Đó là quan điểm của Phó giáo sư Nguyễn Văn Phúc, Thứ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo tại hội thảo: “gắn kết đào tạo với nghiên cứu khoa học và chuyển giao công nghệ trong các cơ sở giáo dục đại học” do Đại học Đà Nẵng tổ chức ngày 27/10.
Gắn kết đào tạo – nghiên cứu – chuyển giao
Theo Giáo sư Trần Văn Nam, giám đốc Đại học Đà Nẵng, trong nền kinh tế tri thức đang phát triển theo xu thế cách mạng công nghiệp 4.0,
các trường đại học đóng vai trò quan trọng trong việc tìm ra tri thức mới, truyền bá tri thức và ứng dụng trí thức ấy thông qua hoạt động chuyển giao công nghệ.
Nhiều giảng viên các trường đại học đến tham dự, chia sẻ quan điểm về gắn kết đào tạo với nghiên cứu khoa học và chuyển giao công nghệ trong các cơ sở giáo dục đại học. Ảnh: TT |
“Có thể nói, quy trình nghiên cứu khoa học (tìm ra nguồn tri thức mới) – đào tạo (truyền bá tri thức) – chuyển giao công nghệ (nâng cao chất lượng điều kiện sống con người) và quay lại thúc đẩy việc phát triển nghiên cứu khoa học là một hình xoắn ốc.
Để thúc đẩy mở rộng nhanh và phát triển bền vững “hình xoắn ốc” ấy, chúng ta cần có các chính sách, cơ chế để gắn kết ba thành tố cơ bản: đào tạo – nghiên cứu khoa học – chuyển giao công nghệ trong quy trình trên”, thầy Nam phân tích.
Đào tạo theo đơn đặt hàng, ai là người được hưởng lợi? |
Thực tiễn tại Đại học Đà Nẵng đã triển khai chính sách phát triển các “nhóm nghiên cứu – giảng dạy” (viết tắt là TRT).
Các nhóm TRT đã góp phần trong việc nâng cao số lượng và chất lượng kết quả hoạt động khoa học và công nghệ.
Mục tiêu của nhóm này là tạo ra các nhóm nghiên cứu liên ngành để triển khai nghiên cứu các vấn đề lớn, mang tính thời sự và giải quyết các vấn đề ở quy mô quốc gia và quốc tế.
Thu hút các nhà khoa học quốc tế tham gia các nghiên cứu chuyên sâu. Tạo tiền đề để tham gia và chủ trì các đề tài nghiên cứu có quy mô lớn cấp quốc gia và quốc tế.
Tiên phong trong việc phát triển các ngành đào tạo mới sau đại học, phù hợp với xu hướng phát triển của thế giới.
Các nhóm này đã tạo ra một số đóng góp đáng kể như: phát triển công bố khoa học (công bố hơn 100 bài báo có chỉ số ISI trong năm 2017).
Về chuyển giao công nghệ, đã tạo ra sản phẩm khoa học và công nghệ ứng dụng tiêu biểu trong nước như:
robot hàn tự động do Đại học Đà Nẵng nghiên cứu và sản xuất được ứng dụng rộng rãi trong nhà máy ô tô Trường Hải (Chu Lai, Quảng Nam)…
“Để đẩy mạnh hoạt động chuyển giao công nghệ, Đại học Đà Nẵng đã thành lập nhiều trung tâm, viện khoa học công nghệ để triển khai các hợp đồng tư vấn công nghệ, chuyển giao công nghệ với doanh nghiệp.
Tổng doanh thu hàng năm khoảng 70 tỷ đồng/năm. Hoạt động của các trung tâm đã góp phần nguồn thu nhập cho cán bộ Đại học Đà Nẵng và đã tạo ra nhiều cầu nối giữa trường đại học và doanh nghiệp”, Giáo sư Nam cho hay.
Doanh thu từ các trung tâm này đã góp phần quan trọng trong việc đáp ứng các tiêu chí kiểm định, đánh giá, xếp hạng đại học.
"Tuy nhiên, với nguồn nhân lực khoa học và công nghệ hiện có của Đại học Đà Nẵng gồm: 8 giáo sư, 82 Phó giáo sư, 38 Tiến sĩ, kết quả hoạt động khoa học công nghệ như trên vẫn còn hạn chế", thầy Nam đánh giá.
Nguồn thu từ nghiên cứu, chuyển giao công nghệ còn thấp
Phó giáo sư Nguyễn Văn Phúc, Thứ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo cho rằng, hoạt động nghiên cứu khoa học và ứng dụng, chuyển giao công nghệ cho doanh nghiệp, thị trường của các trường đại học còn nhiều hạn chế.
Phó giáo sư Nguyễn Văn Phúc, Thứ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo cho rằng, nhà trường phải chủ động tìm đến doanh nghiệp để hợp tác, chuyển giao công nghệ. Ảnh: TT |
Dẫn chứng cho việc này là trong cơ cấu nguồn thu của các trường thì thu từ nghiên cứu khoa học và ứng dụng chuyển giao công nghệ chiếm tỷ lệ khá thấp.
“Chính điều này đặt ra vấn đề là cả hệ thống đại học phải đẩy mạnh hoạt động nghiên cứu, ứng dụng và chuyển giao công nghệ.
Nhất là các trường đại học xác định là trường định hướng nghiên cứu thì càng phải đẩy mạnh.
Nguồn thu từ ứng dụng và chuyển giao công nghệ phải tăng lên đáng kể và chiếm tỷ lệ lớn”, ông Phúc nhấn mạnh.
Cũng theo ông Phúc, các trường đại học phải gắn liền với thị trường, gắn với doanh nghiệp.
Các thầy cô nghiên cứu, giảng dạy nhưng sau cùng rồi các sản phẩm của chúng ta, thị trường thừa nhận hay không? Hay chúng ta nghiên cứu xong rồi cất tủ.
Thị trường, doanh nghiệp thừa nhận kết quả nghiên cứu của chúng ta, ứng dụng các kết quả đó vào cuộc sống thì đó mới là thước đo quan trọng nhất.
“Nhiều thầy Hiệu trưởng còn nói với tôi là nghiên cứu ra như vậy thì không biết doanh nghiệp có cần hay không?
Chúng ta không đợi doanh nghiệp tự đến mà chủ động tiếp xúc với doanh nghiệp, thị trường, tạo nhu cầu cho họ.
Đôi khi chúng ta không giới thiệu sản phẩm tôi như thế này, kết quả nghiên cứu ra sao, tiềm năng như thế nà thì doanh nghiệp làm sao biết được để mua, hợp tác”.
Ông Phúc nói thêm, phải dùng hoạt động khoa học để nuôi sống và tạo nguồn thu cho nhà trường.
Tất nhiên, ngân sách nhà nước sẽ ưu tiên cho hoạt động khoa học công nghệ nhưng bản thân nhà trường không nên chờ đợi ngân sách hay chờ doanh nghiệp đến gặp gỡ mà phải chủ động đến gặp họ.
“Khi nghiên cứu khoa học tốt thì sẽ sử dụng kết quả đó trong việc giảng dạy, đào tạo sinh viên trong nhà trường.
Ở nước ngoài, giảng viên luôn luôn cập nhật thành tựu nghiên cứu mới nhất của mình vào trong các bài giảng.
Các trường đại học sử dụng kết quả nghiên cứu mới nhất của trường để đưa vào chường trình giảng dạy.
Từ kết quả nghiên cứu để quay lại nâng cao chất lượng giảng dạy của nhà trường, để sinh viên thừa hưởng kết quả nghiên cứu đó”, ông Phúc chia sẻ.
Tại hội thảo lần này, Thứ trưởng Phúc cũng yêu cầu tập hợp các kiến nghị liên quan đến chính sách gây cản trở, vướng mắc trong việc nghiên cứu khoa học, ứng dụng và chuyển giao công nghệ để gửi lên Bộ Giáo dục và Đào tạo.
“Ví dụ, chúng ta sử dụng tài sản, tài chính, cơ sở hạ tầng của nhà trường để thương mại hóa sản phẩm, để liên doanh, liên kết thì cơ sở pháp lý đã đầy đủ chưa?
Và đã đảm bảo tạo động lực để giáo viên thực hiện chưa?
Có những thầy cô khi nghiên cứu xong lại gặp vướng mắc vì không thương mại hóa được sản phẩm nghiên cứu và có tình trạng thầy cô ra ngoài làm riêng.
Như vậy, sẽ không phát huy được sức mạnh tổng hợp của nhà trường, giảng viên, nhà nghiên cứu để thương mại hóa sản phẩm, để ứng dụng chuyển giao. Về phía nhà nước cần phải thay đổi điều gì?”, ông Phúc đặt vấn đề.
Hiện nay, chúng ta hình thành các phòng thí nghiệm, các trung tâm, các viện nghiên cứu và mức cao nhất là doanh nghiệp khoa học công nghệ.
Nhưng cả nước mới chỉ có 3 trường là có doanh nghiệp khoa học công nghệ, tại sao các trường khác lại không có để thực hiện ứng dụng, chuyển giao công nghệ, thương mại hóa sản phẩm?
Vậy lý do gì vướng mắc ở đây là gì? Nếu không vướng mắc thì là vấn đề động lực, chia sẻ lợi ích giữa nhà trường, người nghiên cứu và những người tham gia quản trị có thỏa đáng chưa?
“Thay vì chúng ta chỉ có một chân mạnh là đào tạo thì bây giờ chúng ta phải phát triển mạnh chân thứ 2 trong nhà trường là nghiên cứu khoa học và ứng dụng, chuyển giao công nghệ”, ông Phúc nhấn mạnh.