Nội dung này được Bộ trưởng Đinh La Thăng khẳng định với báo chí bên lề kỳ họp Quốc hội chiều 1/6.
Bộ trưởng Thăng khẳng định: “Không có chuyện bán Sân bay Tân Sơn Nhất để lấy tiền đầu tư cho sân bay Long Thành. Sân bay này vẫn sẽ được sử dụng song song với sân bay Long Thành”.
Một trong những vấn đề mà nhiều chuyên gia quan tâm đối với dự án xây dựng Cảng Hàng không quốc tế Long Thành hiện nay là làm thế nào chống được thất thoát lãng phí?
Theo người đứng đầu ngành giao thông: “Đây là một quá trình lâu dài bền bỉ, quyết liệt nhưng không nóng vội. Khi thực hiện thì có Luật đầu tư công, rồi có sự giám sát của nhân dân, của cộng đồng, của các cơ quan chuyên môn. Mọi việc phải tiến hành theo các quy định của pháp luật”.
Bộ trưởng Đinh La Thăng khẳng định, không bán sân bay Tân Sơn Nhất lấy tiền đầu tư sân bay Long Thành. ảnh: Ngọc Quang. |
Cũng theo Bộ trưởng Đinh La Thăng, những tính toán trong giai đoạn vừa qua mới là báo cáo tiền khả thi, vì vậy sẽ có một khoảng cách lớn so với báo cáo khả thi. Tuy nhiên, có làm được báo cáo khả thi hay không thì còn phải chờ Quốc hội thông qua về mặt chủ trương.
“Báo cáo khả thi là phải làm chi tiết chứ không làm ở mức độ khái quát như báo cáo tiền khả thi. Trong đó phải bóc tách và đi vào đánh giá rất chuyên sâu, phải mời các chuyên gia nghiên cứu sâu ở từng lĩnh vực, thí dụ như kỹ thuật riêng, đầu tư riêng, môi trường riêng… từ tất cả những nghiên cứu đánh giá sâu ấy sẽ tổng hợp lại để tiếp tục báo cáo Chính phủ và Quốc hội.
Tôi khẳng định là chỉ khi nào báo cáo khả thi chứng minh được hiệu quả đầu tư thì mới triển khai dự án”, ông Thăng cho hay.
Lý giải thêm về những lo lắng về khả năng Long Thành trở thành cảng hàng không trung chuyển quốc tế khó thành hiện thực, Bộ trưởng Đinh La Thăng nhận định: “Mục tiêu số một của Long Thành hiện nay là phải giảm tải được cho Tân Sơn Nhất, bởi vì theo tính toán thì đến năm 2025 là Tân Sơn Nhất quá tải.
Giai đoạn đầu như tính toán sơ bộ là Long Thành khai thác 25 triệu khách, sau đó nâng lên 50 triệu khách cũng là để giải quyết khó khăn cho Tân Sơn Nhất.
Còn giai đoạn tiếp theo tùy thuộc vào tình hình phát triển lúc đó để phát triển trở thành cảng hàng không trung chuyển. Để đạt được mục tiêu này thì phải phụ thuộc vào chính sách phát triển chung của cả nước, trong đó có chính sách kinh tế của từng thời kỳ. Tôi lấy thí dụ là phải có cả những chính sách áp dụng đồng thời để thu hút du khách như giảm thủ tục visa, ưu đãi miễn thuế…
Để hình thành một cảng hàng không trung chuyển thì cần rất nhiều điều kiện chứ không chỉ thuần túy là vị trí đắc địa. Tôi lấy thí dụ như Singapore có hơn 5 triệu dân mà còn làm được thì tại sao chúng ta hơn 90 triệu dân lại không làm, mà tới lúc đưa vào khai thác thì dân số phải lên tới 100 triệu rồi”.
Trước đó, tại buổi hội thảo “công khai, khoa học và trách nhiệm” về dự án sân bay Long Thành, một chuyên gia nổi tiếng trong ngành hàng không là TS Lương Hoài Nam đã lên tiếng ủng hộ triển khai dự án này.
Theo ông Nam, nếu dự án này triển khai cách đây 10 năm thì không phải lo tới sự quá tải của Tân Sơn Nhất bây giờ.
Tuy nhiên, ông Nam đồng thời bày tỏ, phải đặt mục tiêu cạnh tranh được với những sân bay lớn trong khu vực; từ đó phải làm rõ được nguồn vốn đầu tư, mô hình đầu tư.
Trước một số băn khoăn về nợ công khi triển khai dự án này, Bộ trưởng Thăng cho hay: “Về vấn đề này, Bộ Tài chính đã có đánh giá rồi, tác động lên nợ công không phải là không có nhưng rất nhỏ, tối đa là 0,28%”.
Trong tờ trình Chính phủ về dự án Cảng hàng không quốc tế Long Thành nói rõ nguồn vốn ngân sách cho dự án này là 11%, ODA 26,5% và vốn xã hội hóa khoảng 62%.