Yêu cầu về đảm bảo chất lượng đầu vào đối với trường không sử dụng kết quả kỳ thi THPT quốc gia:
-Đối với trường tuyển sinh bằng phương thức thi tuyển theo bài thi/môn thi hoặc xét tuyển dựa trên tổ hợp các môn học ở THPT, việc lựa chọn tổ hợp bài thi/môn thi hoặc tổ hợp môn học dùng để xét tuyển được thực hiện theo quy định.
- Đối với trường sử dụng phương án thi tuyển, chính sách đảm bảo chất lượng đầu vào phải được ghi trong đề án tuyển sinh theo quy định.
- Ngưỡng đảm bảo chất lượng đầu vào năm 2017 được thực hiện như sau:
a) Đối với trường sử dụng phương án xét tuyển dựa vào kết quả học tập THPT, điểm trung bình của từng môn học trong tổ hợp các môn dùng để xét tuyển hoặc điểm trung bình chung của các môn học dùng để xét tuyển không nhỏ hơn 6,0 đối với trình độ Đại học (theo thang điểm 10).
b) Trường Đại học đóng tại các tỉnh biên giới, vùng có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn có thể xét tuyển các thí sinh có hộ khẩu thường trú từ 3 năm trở lên, học 3 năm liên tục và tốt nghiệp THPT tại các tỉnh, địa phương này ở mức thấp hơn 0,5 điểm so với mức quy định. Những học sinh này phải học bổ sung kiến thức 1 học kỳ trước khi vào học chính thức. Chương trình bổ sung kiến thức do Hiệu trưởng các trường quy định.
Các trường không sử dụng kết quả thi THPT quốc gia sẽ tuyển sinh thế nào? (Ảnh: Báo Tiền phong) |
- Từ năm 2018 trở đi ngưỡng đảm bảo chất lượng đầu vào thực hiện theo quy định.
- Đối với trường xét tuyển học sinh tốt nghiệp trung cấp vào các ngành học trình độ Cao đẳng sư phạm, phải quy định rõ trong đề án tuyển sinh cách thức xét tuyển vào ngành học phù hợp.
- Đối với các ngành năng khiếu thuộc khối ngành văn hóa - nghệ thuật, điểm xét tuyển của các môn văn hóa phải đáp ứng yêu cầu tối thiểu để hoàn thành chương trình phổ thông được Bộ Văn hóa,Thể thao và Du lịch, Bộ GD&ĐT chấp thuận.
Tổ chức thi đối với các trường tuyển sinh bằng phương thức thi tuyển
-Yêu cầu về đề thi:
a) Đối với các môn văn hóa: thực hiện theo quy định tại Quy chế thi THPT quốc gia và xét công nhận tốt nghiệp THPT;
b) Đối với các môn thi năng khiếu và các môn thi đánh giá năng lực chuyên biệt: thực hiện theo quy định tại Quy chế tuyển sinh của trường do Hiệu trưởng ban hành sau khi có ý kiến của Hội đồng Khoa học và Đào tạo trường, báo cáo Bộ GDĐT và công bố công khai trên trang thông tin điện tử của trường;
-Tổ chức coi thi, chấm thi, chấm phúc khảo:
Thực hiện theo Quy chế tuyển sinh của trường. Nội dung Quy chế tuyển sinh của trường không được trái với các quy định trong Quy chế thi THPT quốc gia và xét công nhận tốt nghiệp THPT.
Tổ chức xét tuyển của các trường không sử dụng kết quả kỳ thi THPT quốc gia
- Việc xét tuyển được thực hiện theo đề án tuyển sinh của trường. Các trường có thể lựa chọn các phương thức tuyển sinh:
a) Sơ tuyển dựa vào kết quả học tập ở cấp THPT kết hợp với thi đánh giá năng lực chuyên biệt của thí sinh hoặc sử dụng kết quả thi đánh giá năng lực chuyên biệt của trường khác để xét tuyển;
b) Xét tuyển dựa vào kết quả học tập ở cấp THPT;
c) Sử dụng đồng thời các phương thức tuyển sinh trên và phải công bố công khai chỉ tiêu đối với từng phương thức.
- Chế độ ưu tiên được thực hiện theo quy định. Trường hợp sử dụng kết quả học tập ở THPT để xét tuyển, điểm ưu tiên được cộng để xét tuyển sau khi thí sinh đạt ngưỡng đảm bảo chất lượng đầu vào theo quy định.
- Thời gian đăng ký thi tuyển, xét tuyển do Hiệu trưởng các trường quy định phù hợp với phương thức tổ chức đào tạo tại trường và khung kế hoạch thời gian năm học của giáo dục phổ thông.
- Việc kiểm tra hồ sơ của thí sinh trúng tuyển được thực hiện theo quy định.