Đến giai đoạn hiện nay, qua quá trình thực hiện giảng dạy chương trình giáo dục phổ thông 2018 ở cấp trung học cơ sở đã thực hiện năm thứ ba nhưng bộc lộ nhiều bất cập về bố trí, phân công, chấm điểm, kiểm tra, đánh giá,…các môn tích hợp Khoa học tự nhiên, Lịch sử và Địa lý,...Cả nhà trường, giáo viên, học sinh và phụ huynh đều khá bối rối.
Một trong những khó khăn lớn nhất, khó khắc phục nhất chính là những việc huy động hàng trăm ngàn giáo viên đơn môn Vật lý, Hóa học, Sinh học, Lịch sử, Địa lý đi học chứng chỉ một vài tháng là đủ điều kiện để được cấp chứng chỉ tích hợp, đủ điều kiện giảng dạy môn Khoa học tự nhiên (tích hợp 3 phân môn Vật lý, Hóa học, Sinh học), Lịch sử và Địa lý (tích hợp 2 phân môn Lịch sử, Địa lý).
Người viết cho rằng đây chính là điều khó sửa đổi nhất nếu vẫn giữ môn tích hợp vì sau đào tạo, bồi dưỡng dù có chứng chỉ cũng sẽ có rất ít giáo viên đủ điều kiện để giảng dạy được cả 2, 3 phân môn nhất là môn Khoa học tự nhiên với nhiều kiến thức 3 phân môn Vật lý, Hóa học, Sinh học khá khó, nhiều thuật ngữ chuyên ngành cần người am hiểu tường tận, chuyên sâu mới có thể dạy được.
Ảnh minh họa: vtv.vn |
Nhiều chuyện cười ra nước mắt với giáo viên đơn môn học chứng chỉ tích hợp
Người viết là giáo viên Vật lý dạy học đơn môn Vật lý hơn 20 năm được Sở Giáo dục và Đào tạo cử đi học lấy chứng chỉ tích hợp Khoa học tự nhiên và được học 2 phân môn Hóa học, Sinh học 36 tín chỉ (540 tiết) đã "trải nghiệm" nhiều chuyện “cười ra nước mắt” khi học chứng chỉ tích hợp này.
Thứ nhất, học 2 phân môn Hóa học, Sinh học với 16 giảng viên.
Người viết học lớp chứng chỉ Khoa học tự nhiên với 2 phân môn Hóa học, Sinh học theo Quyết định 2454/QĐ-BGDĐT với 16 giảng viên chia ra các phân môn Hóa học, Sinh học, trong đó không có bất kỳ giảng viên nào là giảng viên “tích hợp”.
Mỗi giảng viên giảng dạy một chuyên ngành chuyên sâu, chỉ với 2 phân môn đã có đến 16 giảng viên giảng dạy thì 1 giáo viên ôm cả 3 phân môn để dạy cho học sinh là điều rất khó, không có giảng viên tích hợp thì làm sao để có được giáo viên tích hợp.
Giảng viên đa phần là thạc sĩ, tiến sĩ cũng có người tham gia biên soạn sách giáo khoa, có giảng viên dạy phần Sinh học nhưng khi được hỏi về phần Hóa học hoặc Vật lý thì cũng lúng túng.
Thứ hai, nhiều giảng viên “bối rối” vì giáo viên không nhớ kiến thức các phân môn khác.
Qua nhiều tuần được học tập (lớp này có hơn 70 giáo viên Vật lý khác), giáo viên trẻ nhất mới ra trường, cũng có giáo viên đơn môn Vật lý hơn 35 năm.
Độ tuổi trung bình trong lớp khoảng trên 40 tuổi tương đương gần 20 năm giảng dạy đơn môn, gần 20 năm không tìm hiểu gì về Hóa học, Sinh học.
Nhiều giảng viên bộ môn Hóa học, Sinh học khi giảng dạy tỏ ra bối rối vì hầu như hỏi kiến thức của 2 phân môn Hóa học, Sinh học, các giáo viên Vật lý đều không biết.
Những kiến thức trong chương trình học về Sinh học tế bào; Di truyền tiến hóa; Sinh học cơ thể động vật, thực vật; Đa dạng thế giới sống,…(thuộc phân môn Sinh học) hay kiến thức Hóa học hữu cơ, vô cơ,…(thuộc phân môn Hóa học) hầu như giáo viên đã không còn nhớ gì vì thực chất đây là kiến thức nâng cao Sinh học, Hóa học của lớp 12 và trong giáo trình đào tạo đại học, cao đẳng trong khi đó đa số đã nhiều năm giảng dạy đơn môn nên việc không nhớ kiến thức chuyên môn nâng cao của 2 môn đó là bình thường.
Giảng viên mới giảng buổi sáng nhưng đến buổi chiều nhắc lại thì hầu như giáo viên đã quên hết vì khi lớn tuổi khả năng tiếp thu, lưu trữ có hạn.
Những kiến thức chuyên sâu đó chỉ có giáo viên đơn môn tìm hiểu chuyên sâu mới có thể nắm bắt, am hiểu 1 môn chuyên ngành, giáo viên hiểu sâu, tường tận được cả 2, 3 phân môn là điều rất khó với hàng trăm ngàn giáo viên đơn môn hiện nay.
Nhiều giảng viên đã bối rối khi hỏi câu nào thì giáo viên đều không nhớ, nhiều giảng viên phải thốt lên “kiến thức thầy cô như thế này thì nếu dạy 3 phân môn là không ổn, chết học sinh!”.
Nhiều giảng viên cũng nêu, học là một chuyện chứ để giáo viên này mà dạy học sinh là rất khó, nếu mà cố thì chỉ học sinh thiệt thòi.
Nhiều giảng viên dạy xong phần này hỏi giáo viên hiểu không để chuyển sang phần tiếp theo thì nhận được những cái lắc đầu ngao ngán, họ không hiểu và cũng không còn đủ trí tuệ để hiểu dù cũng rất cố gắng.
Những giáo viên đơn môn Sinh học học 2 phân môn Vật lý, Hóa học sẽ vất vả hơn nhiều, giáo viên Sinh học dạy đơn môn trên 10 năm không thể nào có thể bồi dưỡng vài tháng mà có thể năm kiến thức chuyên sâu môn Vật lý, Hóa học và cũng không dám thực hành thí nghiệm với những thí nghiệm, thực hành về điện, hóa chất,…nguy hiểm, đôi khi nguy hiểm cả tính mạng người dạy và người học.
Thứ ba, nhiều giáo viên vừa dạy vừa phải xử lý công việc gia đình, cơ quan.
Nhiều giáo viên mang bụng bầu 5, 6 tháng học chứng chỉ tích hợp, có người mới vừa sinh em bé vài tháng cũng phải đi học chứng chỉ.
Nhiều giáo viên lớn tuổi, giảng dạy 25, 30 năm cũng phải đi học, ở lứa tuổi này để tiếp thu kiến thức lại từ đầu có lẽ không đơn giản
Nhiều vị là hiệu trưởng, hiệu phó cũng phải đi học, khi họ vừa học vừa phải đem theo laptop để xử lý công việc thường xuyên, đột xuất.
Nhiều giáo viên cũng vậy phải xử lý công việc trong thời gian bồi dưỡng, một số giáo viên phải tập huấn bồi dưỡng sách giáo khoa, bồi dưỡng kiểm tra đánh giá, bồi dưỡng thường xuyên, hội họp,..trong quá trình học chứng chỉ và họ sẽ vắng một số buổi,…
Và đương nhiên, lực lượng này bồi dưỡng, tập huấn sẽ không hiệu quả, sẽ không thể tiếp thu bài và hiệu quả rất thấp.
Dù biết rằng giảng viên sẽ “chiếu cố” khi làm các bài thi, kiểm tra các học phần nhưng thực chất lực lượng giáo viên học chứng chỉ tích hợp hiệu quả khó đạt yêu cầu trong khi kinh phí thì không nhỏ
Người viết, học 36 tín chỉ, mỗi tín chỉ 250,000 đồng, tổng cộng là 9 triệu đồng (chưa kể các chi phí phát sinh khác như đi lại, ăn uống,…).
Vì sao giáo viên dạy tích hợp cũng như môn khác cần phải biết 10 dạy 1?
Thực tế tham gia các buổi học, người viết cũng được các giảng viên tận tình cung cấp thêm nhiều kiến thức hay, bổ ích về cuộc sống, về con người, về liên môn, cần thiết trong quá trình giảng dạy của mình.
Nên người viết cho rằng, giáo viên giỏi liên môn dạy đơn môn sẽ mang lại hiệu quả tích cực, học sinh yêu thích bài dạy hơn, điều này giáo viên bậc trung học cơ sở trong đó có cả tôi vẫn còn yếu, vẫn cần học thêm rất nhiều.
Tuy nhiên, với lực lượng giáo viên hiện tại, dù đào tạo 3 tháng hay 3 năm thì cũng không đủ khả năng để đủ kiến thức chuyên sâu để giảng dạy được cả 2, 3 phân môn, trong đó khó nhất là môn Khoa học tự nhiên.
Để trở thành một giáo viên Vật lý, từ thời phổ thông học sinh phải đam mê Vật lý, phải trải qua quá trình học Vật lý từ lớp 6 đến lớp 12, sau đó phải học chuyên sâu thêm 4 năm đại học, khi ra trường phải học hỏi thêm từ đồng nghiệp, phải tự bồi dưỡng, phải bồi dưỡng thường xuyên,…cộng với ngày càng lớn tuổi thì trí tuệ, sức khỏe đều suy giảm, cùng với áp lực công việc, gia đình, bệnh tật,...nên ý tưởng lấy lực lượng đơn môn để đào tạo chứng chỉ dạy được cả 2, 3 phân môn là khó khả thi.
Người viết cho rằng giáo viên để được đứng lớp biết 10 dạy 1 là xu thế tất yếu, không thể có giáo viên chỉ biết 1, 2 mà dạy học sinh hiểu bài được.
Không thể có chuyện giáo viên chỉ biết kiến thức trong sách giáo khoa mà dạy học hiểu bài được, học sinh hiện nay có nhiều em khá thông minh, tiếp cận nhiều kiến thức từ nhiều nguồn khác nhau, nếu giáo viên chỉ biết kiến thức mơ hồ rất dễ làm trò cười cho học sinh, dễ làm học sinh mất niềm tin vào thầy.
Thực tế, người viết là giáo viên Vật lý nhiều năm là tổ trưởng chuyên môn Vật lý tuy nhiên kiến thức chỉ riêng môn Vật lý còn nhiều điều cần phải học hỏi, cập nhật thêm vì khoa học luôn biến đổi, nếu không cập nhật sẽ lỗi thời.
Một số giáo viên trong tổ, kiến thức chuyên môn chỉ riêng môn Vật lý cũng còn hạn chế, nhiều buổi dự giờ, họp tổ chuyên môn cần phải được góp ý thêm.
Nhiều kiến thức chuyên sâu môn Hóa học, Sinh học giờ gần như bằng 0 thì làm sao có thể bồi dưỡng ngắn hạn để trở thành giáo viên cả 3 môn, hậu quả chắc chắn học sinh sẽ gánh chịu nếu tiếp tục đào tạo, bồi dưỡng theo hướng này.
Thiết kế chương trình đào tạo sinh viên sư phạm, giáo viên tích hợp cũng được thiết kế chuyên sâu, chuyên ngành để giáo viên nắm bắt ở mức độ cao, chuyên sâu theo nguyên tắc biết 10 dạy 1.
Đến nay, phương án nào cho môn tích hợp Khoa học tự nhiên, Lịch sử và Địa lý vẫn là câu hỏi khó.
Người viết rất mong Bộ Giáo dục và Đào tạo sớm có quyết định chính thức vì hiện nay cách triển khai nào cũng rối trong khi thời gian bắt đầu năm học mới đã cận kề.
(*) Văn phong, nội dung bài viết thể hiện góc nhìn, quan điểm của tác giả.