Để giúp quý bạn đọc hiểu rõ cơ sở pháp lý và bản chất vấn đề sản phẩm phục vụ Chương trình Sữa học đường tại Hà Nội pha thêm 17 vi chất là đúng hay sai quy định, Báo Điện tử Giáo dục Việt Nam xin tiếp tục cung cấp các khái niệm, quy định có liên quan.
Sữa tươi pha vi chất sẽ không còn là sữa tươi
Ở bài viết trước, chúng tôi đã cung cấp thông tin 4 loại sữa tươi có thể sử dụng cho Chương trình Sữa học đường theo Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia đối với các sản phẩm sữa dạng lỏng (QCVN 5-1:2010/BYT).
Trong 4 loại sữa tươi này, sữa tươi nguyên chất tiệt trùng và sữa tươi nguyên chất thanh trùng được làm từ 100% sữa tươi nguyên liệu và không pha thêm bất cứ thứ gì, chỉ thanh trùng / tiệt trùng, đóng hộp để đưa vào sử dụng.
2 loại còn lại, sữa tươi thanh trùng và sữa tươi tiệt trùng, ngoài thành phần chủ yếu là sữa tươi nguyên liệu, nhà sản xuất chỉ có thể bổ sung thêm đường, nước quả, cacao, cà phê, phụ gia thực phẩm.
Không được phép bổ sung vitamin và khoáng chất, vì sao?
Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia đối với các sản phẩm sữa dạng lỏng không áp dụng với thực phẩm chức năng, điều này được ghi rõ ngay trong phần đầu, phạm vi điều chỉnh của QCVN 5-1:2010/BYT.
Ảnh chụp màn hình phần đầu trang 1 Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia đối với các sản phẩm sữa dạng lỏng, phạm vi điều chỉnh. |
Sữa tươi đã pha thêm vi chất là thành thực phẩm bổ sung vi chất dinh dưỡng thuộc nhóm thực phẩm chức năng, do Bộ Y tế quản lý theo Thông tư 43/2014/TT-BYT.
Quyết định của Thủ tướng Chính phủ lựa chọn sữa tươi, không lựa chọn thực phẩm chức năng.
Về 3 vi chất, Quyết định số 1340/QĐ-TTg nêu:
Đáp ứng nhu cầu sắt, canxi, vitamin D của trẻ em mẫu giáo và tiểu học thêm 30% vào năm 2020.
Điều này không có nghĩa là bắt buộc pha thêm 3 vi chất này vào sữa tươi, vì bản thân sữa tươi đã có 3 vi chất này, ngoài ra 3 vi chất này có thể đến từ nhiều nguồn thực phẩm khác.
Nếu muốn bổ sung 3 vi chất nói trên vào sữa tươi, Bộ Y tế cần có nghiên cứu khoa học cụ thể và ban hành thông tư, khi đó các doanh nghiệp mới có thể bổ sung vào sữa tươi cho Sữa học đường, theo thông tư đó.
Các quy định quản lý nhà nước về sữa dạng lỏng và thực phẩm chức năng từ sữa bổ sung thêm vi chất dinh dưỡng
Sản phẩm của Vinamilk trái quy định hồ sơ mời thầu Sữa học đường Hà Nội |
Ngày 9/4/2014, Bộ Y tế, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Bộ Công thương ban hành Thông tư liên tịch số 13/2014/TTLT-BYT-BNNPTNT-BCT hướng dẫn việc phân công, phối hợp trong quản lý nhà nước về an toàn thực phẩm.
Theo thông tư này, sữa tươi nguyên liệu do Bộ Nông nghiệp và phát triển nông thôn quản lý;
Sữa chế biến (bao gồm các loại sữa dạng lỏng, trong đó có 4 loại sữa tươi theo QCVN 5-1:2010/BYT) do Bộ Công thương quản lý.
Bộ Y tế quản lý thực phẩm chức năng, bổ sung vi chất dinh dưỡng.
Điều này một lần nữa được ghi rõ trong Nghị định số 15/2018/NĐ-CP ngày 2/2/2018 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật An toàn thực phẩm.
Như vậy có thể thấy, cho đến khi nào Bộ Y tế chưa ra được thông tư về sản phẩm sữa tươi phục vụ Chương trình Sữa học đường, thì sản phẩm sữa tươi phục vụ chương trình Sữa học đường được quản lý như sau:
Sữa tươi nguyên liệu phải đảm bảo tuân thủ Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia đối với sản phẩm sữa tươi nguyên liệu do Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn ban hành, theo Thông tư số 29/2017/TT-BNNPTNT ngày 29/12/2017.
Từ nguồn sữa tươi nguyên liệu đạt quy chuẩn nói trên, nhà sản xuất có thể chế biến thành 4 loại sữa tươi theo Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia đối với các sản phẩm sữa dạng lỏng (QCVN 5-1:2010/BYT), hiện do Bộ Công thương quản lý.
Vinamilk muốn cung cấp sản phẩm cho Chương trình Sữa học đường, cần đưa các vi chất ra khỏi sữa tươi
Như vậy, đối chiếu với các văn bản quy phạm pháp luật nêu trên, Vinamilk muốn cung cấp sản phẩm cho Chương trình Sữa học đường quốc gia, nhất thiết phải là sữa tươi không bổ sung vi chất.
Bao bì sản phẩm trên của Vinamilk thể hiện rõ thông tin sản phẩm thuộc nhóm thực phẩm bổ sung, thực phẩm chức năng do Bộ Y tế quản lý theo Thông tư 43/2014/TT-BYT, không còn là sữa tươi. |
Khi nào Bộ Y tế ban hành thông tư về việc bổ sung những vi chất nào, liều lượng bao nhiêu vào sữa tươi, thì khi đó các doanh nghiệp sản xuất sữa tươi nói chung, Vinamilk nói riêng, mới có thể bổ sung vi chất vào sản phẩm theo hướng dẫn của Bộ Y tế.
Đó là cách làm thận trọng đối với sức khỏe của con em nhân dân, bởi lẽ vi chất dinh dưỡng chỉ tốt và phát huy tác dụng nếu được nghiên cứu lâm sàng, sử dụng đúng đối tượng và liều lượng, chứ không phải ai cũng giống ai.
Vitamin và khoáng chất rất quan trọng, thiếu nó gây nhiều vấn đề về sức khỏe, nhưng thừa nó cũng chưa chắc đã tốt.
Bản thân sữa tươi đã có đầy đủ vi chất dinh dưỡng một cách tự nhiên và quân bình. Chương trình Sữa học đường đang sử dụng sữa tươi theo QCVN 5-1:2010/BYT thì không thể pha thêm bất kỳ vi chất nào.
Các nghiên cứu riêng của Vinamilk cùng với Viện Dinh dưỡng, nếu có, chỉ có giá trị với các sản phẩm bán trên thị trường. Còn đưa vào Chương trình Sữa học đường quốc gia, phải tuân thủ các quy định của Thủ tướng Chính phủ và Bộ Y tế.
Qua lắng nghe ý kiến của các nhà khoa học dinh dưỡng phân tích về việc bổ sung 17 vi chất dinh dưỡng vào sữa học đường với hàm lượng nhỏ như vậy, không gây hại gì cho sức khỏe trẻ em đăng tải trên các Báo, Báo Điện tử Giáo dục Việt Nam lắng nghe, ghi nhận và trân trọng các ý kiến này của các nhà khoa học. Dưới góc độ là những người bình thường, không phải chuyên gia dinh dưỡng, chúng tôi nhận thấy những giải thích như vậy là dễ hiểu, thiết nghĩ cha mẹ học sinh cũng không nên hoang mang, bình tĩnh cân nhắc ý kiến các chuyên gia, nếu thấy đúng thì không nên làm mất quyền lợi chính đáng của con em mình. Điều Báo Giáo dục Việt Nam phân tích và phản biện, là cơ sở pháp lý của việc triển khai chương trình, sản phẩm này tại Thủ đô Hà Nội, vì rõ ràng đang có độ vênh giữa quy định và thực tiễn, hy vọng các cơ quan chuyên môn sớm có kết luận cuối cùng. |