Những quy định về chế độ nghỉ thai sản hiện nay, thầy cô nên biết

12/09/2022 06:52
Bùi Nam
0:00 / 0:00
0:00
GDVN- Lao động nữ được nghỉ thai sản trước và sau khi sinh con là 06 tháng; thời gian nghỉ trước khi sinh không quá 02 tháng.

Cũng giống như người lao động khác, chế độ nghỉ thai sản của giáo viên vẫn được thực hiện theo Luật Lao động, Luật Bảo hiểm xã hội.

Tuy nhiên, giáo viên là một trong những đối tượng người lao động có chế độ làm việc đặc biệt hơn so với các ngành nghề khác do có thời gian nghỉ hè nên chế độ thai sản có khác so với các đối tượng lao động còn lại.

Ảnh minh họa: Lã Tiến

Ảnh minh họa: Lã Tiến

Quy định về nghỉ thai sản theo Luật Lao động 2019

Điều 139 Luật Lao động 2019 quy định về chế độ nghỉ thai sản của giáo viên nam và nữ như sau:

“1. Lao động nữ được nghỉ thai sản trước và sau khi sinh con là 06 tháng; thời gian nghỉ trước khi sinh không quá 02 tháng.

Trường hợp lao động nữ sinh đôi trở lên thì tính từ con thứ 02 trở đi, cứ mỗi con, người mẹ được nghỉ thêm 01 tháng.

2. Trong thời gian nghỉ thai sản, lao động nữ được hưởng chế độ thai sản theo quy định của pháp luật về bảo hiểm xã hội.

3. Hết thời gian nghỉ thai sản theo quy định tại khoản 1 Điều này, nếu có nhu cầu, lao động nữ có thể nghỉ thêm một thời gian không hưởng lương sau khi thỏa thuận với người sử dụng lao động.

4. Trước khi hết thời gian nghỉ thai sản theo quy định tại khoản 1 Điều này, lao động nữ có thể trở lại làm việc khi đã nghỉ ít nhất được 04 tháng nhưng người lao động phải báo trước, được người sử dụng lao động đồng ý và có xác nhận của cơ sở khám bệnh, chữa bệnh có thẩm quyền về việc đi làm sớm không có hại cho sức khỏe của người lao động. Trong trường hợp này, ngoài tiền lương của những ngày làm việc do người sử dụng lao động trả, lao động nữ vẫn tiếp tục được hưởng trợ cấp thai sản theo quy định của pháp luật về bảo hiểm xã hội.

5. Lao động nam khi vợ sinh con, người lao động nhận nuôi con nuôi dưới 06 tháng tuổi, lao động nữ mang thai hộ và người lao động là người mẹ nhờ mang thai hộ được nghỉ việc hưởng chế độ thai sản theo quy định của pháp luật về bảo hiểm xã hội.”

Quy định về điều kiện để được hưởng chế độ thai sản

Theo quy định tại Điều 31 Luật Bảo hiểm xã hội năm 2014 và hướng dẫn của Thông tư 59/2015/TT-BLĐTBXH, người lao động được hưởng chế độ thai sản khi thuộc một trong 06 trường hợp sau đây:

“Lao động nữ mang thai;

Lao động nữ sinh con;

Lao động nữ mang thai hộ và người mẹ nhờ mang thai hộ;

Người lao động nhận nuôi con nuôi dưới 06 tháng tuổi;

Lao động nữ đặt vòng tránh thai, người lao động thực hiện biện pháp triệt sản;

Lao động nam đang đóng bảo hiểm xã hội có vợ sinh con.”

Theo đó, Điều 31 Luật Bảo hiểm xã hội 2014 quy định về việc đóng bảo hiểm của lao động nữ sinh con, lao động nữ mang thai hộ và người mẹ nhờ mang thai hộ, người lao động nhận nuôi con nuôi dưới 06 tháng tuổi như sau:

“Đối với lao động nữ sinh con, lao động nữ mang thai hộ, người mẹ nhờ mang thai hộ, người lao động nhận con nuôi dưới 6 tháng tuổi: Phải đóng bảo hiểm xã hội từ đủ 6 tháng trở lên trong vòng 12 tháng trước sinh hoặc nhận con nuôi.

Đối với lao động nữ sinh con đã đóng bảo hiểm xã hội từ đủ 12 tháng trở lên mà khi mang thai phải nghỉ việc để dưỡng thai theo chỉ định của cơ sở khám chữa bệnh có thẩm quyền: Phải đóng bảo hiểm xã hội từ đủ 3 tháng trở lên trong thời gian là 12 tháng trước khi sinh con.

Người lao động đủ cả 2 điều kiện trên mà chấm dứt hợp đồng lao động, hợp đồng làm việc hoặc thôi việc trước khi sinh con hoặc nhận con nuôi dưới 6 tháng tuổi thì vẫn được hưởng chế độ thai sản theo quy định.”

Quy định về thời gian hưởng chế độ khi khám thai, sẩy thai, nạo, hút thai, thai chết lưu hoặc phá thai bệnh lý

Tại Điều 32 Luật Bảo hiểm xã hội 2014 quy định về thời gian hưởng chế độ khi khám thai như sau:

“Trong thời gian mang thai, lao động nữ được nghỉ việc để đi khám thai 05 lần, mỗi lần 01 ngày; trường hợp ở xa cơ sở khám bệnh, chữa bệnh hoặc người mang thai có bệnh lý hoặc thai không bình thường thì được nghỉ 02 ngày cho mỗi lần khám thai.

Thời gian nghỉ việc hưởng chế độ thai sản quy định tại Điều này tính theo ngày làm việc không kể ngày nghỉ lễ, nghỉ Tết, ngày nghỉ hằng tuần.”

Tại Điều 33 Luật Bảo hiểm xã hội 2014 quy định về thời gian hưởng chế độ khi sẩy thai, nạo, hút thai, thai chết lưu hoặc phá thai bệnh lý như sau: “nghỉ 10 ngày nếu thai dưới 05 tuần tuổi; 20 ngày nếu thai từ 05 tuần tuổi đến dưới 13 tuần tuổi; 40 ngày nếu thai từ 13 tuần tuổi đến dưới 25 tuần tuổi; 50 ngày nếu thai từ 25 tuần tuổi trở lên.

Thời gian nghỉ việc hưởng chế độ thai sản quy định tại khoản 1 Điều này tính cả ngày nghỉ lễ, nghỉ Tết, ngày nghỉ hằng tuần.”

Thời gian hưởng chế độ khi sinh con của giáo viên nam và nữ

Tại Điều 34 Luật Bảo hiểm xã hội 2014 quy định về thời gian hưởng chế độ khi sinh con như sau:

“Lao động nữ sinh con được nghỉ việc hưởng chế độ thai sản trước và sau khi sinh con là 06 tháng. Trường hợp lao động nữ sinh đôi trở lên thì tính từ con thứ hai trở đi, cứ mỗi con, người mẹ được nghỉ thêm 01 tháng. Thời gian nghỉ hưởng chế độ thai sản trước khi sinh tối đa không quá 02 tháng.

Lao động nam đang đóng bảo hiểm xã hội khi vợ sinh con được nghỉ việc hưởng chế độ thai sản như sau: 05 ngày làm việc; 07 ngày làm việc khi vợ sinh con phải phẫu thuật, sinh con dưới 32 tuần tuổi; Trường hợp vợ sinh đôi thì được nghỉ 10 ngày làm việc, từ sinh ba trở lên thì cứ thêm mỗi con được nghỉ thêm 03 ngày làm việc; Trường hợp vợ sinh đôi trở lên mà phải phẫu thuật thì được nghỉ 14 ngày làm việc.

Thời gian nghỉ việc hưởng chế độ thai sản quy định tại khoản này được tính trong khoảng thời gian 30 ngày đầu kể từ ngày vợ sinh con.

Trường hợp sau khi sinh con, nếu con dưới 02 tháng tuổi bị chết thì mẹ được nghỉ việc 04 tháng tính từ ngày sinh con; nếu con từ 02 tháng tuổi trở lên bị chết thì mẹ được nghỉ việc 02 tháng tính từ ngày con chết, nhưng thời gian nghỉ việc hưởng chế độ thai sản không vượt quá 02 tháng.

Thời gian nghỉ thai sản trùng với thời gian nghỉ hè của giáo viên

Nghị định 84/2020/NĐ-CP hướng dẫn Luật Giáo dục 2019, trong đó quy định thời gian nghỉ hè hằng năm của giáo viên cơ sở giáo dục mầm non, cơ sở giáo dục phổ thông, trường chuyên biệt là 08 tuần, bao gồm cả nghỉ phép hằng năm.

Do đó trường hợp giáo viên nữ có thời gian nghỉ thai sản trùng với thời gian nghỉ hè sẽ được cơ sở giáo dục bố trí thời gian nghỉ hằng năm theo quy định tại Điều 113 và Điều 114 Bộ luật Lao động 2019 như sau:

“Người lao động làm việc đủ 12 tháng cho một người sử dụng lao động thì được nghỉ hằng năm, hưởng nguyên lương theo hợp đồng lao động như sau:

12 ngày làm việc đối với người làm công việc trong điều kiện bình thường. Cứ đủ 05 năm làm việc cho một người sử dụng lao động thì số ngày nghỉ hằng năm của người lao động được tăng thêm tương ứng 01 ngày.”

Như vậy nếu giáo viên nghỉ thai sản trùng với dịp hè thì được bố trí nghỉ hàng năm từ 12 ngày trở lên, tùy theo thâm niên công tác.

Quy định về mức hưởng chế độ thai sản

Điều 12 Thông tư 59/TT-BLĐTBXH hướng dẫn thực hiện Điều 39 Luật Bảo hiểm xã hội 2014 quy định về mức hưởng chế độ thai sản như sau: “1. Mức hưởng chế độ thai sản được thực hiện theo quy định tại khoản 1 Điều 39 của Luật bảo hiểm xã hội và được hướng dẫn cụ thể như sau:

a) Mức hưởng một tháng bằng 100% mức bình quân tiền lương tháng đóng bảo hiểm xã hội của 06 tháng trước khi nghỉ việc hưởng chế độ thai sản. Nếu thời gian đóng bảo hiểm xã hội không liên tục thì được cộng dồn….

b) Đối với trường hợp người lao động hưởng chế độ thai sản theo quy định tại Điều 32, Điều 33, các khoản 2, 4, 5 và 6 Điều 34, Điều 37 của Luật bảo hiểm xã hội ngay trong tháng đầu thuộc diện tham gia bảo hiểm xã hội thì mức hưởng chế độ thai sản được tính trên tiền lương tháng làm căn cứ đóng bảo hiểm xã hội của chính tháng đó.

2. Thời gian nghỉ việc hưởng chế độ thai sản từ 14 ngày làm việc trở lên trong tháng được tính là thời gian đóng bảo hiểm xã hội quy định tại khoản 2 Điều 39 của Luật bảo hiểm xã hội được hướng dẫn như sau:

a) Trường hợp hợp đồng lao động hết thời hạn trong thời gian người lao động nghỉ việc hưởng chế độ thai sản thì thời gian hưởng chế độ thai sản từ khi nghỉ việc đến khi hợp đồng lao động hết thời hạn được tính là thời gian đóng bảo hiểm xã hội, thời gian hưởng chế độ thai sản sau khi hợp đồng lao động hết thời hạn không được tính là thời gian đã đóng bảo hiểm xã hội.

b) Thời gian hưởng chế độ thai sản của người lao động chấm dứt hợp đồng lao động, hợp đồng làm việc hoặc thôi việc trước thời điểm sinh con hoặc nhận con nuôi dưới 06 tháng tuổi quy định tại khoản 4 Điều 31 của Luật bảo hiểm xã hội không được tính là thời gian đã đóng bảo hiểm xã hội.

c) Trường hợp lao động nữ đi làm trước khi hết thời hạn nghỉ sinh con theo quy định thì thời gian hưởng chế độ thai sản từ khi nghỉ việc đến khi đi làm trước khi hết thời hạn nghỉ sinh được tính là thời gian đóng bảo hiểm xã hội, kể từ thời điểm đi làm trước khi hết thời hạn nghỉ sinh con thì lao động nữ vẫn được hưởng chế độ thai sản cho đến khi hết thời hạn quy định tại khoản 1 hoặc khoản 3 Điều 34 của Luật bảo hiểm xã hội nhưng người lao động và người sử dụng lao động phải đóng bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế.

d) Trường hợp người cha hoặc người trực tiếp nuôi dưỡng, người mẹ nhờ mang thai hộ, người cha nhờ mang thai hộ hoặc người trực tiếp nuôi dưỡng hưởng chế độ thai sản mà không nghỉ việc thì người lao động và người sử dụng lao động vẫn phải đóng bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế.

3. Mức hưởng chế độ thai sản của người lao động không được điều chỉnh khi Chính phủ điều chỉnh tăng mức lương cơ sở, mức lương tối thiểu vùng.

4. Thời gian nghỉ việc hưởng chế độ thai sản được tính là thời gian đóng bảo hiểm xã hội quy định tại khoản 2 Điều này, được ghi theo mức tiền lương đóng bảo hiểm xã hội của tháng trước khi nghỉ việc hưởng chế độ thai sản.

Trường hợp trong thời gian nghỉ việc hưởng chế độ thai sản người lao động được nâng lương thì được ghi theo mức tiền lương mới của người lao động từ thời điểm được nâng lương.

Người lao động đang làm nghề hoặc công việc nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm hoặc đặc biệt nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm thuộc danh mục do Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội, Bộ Y tế ban hành hoặc làm việc ở nơi có phụ cấp khu vực hệ số 0,7 trở lên nghỉ việc hưởng chế độ thai sản thì thời gian nghỉ việc hưởng chế độ thai sản được tính là thời gian làm nghề hoặc công việc nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm hoặc đặc biệt nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm hoặc làm việc ở nơi có phụ cấp khu vực hệ số 0,7 trở lên.”

Quy định về việc hưởng phụ cấp ưu đãi của giáo viên khi nghỉ thai sản

Giáo viên nghỉ thai sản hưởng đầy đủ phụ cấp ưu đãi ở khu vực có điều kiện bình thường, không được hưởng phụ cấp ưu đãi khi công tác ở vùng đặc biệt khó khăn theo Nghị định 76/2019/NĐ-CP.

Đối với giáo viên công tác ở vùng có điều kiện bình thường, chế độ phụ cấp ưu đãi của nhà giáo đang trực tiếp giảng dạy trong các cơ sở giáo dục công lập được quy định tại Quyết định số 244/2005/QĐ-TTg ngày 6/10/2005 của Thủ tướng Chính phủ về chế độ phụ cấp ưu đãi đối với nhà giáo đang trực tiếp giảng dạy trong các cơ sở giáo dục công lập, Hướng dẫn tại Thông tư liên tịch số 01/2006/TTLT-BGD&ĐT-BNV-BTC ngày 23/1/2006 của Bộ Giáo dục và Đào tạo, Bộ Nội vụ và Bộ Tài chính.

Theo đó, thời gian không được tính hưởng phụ cấp ưu đãi gồm: Thời gian đi công tác, làm việc, học tập ở nước ngoài hưởng 40% tiền lương theo quy định tại khoản 4 Điều 8 Nghị định số 204/2004/NĐ-CP; thời gian đi công tác, học tập ở trong nước không tham gia giảng dạy liên tục trên 3 tháng; thời gian nghỉ việc riêng không hưởng lương liên tục từ 1 tháng trở lên; thời gian nghỉ ốm đau, thai sản vượt quá thời hạn theo quy định của Điều lệ bảo hiểm xã hội hiện hành; thời gian bị đình chỉ giảng dạy.

Đối với giáo viên trong thời gian nghỉ ốm đau, thai sản vượt quá thời hạn theo quy định của Điều lệ Bảo hiểm xã hội hiện hành (6 tháng) thì không được hưởng phụ cấp ưu đãi; còn trong thời gian nghỉ thai sản (6 tháng) giáo viên này được hưởng chế độ theo Luật Bảo hiểm xã hội số 58/2014/QH13; Hướng dẫn tại Thông tư số 59/2015/TT-BGDĐT ngày 29/12/2015 của Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Bảo hiểm xã hội về bảo hiểm xã hội bắt buộc.

Đối với giáo viên công tác ở vùng đặc biệt khó khăn, chế độ chính sách nhà giáo đang công tác ở vùng có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn được thực hiện theo Nghị định số 76/2019/NĐ-CP ngày 8/10/2019 của Chính phủ, theo đó, tại khoản 3 Điều 11 Nghị định này quy định khoản thời gian nghỉ việc hưởng trợ cấp bảo hiểm xã hội theo quy định của pháp luật về bảo hiểm xã hội không được tính hưởng chế độ phụ cấp ưu đãi theo nghề và các chế độ phụ cấp, trợ cấp.

Do đó, giáo viên công tác ở vùng đặc biệt khó khăn hưởng chế độ theo Nghị định 76/2019 của Chính phủ, trong thời gian nghỉ thai sản sẽ không được hưởng phụ cấp ưu đãi.

(*) Văn phong, nội dung bài viết thể hiện góc nhìn, quan điểm của tác giả.

Bùi Nam