Tiếp tục trao đổi về phần trả lời chất vấn của Bộ trưởng Hoàng Tuấn Anh tại Quốc hội, đại biểu Nguyễn Sỹ Cương (Ninh Thuận) cho rằng vấn đề du lịch là rất rộng, liên quan đến du lịch còn có các vấn đề khác như: cơ sở hạ tầng, giao thông, an ninh trật tự… phát triển được các lĩnh vực này mới phát triển được du lịch.
Đại biểu Nguyễn Sỹ Cương hoàn toàn chia sẻ với phần trả lời chất vấn của Bộ trưởng Hoàng Tuấn Anh tại Quốc hội về vấn đề này.
Bộ trưởng Hoàng Tuấn Anh (thứ 2, bên phải qua) cùng các Đại biểu quốc hội bên lề kỳ họp thứ 10 Quốc hội khóa XIII (Ảnh: Thanh Liêm) |
Theo ông Cương, không thể nói gói gọn lĩnh vực du lịch là phát triển được. Trong quản lý nhà nước về du lịch đòi hỏi kết hợp nhiều yếu tố, nhưng hiện nay đầu tư của nhà nước cho du lịch vẫn rất hạn chế.
“Trong tình trạng thắt lưng buộc bụng như hiện nay, ngành du lịch của chúng ta vẫn chủ yếu là khai thác những thứ sẵn có như thiên nhiên hoang dã, đầu tư bài bản còn hạn chế, do đầu tư và sự quan tâm đến du lịch của các cấp chưa đúng mức”, đại biểu Cương nhận định.
TS. Nguyễn Thị Thúy Thiệp, Chuyên gia Kinh tế thì cho rằng: “Tôi hoàn toàn đồng tình với ý kiến của Đại biểu Dương Trung Quốc và Đại biểu Nguyễn Sỹ Cương, bởi Bộ trưởng Hoàng Tuấn Anh đã nói lên sự thật mà ít Bộ trưởng dám nói”.
Sự thật thì thường hay mất lòng và với câu nói của Bộ trưởng có thể mỗi người có một cách nghĩ khác nhau nhưng theo đại biểu Dương Trung Quốc là chúng ta nên nghĩ theo hướng thiện chí hơn.
Ở đây, Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đã nói lên một sự thật, vấn đề của ngành du lịch phải phụ thuộc rất nhiều yếu tố bên ngoài, có rất nhiều vấn đề bất cập của ngành, nhưng để khắc phục hết không phải là đơn giản trong bối cảnh kinh tế khó khăn như hiện nay.
Và vấn đề trao lại cho người kế nhiệm xem lại di sản đó là điều hết sức cần thiết, tuy nhiên có thể mỗi người nghĩ một cách khác nhau về truyền trách nhiệm. Bộ trưởng Hoàng Tuấn Anh đã thấy có gánh nặng gì thì phải nói ra, có người gánh tiếp và đó là sự thực.
Đến đại biểu Dương Trung Quốc là người hoạt động trong lĩnh vực văn hóa còn phải cảm nhận rằng, bản thân ông cũng biết có nhiều bất cập của ngành Văn hóa, Thể thao, Du lịch. Có nhiều khó khăn, chỉ cần một sự thay đổi giá dầu thôi cũng có thể làm thay đổi tất cả và mong muốn của chúng ta bao giờ cũng lớn hơn rất nhiều so với hiện thực ở trên mọi lĩnh vực. Chất lượng du lịch, dịch vụ du lịch phụ thuộc vào 7 yếu tố.
Về phần mình, Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch Hoàng Tuấn Anh cho rằng, ngành du lịch cũng vẫn còn một số tồn tại đáng lưu ý, đó là:
- Chưa có các chính sách thực sự thuận lợi thu hút khách du lịch quốc tế.
- Những rào cản đối với doanh nghiệp du lịch chậm được tháo gỡ.
- Chất lượng nguồn nhân lực chưa đáp ứng kịp yêu cầu phát triển.
- Công tác liên kết phát triển chưa đồng bộ, chưa phát huy được sức mạnh tổng hợp.
- Hiệu quả phát triển du lịch chưa tương xứng tiềm năng, lợi thế tài nguyên du lịch phong phú, đặc sắc của đất nước và con người Việt Nam.
- Công tác kiểm soát chất lượng dịch vụ, quản lý môi trường du lịch tại một số địa phương chưa được đảm bảo.
- Công tác quản lý hoạt động lữ hành còn bất cập.
- Công tác quảng bá xúc tiến du lịch chưa được đầu tư tương xứng, hiệu quả chưa cao.
- Hoạt động du lịch còn mang tính mùa vụ, chất lượng dịch vụ chưa được đảm bảo, chính sách phát triển còn chưa hợp lý.
Tuy nhiên, Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch cũng đã phân tích rất rõ: Để thúc đẩy sự phát triển của du lịch Việt Nam, ngoài thông báo sẽ bổ sung, sửa đổi Luật Du lịch cho phù hợp với tình hình hiện nay và trình tại kỳ họp thứ hai (Quốc hội khóa XIV) và thông qua tại kỳ họp thứ ba (Quốc hội khóa XIV), Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ và Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch cũng đã có tới 4 phiên họp có nội dung bàn về giải pháp phát triển du lịch, trong đó có một phiên chuyên đề về du lịch.
Để xử lý nạn “chặt chém” phải có sự ra tay của lực lượng Công an, quản lý thị trường và chính quyền địa phương (Ảnh: Thanh Liêm) |
Trong Nghị quyết của Chính phủ có 5 nội dung liên quan đến sự phát triển của du lịch:
Một là nâng cao nhận thức của toàn xã hội.
Hai là tăng cường hỗ trợ cho phát triển du lịch.
Ba là tạo điều kiện thuận lợi, bảo đảm an ninh, an toàn để thu hút khách.
Bốn là hỗ trợ tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp du lịch.
Năm là tăng cường các biện pháp quản lý nhà nước về du lịch. Chính phủ đã đồng ý miễn thị thực visa cho 5 nước Tây Âu là Đức, Ý, Pháp, Anh, Tây Ban Nha bắt đầu từ ngày 1.6.2015 cho đến 1.6 sang năm.
Bộ trưởng Hoàng Tuấn Anh cũng cho biết, Nghị định 82 của Chính phủ là miễn thị thực cho công dân Việt Nam định cư ở nước ngoài và vợ chồng, con em của họ, đây là một điểm mới.
Mới đây nhất tại Nghị quyết 79 của Chính phủ đã đồng ý miễn visa cho khách đi theo tour du lịch vào Việt Nam đối với Công ty lữ hành quốc tế có mặt tại Việt Nam.
Đây cũng là một quyết định mới và Bộ đang xây dựng và lấy ý kiến của các Bộ, ngành liên quan. Xây dựng quỹ phát triển du lịch.
Về tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp du lịch, Bộ đã trình Thủ tướng Chính phủ cơ chế hỗ trợ mà trước hết là giảm tiền thuế sử dụng đất và tiền thuê đất đối với các dự án đầu tư cơ sở lưu trú, khu du lịch sử dụng nhiều diện tích đất cho khuôn viên, cảnh quan.
Các Chỉ thị 18 về môi trường du lịch và Chỉ thị 14 về tháo gỡ những bức xúc hiện nay cũng là nhằm tạo điều kiện cho du lịch phát triển.
Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch khẳng định: Chỉ thị có rồi, nghị quyết có rồi, vấn đề còn lại là triển khai thực hiện.
Du lịch là ngành tổng hợp, chất lượng du lịch, dịch vụ du lịch phụ thuộc vào 7 yếu tố: hạ tầng giao thông; dịch vụ vận tải; môi trường tự nhiên; môi trường xã hội; ý thức cộng đồng; chất lượng nguồn nhân lực; cơ sở vật chất kỹ thuật du lịch.
Trong những yếu tố đó có những yếu tố thuộc Bộ (chất lượng nguồn nhân lực; cơ sở vật chất – kỹ thuật du lịch), còn những yếu tố khác phải là sự vào cuộc quyết liệt của các Bộ, ngành, địa phương.
Tuy nhiên để đạt được như kỳ vọng của các đại biểu Quốc hội và cử tri thì cần sự nỗ lực hơn nữa.
Thẳng thắn nhận có phần trách nhiệm cá nhân trong vấn đề này, Bộ trưởng Hoàng Tuấn Anh cũng cho rằng, phát triển du lịch cần có sự ra tay của các cấp, các ngành, của chính quyền địa phương.
Đồng thời “đề nghị địa phương vào cuộc mạnh mẽ hơn nhằm nâng cấp môi trường du lịch, xóa bỏ tình trạng “ăn chặn”, “chặt chém” khách, yêu cầu niêm yết giá công khai, duy trì đường dây nóng để kịp thời xử lý các phản ánh của du khách”, Bộ trưởng Hoàng Tuấn Anh nói.