Các trường học ở Thành phố Hồ Chí Minh sẽ xử lý như thế nào khi có F0, F1?

16/02/2022 06:46
Việt Dũng
0:00 / 0:00
0:00
GDVN- Phó Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo Thành phố Hồ Chí Minh, ông Dương Trí Dũng lưu ý: Không phải bất cứ học sinh nào học trong lớp có F0 đều là F1.

Như Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam đã thông tin, bắt đầu từ ngày 14/2, hơn 1 triệu học sinh mầm non, tiểu học và lớp 6 của Thành phố Hồ Chí Minh đã đến trường trở lại, bắt đầu chương trình học tập trực tiếp sau khoảng thời gian dài nghỉ để phòng chống dịch Covid-19.

Như vậy, cho đến nay, chỉ trừ trẻ dưới 3 tuổi, còn lại thì gần như tất cả học sinh các bậc học, các độ tuổi của thành phố đã đến trường.

Tuy nhiên, đến nay, vẫn còn có phụ huynh băn khoăn về việc nếu xuất hiện ca F0, F1 trong trường học, nhất là đối với các em học sinh nhỏ tuổi, chưa được tiêm vắc xin phòng Covid-19 thì các trường sẽ xử lý như thế nào?

Khi có ca nghi nhiễm, sẽ phối hợp với phụ huynh, y tế xử lý.

Tại trường mầm non Bé Ngoan (quận 1, Thành phố Hồ Chí Minh), cô Nguyễn Thị Mỹ Phương – Hiệu trưởng cho biết, đến nay, tỷ lệ phụ huynh đồng thuận đưa trẻ từ 3 đến 5 tuổi đến trường đạt gần 70%.

Cô Mỹ Phương cho hay, khó khăn lớn nhất của việc cho trẻ mầm non đến trường trở lại, chính là các em còn quá nhỏ, chưa được tiêm vắc xin phòng dịch.

Chính vì vậy, cô Mỹ Phương cho rằng, việc phối hợp giữa gia đình, nhà trường và y tế địa phương càng cần phải được thực hiện chặt chẽ hơn nữa, hướng tới sự an toàn cao nhất cho trẻ mầm non.

Học sinh trường mầm non Bé Ngoan trong giờ học trực tiếp ở lớp (ảnh: P.L)

Học sinh trường mầm non Bé Ngoan trong giờ học trực tiếp ở lớp (ảnh: P.L)

Trong trường hợp trẻ xuất hiện yếu tố dịch tễ,hay nghi nhiễm, nhà trường sẽ phối hợp cùng với y tế địa phương, có sự tham gia chứng kiến của phụ huynh lên phương án phòng dịch cho trẻ phù hợp nhất, tuyệt đối không gây nên tâm lý hoang mang, bất an ở phụ huynh.

Với trường tiểu học Nguyễn Đình Chiểu, quận Bình Thạnh, theo thầy Đặng Duy Phước – Hiệu trưởng, trong trường hợp phát hiện thấy có một học sinh sốt tại trường, giáo viên sẽ bình tĩnh đưa học sinh xuống phòng y tế, trao đổi ngay với phụ huynh để tìm yếu tố dịch tễ.

Nếu xuất hiện các triệu chứng nghi ngờ của Covid-19, thì phụ huynh sẽ đưa trẻ về, đi khám tại các cơ sở chữa bệnh, thông báo thông tin ngay cho giáo viên chủ nhiệm của lớp.

Trong trường hợp học sinh có các biểu hiện của F0, nhân viên y tế của địa phương sẽ xuống kiểm tra, cùng với phụ huynh giám sát, thực hiện test nhanh sàng lọc học sinh.

Học sinh lớp 1 trường tiểu học Nguyễn Đình Chiểu khi đến trường học trực tiếp (ảnh: P.L)

Học sinh lớp 1 trường tiểu học Nguyễn Đình Chiểu khi đến trường học trực tiếp (ảnh: P.L)

Thầy Đặng Duy Phước chia sẻ, các tình huống có liên quan đến Covid-19 cần được xử lý kịp thời, nhẹ nhàng nhất để không làm ảnh hưởng đến tâm lý của trẻ.

F1 đã được tiêm vắc xin sẽ xử lý khác với chưa tiêm vắc xin

Trao đổi với phóng viên Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam, ông Dương Trí Dũng – Phó Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo Thành phố Hồ Chí Minh chia sẻ, các tình huống có liên quan đến dịch bệnh trong nhà trường khi học sinh đi học trực tiếp trở lại cần được các trường xử lý ít ảnh hưởng nhất đến quá trình học tập của học sinh, nhưng vẫn phải đảm bảo an toàn phòng chống dịch, nhất là đối với học sinh các lớp nhỏ tuổi vì chưa được tiêm vắc xin.

Ông Dương Trí Dũng nhấn mạnh: Trong trường hợp lớp học có xuất hiện F0, thì không phải học sinh nào trong lớp cũng đều là F1.

Theo ông Dương Trí Dũng, vì học sinh từ 3 đến 11 tuổi chưa được tiêm vắc xin, nên các F1 nếu trong độ tuổi này cần phải được cách ly ở nhà theo đúng quy định của ngành y tế, còn những học sinh là F1 đã được tiêm vắc xin thì sẽ vẫn đến trường học tập trực tiếp.

Phó Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo Thành phố Hồ Chí Minh khẳng định: Đối tượng học sinh nào là F1 thì phải do chính ngành y tế xác định, chứ không phải do thầy cô giáo, hiệu trưởng nhà trường nhận định.

“Nhà trường phải giữ mối liên hệ thường xuyên, gắn kết chặt chẽ với ngành y tế để có sự phối hợp nhịp nhàng, hiệu quả, đảm bảo an toàn cao nhất cho trẻ, không gây xáo trộn và ảnh hưởng đến tâm lý của học sinh, phụ huynh, giúp cho việc học trực tiếp được ổn định” – ông Dương Trí Dũng nói.

Việc mở cửa hoạt động của căng tin, bán trú trong trường học sẽ dựa vào Bộ tiêu chí an toàn phòng chống dịch tại các cơ sở giáo dục phổ thông, mầm non đã được lãnh đạo thành phố thông qua, hướng dẫn của ngành y tế để thực hiện.

Các trường sẽ có những cách tổ chức khác nhau, phù hợp với điều kiện và hoàn cảnh của từng nơi, miễn là được Ban chỉ đạo phòng chống dịch của các quận, huyện phê duyệt.

Việt Dũng