Nâng cao năng lực nghiên cứu của các Viện, các trường
Tiếp tục chương trình Kỳ họp thứ 5, chiều ngày 7/6, Quốc hội tiếp tục phiên chất vấn và trả lời chất vấn về lĩnh vực khoa học, công nghệ. Bộ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ Huỳnh Thành Đạt tiếp tục trả lời các chất vấn của đại biểu Quốc hội cuối phiên làm việc buổi sáng.
Phát biểu tranh luận, Đại biểu Đỗ Chí Nghĩa (đoàn Phú Yên) bày tỏ sự đồng tình với ý kiến của Đại biểu Lê Thanh Vân, Đại biểu Nguyễn Lân Hiếu khi nói về cốt lõi trong phát triển khoa học, công nghệ phải là vấn đề nhân tài.
“Trong phần trả lời của Bộ trưởng còn tương đối khái quát. Chúng tôi muốn nhấn mạnh một yếu tố quan trọng hơn nữa, đó là nhà khoa học đầu ngành.
Đại biểu Đỗ Chí Nghĩa (đoàn Phú Yên). Ảnh: quochoi.vn. |
Trong báo cáo của bộ có nêu đội ngũ cán bộ khoa học, công nghệ có tăng nhưng thiếu các nhà khoa học đầu ngành. Đây là một vấn đề không mới nhưng vẫn rất nhức nhối. Không mới, bởi vì ngay trong nghị quyết Trung ương 6 khóa XI từ năm 2012 đã nêu rất rõ phải tăng cường phát triển đội ngũ các nhà khoa học đầu ngành.
Chúng tôi thấy một thực tế khi đi khảo sát ở các trường, các viện nghiên cứu thì thấy rõ sự hụt hẫng này của các nhà khoa học đầu ngành. Chúng tôi băn khoăn tại sao trong thời chiến tranh hay những năm tháng bao cấp kinh tế rất khó khăn, thông tin rất ít, chúng ta vẫn tự hào có đội ngũ các nhà khoa học đầu ngành và đóng góp xứng đáng vào sự phát triển kinh tế - xã hội của đất nước. Bây giờ trong điều kiện công nghệ phẳng, chúng ta có thể tiếp cận rất nhiều với khoa học trên thế giới cũng như điều kiện kinh tế - xã hội đã tốt hơn rất nhiều thì đội ngũ khoa học đầu ngành lại hụt hẫng.
Chúng tôi băn khoăn, không biết Bộ Khoa học và Công nghệ đã thống kê trong các lĩnh vực khoa học của đất nước chúng ta, các trường, các viện những lĩnh vực nào thiếu bao nhiêu các nhà khoa học đầu ngành, những lĩnh vực nào có những nhà khoa học đầu ngành. Nếu không có sự cặn kẽ, chi tiết như vậy thì chúng tôi rất lo sau này chúng ta ra nghị quyết mới hoặc lần sau chất vấn thì vấn đề thiếu hụt các nhà khoa học đầu ngành lại tiếp tục nêu lên như mới.
“Khoa học cần những sản phẩm rất cụ thể, cần những giải pháp rất cặn kẽ, đi vào con người, đi vào chính sách, đi vào đơn vị. Tôi nghĩ Bộ Khoa học, Công nghệ và tiềm lực của đất nước chúng ta cũng như sự quan tâm của Đảng, Nhà nước với khoa học công nghệ là quốc sách hàng đầu thì đây là thời cơ để chúng ta giải quyết vấn đề này một cách căn cơ” - Đại biểu Đỗ Chí Nghĩa nhấn mạnh.
Trả lời chất vấn của đại biểu, Bộ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ Huỳnh Thành Đạt cho biết, hiện không xác định được con số chính xác về chi đầu tư phát triển cho khoa học công nghệ tại các địa phương. Vì vậy, cần thiết sửa đổi các quy định hiện hành để có cơ sở hoạch định chính sách phát triển trong lĩnh vực này.
Bộ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ Huỳnh Thành Đạt trả lời chất vấn. Ảnh: quochoi.vn. |
Về phát triển thị trường khoa học công nghệ, Bộ trưởng cho biết, hiện vẫn thiếu các tổ chức trung gian để kết nối bên cung và bên cầu về công nghệ. Bên cạnh đó là những khó khăn trong thực hiện cơ chế chính sách nên chưa khuyến khích việc chuyển giao khoa học công nghệ vào cuộc sống.
Bộ trưởng Huỳnh Thành Đạt cho biết, hiện nay, Bộ Khoa học và Công nghệ đang triển khai các chương trình khoa học công nghệ quốc gia để nâng cao năng lực nghiên cứu của các Viện, các trường, năng lực hấp thụ công nghệ của các doanh nghiệp; tăng cường năng lực các sàn giao dịch công nghệ quốc gia theo chiều sâu.
Đồng thời, cần mạnh dạn trao quyền sở hữu, quyền sử dụng kết quả nghiên cứu cho viện, trường, tổ chức nghiên cứu để khuyến khích các nhà khoa học tổ chức nghiên cứu chuyển giao, ứng dụng kết quả nghiên cứu vào thực tiễn.
Đối với chất vấn của đại biểu về việc dành kinh phí cho các nhiệm vụ khoa học công nghệ, Bộ trưởng lấy ví dụ, năm 2023 tổng chi thường xuyên cho khoa học và công nghệ 12.000 tỷ, trong đó ngân sách Trung ương là 8.800 tỷ, địa phương là khoảng 3.200 tỷ. Trong 8.800 tỷ ngân sách Trung ương, chi hỗ trợ cho lương và hoạt động bộ máy khoảng 900 tỷ, như vậy, tỉ lệ cho các nhiệm vụ khoa học công nghệ chiếm 89 %...
Bộ trưởng Huỳnh Thành Đạt cũng nhấn mạnh về tính rủi ro trong nghiên cứu khoa học và phát triển công nghệ; mong muốn các vị đại biểu Quốc hội và xã hội ghi nhận bản chất rủi ro của hoạt động nghiên cứu khoa học, công nghệ.
Tính mới, tính dấn thân của hoạt động nghiên cứu nên quá trình nghiên cứu có thể thành công không thành công. Đề tài nghiên cứu không thành công cũng là một đóng góp để làm rõ hướng đi cho cộng đồng khoa học trong các nghiên cứu khác.
Về chính sách thu hút, trọng dụng nhân tài trong lĩnh vực công nghệ, Bộ trưởng khẳng định, điểm cốt lõi là cần lựa chọn và sử dụng theo trình độ chuyên môn, không bị ràng buộc bởi các quy định, điều kiện, tiêu chuẩn mang tính chất hành chính. Đồng thời giao quyền chủ động cho người làm công tác nghiên cứu.
Đối với việc thành lập các Trung tâm hỗ trợ khởi nghiệp đổi mới sáng tạo, đây là một mô hình mới, cần thời gian xem xét, đánh giá hiệu quả của Trung tâm đổi mới sáng tạo quốc gia, sau đó, mới tiếp tục nhân rộng thành lập các địa phương khác.
Nghiên cứu đưa mô hình khu đô thị khoa học vào luật
Trao đổi với Bộ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ liên quan đến vai trò, chức năng, nhiệm vụ của Trung tâm đổi mới, sáng tạo khởi nghiệp, Đại biểu Nguyễn Thị Thu Thủy (đoàn Bình Định) nhận thấy, nội dung này đã hiện hữu trong Nghị quyết số 27 ngày 6/8/2008 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa X về xây dựng đội ngũ trí thức trong thời kỳ công nghiệp hóa, hiện đại hóa. Nghị quyết nêu rõ, Nhà nước đầu tư xây dựng một số khu đô thị khoa học, khu công nghệ cao, trường đại học trọng điểm… để thúc đẩy sáng tạo của đội ngũ trí thức trong và ngoài nước.
Tuy nhiên, sau gần 15 năm thực hiện Nghị quyết, cơ chế đầu tư xây dựng, quản lý khu đô thị khoa học vẫn chưa được hình thành, trong đó có một số các tỉnh đã làm thí điểm các mô hình này”.
Đại biểu Nguyễn Thị Thu Thủy (đoàn Bình Định). Ảnh: quochoi.vn. |
Đại biểu Nguyễn Thị Thu Thủy đề nghị Bộ trưởng cho biết nhiệm vụ, giải pháp về cơ chế hành lang pháp lý nào để Bộ trưởng thực hiện đạt được mục tiêu của Nghị quyết 27 đã đề ra. “Trên cơ sở việc thực hiện hoàn thành mục tiêu này, chúng ta sẽ có đánh giá và áp dụng vào xây dựng Trung tâm sáng tạo mang tầm khu vực và tầm quốc gia” - nữ đại biểu đề cập.
Phát biểu tranh luận tại phiên chất vấn và trả lời chất vấn, Đại biểu Quốc hội Leo Thị Lịch (đoàn Bắc Giang) cho rằng nội dung trả lời của Bộ trưởng Bộ Khoa học và công nghệ Huỳnh Thành Đạt liên quan đến việc liên kết giữa các Viện khoa học công nghệ với các doanh nghiệp chưa rõ ràng.
Đại biểu cho biết, thời gian qua, các sản phẩm khoa học công nghệ chưa thực sự đi vào cuộc sống và hỗ trợ cho sự phát triển của các doanh nghiệp. Đại biểu Leo Thị Lịch đề nghị Bộ trưởng đánh giá, làm rõ hơn các mặt trái của vấn đề này.
Đại biểu Quốc hội Leo Thị Lịch (đoàn Bắc Giang). Ảnh: quochoi.vn. |
Trả lời chất vấn, Bộ trưởng Huỳnh Thành Đạt cho biết: “Xây dựng các khu đô thị khoa học là vấn đề mới trong thực tiễn, chưa có trong quy định của pháp luật, chúng tôi sẽ tiếp thu. Thực ra, hiện nay, chúng tôi cũng đang nghiên cứu mô hình này trên các nước, dự kiến sẽ cùng các Bộ ngành đưa quy định về cơ chế chính sách khi sửa Luật Khoa học công nghệ và Luật Công nghệ cao sắp tới, đưa mô hình này vào luật. Có như thế, chúng ta mới xây dựng được các khu này ở các địa phương”.
Có địa phương không bố trí vốn hoặc bố trí tỉ lệ rất thấp cho khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo
“Chia lửa” với Bộ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ, giải trình về chi cho đầu tư khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng cho biết, trách niệm của Trung ương đã chi theo đúng quy định theo Nghị quyết của Quốc hội và Luật Đầu tư công; việc bố trí có trọng tâm, trọng điểm.
Tuy nhiên, từ năm 2017 đến năm 2023, tỉ lệ chi giảm dần, chỉ đạt 1,1-1,18%, riêng năm 2023 là 0,83%, trong khi đó Nghị quyết của Trung ương và Bộ Chính trị quy định đảm bảo từ 2% trở lên trong tổng chi ngân sách cho khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và tăng dần lên theo các năm.
Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng giải trình, làm rõ một số vấn đề về khoa học, công nghệ. Ảnh: quochoi.vn. |
Điều này cho thấy, các bộ, ngành địa phương chưa thực sự quan tâm, chưa có đề án đảm bảo đúng nguyên tắc, tiêu chí bố trí vốn, có địa phương không bố trí vốn hoặc bố trí tỉ lệ rất thấp cho hoạt động này.
Về Trung tâm đổi mới sáng tạo quốc gia, Đại hội Đảng lần thứ XIII đã xác định ba đột phá chiến lược gồm thể chế, hạ tầng, nguồn nhân lực và được lồng ghép thêm hai vấn đề cốt lõi là khoa học, công nghệ mới, sáng tạo và phát huy giá trị văn hóa và con người Việt Nam.
Xuất phát từ quan điểm này, Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã báo cáo Thủ tướng và quyết định thành lập Trung tâm đổi mới sáng tạo quốc gia đặt tại Hòa Lạc. Đây là đơn vị sự nghiệp tự chủ hoàn toàn về cả chi thường xuyên và chi đầu tư. Chức năng của Trung tâm là xây dựng hệ sinh thái cho khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo; áp dụng các cơ chế chính sách vượt trội, đào tạo nguồn nhân lực; hỗ trợ cho các doanh nghiệp khởi nghiệp sáng tạo; kết nối các viện, trường, các cơ sở nghiên cứ trong nước và ngoài nước, các trung tâm nghiên cứu, trung tâm đổi mới sáng tạo trong nước và ngoài nước.
Bộ Kế hoạch và Đầu tư cũng xây dựng Chương trình hỗ trợ chuyển đổi số cho doanh nghiệp Việt Nam, hiện có khoảng 5.000 doanh nghiệp được tiếp cận chương trình này.
Bộ Kế hoạch và Đầu tư đang phối hợp với thành phố Hồ Chí Minh, Đà Nẵng và Thừa Thiên - Huế nhân rộng mô hình này, với tinh thần kết nối với Trung tâm đổi mới sáng tạo quốc gia nhưng địa phương đầu tư và quản lý.
Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng cũng cho biết hiện đã xây dựng mạng lưới đổi mới sáng tạo Việt Nam, theo đó đã hình thành được 8 văn phòng ở các nước phát triển, quy tụ gần 2.000 chuyên gia, nhà khoa học người Việt trên khắp thế giới trong mạng lưới này. Đây là một nguồn lực hết sức quý giá, vô giá để kết nối với trần lực lượng nghiên cứu trong nước, hỗ trợ bổ trợ cho trong nước, tranh thủ nguồn lực này phát triển đất nước.
Sớm hoàn thiện hành lang pháp lý về Quỹ phát triển khoa học công nghệ quốc gia
Phát biểu kết luận nhóm vấn đề thứ ba về khoa học và công nghệ, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ cho biết, qua báo cáo và và diễn biến của phiên chất vấn này cho thấy, thời gian qua, với sự quan tâm của Đảng, Nhà nước, sự quyết tâm, nỗ lực trách nhiệm, ngành khoa học công nghệ đã đạt được nhiều thành tựu nổi bật.
Chủ tịch Quốc hội nêu rõ, chiến lược phát triển khoa học công nghệ giai đoạn 2011-2020 được triển khai tích cực, hoàn thành 8/11 mục tiêu quan trọng đề ra; đã ban hành và tổ chức thực hiện Chiến lược phát triển khoa học công nghệ và đổi mới sáng tạo đến năm 2030.
Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ phát biểu kết luận nhóm vấn đề chất vấn thứ ba. Ảnh: quochoi.vn. |
Đây là bước đột phá, có ý nghĩa quan trọng, tạo bứt phá trong nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả và sức cạnh tranh của nền kinh tế. Hành lang pháp lý về phát triển khoa học công nghệ ngày càng hoàn thiện. Tỉ trọng đầu tư giữa Nhà nước và doanh nghiệp cho khoa học công nghệ được cải thiện theo chiều hướng tích cực.
Công tác nghiên cứu khoa học được đẩy mạnh; khoa học cơ bản đạt nhiều thành tựu; khoa học công nghệ ứng dụng có những bước tiến rõ nét. Đã chú trọng, thúc đẩy phát triển thị trường khoa học công nghệ, đẩy nhanh việc chuyển giao và ứng dụng kết quả nghiên cứu vào thực tiễn, nhất là trong lĩnh vực nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao.
Tuy nhiên, vẫn còn nhiều khó khăn, vướng mắc; việc phát triển và phát huy vai trò then chốt của khoa học và công nghệ còn nhiều hạn chế như hệ thống văn bản quy phạm pháp luật còn thiếu đồng bộ. Thị trường khoa học và công nghệ phát triển còn chậm, ít có tổ chức trung gian uy tín, kinh nghiệm để kết nối cung - cầu.
Hệ thống đổi mới sáng tạo quốc gia đang trong giai đoạn hình thành, chưa đồng bộ, hiệu quả. Phát triển các loại hình khu công nghệ cao chưa như kỳ vọng. Quỹ phát triển khoa học và công nghệ quốc gia, Quỹ Đổi mới công nghệ quốc gia có mục tiêu thu hút thêm nguồn lực đầu tư từ xã hội, nhưng hiện nay vẫn hoàn toàn dựa vào ngân sách Nhà nước. Tổng đầu tư xã hội cho khoa học công nghệ và đổi mới sáng tạo còn thấp, đầu tư còn dàn trải, hiệu quả đầu tư chưa cao. Đội ngũ cán bộ khoa học công nghệ tuy tăng số lượng, nhưng thiếu các nhà khoa học đầu ngành.
Chủ tịch Quốc hội đề nghị qua phiên chất vấn, Chính phủ, Bộ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ, các Bộ trưởng có liên quan tiếp thu tối đa ý kiến góp ý của đại biểu Quốc hội, chỉ đạo quyết liệt, thực hiện các giải pháp đề ra nhằm khắc phục tồn tại, hạn chế.
Chủ tịch Quốc hội cũng lưu ý cần tập trung vào những vấn đề chính. Theo đó, thực hiện có hiệu quả Chiến lược phát triển khoa học và công nghệ và đổi mới sáng tạo đến năm 2030; triển khai đồng bộ các Chương trình khoa học và công nghệ cấp quốc gia đến năm 2030. Tiếp tục thể chế hóa chủ trương, đường lối của Đảng và đồng bộ hóa các quy định pháp luật, chính sách của Nhà nước về phát triển khoa học và công nghệ và đổi mới sáng tạo.
Đổi mới tư duy về trao quyền tự chủ, tự chịu trách nhiệm cho tổ chức khoa học và công nghệ công lập nhằm tăng cường trách nhiệm, nâng cao tính chủ động, sáng tạo của tổ chức. Có giải pháp để các trường đại học thực sự trở thành trung tâm nghiên cứu khoa học và công nghệ và là trung tâm đào tạo đội ngũ nhân lực khoa học và công nghệ và đổi mới sáng tạo trình độ cao.
Chú trọng hơn việc xác lập quyền sở hữu công nghiệp, công nhận, đăng ký lưu hành sản phẩm mới, công nghệ mới; công bố công nghệ mới, sản phẩm mới tạo ra tại Việt Nam từ kết quả nghiên cứu khoa học và phát triển công nghệ.
Tăng đầu tư từ ngân sách Nhà nước cho khoa học và công nghệ; xây dựng cơ chế, chính sách khuyến khích doanh nghiệp tăng cường đầu tư cho khoa học và công nghệ và đẩy mạnh liên kết với các tổ chức nghiên cứu khoa học trong và ngoài nước, các doanh nghiệp nước ngoài. Hoàn thiện quy định về khu công nghệ cao; tiếp tục nghiên cứu, tham mưu giải pháp thúc đẩy phát triển các loại hình khu chức năng.
Sớm hoàn thiện hành lang pháp lý về Quỹ phát triển khoa học và công nghệ quốc gia; trong đó nghiên cứu rà soát để đề xuất sửa đổi các quy định pháp luật liên quan. Đẩy mạnh xã hội hoá các dịch vụ khoa học và công nghệ, nhất là dịch vụ tư vấn, môi giới, đánh giá, thẩm định và giám định công nghệ, các dịch vụ sở hữu trí tuệ và tiêu chuẩn, đo lường, chất lượng.