Cấm dạy thêm: Cấm ai?

08/11/2012 07:21
Chỉ còn hơn mười ngày nữa là đến Ngày Nhà giáo Việt Nam, ấy vậy mà ở một số địa phương lại xem những giáo viên kiếm thêm thu nhập bằng chính cái nghề của mình như là “trộm”. Các thầy, cô bị kiểm tra, bị bắt ký vào biên bản trước những ánh mắt ngỡ ngàng của học sinh.
Cấm dạy thêm là không sai nhưng cấm như thế nào và cấm ai thì các cấp, các ngành cần phải xem xét lại. Đừng để hình ảnh những người thầy muốn sống được bằng nghề, làm thêm ngoài giờ để cải thiện đời sống vốn đã đạm bạc lại trở thành  giống như “một tên trộm” trong mắt học sinh…

Dạy thêm, học thêm đã rất nhiều lần được đề cập nhưng chưa thể giải quyết dứt điểm. Ảnh minh họa, nguồn internet
Dạy thêm, học thêm đã rất nhiều lần được đề cập nhưng chưa thể giải quyết dứt điểm. Ảnh minh họa, nguồn internet

Nhu cầu học thêm là có thật!

Cô Phạm Thúy Hà - Hiệu trưởng Trường Tiểu học Nguyễn Văn Trỗi, Q.4 khẳng định: “Nhu cầu cho con đi học thêm của phụ huynh là có thật”.

Và chính cô Hà cũng cho con (đang học lớp 2) đi học thêm nhưng không phải học thêm ở nhà cô giáo chủ nhiệm mà là một cô giáo khác. “Tôi muốn con tôi rèn chữ đẹp, cô giáo này viết chữ đẹp nên tôi cho con đi học thêm”, cô Hà nói.

Chị Hồng Hạnh - phụ huynh một học sinh lớp 5 Trường Tiểu học Trần Hưng Đạo, Q.1 cũng cho biết: “Từ khi con vào lớp 1 đến nay, năm nào tôi cũng cho đi học thêm ở nhà cô giáo chủ nhiệm. Học để củng cố và nắm vững kiến thức. Sang năm, con tôi sẽ vào lớp 6. Tôi muốn con học ở Trường THPT chuyên Trần Đại Nghĩa nên từ tháng 8 đến nay, tuần 3 buổi tối, tôi cho con đi học thêm ở trường này. Tỷ lệ chọi vào lớp 6 của Trường THPT chuyên Trần Đại Nghĩa rất cao, muốn con trúng tuyển thì tôi không thể không cho đi học thêm được”.
Theo cô Hà thì sở dĩ phụ huynh cho con đi học thêm, một phần là do họ không có thời gian để dạy con ở nhà, phần vì phụ huynh không nắm được chương trình giáo dục hiện nay. Ngoài ra, còn có một thực tế là nhiều phụ huynh không thể đón con vào giờ tan trường nên cho đi học thêm ở nhà cô giáo…

Cô Nguyễn Thị Thúy Nga - giáo viên chủ nhiệm lớp 1 Trường Tiểu học Điện Biên, Q.10 cho biết: “Cùng một chương trình nhưng không phải em nào cũng tiếp thu như nhau. Có nhiều em chậm nên cần phải học thêm, nếu không sẽ mất kiến thức cơ bản. Kỳ kiểm tra giữa học kỳ I vừa qua, trong lớp tôi có một số học sinh điểm rất thấp. Có em chỉ được 2,5 điểm tập đọc, 1 điểm toán, 0 điểm tập viết. Với những em như thế này, không thể không đi học thêm”. Hiện tại, cô Nga đang dạy thêm cho 2 học sinh của lớp vào mỗi buổi chiều sau giờ học. Tuy nhiên, dạy miễn phí, không nhận bất kỳ đồng tiền nào của phụ huynh.

Cấm… nhưng phải có chọn lọc

Theo thông tư 17 của Bộ GD-ĐT thì không được dạy thêm đối với học sinh đã được nhà trường tổ chức dạy học 2 buổi/ngày, không được dạy thêm đối với học sinh tiểu học, trừ các trường hợp: Bồi dưỡng về nghệ thuật, thể dục thể thao, rèn luyện kỹ năng sống. Đối với giáo viên đang hưởng lương từ quỹ lương của đơn vị sự nghiệp công lập, không được tổ chức dạy thêm học thêm ngoài nhà trường nhưng có thể tham gia dạy thêm ngoài nhà trường (dạy ở các trung tâm…); không được dạy thêm ngoài nhà trường đối với học sinh mà giáo viên đang dạy chính khóa khi chưa được sự cho phép của hiệu trưởng.

Tuy nhiên, theo một số hiệu trưởng và giáo viên thì chỉ những giáo viên có điều kiện kinh tế khá giả mới không dạy thêm. Hiệu trưởng một trường tiểu học dạy 2 buổi/ngày cho biết: “100% giáo viên trong trường đã làm cam kết không dạy thêm theo đúng quy định của thông tư 17. Song, tôi không dám khẳng định là tất cả giáo viên của trường đều không dạy thêm. Với mức lương và phụ cấp như hiện nay, giáo viên, nhất là những giáo viên trẻ khó có thể đảm bảo cuộc sống nếu không dạy thêm”...

Cô Nguyễn Thị Thúy Nga cho biết, hiện tại tổng thu nhập của cô khoảng 2,4 triệu đồng/tháng. Trong khi đó, bạn của cô - dù đang thử việc ở một công ty nhưng cũng được trả gần 4 triệu đồng/tháng. “Để sống được với nghề, tôi đã đi dạy thêm vào buổi tối. Tôi làm gia sư, thù lao mỗi tháng là 1,4 triệu đồng”, cô Nga nói.

Lương không đủ sống, dĩ nhiên là phải làm thêm. Công việc làm thêm phù hợp nhất đối với nhà giáo chính là dạy học. Hình ảnh người thầy đáng kính trên lớp học không thể bị “lem luốc” trong mắt học sinh và phụ huynh bằng cách lê la ngoài chợ để bán mấy bó rau, củ hành. Vậy thì tại sao lại cấm nhà giáo dạy thêm?

Đúng là ngành nghề nào cũng có một vài con sâu làm rầu nồi canh. Những giáo viên cố tình cắt giảm nội dung trong chương trình giáo dục chính khóa để đưa vào giờ dạy thêm, hoặc dạy thêm trước những nội dung trong chương trình chính khóa để ép buộc học sinh phải đi học thêm là rất đáng trách, rất đáng bị lên án và cấm tuyệt đối. Còn những thầy cô, dạy thêm một cách chân chính, đáp ứng được mong mỏi của phụ huynh và học sinh thì không nên cấm. Đó cũng là một cách để giáo viên gắn bó hơn với nghề…

NHỮNG SỰ KIỆN NỔI BẬT

Tâm sự xúc động của sinh viên cả đời học cho bố mẹ

Cư dân mạng cầu nguyện cho nam sinh "đạp xe 300km"

Mẹ xin lỗi vì đã cướp mất tuổi thơ con

Tôi cảm thấy có lỗi vì đã đi gia sư

Nam sinh "đạp xe 300 km" từ Nghệ An thi đại học phải nhập viện

Thủ khoa ĐH Xây dựng nuôi ước mơ xây nhà cao ốc

ĐIỂM NÓNG

Tuyển sinh 2012

Thi tốt nghiệp THTP 2012

Hoa khôi các trường ĐH

Ngôi sao học đường

Đổi mới Giáo dục

Xem nhiều nhất trong tháng