Diễn ra lần đầu vào tháng 5/1989, Cuộc thi Olympic Cơ học toàn quốc đã trở thành sân chơi thường niên dành cho các bạn sinh viên, học viên thuộc khối ngành Kỹ thuật mà chủ yếu là lĩnh vực Cơ học.
Trong lần tổ chức vào năm 2024 vừa qua, Phạm Huê (sinh viên năm 4, Đại học Bách Khoa Hà Nội) đã xuất sắc giành giải Nhất của cuộc thi.
Huê dự thi môn Thuỷ lực trong tổng thời gian 180 phút với 4 câu hỏi. Chia sẻ với Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam, Huê cho biết, do mất khá nhiều thời gian vào câu đầu tiên, những câu sau em làm ngắn gọn và không quá chi tiết. Song sau cùng, ước mơ chạm tay vào giải thưởng cao nhất vẫn đến với cô gái nhỏ.
“Biết tin đoạt giải, em vô cùng vui sướng và có phần tự hào khi bản thân là nữ sinh duy nhất giành được giải Nhất trong cuộc thi ở bộ môn Thủy lực. Một thành quả xứng đáng với những gì mà thầy trò chúng em đã bỏ ra trong suốt hai tháng vừa qua”, Huê chia sẻ niềm hạnh phúc.
Từ niềm đam mê Toán Lý đến bóng hồng duy nhất trong lớp đại học
Huê sớm nhận thấy sự hấp dẫn của Vật lý và đặc biệt là Toán học trong những năm học trung học cơ sở tại quê nhà Hải Dương. Lên trung học phổ thông, Huê đã lựa chọn tổ hợp A00 (Toán, Lý, Hoá) để theo học. Nhận thấy tiềm năng của cô học trò, thầy giáo bộ môn Vật lý đã gợi mở Huê theo học một số ngành Kỹ thuật tại Đại học Bách Khoa Hà Nội.
Vốn dành cho Toán và Lý một thứ tình cảm đặc biệt từ trước, nay lại thêm lời động viên, khích lệ của người thầy, Huê đã lựa chọn ngành Kỹ thuật Cơ khí động lực với niềm tin chỉ cần đủ đam mê thì sẽ học tốt và làm tốt.
“Từ những gợi ý từ thầy giáo Vật lý, em cũng tìm hiểu sâu hơn và nhận thấy đây là ngành học có tiềm năng phát triển lớn, đem lại nhiều lợi ích cho xã hội. Sẵn có niềm yêu thích nữa nên em quyết định theo đuổi”, cô gái sinh năm 2002 tâm sự.
Dĩ nhiên, với định kiến thường thấy như khối ngành Kỹ thuật chỉ phù hợp với nam, lựa chọn của Huê cũng nhận về những thắc mắc của mọi người. “Ban đầu bố mẹ em không đồng tình cũng không phản đối nhưng mẹ muốn em theo ngành y, bố thì muốn em học lĩnh vực kinh tế. Bạn bè, hàng xóm thường bảo sao có nhiều ngành nhẹ nhàng, nữ tính hơn mà lại không chọn”, Huê kể.
Kiên định và bản lĩnh, Huê đã chinh phục thành công nguyện vọng Kỹ thuật Cơ khí động lực của ngôi trường Bách Khoa danh tiếng. Tuy nhiên, rất nhanh sau đó, cú sốc đã đến với cô tân sinh viên khi trong lớp học 50 sinh viên, Huê là bóng hồng duy nhất.
Ngay cả khi ghép lớp để học các chương trình đại cương, số lượng nam giới cũng áp đảo khiến cô bạn không khỏi ngại ngùng và thu mình.
“Suốt học kỳ I năm nhất, em không dám nói chuyện với ai, ngại giao tiếp với các giảng viên, bạn bè nên lúc nào cũng tìm xuống cuối giảng đường để ngồi. Nhưng rồi nhận ra điều này gây cản trở cho bản thân, em đã chuyển vị trí lên các bàn đầu, cố gắng chủ động bắt chuyện, trao đổi bài với các bạn, hỏi thầy cô bất cứ khi nào có thắc mắc”, Huê cho biết. Sự thay đổi này đã đem lại những chuyển biến đáng kể trong kết quả học tập cũng như cải thiện, mở rộng vòng tròn mối quan hệ của Huê.
Trước khi đoạt Huy chương vàng Olympic Cơ học Toàn quốc 2024 ở bộ môn Thuỷ lực, Huê cũng đã kịp ghi cho mình những dấu ấn nổi bật khác trong học tập và rèn luyện. Từ những danh hiệu Sinh viên 5 tốt cấp trường, giấy khen của Đoàn Thanh niên Đại học Bách Khoa Hà Nội cho đến các học bổng lớn nhỏ của trường,Quỹ Châu Á hay các doanh nghiệp khác.
Phó Giáo sư, Tiến sĩ Trần Xuân Bộ - Giám đốc chương trình đào tạo ngành Kỹ thuật Cơ khí động lực, Đại học Bách khoa Hà Nội, đồng thời là giáo viên chủ nhiệm giảng dạy Huê một số học phần cho biết: “Huê là một trong số ít các bạn nữ ở trong ngành học mà nam là chủ yếu. Huê có tố chất thông minh, rất tập trung, chịu khó học hỏi và đã sớm tham gia vào lab nghiên cứu ngay từ năm thứ hai. Ngoài giải Nhất ở kỳ thi vừa qua thì Huê cũng đã công bố được một số bài báo khoa học trên Tạp chí khoa học quốc tế”.
Hoài bão với những sáng chế vì cộng đồng
Khi được hỏi về nguồn động viên tinh thần, Huê cho biết, gia đình là điểm tựa cho những nỗ lực, cố gắng của bản thân. Hai chị gái của Huê ngay sau khi hoàn thành chương trình giáo dục phổ thông đã đi làm để phụ giúp gia đình.
Dù là người con đầu tiên được đi học đại học song mọi người trong gia đình chưa từng áp đặt gánh nặng thành tích nào lên cô con gái. “Bố mẹ luôn dặn dò em phải ăn uống đầy đủ, nghỉ ngơi cho tốt, giữ gìn sức khoẻ và cố gắng trong khả năng”. Có lẽ, thay vì những kỳ vọng thì yêu thương mới là yếu tố có khả năng tác động to lớn đến sự phấn đấu, nỗ lực của một cá nhân.
Bên cạnh đó, chính những thành tựu mà bản thân đã đạt được cũng như một liều thuốc tinh thần, quay trở lại và tiếp thêm sức mạnh cho Huê.
Nhìn vào vóc dáng bé nhỏ của Huê, thật khó để tưởng tượng ra những nghiên cứu, sáng chế vì sức khỏe cộng đồng mà bạn đang ấp ủ và nỗ lực từng ngày để hiện thực hoá.
Từ khi tham gia vào lab nghiên cứu, Phạm Huê đã tiến hành nghiên cứu động lực học chất lỏng trong phòng thí nghiệm của Đại học Bách Khoa Hà Nội. Tháng 4/2024 vừa qua, cô cùng hai sinh viên khác đã công bố bài báo nghiên cứu mô phỏng về dòng máu ở trong động mạch vành trên Tạp chí Vietnam Journal of Science and Technology.
“Đây là bài báo nghiên cứu về những thông số tìm ra áp suất, ứng suất… mà dòng máu tác động lên động mạch vành. Khi công trình này được đưa ra, các bác sĩ sẽ có thêm cơ sở để chẩn đoán bệnh trong động mạch vành”, Huê chia sẻ.
Bên cạnh đó, Huê cũng đang tìm hiểu về mô phỏng kích hoạt điện ở trong tim, tìm nguyên nhân, đưa ra chẩn đoán về những bệnh rối loạn nhịp tim hay thực hiện nghiên cứu về tách các tế bào mang ADN ung thư, về dòng máu trong cơ thể người, chuyển động của các ion trong pin điện hoá…
Huê trăn trở: “Ở Việt Nam, nhiều người thường rất ít khi đi khám sức khỏe định kỳ bởi chi phí đắt đỏ, đến giai đoạn bệnh nguy hiểm thì mới phát hiện ra bệnh. Điều đó thực sự đáng tiếc. Vì vậy, em mong muốn có thể phát triển ứng dụng của động lực học chất lỏng để việc chẩn đoán những bệnh như ung thư trở nên dễ dàng và thuận lợi hơn”.
Chia sẻ với phóng viên Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam, Phó Giáo sư Trần Xuân Bộ nhận định: “Đây là một trong những ứng dụng rất thực tế của ngành. Hiện nay, việc ứng dụng kiến thức kỹ thuật cơ khí động lực vào lĩnh vực Y học cũng đang có nhiều hướng để nghiên cứu và phát triển.
Huê đã tiếp cận được một trong những hướng nghiên cứu nổi trội, thực tế và rất hay. Tôi nghĩ Huê rất có tiềm năng, trau dồi, học hỏi và nâng cao trình độ trong quá trình học thạc sĩ, tiến sĩ sau này”.
Thời gian tới, ngoài nhiệm vụ hoàn thành các học phần trên lớp, Huê cũng vẽ ra vài gạch đầu dòng để chuẩn bị cho hành trình “bơi ra biển lớn”. Nữ sinh viên Đại học Bách khoa Hà Nội ấp ủ viết thêm một số bài báo khoa học, đồng thời, chinh phục tấm bằng IELTS để xin học bổng đi du học. Với tinh thần ham học hỏi cùng sự cố gắng không ngừng nghỉ, hi vọng những ước muốn của nữ sinh Cơ khí động lực sẽ sớm thành hiện thực.