Bộ trưởng Bộ Xây nêu giải pháp cho các dự án “treo bền vững”

03/11/2022 18:31
Ngân Chi
0:00 / 0:00
0:00
GDVN-Bộ trưởng Bộ Xây dựng trả lời các chất vấn của ĐBQH liên quan đến các dự án “treo bền vững” và việc di dời trường đại học ra khỏi nội đô diễn ra còn chậm.

Chiều ngày 3/11, phiên chất vấn và trả lời chất vấn về nhóm vấn đề thứ nhất thuộc lĩnh vực xây dựng.

Giải pháp cho các dự án quy hoạch “treo” và “treo bền vững”

Phát biểu mở đầu trước khi trả lời chất vấn, Bộ trưởng Nguyễn Thanh Nghị cho biết, từ đầu nhiệm kỳ, Bộ Xây dựng đã luôn nỗ lực, cố gắng và đạt được nhiều kết quả quan trọng trong công tác quản lý Nhà nước trên các lĩnh vực được phân công theo chức năng, nhiệm vụ. Song, vẫn còn những hạn chế, tồn tại và những kết quả chưa được như mong muốn.

Toàn cảnh phiên chất vấn chiều 3/11. Ảnh: quochoi.vn.

Toàn cảnh phiên chất vấn chiều 3/11. Ảnh: quochoi.vn.

“Chúng tôi nhận thức rõ trách nhiệm của mình về các hạn chế, tồn tại này; đã và đang thực hiện kế hoạch để nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác quản lý nhà nước nhằm sớm khắc phục các hạn chế tồn tại của toàn ngành và của Bộ Xây dựng” - vị tư lệnh ngành cho biết, sẵn sàng lắng nghe chất vấn của các đại biểu Quốc hội.

Bộ trưởng Bộ Xây dựng Nguyễn Thanh Nghị trả lời chất vấn chiều 3/11. Ảnh: quochoi.vn.

Bộ trưởng Bộ Xây dựng Nguyễn Thanh Nghị trả lời chất vấn chiều 3/11. Ảnh: quochoi.vn.

Là đại biểu đầu tiên đặt câu hỏi chất vấn đến Bộ trưởng Bộ Xây dựng, Đại biểu Nguyễn Thị Lệ (Đoàn Đại biểu Quốc hội thành phố Hồ Chí Minh) quan tâm đến chính sách phát triển nhà ở xã hội.

Đại biểu Nguyễn Thị Lệ (Đoàn Đại biểu Quốc hội thành phố Hồ Chí Minh) quan tâm đến chính sách phát triển nhà ở xã hội. Ảnh: quochoi.vn.

Đại biểu Nguyễn Thị Lệ (Đoàn Đại biểu Quốc hội thành phố Hồ Chí Minh) quan tâm đến chính sách phát triển nhà ở xã hội. Ảnh: quochoi.vn.

Cụ thể, nữ đại biểu cho biết, việc phát triển nhà ở xã hội trong thời gian qua chủ yếu từ nguồn lực xã hội hóa, do vậy, việc hoàn thiện các dự án nhà ở xã hội phụ thuộc phần lớn vào các chủ đầu tư dự án.

Mặt khác, quy định pháp luật về nhà ở chưa đảm bảo cho việc tạo nguồn cung nhà ở xã hội và chưa nâng cao trách nhiệm xã hội của các doanh nghiệp, chủ đầu tư dự án.

Chính vì vậy, nguồn cung nhà ở xã hội trong thời gian qua còn ít, chưa đáp ứng nhu cầu nhà ở xã hội của công nhân, viên chức, người lao động.

Do đó, trong thời gian tới, Bộ Xây dựng có ban hành hoặc đề xuất ban hành chính sách gì để khuyến khích phát triển nhà ở xã hội, đặc biệt là hỗ trợ vốn và đơn giản hóa thủ tục hành chính trong quy trình đầu tư phát triển nhà ở xã hội?

Đồng thời, có biện pháp như nào để đảm bảo hiệu lực trong thực hiện các quy định về đầu tư xây dựng nhà ở xã hội nhằm tăng nguồn cung nhà ở xã hội, nâng cao trách nhiệm xã hội của các doanh nghiệp, chủ đầu tư và đáp ứng được nhu cầu nhà ở xã hội của công nhân, viên chức, người lao động có thu nhập thấp?

Trả lời câu hỏi này, Bộ trưởng Bộ Xây dựng cho biết: Những năm qua, việc chăm lo giải quyết nhà ở cho người dân được Nhà nước quan tâm, nhất là đẩy mạnh phát triển nhà ở xã hội để giải quyết nhu cầu của người thu nhập thấp, công nhân.

Việc xây nhà ở xã hội đã đạt được kết quả nhưng so với yêu cầu đặt ra chưa như mong muốn, mới đạt được 7,79 triệu m² so với yêu cầu 12 triệu m². Nhà ở xã hội mới đạt được 36% so với nhu cầu.

Một số tồn tại là quy định pháp luật còn vướng mắc, đặc biệt là Luật Nhà ở và Luật khác có liên quan đến trình tự thủ tục đầu tư, giá nhà ở xã hội, chính sách ưu đãi cho chủ đầu tư, quy định nhà ở xã hội phải dành tối thiểu 20% cho thuê. Đây là những hạn chế trong phát triển nhà ở xã hội. Việc bố trí nguồn vốn xây nhà xã hội cũng gặp khó khăn, mới đáp ứng được 35% yêu cầu.

Thời gian qua, một số địa phương chưa thực sự quan tâm xây dựng nhà ở xã hội, nhà công nhân, nên chưa đưa vào kế hoạch phát triển kinh tế xã hội 5 năm, hàng năm; chưa xác định rõ quỹ đất; chưa quan tâm xây dựng hạ tầng kỹ thuật quanh khu vực làm nhà ở xã hội; chưa quan tâm tháo gỡ khó khăn vướng mắc để tạo thuận lợi cho doanh nghiệp và người dân tham gia xây nhà ở xã hội.

Bộ trưởng cũng cho biết, thời gian tới, Bộ Xây dựng sẽ hoàn thiện hệ thống pháp luật, tháo gỡ vướng mắc tạo điều kiện thuận lợi nhằm tăng nguồn cung nhà ở xã hội. Đồng thời, các cơ quan sẽ tập trung triển khai đề án phát triển nhà ở cho người thu nhập thấp, công nhân.

Đại biểu Quốc hội Tạ Thị Yên (Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Điện Biên) đặt câu hỏi: Gần đây, ở một số dự án nhà ở, tình trạng cư dân căng băng rôn, thậm chí tập trung đông người, yêu cầu chủ đầu tư phải trả cho người mua sổ hồng, sổ đỏ, giấy chứng nhận quyền sử dụng nhà ở, đất ở. Tình trạng này là do chủ đầu tư chưa thực hiện đầy đủ các nghĩa vụ tài chính đối với nhà nước, hoặc các quy trình, thủ tục về đầu tư xây dựng theo luật định, kể cả quy định về phòng cháy, chữa cháy.

Với trách nhiệm quản lý Nhà nước của mình theo Luật Nhà ở, nữ đại biểu đề nghị Bộ trưởng cho biết sẽ giải quyết vấn đề này như thế nào, có biện pháp, chế tài nào để các chủ đầu tư thực hiện cam kết trả giấy chứng nhận quyền sử dụng nhà ở, đất ở cho chủ sở hữu nhà ở, đất ở?

Đại biểu Quốc hội Tạ Thị Yên (Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Điện Biên) phát biểu Ảnh: quochoi.vn.

Đại biểu Quốc hội Tạ Thị Yên (Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Điện Biên) phát biểu Ảnh: quochoi.vn.

Trả lời vấn đề này, Bộ trưởng Bộ Xây dựng cho biết, việc quản lý vận hành chung cư được quy định tương đối đầy đủ, từng bước đi vào nền nếp, khắc phục cơ bản các tồn tại.

Nhưng vẫn còn đó một số hiện tượng như đại biểu phản ánh. Qua thanh tra giải quyết khiếu nại nhận thấy tranh chấp nhà chung cư xuất phát từ 5 nhóm vấn đề trong đó có cấp giấy chứng nhận quyền sở hữu nhà, sử dụng đất.

Thời gian qua Bộ đã tiến hành thanh tra xử lý hành vi vi phạm yêu cầu chủ đầu tư giải quyết tranh chấp, khiếu nại.

Thời gian tới, Bộ Xây dựng sẽ rà soát, hoàn thiện các quy định hiện hành về quản lý, sử dụng nhà chung cư. Với những hành vi vi phạm, ông Nghị cho biết sẽ đề nghị cơ quan chức năng xử lý.

Tại phiên chất vấn, Đại biểu Dương Khắc Mai (Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Đắk Nông) đặt câu hỏi về thời gian qua, công tác quy hoạch và quản lý quy hoạch Nhà nước về quy hoạch phát triển đô thị đã đạt được những bước tiến mới quan trọng. Tuy nhiên, các vi phạm, sai phạm trong lĩnh vực này trên địa bàn cả nước vẫn còn diễn biến phức tạp, nhiều nơi chất lượng quy hoạch không đảm bảo, đặc biệt là tình trạng quy hoạch nhiều năm nhưng chưa thực hiện hay còn gọi là quy hoạch “treo” và không ít nơi “treo bền vững”.

Đại biểu Dương Khắc Mai (Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Đắk Nông) đặt câu hỏi về tình trạng quy hoạch nhiều năm nhưng chưa thực hiện hay còn gọi là quy hoạch “treo” và không ít nơi “treo bền vững”. Ảnh: quochoi.vn.

Đại biểu Dương Khắc Mai (Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Đắk Nông) đặt câu hỏi về tình trạng quy hoạch nhiều năm nhưng chưa thực hiện hay còn gọi là quy hoạch “treo” và không ít nơi “treo bền vững”. Ảnh: quochoi.vn.

Thực trạng này gây lãng phí nguồn lực xã hội, cản trở sự phát triển chung của đất nước, gây bức xúc trong dư luận và người dân, nhất là những người dân nằm trong khu vực quy hoạch “treo”, sống trong chờ đợi mỏi mòn. Xin Bộ trưởng cho biết trách nhiệm, giải pháp của Bộ Xây dựng và cá nhân Bộ trưởng để giải quyết căn cơ vấn đề này?

Liên quan đến xây dựng sai phép, không phép, Bộ trưởng Bộ Xây dựng cho biết, các vi phạm về xây dựng là vi phạm rất khó khắc phục hậu quả, do đó, giải pháp phát hiện, khắc phục phòng ngừa là giải pháp ưu tiên.

Theo Bộ trưởng, pháp luật về quản lý trật tự xây dựng tương đối chặt chẽ và đồng bộ theo hướng tăng nặng xử phạt và buộc phá dỡ các công trình vi phạm. Theo báo cáo mới đây, tỷ lệ vi phạm về xây dựng đã giảm hàng năm…

Về vấn đề vi phạm trật tự xây dựng, Bộ trưởng cho biết, các quy định về xử lý vi phạm hành chính tương đối đầy đủ, chế tài đã rõ. Bộ Xây dựng với trách nhiệm quản lý Nhà nước có trách nhiệm hướng dẫn đôn đốc triển khai thực hiện các văn bản quy phạm pháp luật để quản lý theo đúng quy định; rà soát, điều chỉnh bổ sung văn bản, hướng dẫn các địa phương triển khai thực hiện nghiêm các quy định.

Tiếp thu ý kiến đại biểu, trong thời gian tới, Bộ sẽ rà soát, sửa đổi bổ sung quy định kịp thời, để quản lý chặt chẽ hơn, hạn chế vi phạm trật tự xây dựng.

Nhiều nguyên nhân khiến trụ sở Bộ, ngành, trường đại học chậm di dời

Trong phiên chất vấn, các địa biểu cũng đề cập đến nhiều nội dung khác.

Tham gia chất vấn nhóm vấn đề về Xây dựng tại phiên họp, Đại biểu Trần Văn Tiến (Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Vĩnh Phúc) đề nghị Bộ trưởng đánh giá về tiến độ di dời các trụ sở Bộ, ngành, cơ sở công nghiệp, trường đại học ra khỏi nội đô Hà Nội trong thời gian qua và giải pháp nào để đẩy nhanh tiến độ di dời trong thời gian tới?

Đại biểu Trần Văn Tiến (Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Vĩnh Phúc) đề nghị Bộ trưởng đánh giá về tiến độ di dời các trụ sở Bộ, ngành, cơ sở công nghiệp, trường đại học ra khỏi nội đô. Ảnh: quochoi.vn.

Đại biểu Trần Văn Tiến (Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Vĩnh Phúc) đề nghị Bộ trưởng đánh giá về tiến độ di dời các trụ sở Bộ, ngành, cơ sở công nghiệp, trường đại học ra khỏi nội đô. Ảnh: quochoi.vn.

Liên quan đến vấn đề về tiến độ di dời các trụ sở Bộ, ngành, cơ sở công nghiệp, trường đại học, Bộ trưởng nêu rõ, đúng như đánh giá của đại biểu, việc di dời triển khai chậm.

Nguyên nhân của chậm trễ này là: Có cơ quan chưa quyết liệt thực hiện nhiệm vụ, chậm xây dựng dự án di dời; nguồn ngân sách bố trí di dời và đầu tư hạ tầng kỹ thuật còn hạn chế; chưa huy động nguồn lực ngoài ngân sách.

Về trách nhiệm, Bộ trưởng cho rằng, Bộ chịu trách nhiệm chung về giám sát đôn đốc; các cơ quan chịu trách nhiệm cụ thể theo nhiệm vụ Chính phủ giao chưa quyết liệt thực hiện nhiệm vụ. Về giải pháp, Bộ trưởng cho rằng, cần thúc đẩy tiến độ quy hoạch ngành quốc gia, lộ trình di dời, biện pháp thực hiện; cơ chế chính sách di dời; tăng cường sự phối hợp của Bộ ngành…

Đại biểu Trần Văn Lâm (Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Bắc Giang) phát biểu: “Phát triển đô thị là nhiệm vụ rất quan trọng trong giai đoạn hiện nay. Tuy nhiên, hiện thực trạng ngập úng đô thị xảy ra ở khắp nơi tương đối cao như Lào Cai, Đà Lạt, Quảng Ninh, Hải Phòng, Nha Trang, Thành phố Hồ Chí Minh, Cần Thơ hay ở Hà Nội mưa là lụt và ngập.

Đại biểu Trần Văn Lâm (Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Bắc Giang) chất vấn tình trạng kẹt xe, tắc nghẽn giao thông do mật độ xây dựng quá cao. Ảnh: quochoi.vn.

Đại biểu Trần Văn Lâm (Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Bắc Giang) chất vấn tình trạng kẹt xe, tắc nghẽn giao thông do mật độ xây dựng quá cao. Ảnh: quochoi.vn.

Bên cạnh đó, tình trạng kẹt xe, tắc nghẽn giao thông do mật độ xây dựng quá cao, không đảm bảo tỉ lệ hạ tầng giao thông với mật độ dân cư.

Những vấn đề trên đã xuất hiện từ lâu nhưng ngày càng chậm, chạy chưa thấy hướng ra”.

Với trách nhiệm quản lý của ngành trong vấn đề quản lý Nhà nước về quy hoạch xây dựng, phát triển đô thị, Đại biểu Trần Văn Lâm đề nghị Bộ trưởng cho biết chủ trương, giải pháp nào để giải quyết tình trạng trên để phục vụ cho việc xây dựng phát triển đô thị đạt được những cái kết quả tốt hơn trong thời gian tới?

Trước những ý kiến chất vấn trên, Bộ trưởng Bộ Xây dựng thông tin, việc thực hiện công tác này vẫn còn một số tồn tại, khó khăn. Cụ thể là hành lang pháp lý vẫn còn vướng mắc trong việc phát triển nhà ở xã hội, nhà ở công nhân, cần tiếp tục nghiên cứu sửa đổi tại Luật Nhà ở và các luật khác liên quan, Về tổ chức thực hiện vẫn còn khó khăn đó là ngân sách Trung ương chưa bố trí được đầy đủ nguồn vốn ưu đãi thực hiện chính sách nhà ở xã hội, nhà ở công nhân; một số địa phương chưa chú trọng việc này để tập trung nguồn lực đầu tư hoặc phát triển quỹ đất...

Cho rằng tình hình triển khai, phát triển nhà ở xã hội còn chưa đạt yêu cầu, Bộ trưởng Bộ Xây dựng cho biết, trong thời gian tới, để thúc đẩy phát triển nhà ở xã hội, các bộ ngành cần tập trung hoàn thiện hệ thống pháp luật có liên quan đến nhà ở, đặc biệt là nhà ở xã hội để tháo gỡ những vướng mắc, tạo điều kiện thuận lợi làm tăng nguồn cung nhà ở xã hội, tháo gỡ những nút thắt cho các dự án xây dựng nhà ở đô thị.

Về chất vấn của đại biểu đối với việc thoát nước đô thị, dù được các địa phương quan tâm nhưng vấn đề ngập úng vẫn chưa được giải quyết cơ bản, còn bất cập làm ảnh hưởng đời sống người dân.

Về nguyên nhân của tình trạng này, Bộ trưởng cho biết là do điều kiện tự nhiên môi trường, do quy hoạch, do quá trình bê tông hóa, nguồn lực đầu tư chưa đáp ứng được yêu cầu. Thời gian tới, Bộ Xây dựng sẽ tập trung nâng cao chất lượng quy hoạch, hướng dẫn các địa phương điều chỉnh quy hoạch có tính tới việc thoát nước, chống nước biển dâng; tập trung nguồn lực xây dựng đồng bộ các công trình thoát nước theo quy hoạch, tăng cường thanh tra kiểm tra để việc thoát nước đạt được yêu cầu đề ra...

Liên quan đến vấn đề bàn giao công trình đô thị, Bộ trưởng cho biết, đúng như ý kiến đại biểu, nhiều địa phương trong cả nước đã phát triển các dự án nhà ở, dự án đô thị khác nhau về cả quy mô và chất lượng hạ tầng. Tuy nhiên đến thời điểm hiện tại nhiều dự án chưa bàn giao đã xuống cấp. Nguyên nhân là do quy định pháp luật về xây dựng đô thị mới chỉ mang tính nguyên tắc, do đó bàn giao quản lý còn lúng túng khi thực hiện, dự án kéo dài nên bị ảnh hưởng; nhiều dự án chủ đầu tư không thực hiện duy tu bảo dưỡng; nguồn lực quản lý chính quyền đô thị còn chưa tốt...

Trong thời gian tới, Bộ sẽ tập trung giải pháp rà soát quy định pháp luật để quy định rõ hơn trách nhiệm chủ đầu tư; quy định rõ cơ quan nhà nước thẩm định dự án hạ tầng đô thị; đề xuất sửa đổi một số Nghị định về nội dung này, trong đó có xử phạt hành chính nếu không tuân thủ…

Làm rõ giải pháp cho doanh nghiệp gặp khó trong quy định đấu thầu

Đặt vấn đề chất vấn Bộ trưởng Bộ Xây dựng Nguyễn Thanh Nghị tại hội trường, Đại biểu Dương Văn Phước (Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Quảng Nam) đề cập, theo cơ chế hiện nay việc đấu thầu hợp đồng trọn gói hoặc theo đơn giá cố định sẽ không được điều chỉnh giá trong khi giá có thể biến động rất lớn, không thể lường trước được.

Đại biểu Phước nhấn mạnh, nhiều doanh nghiệp, nhất là doanh nghiệp vừa và nhỏ trúng thầu các công trình có vốn từ ngân sách nhà nước gặp nhiều khó khăn, có nguy cơ bị phá sản.

Cuối cùng, Đại biểu Dương Văn Phước đề nghị Bộ trưởng Nguyễn Thanh Nghị cho biết Bộ trưởng có suy nghĩ gì về vấn đề này? Giải pháp của Bộ trưởng về vấn đề này trong thời gian tới ra sao?

Trả lời câu hỏi của Đại biểu Dương Văn Phước liên quan đến hợp đồng xây dựng, Bộ trưởng Bộ Xây dựng cho biết, đúng như đại biểu phản ánh, trong thời gian qua, giá vật liệu tăng mạnh và điều này tác động lớn đến công tác quản lý, thực hiện hoạt động xây dựng cũng như là quản lý thực triển khai thực hiện các dự án đầu tư, đặc biệt là dự án trọng điểm quốc gia, các dự án đầu tư công.

Trước tình hình thực tế nói trên, Bộ Xây dựng đã triển khai các nhiệm vụ như tổ chức hội nghị, gửi văn bản để yêu cầu về hướng dẫn các địa phương công bố giá vật liệu xây dựng theo đúng quy định pháp luật và tăng tần suất công bố lên, thường xuyên cập nhật điều chỉnh công bố giá vật liệu xây dựng cũng như chỉ số giá xây dựng. Bộ cũng cũng như tăng cường kiểm tra, hướng dẫn, đôn đốc các địa phương công bố giá vật liệu xây dựng.

Thời gian tới, Bộ Xây dựng tiếp tục rà soát lại các quy định của pháp luật về đầu tư cũng như hợp đồng xây dựng để có đề xuất phù hợp hơn với diễn biến thực tế của tình hình, quy định rõ các trường hợp bất khả kháng.

Ngân Chi