Cái nghiệp sư phạm đã chọn mình, mình không thể phụ nó!

18/02/2021 06:35
Trung Dũng
0:00 / 0:00
0:00
GDVN- Có lần bị tai nạn ở trường, vì cảnh học xa nhà lại không muốn bố mẹ lo lắng nên một mình tôi cố chịu đau để bước tiếp lên giảng đường, theo đuổi đam mê.

Từ những lần vượt khó theo đuổi đến cùng đam mê…

“Cái nghiệp sư phạm đã chọn mình, mình không thể phụ nó”, đó là những lời tâm sự rưng rưng trong suốt buổi trò chuyện với chúng tôi về cái duyên đến với nghề giáo trong những ngày đầu năm mới 2021, của cô giáo Hoàng Thị Phương (sinh năm 1984), hiện là giáo viên môn Toán trường Trung học phổ thông Lý Thường Kiệt (Việt Yên, Bắc Giang).

Ít ai biết, đằng sau con người với vóc dáng bé nhỏ, duyên dáng ấy là cả một hành trình đầy cố gắng để theo đuổi ước mơ bước chân vào nghề giáo viên, nhằm đem kiến thức truyền thụ cho con em vùng quê miền sơn cước Việt Yên, Bắc Giang.

Trò chuyện với chúng tôi, cô Phương nói rằng, để quyết định đi theo con đường sư phạm, không chỉ bố mẹ cô mà ngay đến bản thân cô khi đang còn theo học cấp 3 cũng mất mấy đêm trăn trở.

Dù suy nghĩ lúc đó còn non nớt nhưng nhìn vào bao thế hệ giáo viên đi trước cô đã nghiệm ra rằng, với nghề giáo thì chỉ có đam mê mới chiến thắng nổi những quan niệm về vật chất, chứ đi dạy sao mà giàu như nghề khác được.

Cô Hoàng Thị Phương - giáo viên môn Toán trường Trung học phổ thông Lý Thường Kiệt, Việt Yên, Bắc Giang và những thành tích cô đạt được. (Ảnh: NVCC)

Cô Hoàng Thị Phương - giáo viên môn Toán trường Trung học phổ thông Lý Thường Kiệt, Việt Yên, Bắc Giang và những thành tích cô đạt được. (Ảnh: NVCC)

Cô Phương quả quyết rằng, đến bây giờ cô không bao giờ có ý niệm là thấy hối hận về lựa chọn của mình.

Trước đây, may mắn là được bố mẹ ủng hộ và tâm niệm là sau này ra trường sẽ đem kiến thức có được giúp con em trong thôn làng, cuộc sống các em sau này sẽ thay đổi, bớt đi cảnh cơ cực như bố mẹ các em hiện tại, điều đó khiến cho quyết tâm theo nghiệp giáo của cô gái trẻ càng thêm vững chắc.

Để thực hiện đam mê của mình, thời gian vào đại học cũng là bắt đầu cho thời kỳ khó khăn khi cô phải chịu cảnh xa nhà, một mình bươn chải.

Chia sẻ về kỷ niệm khó quên trong quá trình theo đuổi và thực hiện ước mơ của mình, cô Phương nhớ lại: “Lúc còn là sinh viên của trường Đại học Sư phạm Hà Nội 2 (Phúc Yên, Vĩnh Phúc) có lần mình bị tai nạn ở trường, vì sợ bố mẹ lo lắng và nếu bố mẹ biết thì chắc chắn hai ông bà lại lọc cọc bắt xe lên thăm. Nghĩ thương bố mẹ nên tôi không chủ động báo về gia đình mà cố gắng tự mình vượt qua.

Không ngờ, vì muốn tự giải quyết mà có lúc vì đau quá, đôi chân không bước nổi đến giảng đường tôi đã phải nghỉ học mất một thời gian.

Thời gian sau khi vết thương bình phục tôi lại phải hì hục tự mình ngày đêm ôn luyện, tự học để đảm bảo theo kịp kiến thức cùng bạn bè.

Mỗi lần trải qua những biến cố như thế tôi mới thấm thía những khó khăn cực nhọc của bố mẹ già ở quê phải vất vả, bôn ba để nuôi nấng chị em tôi khôn lớn.

Từ đó, tôi đặt quyết tâm theo đuổi đến cùng con đường sư phạm mình đã chọn lên hàng đầu.

Dẫu biết, cái nghề “gõ đầu trẻ” sau này với đồng lương “ba đồng ba cọc” sẽ không thể khiến tôi đổi đời, giàu sang ngay được, nhưng đó là cả khao khát của bố mẹ và ước mơ từ tấm bé của tôi. Cái nghiệp sư phạm đã chọn mình, mình không thể phụ nó”.

Được biết, dẫu phải nghỉ học nhưng với sự cố gắng, nỗ lực cộng với một chút may mắn nên liên tiếp trong các năm học từ năm thứ 2 cô Phương đều có được học bổng.

Bên cạnh đó, thời điểm cô theo học tại trường Đại học Sư phạm Hà Nội 2, cô cũng không mất học phí, chỉ phải lo lắng cho các khoản chi tiêu hàng ngày nên việc có thêm khoản học bổng phần nào trang trải được các chi phí và đỡ đần được cho bố mẹ ở quê phần nào vất vả.

Đến ngày gặt hái thành công

Sau khi tốt nghiệp đại học Sư Phạm Hà Nội 2, cô trở về công tác tại trường Trung học phổ thông Lý Thường Kiệt từ năm 2007.

Sau khi nắm bắt được khả năng chuyên môn, Ban Giám hiệu Trường Lý Thường Kiệt tin tưởng giao cho cô Phương là giáo viên chủ nhiệm của lớp chọn các môn tự nhiên và bồi dưỡng nhóm học sinh giỏi môn Toán.

Dưới bàn tay của cô, đã có bao lứa học trò đạt thành tích học tập tốt, năm nào cũng có nhiều học sinh ưu tú, đỗ vào các trường đại học danh tiếng trong nước.

Cô Phương (bên phải) cho rằng, muốn học sinh thay đổi tư duy về môn Toán giáo viên cần đặt hết tâm huyết vào trong đó. (Ảnh: NVCC)

Cô Phương (bên phải) cho rằng, muốn học sinh thay đổi tư duy về môn Toán giáo viên cần đặt hết tâm huyết vào trong đó. (Ảnh: NVCC)

Trao đổi về những khó khăn khi đảm nhiệm vai trò giáo viên bồi dưỡng đội ngũ học sinh giỏi, cô Phương cho biết: “Cái khó lớn nhất trong việc truyền thụ của bộ môn Toán từ trước tới giờ vẫn là sự khô khan của bộ môn này.

Nếu học sinh nào không đam mê với nó các em sẽ rất khó tiếp thu, vì rất khó để liên hệ với các sự vật, hiện tượng ngoài thực tế để các em dễ hình dung.

Đặc biệt, một số học sinh còn học môn này theo kiểu đối phó và chỉ coi đây như là môn học bắt buộc để đủ điều kiện dự thi tốt nghiệp.

Với những học sinh không có hứng thú với bộ môn này thì để cho các em quay lại niềm đam mê, mình cần bám sát vào việc học tập của các em đó, rồi đặt hết cả tâm huyết nghề nghiệp thì may ra mới có thể xoay chuyển được tâm lý của các em.

Qua những lần như thế, mình mới tìm ra các phương pháp giảng dạy phù hợp với từng học sinh.

Có những học sinh bị mất gốc từ trước, mình kèm cặp, mất ăn mất ngủ hàng tháng mà học lực vẫn không thay đổi.

Có lúc muốn xin thêm thời gian để kèm cặp cho các em, vì áp lực và có sự hiểu lầm nên các em đó còn thái độ lại với mình, rồi yêu cầu phụ huynh đòi đổi cô giáo môn Toán.

Hoặc có những em vì học lực có hạn nhưng hiểu được tâm tư của cô giáo nên cũng rất cố gắng, tuy nhiên chữ nghĩa trong đầu không hiểu sao cứ tự trôi hết.

Một phần thương cô, một phần thấy tủi phận vì năng lực có hạn của mình có hôm em đó gọi điện cho mình, cô trò cùng khóc nức nở.

Những trường hợp như vậy khiến cho tôi có những đêm cứ ngồi bần thần một mình trước bàn giáo án, thao thức đến tận 4 giờ sáng hôm sau mới ngủ lại được”.

Với những nỗ lực trong việc thay đổi linh hoạt các phương án giảng dạy phù hợp với từng đối tượng học sinh, hiện tại chất lượng dạy học của các thế hệ học trò cô Phương cũng đã có sự thay đổi rõ rệt.

Giờ đây, sau mỗi đợt bồi dưỡng học sinh giỏi, cô Phương không nhớ hết đã có bao nhiêu học sinh đạt học sinh giỏi cấp tỉnh bộ môn Toán.

Đặc biệt, năm học 2012 – 2013 có 3 học sinh đạt giải khuyến khích cấp tỉnh, năm 2013 – 2014 có 1 em giành giải Nhì, 1 giải Ba và 1 giải Khuyến khích cấp tỉnh.

Năm 2019 – 2020 có 1 học sinh đạt giải Ba và 2 học sinh đạt giải Khuyến khích cấp tỉnh với bộ môn này.

Với những thành tích ấy của các học sinh, không chỉ giúp cô có động lực để thêm đam mê hơn với bộ môn Toán khô khan, mà còn cho thấy cách dạy và kinh nghiệm dạy học đúng hướng của cô giáo trẻ.

Với những cống hiến và nỗ lực đó cô được Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh Bắc Giang trao tặng bằng khen “Chiến sĩ thi đua cấp cơ sở các năm học 2013 – 2014 và năm học 2019 – 2020”.

Ngoài ra, còn có Bằng khen của Liên đoàn Lao động tỉnh Bắc Giang năm 2013 về “Giáo viên hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ”.

Công đoàn Giáo dục tỉnh Bắc Giang cũng tặng khen về “Công đoàn viên hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ” và Hiệu trưởng Trường trung học phổ thông Lý Thường Kiệt cũng tặng bằng khen “giáo viên tiêu biểu” năm 2020 cho cô giáo trẻ.

Trung Dũng