Cách dạy sáng tạo tích hợp Văn-Sử-Giáo dục công dân bằng sân khấu hóa

10/12/2018 07:17
LÃ TIẾN
(GDVN) - Trong không khí trang nghiêm, các em học sinh Trường Trung học cơ sở Tô Hiệu đã tái hiện lại một trang sử hào hùng của mảnh đất mang tên Nữ tướng Lê Chân.

Ngày 8/12, tại Đền liệt sĩ quận Lê Chân (Hải Phòng), Trường Trung học cơ sở Tô Hiệu tổ chức chuyên đề dạy học tích hợp với chủ đề “Tự hào truyền thống yêu nước cách mạng quận Lê Chân anh hùng”.

Chuyên đề nhận được sự quan tâm của lãnh đạo Bộ Giáo dục và Đào tạo, lãnh đạo Hội đồng nhân dân, Ủy ban nhân dân thành phố Hải Phòng; Sở Giáo dục và Đào tạo Hải Phòng; đạo quận Lê Chân; hàng trăm cán bộ, giáo viên và người dân trên địa bàn tới dự.

Trong không khí trang nghiêm tại công trình có ý nghĩa lịch sử - Đền liệt sĩ quận Lê Chân, các vị đại biểu, cán bộ, giáo viên và học sinh Trường Trung học cơ sở Tô Hiệu dành một phút tưởng nhớ, tri ân những anh hùng, liệt sĩ đã ngã xuống vì độc lập, tự do của Tổ quốc.

Các vị đại biểu, cán bộ, giáo viên Trường Trung học cơ sở Tô Hiệu dâng hương tại Đền liệt sĩ quận Lê Chân (Ảnh: Lã Tiến)
Các vị đại biểu, cán bộ, giáo viên Trường Trung học cơ sở Tô Hiệu dâng hương tại Đền liệt sĩ quận Lê Chân (Ảnh: Lã Tiến)

Dưới tiết trời lạnh buốt, mưa phùn, gió bấc, các vị đại biểu được xem các thầy, cô giáo, các em học sinh Trường Trung học cơ sở Tô Hiệu tái hiện lại cả một giai đoạn lịch sử hào hùng và anh dũng của mảnh đất vinh dự mang tên Nữ tướng Lê Chân trong 2 cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp và đế quốc Mỹ xâm lược.

Chuyên đề cũng tái hiện lại những hoạt động đền ơn đáp nghĩa của Đảng bộ, chính quyền, nhân dân quận Lê Chân đối với những người có công với cách mạng.

Cô giáo Lê Thị Minh Tâm, Hiệu trưởng nhà trường cho biết, năm học 2018-2019, nhà trường xây dựng chuyên đề dạy học tích hợp “Tự hào truyền thống yêu nước cách mạng quận Lê Chân anh hùng” dựa trên cơ sở rà soát chương trình của các bộ môn Lịch sử, Ngữ văn, Giáo dục công dân.

Các tổ, nhóm sinh hoạt chuyên môn thống nhất, rà soát lại chương trình, kết cấu lại các bài học và dôi dư được 8 tiết.

Các em học sinh sử dụng làn điệu chèo dân gian để truyền tải nội dung bài học (Ảnh: Lã Tiến)
Các em học sinh sử dụng làn điệu chèo dân gian để truyền tải nội dung bài học (Ảnh: Lã Tiến)

8 tiết này được thiết kế thành một chuyên đề dạy học tích hợp giáo dục địa phương với nội dung kiến thức: Ngữ văn (20%), Lịch sử (60%), Giáo dục công dân (20%).

Về phân bố thời lượng sẽ dạy 1 tiết lý thuyết, 5 tiết hoạt động trải nghiệm và 2 tiết báo cáo chuyên đề.

Sau khi thống nhất nội dung, dung lượng kiến thức của các môn tham gia, nhà trường tiến hành xây dựng chi tiết chuyên đề như: lựa chọn địa điểm dạy học, các phương pháp và hình thức thể hiện nội dung tiết học, chọn đối tượng học sinh và các tổ chức xã hội tham gia.

“Với mong muốn tại hiện lại cả một giai đoạn lịch sử vô cùng hào hùng và anh dũng của mảnh đất mang tên Nữ tướng Lê Chân trong 2 cuộc kháng chiến một cách sinh động và hiệu quả nhất, chúng tôi đã lựa chọn hình thức sân khấu hóa để các em học sinh có thể dễ dàng tiếp cận lịch sử địa phương.

Từ đó bồi đắp cho các em tình yêu, niềm tự hào với chính mảnh đất mà các em đang học tập, sinh sống, qua đó giúp các em có bản lĩnh sống và có hoài bão lớn trong tương lai”, Hiệu trưởng Lê Thị Minh Tâm chia sẻ.

Với hình thức sân khấu hóa, học sinh Trường Trung học cơ sở Tô Hiệu chủ động tiếp cận với lịch sử dân tộc (Ảnh: Lã Tiến)
Với hình thức sân khấu hóa, học sinh Trường Trung học cơ sở Tô Hiệu chủ động tiếp cận với lịch sử dân tộc (Ảnh: Lã Tiến)

Xuyên suốt các tiết học trong chuyên đề, các em học sinh được chia thành ba nhóm với ba phần kiến thức được giao để tìm hiểu sau đó báo cáo kết quả.

Thay vì trình bày theo cách thuyết trình lý thuyết truyền thống, các em học sinh hết sức sáng tạo khi lồng ghép nhiều hình thức khác nhau để thể hiện phần trình bày của mình.

Cách dạy sáng tạo tích hợp Văn-Sử-Giáo dục công dân bằng sân khấu hóa ảnh 4

Thầy Phạm Văn Thái, thầy giỏi dạy môn Hóa

Nhóm đầu tiên chọn hình thức mở màn bằng làn điệu chèo truyền thống dân gian. Bốn em học sinh tự tin thể hiện làn chèo trôi chảy, thể hiện nội dung một cách mềm mại.

Kế tiếp với những câu đố vui, các em vừa khéo léo giới thiệu các quận, huyện trên địa bàn thành phố Hải Phòng cũng như nguồn gốc của quận Lê Chân, qua đó mang lại không khí vui nhộn trong tiết học.

Với mô hình khác biệt, một vở kịch nói được dàn dựng công phu tái hiện khung cảnh 10 năm kháng chiến chống Pháp (1945-1955) là sự lựa chọn của nhóm thứ hai.

Thông qua vở kịch các em đã mang đến nhiều cung bậc cảm xúc thông qua câu chuyện tâm tình của ba người chiến sĩ mặc dù bị thương nhưng vẫn kiên cường, lạc quan; sự mất mát, nỗi đau của người mẹ mất đi đứa con trong chiến tranh không khỏi khiến người xem bùi ngùi.

Phần trình bày của nhóm cuối cùng lại mang lại theo không khí rực cháy của thời kì kháng chiến chống Mỹ của dân tộc ta (1955-1975).

Song song với lời thuyết trình là sự thay đổi liên tục hoạt cảnh như tái hiện khung cảnh lịch sử một cách sống động.

Sau phần trình bày xuất sắc của các nhóm, học sinh còn có cơ hội để đưa ra câu hỏi phản biện, những góc nhìn của bản thân về phần trình bày trước đó. Với những câu hỏi khó, các em sẽ được các giáo viên bộ môn giải đáp kỹ càng.

Học sinh nhà trường lồng ghép hoạt cảnh cùng với phần thuyết trình như tái hiện không khí cuộc chiến tranh chống xâm lược của dân tộc ta. (Ảnh: Lã Tiến)
Học sinh nhà trường lồng ghép hoạt cảnh cùng với phần thuyết trình như tái hiện không khí cuộc chiến tranh chống xâm lược của dân tộc ta. (Ảnh: Lã Tiến)

Việc chủ động tìm hiểu cũng như giàn dựng những phần trình bày đặc sắc như vậy chính là cơ hội để các em học sinh được học cách làm việc nhóm.

Quan trọng hơn cả là các kiến thức khô khan nay trở thành những khung cảnh sinh động khiến các em thích thú hơn trong việc học tập.

Chuyên đề “Tự hào truyền thống yêu nước cách mạng quận Lê Chân anh hùng” khép lại đã nhận được những tràng pháo tay vang dội của các vị đại biểu và các lãnh đạo, giáo viên bộ môn các trường trên địa bàn Hải Phòng.

Chuyên đề cũng nhận được sự ủng hộ nhiệt tình của đông đảo người dân địa phương trong việc đưa học sinh về nguồn để học lịch sử, qua đó tạo động lực cho học sinh học tập tốt hơn môn lịch sử.

LÃ TIẾN