Người tặc lưỡi, người thở dài, thậm chí nghẹn ngào muốn bật khóc trước mức “khung” quá thấp do ban soạn thảo đưa ra. Thật buồn lòng khi chính sách ghi nhận công lao, bù đắp một phần thua thiệt về thu nhập của các nhà giáo nghỉ hưu chưa đi vào cuộc sống đã bị phản ứng dữ dội như vậy. Có không ít nhà giáo lớn tuổi cảm thấy thất vọng, cảm thấy bị tổn thương vì sự cân đong đo đếm hẹp hòi của những người làm chính sách.
Nhiều khi tự hỏi với khoản phụ cấp thâm niên ít ỏi như vậy liệu có nên nhận hay không. Với 190.000 nhà giáo nghỉ hưu từ tháng 1-1994 đến tháng 5-2011 được thụ hưởng chính sách trợ cấp bổ sung này thì ngân sách chi 565 tỷ đồng. Đúng như nhận định của GS Phạm Minh Hạc, Chủ tịch Hội Cựu giáo chức Việt Nam: “Cách trả cho các nhà giáo như dự thảo đưa ra là cách làm bần tiện, không thể chấp nhận được. Bởi vì khoản đó không bằng 1 tháng phụ cấp thâm niên của người đương chức - đương đứng trên bục giảng”.
Ảnh minh họa. (Nguồn Inernet) |
Điều đáng nói ở đây là tại sao ban soạn thảo không lắng nghe ý kiến, đề xuất của Hội Cựu giáo chức Việt Nam là tính theo công thức số năm công tác của từng người nhân với % số lương (nếu tính như vậy bình quân mỗi người có quá trình dạy trong 40 năm cũng được khoảng 30 - 40 triệu đồng. Tính cộng lại ngân sách chi khoảng 2.000 tỷ đồng. So sánh với việc trả phụ cấp thâm niên cho giáo viên đang đứng bục giảng, cách trả trợ cấp cho giáo viên nghỉ hưu như dự thảo thể hiện sự bất hợp lý, thiếu công bằng?
Vẫn hiểu những khó khăn và áp lực tài chính trong thời khủng hoảng kinh tế của quốc gia, nhưng đã làm thì ra làm, đừng làm cho có khiến người trong cuộc nhói lòng, thậm chí xót xa khi lỡ chọn nghiệp cầm phấn. Trải qua biết bao gian nan, cực nhọc thời kháng chiến chống Mỹ, thời bao cấp nghèo khó, hàng chục ngàn nhà giáo vẫn bám lớp, bám trường dìu dắt các thế hệ trẻ thành người, thành tài. Vậy mà bây giờ, khi đời sống kinh tế đã khá hơn, họ được đối xử chưa tương xứng với công lao, tâm huyết nhà giáo. Điều các nhà giáo nghỉ hưu có nhiều công lao cống hiến cho sự nghiệp trồng người mong muốn trước tiên là hãy thể hiện sự công bằng trên giấy, còn đất nước khó khăn thì có thể chi trả thành nhiều đợt, không nhất thiết gói gọn trong một lần.
Một bất cập khác là chế độ phụ cấp thâm niên cho giáo viên nghỉ hưu không tính đến những nhà giáo làm công tác quản lý đã nghỉ hưu. Để trở thành cán bộ quản lý, họ cũng từng có quá trình đứng trên bục giảng nhưng không được tính (!?). Vì vậy, thiết nghĩ Chính phủ phải có ý kiến chỉ đạo sâu sát hơn, thực tế hơn để chính sách thể hiện sự quan tâm đến đội ngũ trồng người một cách công bằng, hợp lý.
ĐIỂM NÓNG |
|
Theo SGGP