'Cách học chết' ở bậc tiểu học

25/12/2012 07:33
Xuân Trung
(GDVN) - Không phải ngẫu nhiên chúng tôi thực hiện những đoạn clip thực tế trắc nghiệm kiến thức cuộc sống đơn giản của học sinh tiểu học. Nó xuất phát từ thực tế ngành giáo dục đang xuất hiện nhiều "lỗ hổng", từ chất lượng giáo viên ngày càng đáng báo động, cho tới những kiến thức hàn lâm thiếu tính thực tiễn mà học sinh đang phải chịu đựng. Là người nghiên cứu sâu về tâm lý học sinh, TS Nguyễn Tùng Lâm – Chủ tịch Hội tâm lí giáo dục Hà Nội nhận định, có nguyên nhân nào đấy đã khiến học sinh chán học, không tạo ra điểm ghi nhớ cho học sinh.
Sau khi xem clip những em học sinh cấp I mặt mũi sáng sủa nhưng lại mù mờ về cuộc sống xung quanh, ngay cả những hiểu biết tối tiểu về lịch sử cũng không biết, tệ hại hơn nhân vật được gắn tên cho trường các em cũng lắc đầu, TS Nguyễn Tùng Lâm cho rằng, ở đây cần phân biệt được hai vấn đề: Vấn đề này có gắn với chương trình học hay không? Thậm chí như cách dạy hiện nay thì việc học sinh học rồi lại quên là chuyện bình thường. Đó là yếu tố nằm ở người thầy, giáo viên không tạo ra được ấn tượng cho học sinh trong lúc học, đó là cách học nặng nề không có ích. 
Thậm chí, theo TS Tùng Lâm những vấn đề thiết thực trong đời sống thì không nhất thiết cứ phải có trong chương trình mới giảng dạy, giáo viên phải có nhiệm vụ chỉ ra cho các em. Việc học sinh Hà Nội không biết hồ Hoàn Kiếm thì không chấp nhận được. “Cách học như thế là cách học chết, đó là cách học chỉ quan tâm tới sách vở, không quan tâm tới đời sống, không quan tâm tới xã hội xung quanh mình”, TS Lâm nói.
TS Nguyễn Tùng Lâm – Chủ tịch Hội tâm lí giáo dục Hà Nội nhận định, có cách nào đấy đã khiến học sinh chán học, không tạo ra điểm ghi nhớ cho học sinh. Ảnh Xuân Trung
TS Nguyễn Tùng Lâm – Chủ tịch Hội tâm lí giáo dục Hà Nội nhận định, có cách nào đấy đã khiến học sinh chán học, không tạo ra điểm ghi nhớ cho học sinh. Ảnh Xuân Trung
TS Nguyễn Tùng Lâm cũng lấy dẫn chứng cụ thể về cách học xa rời thực tế; việc học  ngoại ngữ hiện nay cần thiết phải là sinh ngữ, học ngoại ngữ để dùng được nhưng chúng ta hiện nay trong các trường học học ngoại ngữ từ lớp 3 lên lớp 10 vẫn không dùng được. Cách dạy của chúng ta hiện nay là không tạo ra cho học sinh những hứng thú, có năng lực để tiếp cận cuộc sống, không làm phong phú thêm kiến thức của học sinh. 

“Tôi vẫn nói có hai ý cơ bản, có chương trình, có cách dạy nhưng vì sao mà học sinh không tiếp thu được, đó là cách dạy không hiệu quả. Cách dạy của chúng ta trong trường hiện nay chỉ nặng về sách vở, đọc thuộc lòng sau đó chép lại, cái đó là  rất nguy hiểm làm cho học sinh không phát huy được tính sáng tạo, không phát huy được động lực cho học sinh liên hệ với cuộc sống. Vấn đề này có lỗi do cả thầy và cả chương trình”, TS Nguyễn Tùng Lâm một lần nữa nhắc lại với chúng tôi. 
Nhận định thêm về việc nay, TS Lâm còn cho biết, đành rằng trong chương trình không đề cập tới vấn đề kiến thức cuộc sống cho  học sinh, nhưng bên cạnh đó chương trình cũng không để lại một khoảng trống để cho giáo viên rèn luyện vấn đề này. Mặt khác, người thầy cũng không thấy được  từ những yêu cầu thực tế cần phải dạy học sinh hiểu biết kiến thức cuộc sống xung quanh, hoặc giáo viên không có kinh nghiệm trong vấn đề đó. Cách dạy hiện nay là không phục vụ nhu cầu cuộc sống học sinh nên mới có những hiểu biết mơ hồ về kiến thức cuộc sống đối với học sinh tiểu học như vậy. 

Trước những ý kiến cho rằng, việc giáo viên không còn tâm chí, không có thời gian để hướng dẫn, dạy các em những kiến thức về cuộc sống cũng dễ hiểu, thời gian đó còn đi dạy thêm, còn đi làm việc khác… Chủ tịch Hội tâm lí giáo dục Hà Nội không tán thành với suy nghĩ đó khi cho rằng, không nên đánh đồng như vậy, đồng ý việc kiếm tiền ai cũng phải lo nhưng vấn đề mấu chốt không nằm ở đây.

Theo TS Lâm, vấn đề mấu chốt hiện nay là trong các trường phổ thông nói chung và tiểu học nói riêng giáo viên chưa có ý thức cao về việc dạy học sinh sáng tạo, dạy học sinh biết liên hệ với cuộc sống. Phải chăng chúng ta hiện nay đang làm ngược quy trình khi đào tạo cấp I rất  qua quýt (ở nước ngoài, có trình độ thạc sĩ mới được dạy tiểu học, mầm non). “Càng lớp dưới chúng ta phải có nhiều cách dạy, tôi nghĩ chúng ta vẫn quen theo kiểu “bình dân học vụ” ngày trước – người biết nhiều dạy người biết ít. Nhưng bây giờ đối với thế hệ trẻ cần phải tạo ra năng lực cho trẻ phát triển vì quá nhiều năm chúng ta dạy và học chỉ trong sách vở, dạy chỉ để đi thi”.

TS Lâm dẫn chứng ví dụ về cách dạy khô cứng hiện nay đối với nhiều trường ở Hà Nội. “Chúng ta bảo học sinh hãy miêu tả ông nội, các em nghĩ nhất thiết ông nội phải là tóc bạc, tóc bạc râu dài mới là ông nội. Hay bảo miêu tả con lợn ủn ỉn là thế, nhưng khi ra ngoài các em có thể gặp con bò, con trâu cũng hoan hô đây là con lợn. Thế nên tôi đề nghị, cách dạy phải trực quan hơn, phải có video, có tranh ảnh và phải hỏi lại học sinh. Hãy tôn trọng cảm xúc cá nhân của người học”. 
Cách khắc phục tốt nhất cho hiện tượng này, theo TS Nguyễn Tùng Lâm chỉ còn cách “nâng cấp” cho đội ngũ nhà giáo, đầu tư được hiểu theo nghĩa phải đào tạo lại những giáo viên đã tốt nghiệp các trường sư phạm, chúng ta có trường đẹp nhưng không có thầy giáo đẹp thì không làm được gì cả. Hiện nay, khi tuyển giáo viên chỉ cần có bằng sư phạm, có bằng thạc sĩ, theo TS Lâm là chưa đủ, tuy nhiên điều kiện này cũng phải cần,  nhưng vẫn phải đào tạo lại vì ở đại học chưa đủ, kiến thức ở đại học chưa gắn với thực tiễn, chưa gắn với đổi mới, do vậy muốn nâng cao Hà Nội cần đào tạo lại số giáo viên này.

“Tôi đang giúp Sở GD&ĐT Hà Nội xây dựng quy hoạch giáo viên đào tạo lại giáo viên phải làm đồng bộ, đào tạo giáo viên theo chương trình đến từng người, có kiểm tra, có đánh giá và có cấp chứng chỉ. Trong khâu tuyển chọn giáo viên có khâu đào thải, không đáp ứng được chuyên môn thì phải thải, ai giải được bài toán thực tiễn thì người đó thắng, mà thực tiễn thì luôn có ở xung quanh ta”, Chủ tịch Hội lâm lý giáo dục Hà Nội thẳng thắn nhìn nhận.

Và điều quan trọng hơn, theo TS Lâm đối với cấp tiểu học phải đề cao vai trò của người thầy, trước mắt muốn học sinh giỏi người thầy phải thay đổi, sau người thầy phải chú ý tới cơ sở vật chất cho thầy giáo làm việc, phải có chế độ chăm lo đời sống giáo viên. Tiên quyết phải bồi dưỡng cho các hiệu trưởng, hiệu trưởng hiện tại chủ yếu là các quan chức ngành giáo dục, chưa có chuyên môn sư phạm, giáo viên chỉ là tác động đến học sinh nhưng hiệu trưởng phải biết dẫn dắt học sinh, tạo ra nhân cách học trò,  muốn tạo ra nhân cách học trò thì phải có năng lực của người thầy. 
Xuân Trung