Bức thư xúc động gửi miền Trung mùa bão lũ

30/10/2012 06:22
Độc giả Huỳnh Anh
(GDVN) - Sáng này, con lên giảng đường, đôi mắt thâm quầng vì mệt mỏi, gương mặt vẫn còn hằn nguyên sự lo lắng... Con còn nhớ y nguyên buổi sáng mẹ gồng mình cõng con chạy lũ. Khi đó, con hiểu tổ ấm không nhất thiết là nhà cao, cửa rộng. Tổ ấm là nơi nào có trái tim của người mẹ sưởi ấm cho con. "Màn trời chiếu đất" cũng là tổ ấm, khi mẹ luôn ở bên, ôm trọn lấy con bằng cánh tay run lên vì lạnh.
LTS: Cơn bão số 8 vừa quét qua dải đất hình chữ S, để lại nhiều nỗi buồn thương cho những người dân vùng biển miền Trung. Báo Giáo dục Việt Nam xin đăng tải bức thư xúc động của độc giả Huỳnh Anh (ĐH Kiến trúc Hà Nội) gửi miền Trung trong những ngày bão lũ. 

Đêm bão lũ, cả căn phòng trọ thức trắng đêm kể chuyện cho nhau nghe. Chúng bạn kể, những ngày bão được nghỉ học, co ro trong chăn mà nghe tiếng mưa rơi, gió rít, chờ đến khi hết bão thì cả lũ trẻ con kéo nhau đi nhặt quả rụng, cùng nhau ăn no nê. Chỉ có con là sợ bão từ ngày nhỏ. Vì con sinh ra và lớn lên ở miền Trung, sống chung với bão nên hiểu sức tàn phá khủng khiếp như thế nào. Là con của người nông dân quanh năm đầu tắt mặt tối, mưa bão đã trở thành nỗi lo lớn nhất với cả gia đình con, khi tất cả “tài sản” đều phó mặc cho trời, chỉ cần sau một đêm nước đã trắng xóa và san bằng tất cả. 

Cơn bão Sơn Tinh ban đầu được thông báo đi đến tỉnh từ Quảng Bình tới Thừa Thiên Huế, rồi bão mạnh lên rất nhanh và áp sát vùng biển Nghệ An, Thanh Hóa, Nam Định. Nhìn cảnh những người dân hối hả chèo chống nhà cửa, neo đậu thuyền bè, sơ tán để tránh bão trên báo chí mà lòng con như lửa đốt. 

Ảnh minh họa. (Nguồn Internet)
Ảnh minh họa. (Nguồn Internet)

HỘP THƯ TỐ CÁO TIÊU CỰC GIÁO DỤC

Con không thể ngủ được. Ở giữa thành phố thanh bình, mưa chỉ đủ làm thêm cuộc sống thi vị mà đau lòng khi nghĩ đến giông gió miền Trung. Làm sao con có thể bình thản ngồi yên khi ngoài kia, một góc quê nhà thân thương hiện đang ngập chìm trong bão lũ. Con và anh trai đều đi xa, ở nhà chỉ có bố mẹ, công việc chống bão lại thêm vất vả. Con gọi điện về cho mẹ, mẹ chỉ nói: “Mưa gió bình thường thôi, ở nhà không sao đâu, chuyên tâm mà học đi”. Nhưng con biết, mẹ chỉ nói như vậy để con bớt lo lắng.

Quê nghèo miền Trung, năm nào lũ lụt cũng thi nhau kéo về. Từ ngày con biết nhận thức tới giờ, chưa có năm nào là không có bão. Có năm, lũ về chỉ trong một đêm, sáng thức dậy đã thấy mênh mông nước. Con bồn chồn khi nghĩ đến cảnh mọi người tất bật thu dọn nhà cửa. Con còn nhớ y nguyên buổi sáng mẹ gồng mình cõng con chạy lũ. Khi đó, con hiểu tổ ấm không nhất thiết là nhà cao, cửa rộng. Tổ ấm là nơi nào có trái tim của người mẹ sưởi ấm cho con. "Màn trời chiếu đất" cũng là tổ ấm, khi mẹ luôn ở bên, ôm trọn lấy con bằng cánh tay run lên vì lạnh.

Lũ ngày một mạnh, nhiều người bị kẹt, đôi bàn tay thò qua mái nhà cầu cứu trong những ngôi nhà siêu vẹo không còn dáng đứng.Những ngày sau đó, con chỉ biết khóc ròng khi sách vở bị cuốn trôi, thẫn thờ đến trường khi lớp học tan hoang, bàn ghế đổ gãy. Người bạn cùng lớp thân nhất của con đã mất vì lũ cuốn trôi đúng ngày khai giảng, cảm giác thiếu vắng còn mãi.

Sau mỗi cơn lũ, lòng người miền Trung như đổ vỡ. Mọi người lại nhìn nhau, nuốt nước mắt vào trong mà làm lại từ đầu.

Con vẫn luôn tự hào là người con của miền Trung, mạnh mẽ mà chân chất tình người. Bao năm xa quê, con vẫn giữ được trong mình chất miền Trung ấy. Thế nhưng sao miền Trung lại phải chịu nhiều bất hạnh đến vậy? Năm nào cũng thế, hết hạn hán lại mưa dầm, hết cỏ cháy đồng khô lại bị bão lũ càn quét.

Con chỉ mong ông trời thương lấy miền Trung. Xin cho mưa thuận gió hòa, để bố con mỗi sớm vác cuốc ra đồng có thêm sức khỏe, để mẹ con bán mớ rau ngoài chợ còn nguyên nụ cười trọn vẹn.

Sáng này con lên giảng đường, đôi mắt thâm quầng vì mệt mỏi, gương mặt vẫn còn hằn nguyên sự lo lắng. Con chỉ muốn ngay lập tức ra bến xe để trở về với quê hương, dù sống chung cảnh lũ lụt với mọi người con cũng cam lòng. Thế nhưng, con biết mẹ sẽ buồn nếu con làm như vậy, con phải ở lại, cố gắng học hành bởi ước mơ lớn nhất của cuộc đời mẹ là con thanh đạt cho ngày mai đỡ khổ.

Có lẽ, do chịu nhiều thiệt thòi nên ngay từ nhỏ con đã thèm được học, cố gắng học tập. Trở thành sinh viên ĐH Kiến trúc con khao khát được làm việc, cống hiến cho quê hương. Thương lắm những ngôi nhà miền Trung nổi nênh. Trong mơ, con cũng thấy cảnh mấy chị em trong cùng một gia đình nọ, mất cả cha lẫn mẹ, ngồi túm tụm trong một góc và khóc nức nở, lạnh đến run người mà chẳng có lấy một hạt cơm vào bụng. Vì vậy, con khát khao thiết kế nên những ngôi nhà sống chung với lũ để ngày mưa gió trẻ em vẫn có thể ở học bài, vui chơi. Những ngôi nhà trong tương lai ấy sẽ bao bọc lấy những con người miền Trung nhỏ bé mà kiên cường.
Độc giả Huỳnh Anh