Franck Ribery: Khi “mặt sẹo” lại cười

26/03/2013 08:54
Hoài Trinh (TT&VH)
Với những kẻ yếu bóng vía, nụ cười của Ribery có thể là một nỗi ám ảnh. Mỗi khi anh cười, hai vết sẹo trên mặt lại kéo dài ra và để lộ hàm răng lởm chởm. Nhưng nụ cười của xấu xí ấy lại là thứ mà người Pháp muốn nhìn thấy nhất vào thời điểm này, thay vì gương mặt buồn bã của “chàng thơ” Benzema.
1. Trên gương mặt của Franck Ribery vẫn hằn in những dấu vết của vụ tai nạn giao thông kinh hoàng năm anh mới chập chững biết đi. Cha Ribery, một công nhân xây dựng nghèo đã lái xe chở cậu con trai mới lên 2 lao thẳng vào xe tải, anh may mắn sống sót với hơn 100 mũi khâu. Sau này lớn lên và trở thành cầu thủ, anh tâm sự: “Đây là mặt tôi, những vết sẹo khiến người ta nhận ra tôi. Tôi hạnh phúc với khuôn mặt của mình”.

Gã mặt sẹo lại cười.
Gã mặt sẹo lại cười.

Với vẻ ngoài xấu xí ấy, Ribery được Zidane mô tả như một con voi trong cửa hàng bán đồ sứ khi gia nhập đội tuyển Pháp năm 2006. HLV Domenech gọi anh lên tuyển để thay thế Vincent Candela, tiền vệ có lối chơi tương đồng: thuận chân phải nhưng cực kỳ nguy hiểm ở cánh trái. Ribery không làm những người yêu mến đội tuyển Pháp phải thất vọng. Tại giải vô địch thế giới ở Đức, Zidane đeo băng đội trưởng là cầu thủ xuất sắc nhất và sau đó là Ribery. Tiền vệ khi ấy thuộc biên chế Marseille đá chính 6/7 trận với phong độ xuất thần. Ấn tượng lớn nhất “gã mặt sẹo” tạo ra là pha solo qua Casillas và sút tung lưới TBN trong trận đấu ở vòng 1/8. Ribery tiếp tục tỏa sáng giúp Pháp đánh bại Brazil và tổng thống Jacques Chirac đã xuống sân để chúc mừng anh.

2. Zidane giải nghệ sau World Cup 2006 và Ribery là người dẫn dắt lối chơi của đội bóng áo Lam. Anh đã hoàn thành khá tốt nhiệm vụ trong giai đoạn 2006-2009. Nhưng một biến cố xảy ra vào năm 2009 khi đợt tập trung đội tuyển diễn ra đúng vào tháng ăn chay Ramadan. Ribery là người Hồi giáo đã kiên quyết từ chối ăn sáng trước buổi tập và đó là nguyên nhân gây ra những tranh cãi với BHL. Mâu thuẫn càng lớn hơn khi Ribery từ chối ra sân ở vị trí tiền vệ phải trong trận đấu loại World Cup với Romania, đó là ngày Pháp bị cầm hòa trên sân nhà và có nguy cơ mất vé. Không lâu sau đó là scandal với ả điếm vị thành niên Zahia.

Đỉnh điểm của thất vọng là vụ lùm xùm ở Knysna, Nam Phi, nơi anh bị chỉ trích vì không chịu chuyền bóng cho Gourcuff và bị liệt vào nhóm “cừu đen”. Ribery lĩnh án treo giò 3 trận khi kết thúc kỳ World Cup xấu hổ nhất trong lịch sử đất nước lục lăng. 2009-2011 là quãng thời gian tồi tệ của Ribery và vai trò thủ lĩnh được chuyển giao cho Malouda, cầu thủ có thể không sánh bằng anh về tài năng nhưng được yêu mến vì tính cách điềm đạm.

3. Nếu câu chuyện tình giữa Ribery và tuyển Pháp là cuốn tiểu thuyết nhiều chương hồi thì chương mới nhất có tên là sự phục hưng. Trong số những kẻ tạo phản ở World Cup 2010, Anelka đã từ giã đội tuyển, Evra bị tước băng thủ quân và ảnh hưởng ngày càng giảm, Toulalan thì biến mất, chỉ có Ribery vẫn còn ở lại và đóng vai trò nòng cốt. HLV Blanc lên thay Domenech đã dành nhiều thời gian đối thoại với ngôi sao của Bayern và ra sức thuyết phục LĐBĐ Pháp cho anh cơ hội. Cầu thủ sinh tại thành phố Boulogne-sur-Mer bắt đầu hồi sinh bằng bàn thắng vào lưới Iceland ngày 27/5/2012, 3 năm sau bàn thắng quốc tế cuối cùng. Chỉ trong vòng 10 tháng, Ribery đã ghi 5 bàn cho đội tuyển Pháp. So với 7 bàn thắng trong 6 năm trước, đó thực sự là một bước đại nhảy vọt.

Người ta bảo rằng sự ra đời của đứa con thứ ba năm 2011 đã giúp Ribery trưởng thành hơn, và những bài học sống động từ quá khứ giúp anh tránh khỏi vụ lộn xộn trong phòng thay đồ sau thất bại trước Thụy Điển ở kỳ EURO gần nhất. Đó là giải đấu mà các tiền vệ tài hoa Ben Arfa, Menez, Nasri đều dính chàm, riêng “gã mặt sẹo” đứng ngoài vùng “ô nhiễm” và trở thành trụ cột không thể thiếu dưới triều đại Deschamps. HLV 44 tuổi từng nói: “Tôi không cần biết trước đây anh ấy thế nào, tôi chỉ biết anh ấy là cầu thủ tạo ra sự khác biệt. Anh ấy là Ribery”.

7 năm trước Ribery từng ghi bàn loại TBN khỏi World Cup. Giờ thì người Pháp lại kỳ vọng anh sẽ lại ghi bàn để giúp đội bóng tiến gần hơn tới Brazil.
Hoài Trinh (TT&VH)