LTS: Sau khi Bộ trưởng và một số Giám đốc Sở Giáo dục nhận được phiếu tín nhiệm thấp, nhà giáo Nhật Duy đã có bài viết chia sẻ về vấn đề này.
Tòa soạn trân trọng gửi đến độc giả bài viết.
Vừa qua, Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ nhận được số phiếu tín nhiệm thấp cao nhất với 137 đại biểu đánh giá tín nhiệm thấp, 194 đại biểu đánh giá tín nhiệm và 140 đại biểu đánh giá tín nhiệm cao.
Và, bây giờ, đến lượt một số Giám đốc Sở Giáo dục cũng đang nhận được số phiếu tín nhiệm thấp rất cao.
Rõ ràng, những lá phiếu của đại biểu Quốc hội hay Hội đồng nhân dân đang là những thước đo cần thiết cho những lãnh đạo ngành giáo dục.
Còn nhớ, khi nhận được số phiếu tín nhiệm thấp cao, Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ đã chia sẻ với báo chí như sau:
“Tôi coi kết quả lấy phiếu tín nhiệm lần này là động lực để bản thân tôi và toàn ngành cố gắng hơn nữa, có nhiều giải pháp quyết liệt hơn nữa, để đáp ứng sự kỳ vọng của Đảng và của nhân dân đối với sự nghiệp giáo dục và đào tạo”.
Kết quả lấy phiếu tín nhiệm các chức danh Hội đồng nhân dân Hà Nội bầu |
Và, có lẽ bây giờ, một số vị Giám đốc Sở cũng cần xem những lá phiếu mà các đại biểu đã đánh giá mình là những “động lực” để cố gắng với trọng trách của mình đang đảm nhận.
Những ngày qua, trên các phương tiện thông tin đại chúng đã phản ảnh một số Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo được Hội đồng nhân dân tỉnh (thành phố) đánh giá tín nhiệm thấp rất cao như Hà Nội, Sơn La, Quảng Bình…
Trong đó, có những trường hợp phiếu tín nhiệm thấp quá bán như ông Hoàng Tiến Đức - Giám đốc Sở Giáo dục Sơn La chỉ nhận được 6/70 phiếu tín nhiệm cao (tỉ lệ 8,45%), trong khi có đến 39/70 phiếu tín nhiệm thấp (tỉ lệ gần 55%).
Ông Chử Xuân Dũng - Giám đốc Sở Giáo dục Hà Nội chỉ nhận được 40 phiếu tín nhiệm cao/102 phiếu đại biểu.
Ông Đinh Quý Nhân - Giám đốc Sở Giáo dục Quảng Bình có số phiếu tín nhiệm cao cũng rất thấp…
Những Giám đốc Sở có lá phiếu tín nhiệm cao rất thấp khiến cho cử tri của từng địa phương thấy còn nhiều băn khoăn, trăn trở.
Bởi, với cương vị là người đứng đầu ngành giáo dục của địa phương nhưng các vị này chưa tạo được niềm tin, uy tín để lãnh đạo ngành giáo dục tỉnh nhà có những bước đột phá, thậm chí còn để xảy ra tình trạng mất uy tín cho ngành.
Nếu nhìn lại quá trình, nhìn lại những sự việc đã xảy ra thì rõ ràng những lá phiếu tín nhiệm đó đang thể hiện sự khách quan và rất công tâm.
Ông Chử Xuân Dũng, Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo Hà Nội (Ảnh: VA / Báo Điện tử Đảng Cộng sản Việt Nam). |
Chẳng hạn như Giám đốc Sở Giáo dục Sơn La có phiếu tín nhiệm thấp có nguyên nhân từ sự cố trong kỳ thi Trung học phổ thông Quốc gia vừa qua.
Hàng loạt cán bộ của địa phương có liên quan đã bị xử lý hoặc khởi tố, đó là: Ông Trần Xuân Yến, Phó giám đốc Sở Giáo dục Sơn La, Ủy viên Ban Chỉ đạo thi, Phó chủ tịch Hội đồng thi, Phó trưởng ban thường trực Ban Chấm thi, Tổ trưởng Tổ chấm thi trắc nghiệm.
Bà Nguyễn Thị Hồng Nga, chuyên viên phòng Khảo thí và Quản lý chất lượng, Sở Giáo dục Sơn La, Thư ký Ban chỉ đạo, ủy viên Tổ chấm thi trắc nghiệm.
Bà Cầm Thị Bun Sọn, Phó trưởng phòng Chính trị Tư tưởng, ủy viên Tổ chấm thi trắc nghiệm.
Đặng Hữu Thủy, Phó hiệu trưởng trường Trung học phổ thông Tô Hiệu, ủy viên Tổ chấm trắc nghiệm.
Ông Lò Văn Huynh, Phó trưởng phòng Khảo thí, ủy viên Ban Chỉ đạo, Ủy viên Hội đồng thi, Trưởng ban Thư ký.
Và, tất nhiên, uy tín của vị Giám đốc Sở sẽ bị lung lay, ảnh hưởng là điều tất yếu.
Ở Quảng Bình cũng không tránh khỏi một số sự việc tai tiếng mà nổi trội hơn cả là những ngày gần đây, sau sự việc học trò bị 231 cái tát vào mặt, trên các mặt báo đều “nóng ran” bởi những bất bình về cách hành xử của giáo viên, nhà trường.
Hay, ngay tại thủ đô Hà Nội thì ngành giáo dục ở đây cũng có nhiều điều khiến cho người dân còn nghi hoặc.
Tình trạng quá tải sĩ số, đầu tư cơ sở hạ tầng, sa thải giáo viên ở một số huyện ngoại thành, tình trạng tuyển sinh đầu cấp học…
Nhìn lại những sự việc đã qua, những tai tiếng đã xảy ra ở địa phương, ở ngành giáo dục trong cả nước chúng ta cũng có thể tự lý giải được vì sao phiếu tín nhiệm thấp của một số lãnh đạo ngành lại cao như vậy.
Bởi, cho dù là Bộ hay Sở thì ngành giáo dục cũng luôn có một vai trò quan trọng trong công cuộc xây dựng và phát triển đất nước.
Giám đốc sở Chử Xuân Dũng làm thế nào để cải thiện tín nhiệm, lấy lại niềm tin? |
Chỉ khi ngành giáo dục phát triển thì mới kéo theo các ngành khác phát triển bởi giáo dục được xem là đầu tàu cho phát triển kinh tế, xã hội.
Thế nhưng, nhiều những ồn ào, nhiều những sự cố xảy ra thì chúng ta vẫn chưa thấy được sự sốt sắng của các vị tư lệnh.
Chẳng hạn như sau sự việc học trò bị 231 cái tát vào mặt thì phải đợi rất lâu, Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ mới buông tiếng thở dài:
“Bản thân tôi rất buồn khi trong ngành xảy ra hiện tượng như thế. Quan điểm của Bộ là không thể chấp nhận trong đội ngũ những giáo viên này”.
Những vị “Tư lệnh” ngành ở địa phương cũng thể hiện sự bị động trong nhiều trường hợp.
Mặc dù, chúng tôi vẫn biết rằng những sự việc nổi cộm, tai tiếng trong thời gian qua thì một mình cá nhân Bộ trưởng hay Giám đốc Sở không thể làm được, không thể giải quyết một sớm một chiều những vấn đề nóng và thường xuyên xảy ra ở ngành giáo dục.
Song, điều mà dư luận mong chờ là sau mỗi lần “tiếp thu”, “nhận trách nhiệm” hay sốt sắng kỷ luật giáo viên của lãnh đạo Bộ, địa phương là những hành động cụ thể, căn cơ và thiết thực hơn nhằm tránh được những điều tiếng trước dư luận.
Bộ Giáo dục và Đào tạo là ngành cơ quan chủ quan của một Bộ có nhiều nhân sự nhất, có hơn 1 triệu giáo viên đang công tác, có hơn 20 triệu sinh viên, học sinh ở các cấp học. Ngành đang có nhiệm vụ giáo dục, đào tạo nguồn nhân lực cho cả nước.
Nhưng, lãnh đạo ngành lại chưa nhận được sự tín nhiệm của đại đa số đại biểu Quốc hội, Hội đồng nhân dân và cử tri cả nước thì rõ ràng những nỗi lo vẫn luôn thường trực đối với nhiều người.
Những lá phiếu cũng có thể chưa phải là tất cả nhưng những lá phiếu tín nhiệm thấp còn cao, tín nhiệm cao còn thấp của lãnh đạo khiến cho cử tri trăn trở. Vì thế, dư luận mong chờ sự cố gắng, phấn đấu và có những đột phá cho ngành.
Trong đó, điều cần nhất là lấy lại uy tín cho ngành, đem lại niềm tin cho xã hội là nhiệm vụ quan trọng nhất của ngành giáo dục.
Vì vậy, mỗi lãnh đạo đứng đầu ngành giáo dục phải thực sự là những “Tư lệnh” ngành, địa phương của mình đang đảm trách.