Bỏ xếp loại bằng tốt nghiệp THCS: Nên hay không?

22/10/2023 06:30
Hồng Giang
0:00 / 0:00
0:00
GDVN-Dự thảo thông tư ban hành Quy chế xét công nhận tốt nghiệp trung học cơ sở đang được quan tâm và nhận được nhiều quan điểm góp ý.

Bộ Giáo dục và Đào tạo đang lấy ý kiến góp ý về dự thảo thông tư ban hành Quy chế xét công nhận tốt nghiệp trung học cơ sở. So với quy chế cũ, dự thảo lần này có nhiều điểm mới như: Số lần xét tốt nghiệp trung học cơ sở tăng lên so với quy định hiện hành; không xếp loại tốt nghiệp.

Những thay đổi này đã nhận được nhiều ý kiến trái chiều đến từ các cơ sở giáo dục.

Vẫn nên giữ xếp loại của bằng tốt nghiệp

Trao đổi với phóng viên Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam, cô Tạ Thị Thanh Bình - Hiệu trưởng Trường Trung học cơ sở Thanh Xuân (Sóc Sơn, Hà Nội) bày tỏ mong muốn vẫn nên giữ xếp loại trong bằng tốt nghiệp trung học cơ sở để đảm bảo tính công bằng và khuyến khích học sinh nỗ lực.

Cô Bình lý giải: “Nếu bỏ xếp loại trên bằng tốt nghiệp, sẽ không phân loại và đánh giá được học sinh. Khi đó, học sinh rèn luyện tốt hay trung bình cũng chỉ ở mức “đạt” như nhau và học lực giỏi hay khá, bằng tốt nghiệp cũng chỉ ghi nhận “đạt”.

Vì vậy, học sinh sẽ không có mục tiêu phấn đấu để có bằng xếp loại “đẹp” nữa”.

Cô Tạ Thị Thanh Bình - Hiệu trưởng Trường Trung học cơ sở Thanh Xuân (Sóc Sơn, Hà Nội). Ảnh: NVCC.

Cô Tạ Thị Thanh Bình - Hiệu trưởng Trường Trung học cơ sở Thanh Xuân (Sóc Sơn, Hà Nội). Ảnh: NVCC.

Theo cô Bình, việc xếp loại tốt nghiệp sẽ khuyến khích học sinh khối 9 nỗ lực hơn trong cả học tập và rèn luyện để nhận được đánh giá đúng theo năng lực, ý thức của mình.

Về đề xuất này, cô Trần Thị Phương Lan - Hiệu trưởng Trường Trung học cơ sở Mai Đình (Sóc Sơn, Hà Nội) lại có quan điểm ngược lại.

Cô Lan cho rằng, việc không đề cập đến xếp loại giỏi, khá, trung bình của bằng tốt nghiệp là hợp lý vì phù hợp với chương trình giáo dục phổ thông 2018 và nguyện vọng của phụ huynh, học sinh, mà giá trị sử dụng của bằng tốt nghiệp không bị thay đổi.

Cô Lan cũng cho rằng, điều này mang lại lợi ích cho nhà trường vì giảm tải được quy trình xét công nhận tốt nghiệp cho học sinh lớp 9 của hội đồng xét tốt nghiệp.

Cô Trần Thị Phương Lan - Hiệu trưởng Trường Trung học cơ sở Mai Đình (Sóc Sơn, Hà Nội). Ảnh: Fanpage nhà trường.

Cô Trần Thị Phương Lan - Hiệu trưởng Trường Trung học cơ sở Mai Đình (Sóc Sơn, Hà Nội). Ảnh: Fanpage nhà trường.

Học sinh nên rèn luyện hạnh kiểm trong 1 năm

Đối với điểm mới về việc học sinh có hạnh kiểm “chưa đạt” cần đăng ký rèn luyện hè để có thêm cơ hội xét tốt nghiệp, cô Nguyễn Thị Khánh Hoàn - Hiệu trưởng Trường Trung học cơ sở Trung Giã (Sóc Sơn, Hà Nội) đánh giá chưa thực sự phù hợp.

“Theo tôi, việc làm này không hiệu quả vì rèn luyện hạnh kiểm của học sinh phải có quá trình. Chỉ rèn luyện tại gia đình, nhà trường và địa phương trong thời gian hè là chưa hiệu quả, đôi khi chỉ mang tính hình thức, nên để học sinh rèn luyện hạnh kiểm trong khoảng 1 năm”, cô Hoàn nói.

Cô Nguyễn Thị Khánh Hoàn - Hiệu trưởng Trường Trung học cơ sở Trung Giã (Sóc Sơn, Hà Nội). Ảnh: NVCC.

Cô Nguyễn Thị Khánh Hoàn - Hiệu trưởng Trường Trung học cơ sở Trung Giã (Sóc Sơn, Hà Nội). Ảnh: NVCC.

Còn theo ý kiến của Hiệu trưởng Trường Trung học cơ sở Mai Đình, việc trao cơ hội cho học sinh hạnh kiểm “chưa đạt” có thể đăng ký rèn luyện thêm trong hè để được xét tốt nghiệp lại, là một chủ trương đúng đắn, có hiệu quả.

Theo cô Lan, điều này hoàn toàn phù hợp với chương trình giáo dục phổ thông 2018 (đổi mới trong kiểm tra và đánh giá học sinh theo định hướng phát triển năng lực).

Học sinh sẽ thực hiện hoạt động rèn luyện hè trực tiếp tại trường theo thời khóa biểu do nhà trường và cha mẹ học sinh thảo luận, đi đến thống nhất.

“Nếu dự thảo thông tư mới này được thông qua, công tác thực hiện xét tốt nghiệp của Trường Trung học cơ sở Mai Đình sẽ không gặp khó khăn. Bởi, trên thực tế, các quy trình xét tốt nghiệp trung học cơ sở trong dự thảo đã được Sở Giáo dục và Đào tạo thành phố Hà Nội hướng dẫn thực hiện”, cô Phương Lan cho biết.

Tăng số lần xét tốt nghiệp là mở cơ hội cho học sinh

Cô Lan đánh giá, việc tăng số lần xét tốt nghiệp lên không quá 2 lần/năm (thay vì 1 lần/năm như quy định hiện hành) sẽ mở ra cơ hội cho mỗi học sinh.

“Tăng thêm 1 lần xét công nhận tốt nghiệp vào thời gian sau nghỉ hè là có lợi cho học sinh. Bởi, sẽ rút ngắn được thời gian chờ đợi để dự xét công nhận tốt nghiệp (đối với những bạn chưa đủ điều kiện xét đợt trước đó).

Với điểm mới này, học sinh sẽ nhận được kết quả xét công nhận tốt nghiệp nhanh hơn trước đây khoảng 9 tháng. Như vậy, đồng nghĩa với việc sẽ tạo thuận lợi cho học sinh”, cô Phương Lan phân tích.

Học sinh trung học cơ sở. Ảnh: Mộc Trà.

Học sinh trung học cơ sở. Ảnh: Mộc Trà.

Còn theo Hiệu trưởng Trường Trung học cơ sở Thanh Xuân, việc này mở cơ hội cho những học sinh có học lực hoặc hạnh kiểm chưa đạt, được rèn luyện trong hè để đủ tiêu chuẩn xét tốt nghiệp lần 2.

“Xét tốt nghiệp 2 lần/năm giúp học sinh tiết kiệm thời gian, sức lực và chi phí vì không phải mất thêm 1 năm học lại. Đồng thời, tạo được cơ hội cho các em được tham gia trường nghề phù hợp với năng lực và nguyện vọng của mình”, cô Bình nói.

Theo cô Bình, Bộ Giáo dục và Đào tạo nên đưa ra hướng dẫn chi tiết cũng như mốc thời gian xét tốt nghiệp lần 2 sớm cho học sinh khối 9, giúp các em và gia đình kịp chuẩn bị, đăng ký tuyển sinh vào các trường nghề phù hợp với năng lực, sở thích, nguyện vọng.

Cô Bình cho biết, việc xét tốt nghiệp trung học cơ sở tại Trường Trung học cơ sở Thanh Xuân đã và đang được thực hiện một cách công bằng và khách quan. Nếu dự thảo thông tư mới được thông qua, công tác xét tốt nghiệp của nhà trường sẽ phải có kế hoạch chi tiết, cụ thể, cần có sự phối kết hợp giữa gia đình, nhà trường và xã hội.

Hồng Giang