Nhớ nhà nảy ra ý tưởng giúp đơn vị phá thác
Trong những ngày đất nước đang hướng về kỷ niệm 60 năm ngày chiến thắng Điện Biên Phủ (7/5/1954 – 7/5/2014) chúng tôi tìm về gia đình Anh hùng lực lượng vũ trang Phan Tư tại xã Thọ Thành, huyện Yên Thành, Nghệ An.
Ông Phan Tư là người lính bộ đội cụ Hồ đã tham gia chiến dịch Điện Biên Phủ năm xưa và có những sáng kiến tưởng chừng đơn giản nhưng đã giúp đơn vị hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ.
Ở cái tuổi đã xưa nay hiếm nhưng ông Phan Tư vẫn minh mẫn và khỏe mạnh. Khi tham gia chiến dịch Điện Biên Phủ, ông Phan Tư nằm trong quân số của Trung đội 5, đại đội 124, tiểu đoàn 555. Nói đến chiến thắng Điện Biên Phủ ông đã ngồi trầm lặng một lúc rồi kể lại những ngày tháng hào hùng đó.
Anh hùng lực lượng vũ trang Phan Tư vẫn không thể nào quên những ngày tháng khắc khổ nhưng hào hùng trong chiến dịch Điện Biên Phủ năm 1954 |
Tết Nguyên Đán năm 1954 mọi công tác chuẩn bị cho Chiến dịch Điện Biên Phủ đã rất khẩn trương và gấp rút hơn lúc nào hết. Muốn giành được chiến thắng thì đạn dược, thực phẩm, khí tài, thuốc men … phải được chuyển lên đầy đủ để cho kịp phục vụ cho các đơn vị đánh địch.
Vào thời điểm đó đơn vị Phan Tư được giao nhiệm vụ phá thác mở đường vận tải trên dòng Nậm Na. Nậm Na là tuyến vận chuyển hàng quan trọng cho chiến dịch Điện Biên Phủ với chiều dài 120km. Nhưng dòng Nậm Na lại có hàng chục ngọn thác trong đó có 12 thác nước dữ rất nguy hiểm cho việc vận chuyển hàng.
Việc làm thế nào để phá được các ngọn thác khi trong tay chỉ có bốc phá và dây cháy chậm mà không có vật dụng nào chống ngấm nước khi đưa xuống dòng thác khiến Trung đội trưởng Hoàng Viết Sâm (chỉ huy đơn vị ông Phan Tư) đau đầu, mất ngủ.
Gói bộc phá bằng lá chuối để phá thác theo sáng kiến của người lính Điện Biên Phủ, Phan Tư được trưng bày tại Bảo táng QK4 vào chiều ngày 28/4/2014 nhân dịp kỷ niệm 60 năm chiến thắng chiến dịch Điện Biên Phủ |
Tất cả đơn vị của Phan Tư đã nhiều lần họp bàn cách nhưng vẫn chưa có phương án nào khả dĩ. Nhưng tình cờ trong một đêm khi ở nơi thâm sơn cùng cốc ngày tết gần đến người lính trẻ Phan Tư không nguôi nỗi nhớ nhà. Ông nhớ mỗi khi tết đến thường được ăn bánh chứng gói lá dong, buộc lạt (một loại họ tre) do bố mẹ làm. Nghĩ tới đây ông bỗng léo lên ý tưởng sao giữa núi rừng Tây Bắc này lá chuối nhiều, tre nứa nhiều sao không dùng nó để gói bộc phá thì thuốc nổ trong đó không bị ngấm nước khi đưa xuống chân thác!
Như mở cờ trong bụng giữa lúc nửa đêm nhưng người lính Phan Tư đã chạy thẳng lên phòng chỉ huy đề xuất ý kiến. Nghe xong ý kiến của Phan Tư chỉ huy và những người lính vui mừng, hò reo vì đã giải quyết được cái khó khăn lâu nay chưa có cách giải quyết.
Ngay sáng sớm hôm sau khi Phan Tư đề xuất sáng kiến cả trung đội đã chia thành nhiều tốp đi chặt lá cuối, chặt nứa rừng về để gói thuốc nổ phá thác. Nhưng khi gói bộc phá đã được gói kín bằng lá chuối rừng thì khó khăn khác lại nảy sinh.
Thuyền, bè đang tập kết chuyển hàng bằng đường sông lên phục vụ cho chiến dịch Điện Biên Phủ ( ảnh tư liệu) |
Đó là khi đục lỗ để đấu nối dây cháy chậm cho những quả bộc phá thì cả trung đội lại “rối như tơ vò” vì không biết làm sao để hàn chỗ hở tránh không cho nước vào thuốc nổ khi đưa xuống thác. Cả trung đội lại lần nữa cho mọi người đưa ra sáng kiến. Nhưng hết ý kiến này đến ý kiến khác đưa ra cũng không hề hiệu quả.
Đúng lúc đó thì anh nuôi mang cơm lên cho anh em ăn lấy sức làm việc. Đang ăn Phan Tư lại reo lên “có cách rồi” khiến mọi người dừng ăn cả lại hỏi. Phan Tư nói là dùng gạo nếp nấu chín rồi đem dán kín các lỗ nối dây cháy chậm sau đó phơi khô thì khi đưa xuống nước không bị ngấm nước.
Thấy ý kiến Phan Tư thực tế nên chỉ huy trung đội ngay lập tức cho thử nghiệm ngay. Để chắc chắn hơn khi quả bộc phá làm theo sáng kiến của Phan Tư làm xong được ném xuống lòng suối thử nghiệm, quả bộc phá đã nổ tung trong sự vui mừng của cả trung đội. Từ đó phương thức gói bộc phá để phá thác của Phan Tư được cả trung đội và các đơn vị khác áp dụng.
Đồng đội truy điệu sống khi thực hiện nhiệm vụ
Sau khi đã giải quyết được vấn đề chống thấm nước cho bộc phá, trung đội của Phan Tư đã ngay lập tức tiến hành phá thác để kịp cho các đơn vị vận tải chuyển hàng lên cho chiến dịch Điện Biên Phủ đã cận kề. Thác Hang là nơi đầu tiên mà trung đội Phan Tư quyết định phá. Thác nước này nước chảy xiết, nguy hiểm lại có khối đá chắn ngang giữa dòng thác thuyền bè khó mà qua lại.
Thuyền bè chờ xăng, dầu lên phục vụ cho chiến dịch Điện Biên Phủ bằng đường sông (ảnh tư liệu) |
Do thời kì này mọi thứ đều còn thiếu thốn nên việc lặn thác đặt bộc phá cũng chủ yếu làm bằng thủ công, kinh nghiệm là chính nên rất nguy hiểm. Sau khi tính toán kỹ Phan Tư xung phong lặn xuống để đặt bộc phá. Được chỉ huy trung đội chấp thuận, Phan Tư và 2 chiến sỹ khác được phân công xuống đặt bộc phá để phá thác Hang.
Phan Tư có 40 giây để hoàn thành việc đặt khối bộc phá và bơi ra xa đến nơi an toàn nơi dòng nước dữ của thác Hang. Khi Phan Tư bắt đầu lặn xuống 2 đồng chí thực hiện nhiệm vụ cùng được lệnh lên chạy lên bờ.
Tuy nhiên, khi Phan Tư lặn xuống dòng nước xiết đặt được khối bộc phá mới biết mọi tính toán ban đầu đã bị sai lệch. Nhưng vì nhiệm vụ và để chiến dịch thành công Phan Tư vẫn hoàn thành nhiệm vụ đặt khối bộc phá và đạp chân mạnh và tảng đá để bơi ra xa.
Một tiếng nổ vang trời vang lên dòng thác Hang biến mất, đất đá, nước bắn tung lên rồi đổ ụp xuống dòng sông. Nhưng mọi người trong trung đội nhìn mãi cũng không thấy Phan Tư đâu. Mọi người đều nghĩ Phan Tư đã gặp phải chuyện chẳng lành nên không ai bảo ai đều bỏ mũ xuống mặc niện cho đồng đội.
Nhưng khi một người nhìn về cuối dòng thác thì thấy Phan Tư ngoi lên mặt nước. Phan Tư không chết mà chỉ bị sức ép của khối bộc phá đẩy văng ra xa. Nhưng lần đó Phan Tư bị thương nặng do bị đá và sức ép của bộc phá gây ra.
Với những sáng kiến và sự dũng cảm của Phan Tư đã được ngợi ca, tuyên dương. Cũng nhờ những sáng kiến của Phan Tư mà chỉ trong vòng 7 ngày trung đội của Phan Tư đã khai thông dòng Nậm Na để thuyền bè các đơn vị vận tải kịp vận chuyển hàng, vũ khí lên tiếp tế chuẩn bị cho chiến dịch Điện Biên Phủ.
Chiến dịch Điện Biên Phủ kết thúc, Phan Tư vinh dự là 1 trong 3 người con xứ Nghệ được phong tặng danh hiệu Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân. Sau đó, Phan Tư còn tiếp tục tham gia chiến đấu và tham gia nhiều chiến dịch khác cho đến ngày nghỉ hưu.
Nay người lính Điện Biên Phủ sáng dạ, dũng cảm Phan Tư năm nào đã ngoài 80, tóc đã bạc trắng. Nhưng ông vẫn luôn nhớ về những ngày chiến đấu ở Điện Biên Phủ và thương nhớ những đồng đội của ông đã hy sinh tại chiến dịch này.