Như đã nêu từ kỳ trước, bà Nguyễn Thị Diệu (vợ thầy Tư) góp phần lo ăn, ngủ và sức khỏe cho học sinh.
“Thuốc thì có Bệnh viện 115, thành phố Hồ Chí Minh giúp vài cơ số, còn người phụ trách là vợ tôi. Để làm được việc này, tôi phải cho bà ấy đi học một lớp cấp tốc để biết sử dụng”, thầy Tư nói.
Hội đồng Sư phạm có sáu người thì năm người là con, là dâu của thầy Tư. Tôi đã gặp gỡ tất cả thành viên trong gia đình thầy. Anh Trần Hồng Sơn (sinh năm 1982) hiện đang chủ nhiệm và trực tiếp giảng dạy 63 em học sinh khối 2.
Con đường gian nan đến trường của các học sinh vùng Biển Hồ. |
Năm 2009, sang Biển Hồ, Sơn gặp gỡ Trần Thị Kim Em và nên vợ nên chồng.
Được biết, sau khi tốt nghiệp Đại học Kinh tế tại một trường Đại học ở thành phố Hồ Chí Minh, Em không về Long An, quê nhà, cũng không tìm kiếm việc làm ở bất cứ công ty, doanh nghiệp nào ở Việt Nam mà sang với Biển Hồ.
“Em đọc trên mạng, thấy trẻ em ở Biển Hồ không chỉ đói cơm mà đói khát con chữ, em đã tìm đến đây và ở lại.
Duyên số xui khiến chúng em gặp nhau và em trở thành con dâu của thầy Trần Văn Tư”, hiện cô giáo Trần Thị Kim Em đảm nhận chủ nhiệm, giảng dạy 27 học sinh lớp 5.
Còn con trai thứ Trần Hồng Trung được phân công chủ nhiệm và giảng dạy 45 em học sinh lớp 3.
Trung đã kết hôn với cô giáo Vũ Thị Thu đến từ Bình Phước, hai vợ chồng đã có với nhau một người con trai.
Cô giáo Vũ Thị Thư lên lớp dạy học sinh lớp 4. |
Thu chủ nhiệm và giảng dạy 40 em học sinh lớp 4 cho biết: “Thật ra em không ngờ được, con đường đến với trẻ em cộng đồng người Việt tại Biển Hồ lại là con đường tình yêu; mình đi gieo chữ, lại gặt được hạnh phúc gia đình.
Được làm dâu thầy Trần văn Tư, em mãn nguyện. Em hứa sẽ tiếp nối gia sản lớn nhất là tình thương và lòng bác ái của bố mẹ chồng để lại”.
Được biết, trong sáu giáo viên của Trung tâm Giáo dục và Từ thiện nuôi dạy trẻ em nghèo tại Biển Hồ chỉ có một thầy giáo Nguyễn Minh Luân đến từ Tây Ninh.
Luân kể với tôi: “Em sang đây từ năm 2008, lúc ấy khó khăn lắm. Em cùng ăn, cùng ở trên thuyền với thầy Tư.
Sinh hoạt vật chất có gì ăn nấy nhưng bù lại lại tình thương giữa con người với con người, nên em cố gắng làm việc, mặc dù những năm đầu làm việc ở đây không có lương thưởng gì”.
Những năm tháng dạy học ở Biển Hồ đã giúp Luân hiểu, chia sẻ với hoàn cảnh những gia đình người Việt và tình yêu giữa giáo viên thiện nguyện với cô Hồng (Đỗ Thị Hồng) sinh sống tại Biển Hồ đã gắn kết hai người thành vợ thành chồng.
“Bây giờ vợ chồng em có được một chiếc thuyền nhỏ. Vợ làm nghề buôn bán lặt vặt để nuôi em đi dạy cho học sinh, thỉnh thoảng còn phụ giúp em trong nuôi dạy học trò”, Luân kể.
Cô giáo Trần Thị Kim Em lên lớp cho học sinh lớp 5. |
Tôi đã đến Trung tâm Giáo dục và Từ thiện nuôi dạy trẻ, tận mắt chứng kiến muôn vàn khó khăn gian khổ mà các giáo viên nơi đây phải đối mặt.
Trước hết nói về việc ăn ở, tất tần tật trên những chiếc bè được ken lại làm lớp học, khi học thì bày bàn ghế, khi ăn thì xếp bàn ghế vào một góc.
Ngủ ngáy cũng trong phòng học đó chỉ khác là mắc màn, trải chiếu.
Học sinh đến học ăn ở bán trú độ tuổi từ 5 đến 14 tuổi nên phức tạp, chỉ riêng phần quản lý ăn, ở đã đủ mệt.
“Thì chúng tôi có cách sắp xếp làm sao tiện lợi, an toàn nhất. Khi ăn và học thì theo lớp, nhưng khi ngủ, bố trí nằm ở phòng cách biệt với nữ. Chúng tôi phải cắt cử từng thành viên trực hàng ngày, trực ăn, trực ngủ, đến phiên trực ngủ, hầu như người trực phải thức”, thầy Tư trao đổi.
Nhịn ăn một bữa, đói một bữa - ngừng học một ngày đói cả tương lai |
Dạy học ở Trung tâm chẳng giống nơi nào, thầy giáo không chỉ lo dạy mà còn lo cái ăn.
Hết giờ dạy là buông lưới thả câu không thì cùng học sinh chăm bè rau muống, hay chèo thuyền đi chở củi, nước ngọt, nước uống còn các cô ngoài lo dạy học còn phải lo cơm nước.
“Một ngày chúng em lo cho học sinh 3 bữa. Sáng 4h30 thức dậy, lo pha 314 bát mì tôm đủ cho học sinh. Trưa và tối lo 314 suất cơm có hai món canh và cá hay thịt.
Phụ giúp có ba phụ huynh nhưng để cho các em ăn đúng bữa đảm bảo vệ sinh, an toàn thực phẩm nóng sốt, mỗi ngày phải huy động thêm 15 học sinh phụ giúp.
Thành thử, chu trình ăn dạy, học cứ xoay vòng, không có giờ nghỉ.
Đó là chưa kể đến những lúc hết gạo, hết mì đến gia vị không chỉ bố em phải lo xoay xở, mà chúng em được phân công cũng chèo thuyền đi vay, đi chịu cho hơn 300 học sinh khỏi đứt bữa”, cô Vũ Thị Thu trao đổi.
Nói về giảng dạy, cô Trần Thị Kim Em cho biết:
“Các em ở đây chăm ngoan, khao khát biết chữ nên cố gắng học.
Hầu hết xong lớp 1 các em đọc thông viết thạo, nhiều em học sinh học giỏi, như em Nguyễn Thị My My (lớp 5), Nguyễn Thị Diễm (lớp 3) nhưng thật tiếc là nhà trường chỉ đáp ứng được chương trình đến lớp 5 thành thử xong lớp 5 rồi các em không biết học ở đâu nữa”.
Thầy giáo Tư đứng lớp dạy học sinh. |
Theo thầy Thái Hồng Sơn, học sinh cộng đồng người Việt sống ở Biển Hồ nói sõi tiếng Việt, chỉ một số em nói được tiếng Campuchia.
“Thấy các em khao khát học mà tội nghiệp. Sách, vở, giấy bút thiếu thốn, giáo viên bọn em thương quá không chỉ dạy mà còn dỗ, bày vẽ từng li, từng tí, nên các em tiến bộ nhanh lắm”.
Học sinh tại trung tâm không gây gổ, đoàn kết.
Tôi đã chứng kiến các em ngồi ăn, ngồi học mà thương cảm vô hạn; cuộc sống sách vở học hành nơi đây cũng bập bênh như con thuyền, chủ yếu dựa vào nhà tài trợ và hảo tâm của những người khách du lịch cho tặng.
Vì vậy, không có gì chắc chắn và bền vững cả, nếu thiếu bàn tay của nhà tài trợ, thì lớp học coi như tan rã.
Còn nữa...