Bỏ xếp loại giỏi, khá, trung bình ở bằng tốt nghiệp THCS là phù hợp

18/10/2023 06:31
Thảo Ly
0:00 / 0:00
0:00
GDVN-  Theo lãnh đạo phòng GDĐT, việc xét công nhận tốt nghiệp cho người học không quá 02 lần/năm thể hiện tính nhân văn. 

Hiện Bộ Giáo dục và Đào tạo đang lấy ý kiến góp ý về dự thảo Thông tư ban hành Quy chế xét công nhận tốt nghiệp trung học cơ sở đến hết ngày 2/12/2023.

Những điểm mới đáng chú ý trong dự thảo là bỏ xếp loại tốt nghiệp trung học cơ sở theo ba loại là giỏi, khá, trung bình và học sinh sẽ được cấp bằng, không đề cập đến xếp loại; số lần xét công nhận tốt nghiệp trung học cơ sở tăng lên so với hiện hành.

Bỏ xếp loại ở bằng tốt nghiệp là phù hợp với chương trình giáo dục phổ thông mới

Trao đổi với phóng viên Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam, Thạc sĩ Trần Tuấn Khanh – Phó Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh An Giang cho biết, dự thảo mới của Bộ Giáo dục và Đào tạo về Thông tư ban hành Quy chế xét công nhận tốt nghiệp trung học cơ sở, về cơ bản không có sự thay đổi nhiều so với quy chế hiện hành.

Tuy nhiên, trong dự thảo đề cập đến thay đổi về điều kiện của người học được công nhận tốt nghiệp cho phù hợp với chương trình mới như: xếp loại về rèn luyện và học tập thay vì xếp loại học lực và hạnh kiểm như trước đây; học sinh muốn được công nhận tốt nghiệp phải hoàn thành chương trình lớp 9; xếp loại rèn luyện và học tập từ “đạt” trở lên thay vì “trung bình” như trước.

Thạc sĩ Trần Tuấn Khanh - Phó Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh An Giang. Ảnh: website sở.

Thạc sĩ Trần Tuấn Khanh - Phó Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh An Giang. Ảnh: website sở.

Thầy Khanh cho biết: “Tại dự thảo mới, bằng tốt nghiệp bỏ xếp loại như trước đây, do việc công nhận tốt nghiệp trung học cơ sở cho học sinh là thước đo chung cho học sinh cả nước, học sinh đã đạt theo yêu cầu chung của chương trình, không cần phải đánh giá phân bậc như các kỳ thi tuyển sinh vào lớp 10 trung học phổ thông hay các kỳ thi tuyển sinh diện rộng.

Tương tự ở cấp trung học phổ thông, bằng tốt nghiệp vẫn không in vào bằng các mức xếp loại, do vậy, ở cấp trung học cơ sở việc không xếp loại cũng sẽ phù hợp với tính chất của chương trình giáo dục phổ thông”.

Đồng quan điểm với thầy Khanh, Thạc sĩ Phạm Văn Ngát – Trưởng Phòng Giáo dục và Đào tạo huyện Thanh Trì (Hà Nội) cho hay, việc bỏ điều khoản về xếp loại giỏi, khá, trung bình của bằng tốt nghiệp trung học cơ sở, học sinh được công nhận tốt nghiệp sẽ được cấp bằng, không đề cập xếp loại là phù hợp.

Lý giải cho quan điểm này, thầy Ngát nêu: “Thứ nhất, trong học bạ có xếp loại giỏi, khá, trung bình và quá trình học của học sinh. Khi chuyển cấp, học sinh sẽ được nhận bằng tốt nghiệp trung học cơ sở cùng với học bạ.

Thứ hai, việc không ghi xếp loại trên bằng tốt nghiệp phù hợp với thông lệ quốc tế, đảm bảo sự hội nhập của giáo dục Việt Nam với giáo dục của các nước trên thế giới.

Thứ ba, việc xóa bỏ ghi xếp loại trên bằng tốt nghiệp sẽ dần xóa bỏ thói quen đánh giá học sinh qua văn bằng, chuyển sang đánh giá học sinh thông qua năng lực thực chất, phù hợp với cách đánh giá vị trí việc làm của người học mà nhà tuyển dụng hay công ty, doanh nghiệp mong muốn trong tương lai.

Đồng thời, hiện nay, các tỉnh, thành phố trên cả nước đều đang thực hiện công tác thi tuyển sinh vào lớp 10 trung học phổ thông theo hình thức kiểm tra đánh giá năng lực một số môn học do Sở Giáo dục và Đào tạo quyết định. Học sinh có đỗ vào lớp 10 trung học phổ thông công lập hay không phụ thuộc vào kết quả bài kiểm tra đánh giá năng lực này.

Vì vậy, kết quả xếp loại giỏi, khá, trung bình của bằng tốt nghiệp không có ý nghĩa quyết định đến việc cho học sinh tham gia học ở các cấp cao hơn. Hơn nữa, thay đổi này cũng phù hợp với mục tiêu của chương trình giáo dục phổ thông 2018 và phù hợp với xu thế hiện nay”.

Dự thảo này cũng đề cập đến việc học sinh có hạnh kiểm chưa đạt cần đăng ký rèn luyện hè để được xét tốt nghiệp lại.

Cụ thể, sửa đổi, bổ sung như sau: “Người học chưa được công nhận hoàn thành chương trình trung học cơ sở trong năm học lớp 9 do kết quả rèn luyện cả năm học lớp 9 xếp loại chưa đạt (hoặc hạnh kiểm cả năm xếp loại yếu) được đăng ký rèn luyện trong kỳ nghỉ hè của năm học đó đối với cơ sở giáo dục đã theo học lớp 9 để được đánh giá và công nhận hoàn thành chương trình trung học cơ sở theo quy định của Bộ Giáo dục và Đào tạo”.

Với điều này, thầy Ngát cho rằng: “Nội dung trong dự thảo hoàn toàn phù hợp với điều 13 Thông tư 22/2021/TT-BGDĐT ngày 20/07/2021 của Bộ Giáo dục và Đào tạo quy định về đánh giá học sinh trung học cơ sở và trung học phổ thông; Điều 17 Thông tư 58/2011/TT-BGDĐT ngày 12/12/2011 ban hành Quy chế đánh giá, xếp loại học sinh trung học cơ sở và học sinh trung học phổ thông.

Đây là điểm sửa đổi mang tính nhân văn của dự thảo, nhằm bảo đảm tốt quyền lợi và đem lại nhiều cơ hội học tập hơn nữa cho học sinh trong bối cảnh cả nước đang thực hiện phổ cập giáo dục trung học cơ sở. Cơ hội này sẽ giúp các em có thêm nhiều hy vọng và động lực trong việc học tập, định hướng nghề nghiệp tương lai”.

Thạc sĩ Phạm Văn Ngát - Trưởng Phòng Giáo dục và Đào tạo huyện Thanh Trì (Hà Nội). Ảnh: website Phòng Giáo dục và Đào tạo

Thạc sĩ Phạm Văn Ngát - Trưởng Phòng Giáo dục và Đào tạo huyện Thanh Trì (Hà Nội). Ảnh: website Phòng Giáo dục và Đào tạo

Cũng theo thầy Ngát, trên thực tế, số học sinh có hạnh kiểm chưa đạt cần đăng ký rèn luyện hè để tốt nghiệp không nhiều, căn cứ vào hình thức rèn luyện trong kỳ nghỉ hè, giáo viên chủ nhiệm giao nhiệm vụ rèn luyện trong kỳ nghỉ hè cho học sinh và thông báo đến phụ huynh. Cuối kỳ nghỉ hè, nhiệm vụ rèn luyện được giáo viên chủ nhiệm đánh giá đã hoàn thành bao gồm báo cáo về quá trình và kết quả thực hiện nhiệm vụ rèn luyện có chữ ký xác nhận của phụ huynh học sinh. Tiếp đó, giáo viên chủ nhiệm đề nghị nhà trường cho đánh giá lại kết quả rèn luyện cả năm học của học sinh. Kết quả đánh giá lại được sử dụng thay thế cho kết quả rèn luyện cả năm học để xét lên lớp theo quy định.

Để quá trình rèn luyện của học sinh được hiệu quả, thầy Ngát cũng đề cập đến vai trò và trách nhiệm của địa phương. Cụ thể, thời gian học sinh rèn luyện để tốt nghiệp ngắn, đồng thời “rơi” vào kỳ nghỉ hè vì vậy cần phải có sự phối hợp với cơ quan đoàn thể của địa phương. Chẳng hạn, học sinh rèn luyện bằng việc tham gia một số hoạt động cụ thể và phải có giấy đánh giá của địa phương thông qua các tổ chức đoàn thể.

Về phía nhà trường, cần có quy định ràng buộc trách nhiệm với địa phương để công nhận kết quả rèn luyện hè cho học sinh. Việc xét công nhận tốt nghiệp sẽ không được thực hiện, nếu kết quả rèn luyện hè không đạt.

Vừa tạo điều kiện cho học sinh, vừa thuận lợi cho cơ sở giáo dục

Dự thảo cũng nêu: “Đối với các cơ sở giáo dục thực hiện chương trình giáo dục phổ thông cấp trung học cơ sở, mỗi năm xét công nhận tốt nghiệp cho người học không quá 02 lần do Sở Giáo dục và Đào tạo quyết định”.

Đồng tình với điểm mới này trong dự thảo, thầy Ngát cho rằng: “Quy định sẽ tạo cơ hội lần 2 cho người học chưa được công nhận hoàn thành chương trình trung học cơ sở. Như vậy, người học không đủ điều kiện xét tốt nghiệp lần 1 có thể xét lần 2 trong hè để có cơ hội học tiếp lớp 10 trung học phổ thông hoặc học nghề mà không bị chậm 1 năm như quy định hiện hành.

Còn thầy Khanh chia sẻ: “Trước đây, nếu học sinh có hạnh kiểm hoặc học lực yếu, kém, sẽ phải học chậm 1 năm, nghĩa là, năm sau mới có thể xét công nhận tốt nghiệp. Có trường hợp, học sinh bỏ học, không tiếp tục học rèn luyện lại để được công nhận tốt nghiệp.

Ngoài ra, việc số lần xét tốt nghiệp 1 năm không quá 02 lần giúp các cơ sở giáo dục thuận lợi hơn trong việc thực hiện tốt công tác kiểm tra, đánh giá học sinh đạt chuẩn theo quy định để xét tốt nghiệp và học sinh chưa đạt chuẩn cần thời gian rèn luyện thêm trong hè để đạt. Điều này cho thấy, dự thảo mới có tính nhân văn hơn nhiều so với trước đây”.

Để việc xét tốt nghiệp được thực hiện thuận lợi và công bằng, Thạc sĩ Trần Tuấn Khanh nói: “Theo quy chế hiện hành, Ủy ban nhân dân huyện, quận, thị xã, thành phổ thuộc tỉnh ra quyết định thành lập Hội đồng xét công nhận tốt nghiệp trung học cơ sở cho các cơ sở giáo dục trên địa bàn theo đề nghị của trưởng phòng Giáo dục và Đào tạo. Tuy nhiên, dự thảo mới đề cập trưởng phòng Giáo dục và Đào tạo là người ra quyết định thành lập Hội đồng xét công nhận tốt nghiệp của cơ sở giáo dục thuộc phạm vi quản lý.

Đây là một điểm mới so với trước đây, với mục đích, ngành giáo dục hơn ai hết sẽ là những đơn vị đánh giá, công nhận và chịu trách nhiệm về “sản phẩm” mà đơn vị mình đào tạo cho xã hội”.

Về phía Phòng Giáo dục và Đào tạo huyện Thanh Trì, thầy Ngát nêu ra một số đề xuất cụ thể như sau: “Thứ nhất, cần có đánh giá nghiêm túc kết quả học tập rèn luyện cho học sinh. Có sự phối hợp chặt chẽ giữa nhà trường với chính quyền địa phương làm tốt công tác giáo dục.

Thứ hai, cần tăng cường công tác tuyên truyền, giáo dục, nâng cao nhận thức của người dân, xã hội về công tác xét công nhận tốt nghiệp cho học sinh trung học cơ sở.

Thứ ba, xây dựng, ban hành các văn bản kịp thời về công tác xét, công nhận tốt nghiệp cho học sinh trung học cơ sở.

Thứ tư, xây dựng và triển khai các chương trình đào tạo liên thông để công tác phân luồng học sinh sau tốt nghiệp trung học cơ sở có tính khả thi và đạt hiệu quả theo chủ trương của Đảng, chính sách và pháp luật của Nhà nước”.

Thảo Ly