Bayern Munich - Barcelona: Long trời lở đất

23/04/2013 09:09
Trần Công Hưng
(GDVN) - Không chuyền bóng lòng vòng như Barca, Bayern dựa vào kỹ thuật và tốc độ vượt trội để kiểm soát bóng. Bóng luôn được đẩy về phía khung thành đối phương với vận tốc cao nhất, rất nhiều cú sút được tung ra từ mọi hướng, mọi vị trí trên sân.
Cả nước Đức đang chờ Barca đến, họ chờ cái ngày này quá lâu rồi. Đội tuyển quốc gia của họ, 2 lần liên tiếp thất bại trước Tây Ban Nha (nòng cốt là các cầu thủ Barcelona) tại chung kết EURO 2008 và bán kết World Cup 2010 khiến thế giới cảm tưởng người Đức cứ gặp người Tây Ban Nha là bị loại. Riêng với Bayern, thất bại 0-4 trước Barca năm 2009 vẫn còn ám ảnh cho đến hiện tại, trận thua khiến họ bị mặc định một hình ảnh là đội bóng tuy tấn công đẹp nhưng không thật sự đẳng cấp. Và vì thế dù lọt vào chung kết Champions League tới 2 lần trong 4 mùa gần đây nhưng cũng không mấy ai đánh giá cao nhà Á quân mùa trước.

ĐÃ BAO LÂU RỒI ĐỂ NƯỚC ĐỨC CÓ MỘT ĐỘI BÓNG MẠNH ĐẾN VẬY?

Khi Bayern vô địch châu Âu năm 2001, chắc chính họ cũng không nghĩ mình là một thế lực thật sự đáng sợ. Quả thực từ đó đến nay, cái tên Bayern đã chìm nghỉm. Người ta chú ý nhiều hơn ở đội chủ sân Allianz Arena với biệt danh FC Hollywood - nơi mà phòng thay đồ là của các “ngôi sao điện ảnh” chứ không phải các vận động viên thể thao. Ngay mùa trước thôi, việc Ribery và Robben choảng nhau có lẽ là việc gây xôn xao nhất mùa bóng.

Bayern đã sẵn sàng lật đổ Barca.
Bayern đã sẵn sàng lật đổ Barca.

Nhưng tình thế đã thay đổi chóng mặt. Bắt đầu từ việc Pep Guardiola bất ngờ chọn đội bóng Đức cho kế hoạch tương lai. Tất cả xúm vào tìm hiểu xem Bayern có gì để thu hút được một huấn luyện viên đang được săn đón nhất thế giới. Câu trả lời là có, Bayern có tiềm năng. Nhưng không ít những quan điểm cho rằng Bayern là một sự lựa chọn an toàn hơn là tham vọng, rằng Pep đến Đức để tránh va chạm và không sang Premier League là do môi trường quá khắc nghiệt của bóng đá xứ sở Sương mù.

Giờ thì người ta quay ngoắt 180 độ. Sau trận thắng đẳng cấp trước Arsenal và đặc biệt là 2 trận vùi dập kẻ cứng đầu Juventus; thế giới buộc phải nhìn Bayern và Heykcnes bằng một con mắt khác. Đối với Bayern, cách thắng của một kẻ bề trên trước 2 đội bóng lớn quả là bất ngờ. Arsenal là đội đang gặp khó khăn và có lối chơi “mong manh”, nhưng Juve thì đúng là một thử thách không nhỏ. “Bà đầm già” đang bắt nạt tất cả các đội còn lại ở Serie A và đội cũng sắp vô địch quốc gia này từng là tác nhân khiến đương kim vô địch Châu Âu Chelsea bị loại từ vòng bảng. Vậy mà “hùm xám” đã không cho Juve có một chút gì để tiếc nuối sau 2 lượt trận. Sau khi thua toàn diện ở lượt đi, người Ý vẫn có lý do để hy vọng vào cuộc lật đổ khi đó là trận thua sân khách, nhưng khí thế hừng hực trên sân nhà nhanh chóng bị dập tắt một cách tàn bạo để Juve hiểu rằng họ không cùng đẳng cấp với đối thủ.

Về phía Guardiola, người ta lại quay sang thán phục ông vì có con mắt tinh đời. Pep có nhìn thấy trước sức mạnh của Bayern hay không? Điều đó chẳng ai có thể biết, vì ông được chọn cho kế hoạch dài hơi, còn Bayern đã thực sự trưởng thành ở hiện tại. Nếu ngay từ đầu Bayern đã hay như thế này, không biết chủ tịch câu lạc bộ có tính đến chuyện đổi huấn luyện viên hay không. Sức mạnh của Bayern giờ chỉ còn chờ Barca – đội bóng cũ của Guardiola kiểm chứng mà thôi.

AI SẼ CHIẾN THẮNG?

Từ khi Barca trở thành đội bóng số 1 thế giới dưới thời Pep Guardiola, đã có không ít đội bóng mạnh muốn thử sức với Barca để xem ai là những người tấn công xuất sắc hơn, và tất cả đều thất bại thảm hại. Đó là Manchester United, là Arsenal, là Real Madrid. Mu và Real thậm chí có thời điểm được đánh giá cao hơn đội bóng xứ Catalan trước khi lâm trận, nhưng những ảo tưởng về việc có thể đôi công với Barca chỉ mang lại kết cục bi thảm.

Không ai có thể cầm được nhiều bóng hơn bộ 3 Messi – Xavi – Iniesta, điều đó gần như đồng nghĩa với việc bạn sẽ bị sút nhiều hơn và ít cơ hội tiếp cận khung thành đối phương hơn. Những đội thắng được Barca đều phải tập trung số đông ở sân nhà và chờ cơ hội phản công. Để làm được điều này họ cần có hàng thủ vững chắc và 1 cho đến 2 người có tốc độ dành cho những pha đánh trả chớp nhoáng. Ở Bayern, Ribery và Robben là chuyên gia cho những tình huống kiểu này. Nhưng nếu đá như vậy, trước đây đã có vài đội làm được rồi, đó là Inter, Chelsea hay gần đây là Real. Những đội này không cần phải mạnh hơn Barca cũng có thể thắng Barca với chiến thuật hơp lý. Cái người Đức cần, hay một phần không nhỏ của thế giới cần, là có một đội thật sự mạnh hơn gã khổng lồ xứ Catalan.

Cùng là 2 đội giữ bóng giỏi nhất (Bayern kém hơn 1 chút), nhưng cách kiểm soát bóng của đội bóng Đức khác hẳn. Không chuyền bóng lòng vòng như Barca, “hùm xám” dựa vào kỹ thuật và tốc độ vượt trội để kiểm soát bóng. Bóng luôn được đẩy về phía khung thành đối phương với vận tốc cao nhất, rất nhiều cú sút được tung ra từ mọi hướng, mọi vị trí trên sân. Ở Barca, người kết thúc hầu như chỉ là Messi và cú sút không hẳn là mục đích cuối cùng của tất cả các đợt tấn công. Tấn công đối với Barca cũng là để giữ bóng và qua đó không cho đối phương cơ hội. Nếu chưa có đường vào khung thành, đội bóng này sẵn sàng chuyền ngược trở lại và cầm bóng cho đến khi nào có khoảng trống thật sự rõ ràng mới tính đến việc dứt điểm.

2 trường phái hoàn toàn khác nhau, một như vòng tròn hoàn hảo khó phá vỡ (Barca), một như những mũi tên lao đến từ nhiều phía (Bayern), ai sẽ thắng? Kết quả của “cuộc gặp thượng đỉnh” lần này sẽ quyết định rất nhiều vấn đề của bóng đá thế giới. Barca sẽ giữ vững thế “một cực”, Bayern sẽ chiếm vị trí đó từ tay Barca hay họ sẽ tạo ra một cực nữa để thiết lập thế “hai cực” trong “trật tự bóng đá thế giới”? Điều đó chỉ có thể biết sau 120 phút đáng chờ đợi nhất năm 2013.
Trần Công Hưng