Cách tính tiền thai sản cho giáo viên thế nào từ 1/7/2023?

11/06/2023 06:36
Ánh Dương
0:00 / 0:00
0:00
GDVN- Bài viết cung cấp cách tính tiền thai sản cho giáo viên theo các quy định hiện hành.

Khi nghỉ thai sản, giáo viên được nhận được một số khoản tiền trợ cấp từ cơ quan bảo hiểm xã hội.

Bài viết dưới đây cung cấp cách tính tiền thai sản cho giáo viên theo quy định hiện hành và mốc từ 1/7/2023 khi Nhà nước tăng lương cơ sở cho viên chức.

Ảnh minh họa:Lã Tiến/ giaoduc.net.vn

Ảnh minh họa:Lã Tiến/ giaoduc.net.vn

Cách tính tiền thai sản cho giáo viên theo quy định hiện nay

Cách tính tiền thai sản cho giáo viên được áp dụng theo quy định tại Luật Bảo hiểm xã hội 2014 như sau: Tiền trợ cấp một lần khi sinh.

Căn cứ Điều 38 Luật này, mức trợ cấp một lần của giáo viên nghỉ thai sản bằng 02 lần lương cơ sở tính theo thời điểm sinh. Cụ thể: mức trợ cấp hiện tại là 1,49 triệu đồng/tháng và từ ngày 01/7/2023 sẽ là 1,8 triệu đồng/tháng.

Như vậy, mức trợ cấp một lần khi sinh con hiện nay là 2,98 triệu đồng và 3,6 triệu đồng từ 01/7/2023.

Tiền thai sản

Giáo viên nữ sinh con được nghỉ hưởng trợ cấp 06 tháng với tổng số tiền là: 100% x mức bình quân của 06 tháng tiền lương trích đóng bảo hiểm xã hội trước khi nghỉ x 06 tháng.

Nếu chưa tích lũy đủ 06 tháng đóng bảo hiểm, mức hưởng thai sản của giáo viên được tính trên bình quân của tất cả các tháng đã đóng.

Tiền dưỡng sức sau sinh

Căn cứ Điều 41 của Luật Bảo hiểm nêu trên, trong 30 ngày sau khi quay trở lại với công việc mà nhận thấy sức khỏe chưa ổn định thì giáo viên nữ sau sinh có thể nghỉ từ 5-10 ngày tùy trường hợp.

Lúc này, mức hưởng dưỡng sức mỗi ngày được tính bằng 30% lương cơ sở.

Phụ cấp ưu đãi nghề dành cho giáo viên

Đây là một trong những chính sách đặc biệt dành cho giáo viên. Cụ thể, tại khoản 2 Mục I Thông tư liên tịch 01/2006/TTLT-BGD&ĐT-BNV-BTC thì giáo viên nữ vẫn được nhận phụ cấp ưu đãi nghề trong thời gian đang nghỉ thai sản.

Mức phụ cấp ưu đãi nghề giáo viên nữ được nhận bằng:

Mức hưởng = Mức lương tối thiểu chung x [Hệ số lương theo ngạch, bậc hiện hưởng + hệ số phụ cấp chức vụ lãnh đạo (nếu có) + % (quy theo hệ số) phụ cấp thâm niên vượt khung (nếu có)] x Tỷ lệ % phụ cấp ưu đãi.

Lưu ý: Phụ cấp ưu đãi nghề không áp dụng cho các giáo viên là viên chức công tác tại vùng có điều kiện khó khăn, đặc biệt khó khăn.

Đối với giáo viên công tác ở vùng đặc biệt khó khăn, chế độ chính sách nhà giáo đang công tác ở vùng có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn được thực hiện theo Nghị định số 76/2019/NĐ-CP ngày 8/10/2019 của Chính phủ.

Khoản 3 Điều 11 Nghị định này quy định khoản thời gian nghỉ việc hưởng trợ cấp bảo hiểm xã hội theo quy định của pháp luật về bảo hiểm xã hội không được tính hưởng chế độ phụ cấp ưu đãi theo nghề và các chế độ phụ cấp, trợ cấp.

Giáo viên được nhận tiền thai sản khi nào?

Căn cứ Điều 102 của Luật Bảo hiểm xã hội năm 2014, giáo viên chờ nhận tiền thai sản trong vòng tối đa 20 ngày. Khoảng thời gian này được tính từ lúc bắt đầu nộp hồ sơ cho cơ quan bảo hiểm, cụ thể:

- Sau khi người lao động nộp hồ sơ cho doanh nghiệp, doanh nghiệp sẽ tổng hợp và lập gửi cho cơ quan bảo hiểm xã hội trong thời gian 10 ngày.

- Cơ quan bảo hiểm xã hội nhận được hồ sơ từ doanh nghiệp có trách nhiệm giải quyết trong vòng 10 ngày làm việc.

Hồ sơ để nhận tiền thai sản gồm:

- Trường hợp sinh con thông thường: nộp Giấy khai sinh (bản sao)/trích lục khai sinh/giấy chứng sinh (bản sao);

- Trường hợp lao động nữ sau sinh không đủ sức chăm con hoặc phải nghỉ việc để dưỡng thai: Giấy xác nhận từ bệnh viện phản ánh tình trạng của người mẹ.

Tài liệu tham khảo:

[1] https://thuvienphapluat.vn/van-ban/Bao-hiem/Luat-Bao-hiem-xa-hoi-2014-259700.aspx

[2] https://thuvienphapluat.vn/van-ban/Lao-dong-Tien-luong/Thong-tu-lien-tich-01-2006-TTLT-BGD-DT-BNV-BTC-phu-cap-uu-dai-nha-giao-dang-giang-day-trong-co-so-giao-duc-cong-lap-huong-dan-QD-244-2005-QD-TTg-8867.aspx

[3] https://thuvienphapluat.vn/van-ban/Lao-dong-Tien-luong/Nghi-dinh-76-2019-ND-CP-chinh-sach-doi-voi-can-bo-cong-chuc-cong-tac-o-vung-kinh-te-dac-biet-kho-khan-330306.aspx

Ánh Dương