Hiện nay không ít cơ sở giáo dục đại học lo ngại trước quy định “chấm dứt hoạt động trước năm 2028 và giải thể trước năm 2030 đối với cơ sở giáo dục đại học, phân hiệu của cơ sở giáo dục đại học không đạt chuẩn hoặc không hoàn thành xác lập vị trí pháp lý theo quy định của pháp luật” được nêu tại Quyết định số 452/QĐ-TTg ngày 27/2/2025 Phê duyệt Quy hoạch mạng lưới cơ sở giáo dục đại học và sư phạm thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050 đối với định hướng phát triển và phân bố mạng lưới đến năm 2030.
Bởi, thời gian hiện tại để các trường thực hiện việc đạt chuẩn là khá hạn chế, đặc biệt là đối với quy định về diện tích đất/sinh viên (đối với cơ sở giáo dục đại học tọa lạc tại nội đô các thành phố lớn).
Nguyên nhân nào dẫn đến việc trường đại học gặp khó khăn khi muốn mở rộng diện tích đất?
Trước vấn đề trên, trao đổi với phóng viên Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam, thầy Trần Minh Đặng – Chủ tịch Hội đồng trường Nhạc viện Thành phố Hồ Chí Minh, Quyết định 452 về quy hoạch mạng lưới cơ sở giáo dục đại học và sư phạm thời kì 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 nhằm hướng đến giải quyết một số vấn đề của giáo dục đại học, đồng thời để các trường được đầu tư, được củng cố và hiện đại hóa, mở rộng không gian phát triển.
Theo Thông tư số 01/2024/TT-BGDĐT ban hành chuẩn cơ sở giáo dục đại học, từ năm 2030, diện tích đất (có hệ số theo vị trí khuôn viên) tính bình quân trên một người học chính quy quy đổi theo trình độ và lĩnh vực đào tạo của mỗi cơ sở giáo dục đại học là không nhỏ hơn 25 m2.
Bên cạnh đó, theo hướng dẫn xác định các chỉ số đánh giá của Thông tư này, tổng diện tích đất của cơ sở cơ sở giáo dục đại học hoặc của một phân hiệu có nhân hệ số theo vị trí khuôn viên, chia cho số người học chính quy quy đổi theo trình độ và lĩnh vực đào tạo của cơ sở giáo dục đại học hoặc của phân hiệu. Hệ số vị trí của khuôn viên bằng 2,5 đối với các khuôn viên nằm trong địa giới các quận của các thành phố trực thuộc Trung ương và bằng 1 đối với các khu vực còn lại.
Tuy nhiên, trên thực tế, nhiều cơ sở giáo dục đại học ở nội đô thành phố lớn thường sẽ gặp khó khăn về tiêu chuẩn này.
Là cơ sở đào tạo tọa lạc ở ngay Trung tâm Thành phố, Nhạc Viện Thành phố Hồ Chí Minh có tổng diện tích đất sử dụng là 4.319,1 m2 với tổng số học sinh, sinh viên, học viên là 2.376. Như vậy, căn cứ vào số liệu hiện tại, cơ sở đào tạo đang gặp nhiều khó khăn về chuẩn cơ sở vật chất.
Trước đây, nhà trường cũng đã tìm kiếm quỹ đất ở vùng lân cận, ngoại thành để mở rộng thêm cơ sở, nhưng không hiệu quả vì kinh phí giải phóng mặt bằng quá cao.

Chính vì vậy, thầy Đặng cho rằng, nếu linh hoạt hơn trong quy định về cơ sở vật chất bằng việc cho phép áp dụng hệ thống cơ sở vật chất dùng chung sẽ mang lại thuận lợi, hiệu quả hơn đối với các trường đại học có các chuyên ngành gần với Nhạc Viện Thành phố Hồ Chí Minh như Trường Đại học Sân khấu - Điện ảnh Thành phố Hồ Chí Minh, Trường Đại học Văn hóa Thành phố Hồ Chí Minh (có thể sử dụng chung hội trường, sân khấu, phòng tập, sân tập…).
Đồng thời, để cơ chế phối hợp giữa trường đại học và đơn vị sử dụng chung cơ sở vật chất được vận hành một cách thuận lợi, phải có các văn bản pháp lý cụ thể, minh bạch, quy chế phối hợp, quy chế quản lý, sử dụng, và quy chế hoạt động thể hiện rõ trách nhiệm của mỗi bên tham gia.
Mặt khác, theo thầy Đặng, mục tiêu tổng quát của quy hoạch mạng lưới cơ sở giáo dục đại học là đến năm 2030 phát triển mạng lưới cơ sở giáo dục đại học và sư phạm đồng bộ và hiện đại với quy mô, cơ cơ cấu và phân bố hợp lý; thiết lập được một hệ thống giáo dục đại học mở, công bằng, bình đẳng, chất lượng và hiệu quả; đáp ứng ngày càng tốt hơn nhu cầu học tập của Nhân dân và yêu cầu phát triển đất nước bứt phá, giàu mạnh trong kỷ nguyên mới dựa trên nguồn nhân lực chất lượng cao, khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo.
Để đạt các mục tiêu trên, mạng lưới giáo dục đại học được cơ cấu theo hướng tinh gọn, chất lượng. Đối với lĩnh vực nghệ thuật trong danh mục có 2 cơ sở của khối văn hóa – nghệ thuật trong danh mục quy hoạch các cơ sở giáo dục đại học trọng điểm quốc gia đến năm 2030 là Học viện Âm nhạc Quốc gia Việt Nam và Trường Đại học Sân khấu – Điện ảnh Hà Nội.
Mặc dù Nhạc Viện Thành phố Hồ Chí Minh là cơ sở đào tạo chuyên ngành Âm nhạc lớn nhất tại Thành phố Hồ Chí Minh với các chuyên ngành đào tạo có sự tương đồng so với Học viện Âm nhạc Quốc gia Việt Nam và Học viện Âm nhạc Huế, tuy nhiên, nhà trường cũng có ngành học mang tính chất đặc thù của mỗi đơn vị, mỗi địa phương.
Đơn cử, Khoa Âm nhạc truyền thống của nhà trường có 50% giáo trình là dạy về đặc trưng của âm nhạc Miền Nam như Nhạc tài tử Nam Bộ để giữ gìn và phát huy bản sắc văn hóa truyền thống của Nam Bộ; Khoa JPR và Công nghệ Âm nhạc gọi tắt là “khoa Nhạc nhẹ” để đáp ứng nhu cầu xã hội hóa nên khó khăn thứ nhất là về chuẩn đội ngũ giảng viên (trong khi đó Học viện Âm nhạc Quốc gia Việt Nam có khoa Jazz, Học viện Âm nhạc Huế có khoa Nhã nhạc).
Việc quy hoạch cơ sở như vậy có phần ảnh hưởng đến vấn đề đào tạo và giữ gìn nền văn hóa nghệ thuật của khu vực phía Nam.
Ngoài ra, do tính đặc thù của mỗi trường, theo thầy Đặng, khi xây dựng một số quy chuẩn về giảng viên, cơ quan quản lý cũng nên xem xét cụ thể để phù hợp hơn với từng cơ sở đào tạo, từng địa phương và nhu cầu của người học.
Làm sao để áp dụng hệ thống cơ sở vật chất dùng chung hiệu quả?
Cùng bàn về vấn đề trên, Tiến sĩ Lê Xuân Trường – Phó Hiệu trưởng Trường Đại học Mở Thành phố Hồ Chí Minh bày tỏ, như vậy, chỉ còn khoảng 3 năm nữa để các trường đại học phải đạt được những tiêu chuẩn theo quy định tại Chuẩn cơ sở giáo dục đại học. Có thể thấy, việc đưa ra quy định như vậy tất yếu là có cơ sở nhưng thời gian chấm dứt, dừng hoạt động đối với các cơ sở chưa đạt chuẩn đến năm 2028 khiến nhiều trường chưa đủ thời gian bổ sung chuyển đổi, nhất là quy định về diện tích đất/sinh viên.
Do đó, thầy Trường cho rằng, việc áp dụng mô hình cơ sở vật chất dùng chung như sử dụng chung các phòng thí nghiệm, sân thể chất, … nên được Bộ Giáo dục và Đào tạo tính toán, xem xét áp dụng vào thực tế để các trường có thể đạt được quy định về diện tích đất/sinh viên mà vẫn đảm bảo đáp ứng đúng chất lượng cho người học. Tùy theo mỗi trường hợp cụ thể và qua những hợp đồng ký kết dài hạn của cả 2 bên để áp dụng cho hợp lý.

“Nếu áp dụng tiêu chí về diện tích đất/sinh viên theo quy định tại Chuẩn cơ sở giáo dục đại học một cách cứng nhắc có thể gây khó khăn cho một số trường đại học và không mang lại hiệu quả thực sự tối ưu, đặc biệt là trong bối cảnh chúng ta đang cần tiết kiệm, tránh lãng phí nguồn lực như hiện nay.
Chúng ta không dễ dãi nhưng cần mềm dẻo qua nhiều hình thức, mô hình linh hoạt hơn để tạo thuận lợi cho các trường phát triển mà vẫn đảm bảo đủ điều kiện đáp ứng cho người học”, thầy Trường chia sẻ.
Thông tin thêm, thầy Trường cho biết, hiện Trường Đại học Mở Thành phố Hồ Chí Minh đã đảm bảo đủ theo quy định thì trường diện tích đất/sinh viên tại Chuẩn cơ sở giáo dục đại học.
Cụ thể, ngoài các cơ sở tại Thành phố Hồ Chí Minh, nhà trường đã xây dựng và phát triển 2 cơ sở tại một số khu lân cận như cơ sở ở Thành phố Thủ Dầu Một, tỉnh Bình Dương và cơ sở ở phường Long Bình Tân, Thành phố Biên Hòa, tỉnh Đồng Nai. Đối với cơ sở tại Thành phố Biên Hòa hiện đã có các nhà đa năng, ký túc xá; sinh viên chủ yếu lên cơ sở này để học các học phần giáo dục thể chất, giáo dục quốc phòng. Trong một số năm tới, nhà trường sẽ tiến hành giảng dạy nhiều học phần chuyên ngành khác ở đó để tạo điều kiện thuận lợi cho người học
Cũng theo thầy Trường, khi các trường đại học mở rộng thêm diện tích, điều quan trọng là diện tích đất đó phải có cơ sở vật chất, trang thiết bị, phòng thí nghiệm, sân thể thao cho sinh viên rèn luyện, học tập ra sao để đảm bảo người học được đáp ứng đầy đủ cả kiến thức, kỹ năng, tham gia các hoạt động, …
Ngoài ra, hiện số lượng giảng viên toàn thời gian của Trường Đại học Mở Thành phố Hồ Chí Minh đã đủ nhưng số lượng không đồng đều giữa các ngành. Do đó, nhà trường cũng đang tiến hành nâng cao tỷ lệ giảng viên có trình độ tiến sĩ trên tổng số toàn thời gian như có chính sách để tăng thu nhập cho những người có học vị cao, đặc biệt là ưu tiên những giảng viên đã từng được đào tạo ở nước ngoài. Hiện nay
Trong khi đó, Tiến sĩ Đỗ Trọng Tuấn – Phó Hiệu trưởng Trường Đại học Đông Á, tính đến thời điểm hiện tại, nếu không có quy hoạch từ trước đây nhiều năm, các trường đại học có thể sẽ khá khó khăn để đạt được chuẩn về diện tích đất/sinh viên theo quy định tại Thông tư 01.
Bởi đây không phải vấn đề 1,2 năm có thể giải quyết, bổ sung ngay được mà là câu chuyện trường kỳ có khi phải đến 5,6 năm, từ khi có chủ trương đồng ý của địa phương đến khi có đất để giao đầu tư, xây dựng được.
Cũng theo thầy Tuấn, giải pháp sử dụng hệ thống cơ sở vật chất dùng chung sẽ khả thi đối với những ngành học đòi hỏi cần đầu tư nhiều cơ sở vật chất, trang thiết bị hiện đại như ngành Công nghiệp bán dẫn, … nhưng số người học còn hạn chế. Việc áp dụng hệ thống cơ sở vật chất dùng chung giữa các trường cũng phải cân nhắc đến điều kiện, cơ cấu đào tạo của mỗi trường tham gia.
Ngoài ra, việc có các cơ sở vật chất dùng chung cho các trường đại học do địa phương xây dựng cũng là một giải pháp cần lưu tâm. Như tại Thành phố Đà Nẵng, Thành phố đã đầu tư xây dựng các ký túc xá ở bốn phía của thành phố cho sinh viên của các trường đại học trên địa bàn. Nhờ vậy, nhiều trường đại học cũng không cần phải tốn chi phí để xây dựng thêm cơ sở vật chất này.