(GDVN) - Năm học mới đã bắt đầu được vài ngày, là một người dân Việt Nam, đã từng cắp sách đến trường, tôi xin có vài lời gửi đến ông.
Kính gửi Bộ trưởng Bộ Giáo dục - đào tạo!
Năm học mới đã bắt đầu được vài ngày, là một người dân Việt Nam, đã từng cắp sách đến trường, tôi xin có vài lời gửi đến ông.
Thưa ông, mới đây thôi, trong một bài phát biểu trên báo chí, ông đã từng cho rằng "Hàng ngàn điểm 0 môn Lịch sử thi ĐH vừa qua là chuyện bình thường!". Đã từng trải qua cái thời học sinh, ngồi học từng trang sách trải dài theo lịch sử dân tộc, tôi không chấp nhận cách Bộ trưởng trả lời như vậy. Bộ trưởng trả lời là đại diện cho cả bộ GD&ĐT mà lại đem so sánh việc học của học sinh VN và học sinh nước khác - sử VN và sử nước khác. Liệu như vậy có phải là phiến diện?
Phương pháp dạy và học của VN luôn đi sau thế giới. Các chuyên viên trong Bộ cũng đều là giáo sư - tiến sĩ - du học nước ngoài về vậy mà cách giáo dục của VN hàng bao nhiêu năm qua vẫn không khác gì như hồi sau giải phóng?
Nếu có chăng chỉ khác là sách bây giờ đắt hơn - vì đẹp hơn (kiến thức thì vẫn thế). Học phí bây giờ đắt hơn vì có nhiều phụ phí hơn (chứ không phải chất lượng tốt hơn). Học sinh bây giờ đi học khổ hơn không phải vì kiến thức nhiều hơn mà là vì có quá nhiều thứ nhồi vào đầu mà chẳng biết cái nào là kiến thức.
Văn học được gọi là bộ môn Quốc ngữ - ngôn ngữ Quốc gia. Nếu Bộ trưởng có đọc những bài văn bất hủ của học sinh thì Bộ trưởng sẽ cảm thấy thế nào?
“Nhà em có nuôi một bà nội. Đầu bà to như quả bóng nhựa 5000đ, hai mắt bà to như hai hòn bi ve. Hàng ngày bà chẳng làm gì chỉ ngồi một chỗ nhai trầu và nhỏ nước bọt không đúng nơi quy định".
Hay” tùng tùng tùng, ba tiếng trống vang lên báo hiệu giờ học đã đến, các bạn chen lấn xô đẩy nhau vào lớp. Khi mọi người ổn định chỗ ngồi, cô giáo mới chạy từ cổng vào, do cô dậy muộn nên phải tranh thủ cho con bú. Khi cô vào thì cả lớp đứng lên chào. Cô bảo các em ngồi xuống rồi hỏi hôm nay lớp mình có ai đóng tiền không?..."
Sử học còn gọi là truyền thống của dân tộc. Liệu Bộ trưởng có tin là những học sinh cấp 3 vẫn còn nhầm tưởng là Lê Lai và Lê Lợi là hai anh em ruột không.
Thế hệ chúng tôi, và cả thế hệ đang ngồi trên ghế nhà trường bây giờ nữa, hễ có ai hỏi cái gì là chúng tôi lại nói: "để em tìm trong sách".
Nếu học trò chỉ biết nghe cô giáo đọc sách giáo khoa cho chép thì liệu các em có thoát ra khỏi cái suy nghĩ: Nghe làm gì vì trong sách có hết, cô nói y như trong sách có khác gì đâu.
Hay các cô giáo cũng chỉ biết dạy như một thói quen đối với các bài giảng do dạy nhiều mà nhớ, nên cũng chẳng cần đào sâu tư duy để đưa ra cách giảng mới hoặc một khía cạnh khác. Liệu bây giờ có còn những tiếng cười trong lớp Sử - liệu có những ánh mắt mơ màng trong lớp Văn vì say mê với môn học? Hay chuyện đó được nhắc lại như một quá khứ?
Đến trường trước tiên là phải "Tiên học lễ, hậu học văn" |
Tôi thiết nghĩ: nếu thực sự cần cải cách thì hãy cải cách tư duy – tầm nhìn – phương pháp giảng dạy của các thầy cô giáo trước. Từ khi bộ GD&ĐT được thành lập đến nay là bao nhiêu năm? Có bao nhiêu lần tổ chức tổng kiểm tra kiến thức của chính các nhà giáo? Liệu các nhà giáo có đáp ứng đủ kiến thức và tư duy để giảng dạy hay chỉ là một người lớn đọc sách nhiều hơn, thuộc nhiều hơn, biết nhiều hơn dạy lại cho đứa chưa biết gì theo cách: "Các con giở sách ra trang x bài y phần z. Một bạn đứng dậy đọc cho cô từ x đên y. Đọc xong thì bắt đầu điểm vài gạch đầu dòng rồi cho về nhà học thuộc lòng và mai cô kiểm tra".
Vậy thì các phương pháp giáo dục trực quan, phương pháp giảng dạy thông qua phản biện thực tế như Bộ đã từng nói, việc cải cách sách giáo khoa với 70.000 tỷ như Bộ kiến nghị, liệu có thực tế khi mà đội ngũ giảng dạy vẫn giữ nguyên lề thói làm việc?
Hay có chăng lại sẽ cải cách sách theo kiểu: Trong bảng chữ cái, chữ E gần mẹ nên đưa lên đầu. Nếu vậy thì chữ B phải lên trước vì B là chữ đầu tiên của “ Bà” - bà sinh ra mẹ thì bà đứng trước chứ? Bà rồi đến Bố, rồi mới đến Mẹ. Nhưng vẫn còn thiếu Ông. Vậy thì bảng chữ cái sẽ bắt đầu từ đâu?
Xin các nhà giáo hãy dạy cho học sinh những gì từ ngọn nguồn tình yêu thương với đất nước, lịch sử dân tộc và niềm tự hào của nước Việt. Nếu làm được như vậy, tôi nghĩ sẽ không bao giờ còn tồn tại các lớp học thêm và dạy thêm. Và học sinh Việt Nam sẽ thực sự hiểu được mình là ai, đang ở vị trí nào trên thế giới, cần phải làm gì và như thế nào để đưa Việt Nam đi lên.
Chúc Bộ trưởng và các thầy cô giáo năm học mới dồi dào sức khỏe, dạy tốt để học sinh và con tôi được học tốt.
Độc giả Đào Hoàng Ngọc