Nhìn lại 3 năm thực hiện môn tích hợp ở cấp Trung học cơ sở

22/01/2024 06:40
NHẬT DUY
0:00 / 0:00
0:00
GDVN- Các phân môn tích hợp được phép dạy độc lập với nhau nhưng vẫn đứng chung tên 1 môn học và chịu nhiều ràng buộc không thực sự cần thiết.

Chương trình giáo dục phổ thông 2018 đang triển khai ở cấp Trung học cơ sở có một số môn học mới mang yếu tố tích hợp, như: Khoa học tự nhiên; Lịch sử và Địa lí; Nghệ thuật; Nội dung giáo dục địa phương.

Tuy nhiên, thời gian qua dư luận thường quan tâm nhiều nhất đến 2 môn: Khoa học tự nhiên; Lịch sử và Địa lí vì 2 môn học này được “tích hợp” từ 5 môn học độc lập của chương trình 2006, đó là: Hóa học; Sinh học; Vật lí; Lịch sử; Địa lí.

Mặc dù kể từ khi triển khai Chương trình giáo dục phổ thông 2018 cho đến nay, Bộ đã có những chỉ đạo về các môn học tích hợp ở cấp Trung học cơ sở, trong đó có môn khoa học tự nhiên; Lịch sử và Địa lí. Tuy nhiên, đến thời điểm hiện tại, các môn tích hợp vẫn chưa tạo ra sự yên tâm cho thầy và trò ở các trường Trung học cơ sở.

Môn tích hợp ở cấp trung học cơ sở vẫn xảy ra nhiều bất cập (Ảnh: Nguyên Khang)

Môn tích hợp ở cấp trung học cơ sở vẫn xảy ra nhiều bất cập (Ảnh: Nguyên Khang)

Môn tích hợp vẫn còn rối

Năm học 2021-2022 là năm đầu tiên thực hiện chương trình mới ở cấp Trung học cơ sở. Đến ngày 21/7/2021- thời điểm cận kề năm học, Bộ ban hành Quyết định 2454/QĐ-BGDĐT về Chương trình bồi dưỡng giáo viên môn Khoa học tự nhiên và Quyết định 2455/QĐ-BGDĐT về Chương trình bồi dưỡng giáo viên dạy môn Lịch sử và Địa lý ở cấp Trung học cơ sở.

Từ đó đến nay, các địa phương đã kết hợp với trường sư phạm mở một số lớp để bồi dưỡng kiến thức cho giáo viên 2 môn học tích hợp nhưng có nơi khi giáo viên bồi dưỡng xong, phần nhiều vẫn đang bố trí, phân công giáo viên dạy theo phân môn.

Bên cạnh đó, các năm học vừa qua, Bộ đã nhiều lần ban hành văn bản để hướng dẫn về các môn học tích hợp.

Đó là, Công văn số 2613/BGDĐT-GDTrH về việc triển khai thực hiện chương trình giáo dục trung học năm học 2021-2022; Công văn 1496/BGDĐT-GDTrH triển khai thực hiện chương trình giáo dục trung học năm học 2022-2023; Công văn số 3899/BGDĐT-GDTrH về việc hướng dẫn thực hiện nhiệm vụ giáo dục trung học năm học 2023-2024.

Để chuẩn bị cho năm học 2023-2024, ngày 15/8, Bộ Giáo dục và Đào tạo phối hợp Công đoàn Giáo dục Việt Nam tổ chức sự kiện Bộ trưởng Giáo dục và Đào tạo gặp gỡ nhà giáo, cán bộ quản lý, nhân viên ngành Giáo dục.

Để chuẩn bị cho sự kiện, thông qua Công đoàn Giáo dục Việt Nam từ Trung ương đến địa phương, Bộ Giáo dục và Đào tạo đã tiếp nhận hơn 6.200 ý kiến gửi tới. Trong đó, có nhiều ý kiến tập trung vào việc triển khai Chương trình giáo dục phổ thông 2018 (dạy học các môn tích hợp, bố trí giáo viên, tổ chức các cuộc thi trong nhà trường…).

Chính vì thế, trong buổi gặp gỡ này, Bộ trưởng đã cho biết rằng có thể sẽ có điều chỉnh chương trình môn tích hợp ở bậc Trung học cơ sở.

Ngày 10/10/2023, Bộ đã ban hành Công văn số 5636/BGDĐT-GDTrH hướng dẫn về việc xây dựng kế hoạch dạy học đối với một số môn học, trong đó có các môn Khoa học tự nhiên; Lịch sử và Địa lí.

Theo đó, Bộ hướng dẫn cho phép các phân môn của môn tích hợp dạy song song, giáo viên môn nào kiểm tra môn đó và mỗi môn học/lớp hiệu trưởng phân công 1 giáo viên chủ trì để thống nhất việc vào điểm, nhận xét, vào học bạ cho học trò.

Với cách hướng dẫn này, các phân môn tích hợp được phép dạy độc lập với nhau nhưng vẫn bắt buộc đứng chung tên 1 môn học và chịu nhiều ràng buộc không thực sự cần thiết.

Ngày 10/12/2023, Bộ Giáo dục và Đào tạo tổ chức Hội thảo, tập huấn cán bộ quản lý, giáo viên tổ chức dạy học các môn tích hợp. Buổi Hội thảo, tập huấn có lãnh đạo Bộ, các Sở Giáo dục và Đào tạo và gần như toàn bộ giáo viên cả nước tham dự.

Trong buổi Hội thảo, tập huấn, lãnh đạo Bộ đã có những hướng dẫn, chia sẻ những khó khăn, thắc mắc về các môn học tích hợp của cấp Trung học cơ sở, về định hướng thi tuyển sinh 10 đối với khối trường Trung học phổ thông chuyên; thi học sinh giỏi môn tích hợp. Tuy nhiên, vẫn còn nhiều ý kiến băn khoăn về các môn tích hợp.

Môn tích hợp vẫn cần được gỡ

Năm học 2024-2025 tới đây sẽ là năm cuốn chiếu cuối cùng của cấp Trung học cơ sở nhưng các môn tích hợp, đặc biệt là môn Khoa học tự nhiên; Lịch sử và Địa lí vẫn còn những khó khăn, bất cập trong quá trình thực hiện dưới cơ sở vì 1 môn học có 2-3 phân môn nên dẫn đến 2- 3 người dạy, Bộ đã cho phép kiểm tra riêng nhưng vẫn chung tên môn học, chung cột điểm, nhận xét.

Điều đáng băn khoăn là năm học tới đây, chương trình 2018 sẽ thực hiện cuốn chiếu ở 9- lớp học có nhiều mốc quan trọng đối với nhiều học sinh khi các em thi vào lớp 10 chuyên và thi học sinh giỏi văn hóa cuối cấp. Lúc ấy, chắc chắn nhiều học sinh và giáo viên dạy các môn tích hợp ở lớp 9 sẽ gặp nhiều vấn đề băn khoăn.

Theo Công văn số 5636/BGDĐT-GDTrH hiện nay, các lớp 6,7,8 được phép dạy theo phân môn, được kiểm tra theo phân môn nhưng khi thi học sinh giỏi và thi vào lớp 10 chuyên sẽ thi cả môn tích hợp sẽ là thách thức lớn cho học sinh. Nhưng, nếu thi theo từng phân môn thì ý nghĩa môn tích hợp của 4 năm trung học cơ sở lại không còn trọn vẹn.

Thực tế cho thấy, để viết 1 cuốn sách giáo khoa môn tích hợp của 1 lớp, có những cuốn sách cần đến 15 tác giả thì việc yêu cầu 1 giáo viên dạy cả môn tích hợp là điều khiên cưỡng. Bồi dưỡng vài tháng để về dạy thêm 1-2 phân môn là điều gần như không thể đối với phần lớn giáo viên dạy môn tích hợp hiện nay.

Vì thế, về cơ bản các phân môn tích hợp đang được phần lớn các địa phương, nhà trường thực hiện đơn lẻ nhưng xảy ra tình trạng khó khăn trong sắp xếp thời khóa biểu; phân công giảng dạy; kiểm tra, vào điểm; nhận xét cho học trò. Thành thử, các môn tích hợp ở cấp Trung học cơ sở hiện nay chỉ chung mỗi cái bìa sách giáo khoa và nhập điểm chung các phân môn thành 1 môn mà thôi.

Những khó khăn vẫn đang xảy ra đối với 2 môn: Khoa học tự nhiên; Lịch sử và Địa lí cần được tháo gỡ trong năm học tới.

(*) Văn phong, nội dung bài viết thể hiện góc nhìn, quan điểm của tác giả.

NHẬT DUY