Các khoản tăng thêm của giáo viên khi lương cơ sở tăng lên 1, 8 triệu/tháng

26/11/2022 06:34
Thanh Hoài
0:00 / 0:00
0:00
GDVN- Sau khi Quốc hội thông qua lương cơ sở tăng từ 1,49 lên 1, 8 triệu tháng từ 01/7/2023, sẽ có nhiều khoản lương, trợ cấp, phụ cấp của giáo viên sẽ tăng theo.

Bài viết này nhằm cung cấp cho bạn đọc những thông tin về những khoản tăng thêm theo lương cơ sở từ 01/7/2023.

Ảnh minh họa - giaoduc.net.vn

Ảnh minh họa - giaoduc.net.vn

Các khoản trợ cấp, phụ cấp tăng thêm của giáo viên trong điều kiện bình thường

Thứ nhất, mức trợ cấp dưỡng sức, phục hồi sức khỏe sau ốm đau

Theo khoản 3 Điều 29 Luật Bảo hiểm xã hội năm 2014, mức hưởng dưỡng sức, phục hồi sức khỏe sau khi ốm đau được tính như sau:

Mức trợ cấp dưỡng sức sau ốm đau/ngày = 30% * mức lương cơ sở

Theo đó, lương cơ sở tăng từ 1,49 triệu đồng/tháng lên thành 1,8 triệu đồng/tháng thì mức hưởng chế độ dưỡng sức, phục hồi sức khỏe sau ốm đau sẽ là thành 540.000 đồng/ngày.

Thứ hai, mức trợ cấp 1 lần khi sinh con hoặc nuôi con nuôi

Điều 38 Luật Bảo hiểm xã hội quy định: "Lao động nữ sinh con được trợ cấp 1 lần cho mỗi con bằng 2 lần mức lương cơ sở tại tháng sinh con. Trường hợp sinh con nhưng chỉ có cha tham gia bảo hiểm xã hội thì cha được trợ cấp 1 lần bằng 2 lần mức lương cơ sở tại tháng sinh cho mỗi con".

Từ 1/7/2023, với lương cơ sở 1,8 triệu đồng/tháng, mức trợ cấp 1 lần khi sinh con hoặc nuôi con nuôi của người lao động cũng sẽ là 3,6 triệu đồng cho mỗi con.

Thứ ba, mức trợ cấp dưỡng sức, phục hồi sức khỏe sau thai sản

Theo khoản 3 Điều 41 Luật Bảo hiểm xã hội năm 2014, mức hưởng chế độ dưỡng sức, phục hồi sức khoẻ sau thai sản của lao động nữ được tính như sau:

Mức trợ cấp dưỡng sức sau ốm đau/ngày = 30% * mức lương cơ sở

Với lương cơ sở 1,8 triệu đồng/tháng, mức hưởng chế độ dưỡng sức, phục hồi sức khỏe sau thai sản từ 1/7/2023 là 540.000 đồng/ngày.

Thứ tư, mức trợ cấp 1 lần khi bị tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp

Điều 48 Luật An toàn, vệ sinh lao động quy định, người lao động bị tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp dẫn tới suy giảm khả năng lao động từ 5% đến 30% sẽ được nhận trợ cấp 1 lần.

Mức trợ cấp này được bao gồm cả trợ cấp tính theo mức độ suy giảm khả năng lao động và trợ cấp tính theo số năm đóng bảo hiểm xã hội. Trong đó, mức trợ cấp tính theo mức độ suy giảm lao động được xác định như sau:

Trợ cấp = 5 * Mức lương cơ sở + (Tỷ lệ % suy giảm lao động - 5) * 0,5 * Mức lương cơ sở

Như vậy, với lương cơ sở 1,8 triệu đồng/tháng, mức trợ cấp 1 lần tính theo mức độ suy giảm lao động khi bị tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp sẽ tăng lên 9 triệu đồng nếu suy giảm 5% khả năng lao động; sau đó cứ suy giảm thêm 1% được hưởng thêm 900.000 đồng.

Thứ năm, mức trợ cấp hàng tháng khi bị tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp

Theo Điều 49 Luật An toàn, vệ sinh lao động, người lao động bị tai nạn lao động,bệnh nghề nghiệp dẫn tới suy giảm khả năng lao động từ 31% trở lên sẽ được nhận trợ cấp hàng tháng.

Mức trợ cấp này được bao gồm cả trợ cấp tính theo mức độ suy giảm khả năng lao động và trợ cấp tính theo số năm đóng bảo hiểm xã hội. Trong đó, mức trợ cấp tính theo mức độ suy giảm lao động được xác định như sau:

Trợ cấp/tháng = 30% * Mức lương cơ sở + (Tỷ lệ % suy giảm lao động - 31) * 2% * Mức lương cơ sở

Với mức lương cơ sở 1,8 triệu đồng/tháng, mức trợ cấp hàng tháng tính theo mức độ suy giảm lao động khi bị tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp sẽ tăng lên thành 540.000 đồng/tháng nếu suy giảm 31% khả năng lao động; sau đó cứ suy giảm thêm 1% được hưởng thêm 36.000 đồng/tháng.

Thứ sáu, mức trợ cấp phục vụ cho người bị tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp

Căn cứ theo Điều 52 Luật An toàn, vệ sinh lao động, người lao động bị suy giảm khả năng lao động từ 81% trở lên mà bị liệt cột sống hoặc mù hai mắt hoặc cụt, liệt hai chi hoặc bị bệnh tâm thần thì được hưởng trợ cấp phục vụ hàng tháng bằng mức lương cơ sở.

Do vậy, với lương cơ sở 1,8 triệu đồng/tháng, mức trợ cấp phục vụ cũng sẽ tăng từ 1,49 triệu đồng/tháng lên thành 1,8 triệu đồng/tháng.

Thứ bảy, mức dưỡng sức, phục hồi sức khoẻ sau điều trị thương tật, bệnh tật

Điều 54 Luật An toàn, vệ sinh lao động quy định, người lao động sau khi điều trị ổn định thương tật do tai nạn lao động hoặc bệnh tật do bệnh nghề nghiệp mà quay trở lại làm việc, trong thời gian 30 ngày đầu mà sức khỏe chưa phục hồi thì được nghỉ dưỡng sức, phục hồi sức khỏe từ 5 - 10 ngày.

Mức hưởng dưỡng sức sau điều trị mỗi ngày được tính bằng 30% mức lương cơ sở. Theo đó, lương cơ sở 1,8 triệu đồng/tháng thì mức hưởng chế độ dưỡng sức, phục hồi sức khỏe sau điều trị thương tật, bệnh tật sẽ tăng lên thành 540.000 đồng/ngày.

Thứ tám, mức trợ cấp 1 lần khi chết do tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp

Theo Điều 53 Luật An toàn, vệ sinh lao động, người lao động mất do tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp thì thân nhân của người đó sẽ được hưởng trợ cấp 1 lần như sau:

Trợ cấp 1 lần = 36 * mức lương cơ sở

Với lương cơ sở 1,8 triệu đồng/tháng, mức trợ cấp này sẽ tăng từ 53,64 triệu đồng lên thành 64,8 triệu đồng.

Thứ chín, trợ cấp mai táng

Theo Điều 66 Luật Bảo hiểm xã hội năm 2014, người lao động đang tham gia bảo hiểm xã hội, đang bảo lưu quá trình đóng, đang hưởng lương hưu, đang hưởng trợ cấp cấp tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp hàng tháng, người lao động bị tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp mà chết thì thân nhân của họ sẽ được nhận trợ cấp mai táng như sau:

Trợ cấp mai táng = 10 * mức lương cơ sở

Với lương cơ sở 1,8 triệu đồng/tháng, mức trợ cấp mai táng sẽ tăng từ 14,9 triệu đồng lên thành 18 triệu đồng.

Thứ mười, trợ cấp tuất hàng tháng

Điều 68 Luật Bảo hiểm xã hội năm 2014 quy định về mức trợ cấp tuất hàng tháng như sau:

Thân nhân không có người trực tiếp nuôi dưỡng mỗi tháng sẽ được nhận khoản trợ cấp bằng 70% mức lương cơ sở. Với lương cơ sở 1,8 triệu đồng/tháng, mức trợ cấp tuất hàng tháng tăng lên thành 1,26 triệu đồng/tháng đối với thân nhân không có người nuôi dưỡng.

Các trường hợp còn lại mỗi tháng sẽ nhận được khoản trợ cấp bằng 50% mức lương cơ sở. Mức trợ cấp sẽ tăng lên 900.000 đồng/tháng.

Mười một, phụ cấp giáo viên dạy giáo dục thể chất, quốc phòng

Theo Quyết định số: 51/2012/QĐ-TTg, và tại khoản 1, Điều 13 Nghị định 116/2007/NĐ-CP ngày 10/7/2007 của Chính phủ quy định giáo viên giáo dục thể chất mỗi tiết dạy thực hành, giáo viên giáo dục quốc phòng được hưởng 1% mức lương cơ sở mỗi tiết, mỗi tiết được hưởng 18.000 đồng.

Các khoản trợ cấp, phụ cấp tăng thêm của giáo viên ở vùng đặc biệt khó khăn

Căn cứ Nghị định 76/2019/NĐ-CP của Chính phủ về chính sách đối với cán bộ, công chức, viên chức, người lao động và người hưởng lương trong lực lượng vũ trang công tác ở vùng có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn, khi lương cơ sở tăng lên 1,8 triệu/tháng, giáo viên công tác tại vùng đặc biệt khó khăn được hưởng các khoản phụ cấp, trợ cấp tăng thêm như sau:

Thứ nhất, phụ cấp thu hút

Giáo viên được hưởng phụ cấp thu hút bằng 70% mức lương hiện hưởng (theo bảng lương do cơ quan có thẩm quyền của Đảng và Nhà nước quy định) cộng với phụ cấp chức vụ lãnh đạo, phụ cấp thâm niên vượt khung (nếu có) áp dụng đối với thời gian thực tế làm việc ở vùng có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn không quá 05 năm (60 tháng).

Mức lương cơ sở tăng, giáo viên nhận phụ cấp thu hút cũng sẽ tăng theo.

Thứ hai, phụ cấp lâu năm

Giáo viên được hưởng phụ cấp hàng tháng tính theo mức lương cơ sở và thời gian thực tế làm việc ở vùng có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn như sau:

1. Mức 0,5 áp dụng đối với người có thời gian thực tế làm việc ở vùng có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn từ đủ 5 năm đến dưới 10 năm, cụ thể 900.000 đồng mỗi tháng.

2. Mức 0,7 áp dụng đối với người có thời gian thực tế làm việc ở vùng có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn từ đủ 10 năm đến dưới 15 năm, cụ thể 1.260.000 đồng mỗi tháng;

3. Mức 1,0 áp dụng đối với người có thời gian thực tế làm việc ở vùng có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn từ đủ 15 năm trở lên, cụ thể 1.800.000 đồng mỗi tháng.

Thứ ba, trợ cấp lần đầu khi nhận công tác

Giáo viên khi nhận công tác lần đầu ở cơ quan, tổ chức, đơn vị thuộc vùng có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn được hưởng trợ cấp như sau:

1. Trợ cấp lần đầu bằng 10 tháng lương cơ sở tại thời điểm nhận công tác ở vùng có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn tức 18.000.000 đồng.

2. Trường hợp có gia đình cùng đến công tác ở vùng có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn thì ngoài trợ cấp lần đầu, còn được trợ cấp:

a) Tiền tàu xe, cước hành lý cho các thành viên trong gia đình cùng đi tính theo giá vé, giá cước thực tế của phương tiện giao thông công cộng hoặc thanh toán theo mức khoán trên cơ sở số kilômét đi thực tế nhân với đơn giá phương tiện vận tải công cộng thông thường (tàu, thuyền, xe ô tô khách);

b) Trợ cấp 12 tháng lương cơ sở cho hộ gia đình, tức 21.600.000 đồng.

Thứ tư, trợ cấp một lần

Giáo viên được hưởng trợ cấp một lần khi chuyển công tác ra khỏi vùng có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn hoặc khi nghỉ hưu được trợ cấp: mỗi năm công tác ở vùng có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn được trợ cấp bằng 1/2 (một phần hai) mức lương tháng hiện hưởng (theo bảng lương do cơ quan có thẩm quyền của Đảng và Nhà nước quy định) cộng với phụ cấp chức vụ lãnh đạo, phụ cấp thâm niên vượt khung (nếu có) tại thời điểm chuyển công tác ra khỏi vùng có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn hoặc khi nghỉ hưu (hoặc nơi công tác được cấp có thẩm quyền quyết định không còn là vùng có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn).

Khi lương cơ sở tăng, thì trợ cấp chuyển công tác ra khỏi vùng khó khăn hoặc nghỉ hưu cũng tăng theo.

Thứ năm, phụ cấp ưu đãi nghề

Giáo viên công tác vùng khó khăn mỗi tháng được hưởng phụ cấp ưu đãi theo nghề bằng 70% mức lương hiện hưởng cộng với phụ cấp chức vụ lãnh đạo, phụ cấp thâm niên vượt khung (nếu có) áp dụng đối với thời gian thực tế làm việc ở vùng có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn

Thứ sáu, Phụ cấp lưu động và phụ cấp dạy tiếng dân tộc thiểu số

Nhà giáo, viên chức quản lý giáo dục công tác ở vùng có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn phụ cấp lưu động và phụ cấp dạy tiếng dân tộc thiểu số như sau:

Phụ cấp lưu động: Nhà giáo, viên chức quản lý giáo dục đang làm chuyên trách về xóa mù chữ và phổ cập giáo dục mà phải thường xuyên đi đến các thôn được hưởng phụ cấp lưu động hệ số 0,2 so với mức lương cơ sở, cụ thể 360.000 đồng mỗi tháng.

Phụ cấp dạy tiếng dân tộc thiểu số: Nhà giáo, viên chức quản lý giáo dục dạy tiếng dân tộc thiểu số được hưởng phụ cấp 50% mức lương hiện hưởng (theo bảng lương do cơ quan có thẩm quyền của Đảng và Nhà nước quy định) cộng với phụ cấp chức vụ lãnh đạo, phụ cấp thâm niên vượt khung (nếu có).

Trên đây là các khoản trợ cấp, phụ cấp mà giáo viên được nhận khi lương cơ sở tăng lên 1,8 triệu từ 01/7/2023.

(*) Văn phong, nội dung bài viết thể hiện góc nhìn, quan điểm của tác giả.

Thanh Hoài