Đã hơn 1 tháng kể từ khi cả nước thực hiện Nghị quyết 128 của Chính phủ về việc thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch Covid-19, chúng ta đã bước vào giai đoạn “bình thường mới”, mạnh dạn “thích ứng linh hoạt”, mở cửa kinh tế, đảm bảo đời sống, an sinh xã hội cho người dân - chủ trương đi vào thực tiễn đã cho thấy những tín hiệu tích cực và hiệu quả bước đầu.
Song, bình thường mới không có nghĩa nguy cơ thấp hay không còn nguy cơ, chính vì vậy, tuyệt đối không chủ quan, lơ là, các cấp, các ngành cùng toàn dân phải chủ động phòng chống dịch, đồng thời tận dụng mọi cơ hội để làm ăn, vực dậy nền kinh tế.
“Cân não” trong cuộc đua với tốc độ lây lan của dịch
Việt Nam đã trải qua 4 đợt bùng phát dịch Covid-19, đặc biệt, đợt dịch thứ 4 với sự xuất hiện của biến chủng Delta đã làm "đảo ngược" mọi thành tựu phòng dịch, biến thể mới với tốc độ lây lan nhanh, mạnh, gây tác động nghiêm trọng đến sức khỏe người dân và ảnh hưởng lớn đến đời sống xã hội.
Tình thế cấp bách, khẩn trương, đây thực sự là một cuộc chiến cam go và thử thách. Toàn ngành Y tế cùng người dân cả nước và cả hệ thống chính trị đã và đang nỗ lực, quyết tâm, chủ động ứng phó để sớm khống chế và đẩy lùi dịch COVID-19.
Đứng trước một đại dịch chưa từng có trong tiền lệ, một mặt vừa phải xây dựng thành trì chống dịch, một mặt phải đảm giải quyết bài toán đời sống, an sinh xã hội, bài toán kinh tế, “sức nặng” trách nhiệm trên vai những người đứng đầu thực sự không hề nhỏ.
Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long trả lời các câu hỏi chất vấn của đại biểu Quốc hội. (Ảnh: TTXVN) |
Chia sẻ với báo Vnexpress, Bộ trưởng Y tế Nguyễn Thanh Long đã từng trải lòng rằng, trong đợt dịch lần thứ 4, áp lực khiến ông nhiều đêm trăn trở không thể ngủ, là khi số ca bệnh tăng nhanh, số ca tử vong cũng tăng nhanh. Có thời điểm, ca tử vong lên đến 300-400 mỗi ngày, thực sự là áp lực vô cùng lớn. Lãnh đạo ngành Y tế, lãnh đạo Chính phủ đưa ra mục tiêu tối thượng ở thời điểm đó là phải cố gắng giảm được ca tử vong ở Thành phố Hồ Chí Minh cũng như một số địa phương. [1]
Cũng trong giai đoạn đỉnh điểm của dịch bệnh, việc đưa ra hoặc tham mưu những quyết định là vô cùng khó khăn, từ bài toán về xây dựng, vận hành bệnh viện, các ICU điều trị Covid-19; việc điều động các lực lượng tham gia chống dịch đến quyết định giãn cách và tăng cường giãn cách xã hội tại 19 tỉnh, thành phố phía Nam;...
Không căng thẳng, áp lực sao được khi mỗi quyết sách phải được đưa ra trong hoàn cảnh cấp bách nhất và trước diễn biến khó lường của dịch bệnh. Đây là những quyết định “cân não” với Chính Phủ, với ngành Y tế bởi mỗi quyết định chống dịch được ban hành còn ảnh hưởng đến cả vấn đề về y tế, kinh tế, an ninh, an toàn, trật tự xã hội, an sinh xã hội,....
Với cương vị của người đứng đầu ngành, hai từ “trách nhiệm” đối với Bộ trưởng trong cuộc chiến chống dịch vô cùng lớn, bởi “trách nhiệm” ấy không chỉ gắn với tính mạng mà còn ảnh hưởng đến từng bữa ăn, giấc ngủ, đến cuộc sống của từng người dân, những người lao động nghèo.
“Đóng cửa” để chống dịch nhưng phải làm gì khi người dân không thể làm ra của cải vật chất đảm bảo cho cuộc sống, khi người lao động nghèo mất việc, chưa thể trở về quê, khi nền kinh tế đang “èo uột” trước cơn “càn quét” của đại dịch Covid? Đây là một bài toán nan giải mà lãnh đạo Chính Phủ, lãnh đạo ngành Y tế phải có câu trả lời.
Bộ trưởng cũng từng chia sẻ: “Công tác chống dịch không có thời gian tĩnh, không có phút giây ngơi nghỉ. Sau này, nhiều người đặt câu hỏi, tại sao quyết định thế này mà lại không phải thế kia. Chúng ta chống dịch như chống giặc, phải quyết định rất nhanh, không có thời gian để chiêm nghiệm. Phải vừa làm vừa bám sát thực tiễn để điều chỉnh”. [1]
Và đúng như lời Bộ trưởng, đứng trước một đại dịch chưa có trong lịch sử, phải “vừa làm, vừa bám sát thực tiễn để điều chỉnh”, để chúng ta có những chiến lược mới, quyết sách mới trong từng diễn biến mới của dịch bệnh cũng như khả năng phòng chống dịch của hệ thống y tế nước nhà. Điều này đã được thể hiện rõ nét khi cả nước bước sang một giai đoạn mới, mạnh dạn “thích ứng linh hoạt” và mở cửa kinh tế, phục hồi du lịch dựa vào nền tảng vaccine.
Sâu sát thực tế, thẳng thắn, trách nhiệm
Trong bài phát biểu tại phiên thảo luận về kết quả thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2021; Báo cáo về công tác phòng, chống dịch Covid-19 và tình hình thực hiện Nghị quyết số 30/2021/QH15, Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long đã thẳng thắn nói đến những tồn tại, hạn chế và nguyên nhân trong công tác phòng chống dịch như công tác dự báo có lúc chưa sát với thực tiễn; việc chỉ đạo điều hành có nơi, có lúc còn lúng túng, bị động; tổ chức thực hiện tại các địa phương thiếu nhất quán, nhất là việc đi lại của người dân; hệ thống y tế bộc lộ nhiều hạn chế, nhất là y tế cơ sở và y tế dự phòng khi đáp ứng với đại dịch. [2]
Bàn về những hạn chế trong công tác phòng chống dịch, trao đổi với Vnexpress, Bộ trưởng cho biết: “Báo cáo Trung ương, chúng tôi nhìn nhận thẳng thắn vấn đề như: Chưa đánh giá hết tác động đối với người dân, chưa chuẩn bị kịch bản, chưa làm tốt công tác truyền thông...
Chúng tôi cũng nhìn thẳng vào những hạn chế, yếu kém của ngành y tế. Hệ thống y tế cơ sở của Việt Nam trong những năm qua luôn được quốc tế đánh giá cao. Nhưng khi dịch bệnh lây lan nhanh, ca nhiễm tăng cao trong thời gian ngắn thì gặp khó khăn. Năng lực tiếp nhận bệnh nhân, nhất là ca nặng, nguy kịch trong thời gian ngắn không thể đáp ứng được”. [1]
Trả lời Đại biểu Phạm Thị Thanh Mai - Đoàn Hà Nội về việc xây dựng, triển khai chiến lược vaccine COVID-19 trong phiên chất vấn ngày 10/11/2021, Bộ trưởng cho biết, Bộ Y tế đã tổ chức hơn 200 cuộc đàm phán với các hãng, nhưng điều kiện các công ty cung ứng vaccine đưa ra đều không thể thay đổi, bởi đây là những điều kiện áp dụng chung trên toàn cầu.
Việt Nam phải chấp nhận toàn bộ rủi ro khi mua vaccine, như có thể giao hàng chậm, giá mua sau này thấp hơn cũng không được giảm giá, không được trả lại vaccine kể cả trong trường hợp chất lượng không đảm bảo; chỉ khi nào quốc tế công nhận vaccine đó không đảm bảo mới được trả lại. Bên bán cũng không chịu trách nhiệm về giao hàng không đúng thời hạn.
Theo lãnh đạo ngành Y, sau khi có Nghị quyết của Bộ Chính trị tháng 2/2021 và Nghị quyết của Chính phủ từ tháng 5/2021, Việt Nam thúc đẩy rất nhanh tiến trình mua vaccine. Đến nay, Việt Nam được đánh giá là nước có tổ chức tiêm và bao phủ vaccine rất nhanh. "Bộ Y tế nhận trách nhiệm về vấn đề này và đã triển khai đảm bảo vaccine cho năm 2021 và năm 2022. [3]
Những chia sẻ thẳng thắn, trách nhiệm của Bộ trưởng Nguyễn Thanh Long được các đại biểu, cử tri đánh giá cao.
Trong một cuộc chiến căng thẳng, “cân não”, những thiếu sót, những tồn tại, hạn chế là điều khó tránh khỏi, điều quan trọng là trên cương vị đứng đầu ngành Y tế, Bộ trưởng đã thẳng thắn nhìn nhận, trả lời trực diện, cụ thể những vấn đề nóng của ngành.
Ảnh minh họa: Nhựt Linh |
Với tinh thần trách nhiệm, cầu thị của người đứng đầu ngành Y tế, với những nỗ lực của toàn ngành, cùng sự vào cuộc quyết liệt của các cấp, các ngành, sự quyết tâm cao của cả hệ thống chính trị, bước đầu, chúng ta đã có những tín hiệu tích cực trong cuộc chiến chống dịch, chiến lược vaccine đã đưa toàn dân bước vào giai đoạn “bình thường mới”, không còn “cát cứ”, “cục bộ”, không còn “đóng cửa”, “bó tay ngồi im”, không còn ách tắc lưu thông hàng hóa, sản xuất.
Bước vào “bình thường mới”, mở cửa nền kinh tế cũng là thách thức đối với năng lực điều hành, quản lý không riêng gì lãnh đạo ngành Y tế. Toàn ngành, toàn hệ thống chính trị, toàn dân phải luôn chủ động, nâng cao tinh thần phòng chống dịch, phát huy sức lực, trí tuệ, bản lĩnh Việt Nam để đưa luồng gió mới vào cuộc sống, đưa nền kinh tế vượt qua những chông gai.
Tài liệu tham khảo:
[1] https://vnexpress.net/bo-truong-y-te-ap-luc-khien-toi-nhieu-dem-khong-ngu-4383007.html
[2] https://suckhoedoisong.vn/bo-truong-nguyen-thanh-long-nganh-y-te-se-no-luc-quyet-tam-doi-moi-manh-me-toan-dien-169211108170606755.htm
[3] https://vnexpress.net/bo-truong-y-te-dau-long-vi-sai-pham-trong-nganh-y-4383641-tong-thuat.html