LTS: Qua câu chuyện tập thể giáo viên Trường Trung học phổ thông Nguyễn Huệ (tỉnh Bình Thuận) đã cùng kí tên tố cáo những sai phạm của Hiệu trưởng trường, cô giáo Đỗ Quyên khẳng định sức mạnh của sự đồng lòng đã khiến những nhà giáo dám đứng lên chống lại những điều sai trái.
Cô giáo Đỗ Quyên cho rằng mức kỉ luật giáng chức Hiệu trưởng xuống làm Phó hiệu trưởng vẫn chưa phù hợp.
Toà soạn trân trọng gửi đến độc giả bài viết.
Nhiều người nói nghề giáo là nghề bình yên vì phần lớn giáo viên đều sống an phận, không ganh đua, trù hại lẫn nhau để giành giật chỗ đứng hay bổng lộc trong xã hội.
Họ chấp nhận sống yên bình, tránh xa tranh đấu ngay cả khi chính họ bị trà đạp, bị đối xử bất công.
Nhiều giáo viên cứ luôn dặn mình và nhắc nhau “một điều nhịn bằng chín điều lành”. Có lẽ vì những đặc điểm “nổi trội” ấy đã nuôi dưỡng lòng tham, sự lộng quyền của một số Hiệu trưởng khi họ cho rằng chẳng ai có thể làm gì được mình.
Nhưng “tức nước vỡ bờ”, sự giận dữ của giáo viên, của một tập thể cũng đã được ghi nhận.
Sức mạnh của sự đồng lòng. (Ảnh minh hoạ trên Vietq.vn) |
Năm học vừa qua, tỉnh Bình Thuận đã có quyết định giáng chức hai Hiệu trưởng bậc trung học phổ thông xuống làm Phó hiệu trưởng vì một số sai phạm trong việc quản lý chuyên môn và tài chính của nhà trường.
Điều đáng nói là chính tập thể giáo viên của hai trường đã đồng loạt đứng tên trong đơn tố cáo Hiệu trưởng của mình.
Khi giáo viên “nổi giận”
Trước đó, tập thể giáo viên Trường Trung học phổ thông Nguyễn Huệ thị xã La Gi đã đồng loạt kí tên trên đơn tố cáo việc Hiệu trưởng của trường là ông Phan Ngọc Thám dạy không đủ số tiết theo quy định.
Trường Trung học phổ thông Nguyễn Huệ thu, chi tiền quỹ của Ban đại diện hội phụ huynh học sinh chưa hợp lý.
Mặc dù nguồn quỹ của Hội phụ huynh là do Ban đại diện hội quản lý nhưng Hiệu trưởng vẫn là người chịu trách nhiệm ký duyệt kế hoạch thu, chi của quỹ hội.
Việc thu, chi quỹ hội có nhiều điểm không rõ ràng, thiếu minh bạch. Tiền quỹ của Hội phụ huynh lại dùng để tiếp khách, ăn uống quá nhiều.
Có giáo viên nào dám đánh giá Ban giám hiệu không hoàn thành nhiệm vụ? |
Mỗi năm, Ban đại diện hội phụ huynh học sinh chỉ họp vài lần nhưng chi tiền hỗ trợ xăng xe lên đến 11.250.000 đồng (năm học 2013 - 2014) và năm học 2014 - 2015, số tiền chi xăng xe là 9 triệu đồng…
Ngoài ra, trong đơn, các giáo viên cũng phản ánh việc luân chuyển giáo viên chưa hợp lý; quy trình giải quyết các thắc mắc của giáo viên trường không hợp lý khiến giáo viên bức xúc…
Gần đây nhất, tập thể giáo viên Trường Trung học phổ thông Đức Linh cũng làm đơn tố cáo ông Nguyễn Hữu Thành - Hiệu trưởng nhà trường đã có nhiều sai phạm như thiếu dân chủ trong trường học, sai phạm quy định về xây dựng với 8 công trình;
Vi phạm quy định về sửa chữa, bàn ghế học sinh, giáo viên trên 120 triệu đồng; không tôn trọng giáo viên, đoàn thể, có biểu hiện trù dập cá nhân;
Tự ý hạ cây bán 34 triệu đồng; không dạy tiết nào nhưng vẫn nhận phụ cấp nhà giáo từ tháng 8/2013 đến tháng 9/2016; có báo cáo đề nghị Sở Giáo dục và Đào tạo xóa tên 1 thầy giáo trong danh sách giáo viên cốt cán của trường…
Mức kỉ luật còn nhẹ?
Sau khi nhận được đơn tố cáo, phản ánh của giáo viên hai trường học, Ban Thường vụ Huyện ủy La Gi, Đức Linh và Sở Giáo dục và Đào tạo đã thành lập các đoàn kiểm tra, xác minh làm rõ sự việc.
Trên cơ sở những sai phạm mắc phải, hai Hiệu trưởng đã bị giáng chức xuống làm Phó hiệu trưởng.
Với những sai phạm nêu trên, việc áp dụng hình thức kỉ luật “giáng chức” phải chăng là quá nhẹ? Bởi vì, Hiệu trưởng chức danh là lãnh đạo, giáng xuống làm Phó hiệu trưởng cũng vẫn ở chức danh lãnh đạo.
Không ít giáo viên cũng bày tỏ tâm tư: “Dù không còn làm Hiệu trưởng nhưng làm Phó hiệu trưởng, đặc biệt là phụ trách chuyên môn thì vẫn còn rất nhiều quyền hành trong tay, lúc đó muốn trù dập ai mà chẳng được”.
6 mức kỷ luật Hiệu trưởng, không có mức nào là về Phòng làm lãnh đạo |
Người trăn trở tại sao không cách chức đưa xuống làm ngay giáo viên? Sai phạm nhiều như thế, chỉ bị giáng chức thì có nhẹ quá không? Mức kỉ luật này có đủ sức răn đe đối với những Ban giám hiệu khác?
Từ trường hợp giáng chức hai Hiệu trưởng, chúng tôi cứ thấy băn khoăn mãi một chuyện tại sao giáo viên chỉ mắc sai lầm trong lúc dạy trẻ mà nóng giận thẳng tay quất vài roi vào mông cũng bị nhiều địa phương áp dụng biện pháp kỉ luật cho thôi việc.
Mặc dù xét về động cơ thì việc làm của các thầy cô giáo ấy cũng chỉ có mong muốn học sinh của mình tiếp thu bài tốt hơn, ngoan hơn.
Nhưng riêng cán bộ sai phạm (điển hình như hai vụ trên) mức kỉ luật “giáng chức” chỉ mang tính nhắc nhở, răn đe.
Nếu xét về động cơ sai phạm thì việc chi sai mục đích, có hiện tượng biển thủ của công, trù dập giáo viên... của hai Hiệu trưởng kia đáng bị lên án hơn nhiều.
Đồng lòng là sức mạnh
Tuy nhiên, chuyện giáo viên đứng ra tố cáo những sai phạm của các Hiệu trưởng đã góp nên một ngọn lửa làm bùng lên hy vọng “đoàn kết là sức mạnh chiến thắng”.
Nó như một liều thuốc bổ truyền cảm hứng cho các nhà giáo để nói không khoan nhượng với những điều sai trái. Đồng thời cũng là bài học cho những Hiệu trưởng khác lấy đó để soi mình.