167.200 nhóm, lớp (82.3%) có đủ đồ dùng, đồ chơi, thiết bị dạy học tối thiểu theo quy định; có 28.661 bếp ăn, với 46.046 phòng tổ chức ăn cho trẻ; 20.078 công trình vệ sinh; có thêm 659 trường mầm non được công nhận đạt chuẩn quốc gia. Những yếu tố này đã góp phần tạo điều kiện thuận lợi hơn cho trẻ khi vào lớp 1, thực hiện theo mục tiêu của Nghị quyết 29.
Đặc biệt, trong giai đoạn 2011 - 2023, Chính phủ đã ban hành 12 nghị định, Thủ tướng Chính phủ ban hành 15 quyết định, Bộ Giáo dục và Đào tạo đã ban hành 16 thông tư liên quan đến giáo dục mầm non. Trong đó, Chính phủ ban hành các đề án khá quan trọng cho giáo dục mầm non.
Không chỉ có nhiều tiến bộ trong việc phổ cập giáo dục mầm non 5 tuổi, Phó Giáo sư Trần Xuân Nhĩ đánh giá công tác phổ cập giáo dục tiểu học cũng đạt được nhiều kết quả nổi bật kể từ khi Nghị quyết 29 được ban hành. Vào năm 2000, cả nước đã hoàn thành phổ cập giáo dục tiểu học và đến nay vẫn duy trì tốt tỉ lệ này.
Thống kê số liệu từ Bộ Giáo dục và Đào tạo cho thấy, cả nước hiện vẫn duy trì có 63/63 tỉnh, thành phố đạt chuẩn phổ cập giáo dục tiểu học, đạt tỷ lệ 100%. Trong đó, có 29/63 tỉnh, thành phố được Bộ Giáo dục và Đào tạo công nhận đạt chuẩn phổ cập giáo dục tiểu học mức độ 3, đạt tỷ lệ 46%.
Không những vậy, các địa phương đã làm tốt công tác tham mưu với các cấp ủy, chính quyền quan tâm, chỉ đạo tập trung các nguồn lực để xây dựng, nâng cao chất lượng trường tiểu học nhằm đảm bảo hiệu quả kiểm định chất lượng giáo dục và xây dựng trường đạt chuẩn quốc gia; xây dựng trường đạt chuẩn quốc gia gắn với Chương trình mục tiêu quốc gia về xây dựng nông thôn mới. Do đó, đã có nhiều địa phương được công nhận thêm trường tiểu học đạt chuẩn quốc gia.
Tỷ lệ trung bình trường tiểu học đạt chuẩn quốc gia trên toàn quốc tính đến thời điểm hiện tại đã đạt 62%, trong đó có 2.086 trường tiểu học đạt chuẩn quốc gia mức độ 2, đạt tỷ lệ 14,2%. Ngoài ra, tỉ lệ huy động học sinh nhập học đúng độ tuổi tính đến đầu năm học 2022-2023 đã đạt 99,7%.
Có thể thấy rằng, các địa phương đã làm tốt công tác điều tra phổ cập, dự báo được tình hình tăng, giảm học sinh tại các địa bàn, đáp ứng được các điều kiện về cơ sở vật chất và giáo viên. Từ đó, thực hiện tổ chức dạy học đúng quy định của chương trình và đảm bảo số lượng học sinh/lớp theo đúng quy định tại Điều lệ trường tiểu học.
Công tác kiện toàn ban chỉ đạo phổ cập giáo dục cũng được các địa phương đặc biệt quan tâm; tích cực tham mưu các cấp lãnh đạo chính quyền địa phương xây dựng kế hoạch, tập trung mọi nguồn lực với giải pháp tích cực nhằm củng cố, duy trì đạt chuẩn phổ cập giáo dục tiểu học và phấn đấu đạt chuẩn mức độ cao hơn để nâng cao chất lượng giáo dục tiểu học, thực hiện “giáo dục tiểu học là giáo dục bắt buộc” theo Luật Giáo dục 2019.
Mặt khác, các cơ sở giáo dục tiểu học cũng đã tích cực, chủ động tham mưu lãnh đạo chính quyền địa phương cũng như đề ra nhiều biện pháp, tạo điều kiện thuận lợi để huy động tối đa trẻ em trong độ tuổi vào học tiểu học tại địa bàn. Đặc biệt là đối với trẻ em có hoàn cảnh khó khăn và trẻ em khuyết tật được đi học và hoàn thành chương trình tiểu học.
Còn nóng vội trong việc nâng cao trình độ của giáo viên mầm non, tiểu học
Bên cạnh những kết quả đạt được, việc phổ cập giáo dục mầm non và phổ cập giáo dục tiểu học vẫn còn một số tồn tại, hạn chế. Phó Giáo sư Trần Xuân Nhĩ phân tích, đối với phổ cập giáo dục mầm non, đến nay, mặc dù cả nước đã hoàn thành phổ cập giáo dục mầm non cho trẻ 5 tuổi, tuy nhiên ở một số địa phương, tỷ lệ trẻ dưới 5 tuổi được huy động đến trường, tiếp cận với giáo dục mầm non vẫn còn thấp.
Mặt khác, có thể thấy rằng, việc nâng cao trình độ của giáo viên mầm non lên trình độ cao đẳng là rất tốt nhưng có thể do sự kỳ vọng này lớn nên vô tình đã dẫn đến việc giảm sút số lượng giáo viên mầm non trong thời gian vừa qua. Không những vậy, mức lương cho giáo viên mầm non hiện tại vẫn còn khá thấp so với mức độ công việc họ phải làm.
Ảnh minh họa: Phạm Linh. |
Đáng nói, một số địa phương hiện nay đang dư thừa về cơ sở vật chất khi sắp xếp các tổ chức hành chính từ xã, huyện đến tỉnh, thành phố, trong khi đó, cơ sở vật chất cho giáo dục còn đang thiếu. Vậy nên, Phó Giáo sư Trần Xuân Nhĩ mong rằng, các địa phương cần phải ưu tiên sử dụng cơ sở vật chất cho giáo dục, đặc biệt là giáo dục mầm non.
Không những vậy, cần phải nghiên cứu để tạo thêm điều kiện, chế độ tốt hơn cho giáo viên mầm non, từ đó thu hút được số lượng giáo viên mầm non đáp ứng với nhu cầu. Ngoài ra, cần đầu tư hơn vào việc giáo dục sớm thay vì chỉ chú trọng vào mỗi trẻ 5 tuổi bởi giáo dục sớm rất quan trọng, ảnh hưởng trực tiếp đến chất lượng của nguồn nhân lực trong tương lai.
Đối với giáo dục tiểu học, Phó Giáo sư Trần Xuân Nhĩ chia sẻ, khó khăn của bậc tiểu học hiện nay là hầu hết các tỉnh, thành phố đều phải đối mặt với tình trạng thiếu giáo viên, đặc biệt là từ khi thực hiện Chương trình giáo dục phổ thông mới.
“Chúng ta thực hiện đổi mới giáo dục theo mục tiêu của Nghị quyết 29, thực hiện Chương trình giáo dục phổ thông 2018 nhưng lộ trình chuẩn bị đội ngũ giáo viên lại không được chuẩn bị sớm để kịp thời đáp ứng nên công tác đổi mới vẫn chưa thực sự đồng bộ”, Phó Giáo sư Trần Xuân Nhĩ nhấn mạnh.
Theo nguyên Thứ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo, việc nâng cao trình độ đội ngũ giáo viên là nhiệm vụ quan trọng phải làm, song cần có lộ trình thật hợp lý, cần duy trì hệ thống trường sư phạm địa phương trên cơ sở quy hoạch, sắp xếp phù hợp với từng địa phương. Không thể vì yêu cầu nâng chuẩn trình độ giáo viên mà vội vàng “xóa sổ” các trường cao đẳng sư phạm địa phương, thay vào đó, phải giao nhiệm vụ cho các cơ sở đào tạo này. Bởi đây là những cơ sở có truyền thống, kinh nghiệm về đào tạo giáo viên, nếu chỉ tập trung chủ yếu giao nhiệm vụ đào tạo cho các trường đại học sư phạm như hiện nay thì nguy cơ thiếu giáo viên trong tương lai có thể nhìn thấy rõ.
Để khắc phục tình trạng thiếu giáo viên hiện nay, Phó Giáo sư Trần Xuân Nhĩ đề xuất, cần phải khôi phục lại hệ thống đào tạo cao đẳng sư phạm địa phương và phân cấp cho các địa phương chịu trách nhiệm đào tạo giáo viên từ tiểu học đến trung học cơ sở theo hướng có lộ trình rõ ràng, cụ thể. Từ đó, có thể nâng cấp, bồi dưỡng, đào tạo giáo viên nhằm phục vụ tốt hơn cho Chương trình giáo dục phổ thông 2018.