LTS: Trong khi nhiều Trường đại học ngoài công lập đang gặp nhiều khó khăn trong tuyển sinh thì nhiều năm qua, Trường Đại học Duy Tân (Đà Nẵng) lại khá thành công nhờ những “bí kíp” riêng.
TS.Võ Thanh Hải, Phó hiệu trưởng Trường Đại học Duy Tân đã có những chia sẻ với Báo điện tử Giáo Dục Việt Nam về câu chuyện tuyển sinh.
Gắn kết đào tạo với nhu cầu doanh nghiệp
Theo TS. Hải, kinh nghiệm của nhà trường trong tuyển sinh là thu hẹp khoảng cách cung cầu giữa đào tạo - thị trường lao động.
Trong đó, doanh nghiệp và nhà trường có sự gắn kết chặt chẽ thông qua các hợp tác về đào tạo, nghiên cứu và tuyển dụng.
Một phiên tòa giả định do các sinh viên Luật trường Đại học Duy Tân tổ chức công phu, gắn liền với ứng dụng thực tiễn. Ảnh: AN |
“Doanh nghiệp tham gia vào việc góp ý chương trình và nội dung đào tạo. Đầu tư cho nhà trường đào tạo nguồn nhân lực theo yêu cầu của doanh nghiệp.
Đồng thời, hai bên cũng có những hợp tác trong nghiên cứu khoa học, ứng dụng công nghệ vào sản xuất”.
Dạy theo kiểu bán bằng thì sớm muộn cũng sẽ phải đóng cửa |
Khi xây dựng được mối liên hệ, gắn kết đó thì chất lượng đào tạo cũng sẽ nâng cao.
Đào tạo gắn liền với thực tiễn sử dụng lao động thì sinh viên vừa rời ghế nhà trường thì được doanh nghiệp nhận về làm ngay.
Cũng theo thầy Hải, nhà trường luôn chú trọng đào tạo ra những cử nhân có năng lực khởi nghiệp.
Những công dân “mang tính toàn cầu” để có thể tự phát triển được dù trong điều kiện kinh tế quốc gia hay thế giới như thế nào?
“Hãy thử nhìn nước Mỹ, nền kinh tế lớn nhất thế giới. Họ cũng đã trải qua những giai đoạn khủng hoảng kinh tế, thất nghiệp trầm trọng.
Và lối ra vẫn luôn là những cuộc cách mạng công nghệ mới, những làn sóng di chuyển các ngành nghề”.
Những cuộc cách mạng đó được khơi nguồn chính bởi tinh thần khởi nghiệp và khuynh hướng tiếp cận toàn cầu hóa của chính các công dân họ - thầy Hải nói thêm.
Xây dựng một nền giáo dục nhân văn
Ở bất kỳ quốc gia nào, giáo dục mà thiếu nhân văn thì rất nguy hiểm. Khi con người đứng vững trên nền tảng nhân văn thì sẽ lớn mạnh.
“Phải lấy nhân văn để xây dựng con người Việt Nam hiện đại. Nhân văn không chỉ con người với con người mà còn là con người với thiên nhiên, gắn gia đình, nhà trường và xã hội.
Nền giáo dục hiện nay chưa chú trọng yếu tố nhân văn là rất nguy hiểm” thầy Hải chia sẻ.
Đại học là một môi trường học thuật, cung cấp kiến thức, dữ liệu và khoa học sáng tạo.
"Sản phẩm giáo dục cũng như hàng hóa, nếu kém không ai dám dùng" |
“Giáo dục Việt Nam hiện nay nhồi nhét quá nhiều kiến thức, học sinh, sinh viên thiếu tính tự học, không có kỹ năng sống, giáo dục không gắn với thực tiễn…”.
Thầy Hải nhấn mạnh, vấn đề là làm thế nào để xây dựng một nền giáo dục kế thừa được truyền thống tinh hoa của dân tộc, đồng thời tiếp thu được văn minh nhân loại để ứng dụng vào thực tiễn Việt Nam?
“Đứng trên vai người khổng lồ”
Để nâng cao chất lượng đào tạo thì bắt buộc các trường Đại học Việt Nam phải liên kết, hợp tác với những trường đại học hàng đầu của thế giới.
Từ chính kinh nghiệm thực tiễn của trường mình, thầy Hải cho biết, thông qua những hợp tác này, hàng năm, trường cử trên 270 giảng viên của trường đi tập huấn tại các nước như Hoa Kỳ, Châu Á và Châu Âu.
Mục đích nhằm nâng cao trình độ và đổi mới phương pháp giảng dạy theo chuẩn đầu ra của các trường quốc tế.
“Ngoài ra, các trường đối tác nước ngoài cũng thường xuyên cử giảng viên đến trực tiếp giảng dạy những môn chuyên ngành” thầy Hải cho hay.
Qua quá trình liên kết, hợp tác với các trường đẳng cấp nhất thế giới, trường thu nhận được nhiều kinh nghiệm quý báu.
Giải pháp nào cho tuyển sinh Đại học? |
Họ đã định hướng giúp cho chúng tôi biết cách “đứng trên vai người khổng lồ”, thay vì mày mò tốn kém mà không đạt được đẳng cấp nào hết.
Việc mời được giảng viên giỏi từ các trường đối tác đến dạy ngay tại trường giúp đội ngũ giảng viên của trường chuyên nghiệp hơn.
Môi trường làm việc của nhà trường cũng dần được “quốc tế hóa”. Sinh viên học các chương trình này dễ dàng tìm kiếm việc làm với mức lương cao.