Các môn học tích hợp đang thiếu người “đứng mũi chịu sào”

06/09/2023 06:46
NHẬT DUY
0:00 / 0:00
0:00
GDVN- Tổng Chủ biên chương trình giáo dục phổ thông 2018; Chủ biên các môn học tích hợp gần như chưa có những chia sẻ, tháo gỡ cùng đội ngũ nhà giáo.

Hơn 5 năm về trước, khi Bộ ban hành Chương trình tổng thể; Chương trình môn học thì Báo điện tử Giáo dục Việt Nam (nay là Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam) đã đăng tải bài viết Ai sẽ phải chịu trách nhiệm về 2 môn "lẩu tích hợp"? phản ánh về những khó khăn khi gộp một số môn học độc lập thành môn “tích hợp” ở cấp Trung học cơ sở giờ đây đang trở thành hiện thực.

Thực tế cho thấy, suốt 2 năm triển khai chương trình 2018 vừa qua, giáo viên đã có khá nhiều ý kiến về các môn học tích hợp nhưng những thầy là Tổng Chủ biên chương trình giáo dục phổ thông 2018; chủ biên các môn học tích hợp gần như chưa có những chia sẻ, tháo gỡ cùng đội ngũ nhà giáo.

Thỉnh thoảng, chỉ thấy thầy Tổng Chủ biên chương trình giáo dục phổ thông 2018 chia sẻ với báo chí về chuyện phát hành sách giáo khoa, về bộ sách giáo khoa mà thầy đang hợp tác, đang làm Tổng chủ biên môn Ngữ văn mà thôi.

Trong khi, năm học 2023-2024 đã là năm thứ 3 thực hiện chương trình 2018 nhưng các môn học tích hợp ở cấp Trung học cơ sở vẫn đang tồn tại nhiều bất cập, rối rắm, khiến cho nhiều nhà trường, giáo viên gặp khó khăn trong quá trình thực hiện nhiệm vụ năm học. Nhưng, môn học đang thiếu người “đứng mũi chịu sào”.

Các môn học tích hợp vẫn là thách thức với nhiều trường học, giáo viên. Ảnh minh họa: giaoduc.net.vn

Các môn học tích hợp vẫn là thách thức với nhiều trường học, giáo viên. Ảnh minh họa: giaoduc.net.vn

Môn tích hợp có thể điều chỉnh trong thời gian tới

Tại buổi gặp gỡ với đội ngũ giáo viên cả nước ngày 15/8 vừa qua, Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Nguyễn Kim Sơn cho biết: “Trong thời gian tới, Bộ sẽ xem xét để có thể điều chỉnh dạy học tích hợp cấp trung học cơ sở. Song, điều chỉnh như thế nào để không xáo trộn và không gây sốc là việc cần cân nhắc. Điều chỉnh để tốt hơn, thuận lợi hơn và phù hợp với yêu cầu đổi mới giáo dục”.

Khi chia sẻ những điều này, có lẽ Bộ trưởng cũng đã nhìn thấy những khó khăn ở dưới cơ sở suốt 2 năm học vừa qua khi các trường phân công giáo viên; sắp xếp thời khóa biểu; dạy dồn dập ở một số thời điểm; sách giáo khoa bố trí các phân môn không liền mạch mà dạy ở nhiều thời điểm khác nhau trong năm học.

Trong khi đó, sách giáo khoa các môn học tích hợp đang được trình bày riêng lẻ theo từng phân môn. Môn Lịch sử và Địa lý lên đến lớp 7 mới có 2 chủ đề chung và cả 4 năm Trung học cơ sở cũng chỉ có 4 chủ đề chung cho 2 phân môn của môn học.

Đặc biệt, việc bồi dưỡng nhân lực hiện có để dạy các môn học tích hợp theo Quyết định 2454/QĐ-BGDĐT về Chương trình bồi dưỡng giáo viên môn Khoa học tự nhiên và Quyết định 2455/QĐ-BGDĐT về Chương trình bồi dưỡng giáo viên dạy môn Lịch sử và Địa lý vẫn không đạt được như kỳ vọng.

Phần lớn giáo viên đi bồi dưỡng xong chứng chỉ tích hợp vẫn thấy khó khăn khi dạy cả môn học tích hợp vì nhiều thầy cô giáo đã không còn tiếp cận kiến thức các phân môn còn lại hàng mấy chục năm trời.

Chính vì thế, khi bước vào năm thứ 3 thực hiện chương trình 2018 nhưng phần lớn các trường hiện nay vẫn đang bố trí giáo viên dạy theo phân môn, rất ít địa phương, trường học dám bố trí giáo viên dạy cả 2-3 phân môn của môn tích hợp.

Những chỉ đạo về chuyên môn của Bộ, Sở cũng chưa thực sự sâu sát đối với các môn tích hợp nên luôn giao quyền tự chủ cho các nhà trường.

Mặc dù đã có 2 môn học: Khoa học tự nhiên; Lịch sử và Địa lý nhưng gần như ở Sở cũng không có một chuyên viên nào phụ trách chuyên về môn học tích hợp. Chuyên viên ở Phòng Trung học Giáo dục- Thường xuyên của các Sở vẫn là phụ trách theo từng môn độc lập như trước đây.

Điều này cho thấy, chủ trương tích hợp đã được ban hành và thể hiện rõ trong chương trình tổng thể; chương trình môn học. Nhưng, sách giáo khoa trình bày riêng từng phân môn; lãnh đạo chuyên môn ở các Sở chưa có người phụ trách chính về môn học tích hợp; Hội đồng bộ môn cấp tỉnh, huyện cũng đang hoạt động khá độc lập như trước đây.

Những yếu tố cần thiết để triển khai các môn học tích hợp ở cấp Trung học cơ sở hiện nay vẫn đang gặp khó khăn, bất cập. Mô hình quản lý, chỉ đạo, thực hiện về các môn học tích hợp hiện nay cơ bản vẫn đang manh mún, tự phát, chưa được định hình rõ nét.

Vì thế, thông tin “có thể sẽ điều chỉnh” các môn học tích hợp mà Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn đã chia sẻ ngày 15/8 vừa qua là điều cần thiết nhằm hướng tới hiệu quả, chất lượng của các môn học tích hợp ở cấp Trung học cơ sở.

Ai sẽ “đứng mũi chịu sào” về các môn học tích hợp?

Hai năm qua, trên các diễn đàn, trên phương tiện thông tin đại chúng, giáo viên đã nhiều lần lên tiếng, phản ánh về những khó khăn, bất cập khi thực hiện các môn học tích hợp ở cấp Trung học cơ sở.

Thế nhưng, gần như không thấy những thầy cô trong ban soạn thảo chương trình tổng thể, chương trình môn học Khoa học tự nhiên; Lịch sử và Địa lý lên tiếng để gỡ khó cùng giáo viên.

Phần lớn những chuyên gia tham gia soạn thảo chương trình tổng thể, chương trình môn học đều đã hết hợp đồng với Bộ, họ đã “đầu quân” cho các nhà xuất bản để biên soạn 3 bộ sách giáo khoa khác nhau. Hơn nữa, về nguyên tắc, khi thông qua chương trình môn học mới thì ban soạn thảo chương trình tổng thế, chương trình môn học đã hết nhiệm vụ của mình.

Vì thế, nếu có chia sẻ, giải đáp thì cũng chỉ dừng lại ở buổi tập huấn sách giáo khoa mà họ đang là Tổng chủ biên, Chủ biên bộ sách mà họ biên soạn. Nhưng thực tế, việc tập huấn sách giáo khoa online như 3 năm qua không dễ để giáo viên có thể trao đổi được những vấn đề mà bản thân họ cần tháo gỡ.

Bên cạnh đó, kể từ năm học 2021-2022 cho đến nay, việc triển khai nhiệm vụ năm học và chương trình mới được Bộ cụ thể hóa trong các văn bản: Công văn 2613/BGDĐT-GDTrH; Công văn số 1496/BGDĐT-GDTrH và Công văn số 3899/BGDĐT-GDTrH nhưng nội dung hướng dẫn vẫn khá chung chung, trùng lặp, ít có những giải pháp cụ thể cho các môn học tích hợp.

Thực ra, đặt vấn đề “trách nhiệm” đối với các môn học tích hợp trong lúc này quả là rất khó vì nhiều lãnh đạo phụ trách về chuyên môn các cấp học phổ thông lúc ban hành chương trình tổng thể, chương trình môn học hiện đã nghỉ hưu, hoặc chuyển sang công tác khác.

Những chuyên gia biên soạn chương trình tổng thể, chương trình môn học thì họ đã hết hợp đồng, nhiệm vụ của mình khi chương trình đã được Bộ thông qua và mấy năm nay đã triển khai giảng dạy ở các nhà trường.

Cũng chính vì thế, 2 năm học vừa qua triển khai các môn học tích hợp ở cấp Trung học cơ sở, chúng ta thấy thiếu người “đầu tàu”, chịu trách nhiệm. Trong khi, đối với các môn học mới, giáo viên cần một điểm tựa khi khó khăn thì mấy năm qua và bây giờ vẫn thiếu.

Những điểm nghẽn đối với các môn học tích hợp đang cần được tháo gỡ để dưới cơ sở thực hiện nhiệm vụ đối với những môn học mới này một cách thuận lợi, hiệu quả nhưng mọi thứ có lẽ vẫn còn khá chông chênh…

Những hy vọng về việc “có thể điều chỉnh” các môn tích hợp theo lời Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo chia sẻ trong ngày 15/8 vừa qua sẽ trở thành hiện thực trong một ngày sớm nhất để giáo viên có thêm một “điểm tựa”; có lối đi rõ hơn trong quá trình giảng dạy các môn học mới.

(*) Văn phong, nội dung bài viết thể hiện góc nhìn, quan điểm của tác giả.

NHẬT DUY