Các nhà trường, thầy cô giáo đang chuẩn bị cho buổi họp phụ huynh học sinh để sơ kết học kỳ 1, năm học 2019-2020.
Ban giám hiệu thường ủy nhiệm cho các thầy cô giáo chủ nhiệm tổ chức buổi họp ấy.
Giáo viên chủ nhiệm rất muốn gặp tất cả phụ huynh của lớp sau hơn 4 tháng.
Các phụ huynh cũng rất trông mong được đến trường, gặp thầy, cô giáo chủ nhiệm để được biết tình hình, kết quả học tập rèn luyện của con em trong học kỳ 1.
Sau cuộc họp, có phụ huynh hớn hở, vui mừng vì con em chăm ngoan, học tốt, có cha mẹ nét mặt buồn rười rượi vì con em cá biệt, ham chơi game, toàn điểm kém.
Muôn kiểu phụ huynh khiến giáo viên dở khóc dở cười. (Ảnh chỉ mang tính minh họa: Giaoducthoidai.vn) |
Trong cuộc đời dạy học, nhiều năm làm chủ nhiệm lớp, tôi và các đồng nghiệp khác từng gặp muôn kiểu phụ huynh.
Có cô giáo ngỡ ngàng trước việc một vài phụ huynh trèo cửa sổ vào phòng họp, thay vì đi vào cửa chính.
Cô giáo không tiện nhắc một vài phụ huynh ấy, vì phụ huynh đáng tuổi cha, chú mình, vì trước mặt đã có nhiều phụ huynh.
Có thầy giáo phát hiện một phụ huynh tuổi trung niên, mặt đỏ khè, đến gần nồng nặc mùi rượu, ngồi lẩm bẩm một mình ở vị trí cuối phòng họp.
Cũng vì tế nhị nên thầy giáo đành cho qua. Thầy H. kể: “Trong buổi họp phụ huynh, đến lượt, vừa đọc và nhận xét kết quả học tập, hạnh kiểm của học sinh T. (bị lưu ban năm trước) xong, cha của T. ngồi ở dưới đứng phắt dậy, không nói không rằng, đi ra khỏi phòng họp một hơi, đến cửa chính, tự dưng chửi đổng con rất to: “học hành như thế uổng cơm, nghỉ cha cho rồi” khiến tôi và các phụ huynh ngớ cả người".
Phụ huynh đừng so sánh, quở trách con mình sau khi dự họp phụ huynh cuối học kỳ |
Vì N. là một học sinh cá biệt, ham chơi, bỏ học, hay gây gổ đánh bạn, cô Hà, giáo viên chủ nhiệm hay liên lạc, trao đổi với phụ huynh, khi thì tại trường, lúc thì qua điện thoại (để phụ huynh đỡ tới lui vất vả).
Lúc đầu, mẹ em N. còn hợp tác, sẵn sàng. Nhưng đến tháng thứ 2, cô Hà gọi mấy cuộc, phụ huynh không thèm nghe máy hoặc cúp cái rụp.
Tới tháng gần cuối học kỳ, em N. càng sa sút, chểnh mảng, cô giáo cần phụ huynh phối hợp giáo dục, cô gọi đến liên tục, mẹ em N. gắt gọng:
“Lần này con tui có nghỉ học, đi chơi nhiều buổi thôi, chứ đi ăn trộm, chém người đâu mà cô gọi đến tui miết thế. Từ nay tui giao nó cho cô và nhà trường dạy bảo, chứ tui hết cách rồi.”
Có giáo viên còn đau đầu với phụ huynh “cá biệt”, có chuyện cần gọi đến họ, ở đầu dây bên kia, nghe rất rõ: “Đ.M, con đó, thằng kia lại gọi “mắng vốn” tao, có tức không" (nói với người ở nhà hoặc người khác).
Ôi, nghề dạy học, làm công tác chủ nhiệm, có lúc vui, có lúc buồn vì học sinh, vì phụ huynh, biết làm sao bây giờ?
Gặp đúng phụ huynh lịch sự, có hiểu biết thì tốt biết mấy. Gặp những phụ huynh “cá biệt”, cá tính, ngang tàng… thì chỉ còn biết nhẫn nhịn, kiềm chế hết mức thôi.