Sở Giáo dục và Đào tạo Thành phố Hồ Chí Minh đã ban hành Công văn số 4290/GDĐT-TH gửi đến Phòng Giáo dục của 24 quận, huyện của địa phương này chỉ đạo tăng cường quản lý, chỉ đạo về hoạt động dạy thêm, học thêm và nâng cao chất lượng học tập của học sinh.
Nội dung Công văn số 4290/GDĐT-TH đã yêu cầu: “Tiếp tục thực nghiệm nghiêm các quy định của Bộ, tuyệt đối không dạy thêm, học thêm đối với học sinh tiểu học, trừ các trường hợp bồi dưỡng về nghệ thuật, thể dục thể thao, rèn luyện kỹ năng sống".
Việc Sở Giáo dục và Đào tạo Thành phố Hồ Chí Minh cấm dạy thêm, học thêm ở tiểu học đã làm dư luận nóng lại chuyện dạy thêm, học thêm, dù vấn đề này đã và đang làm nhức nhối xã hội.
Cấm dạy thêm ở tiểu học có phù hợp với thực tế cuộc sống?
Nhu cầu học thêm là nhu cầu có thật, không phải chỉ ở tiểu học, trung học, mà ngay cả học sinh ở bậc học ... mầm non.
Thực tế hiện nay, chương trình lớp 1 (kể cả cũ và mới) quá nặng, sĩ lớp học luôn vượt chuẩn cho phép (35 em/lớp), đặc biệt là thành thị.
Nếu là giáo viên, dạy lớp có sĩ số đông, ai cũng cảm nhận được sự nặng nề, mệt mỏi do áp lực công việc.
Với lớp từ 50 em trở lên, giáo viên không thể bao quát, dạy cho mọi học sinh, sửa chữa kịp thời sai sót của học trò.
(Ảnh minh họa: Báo Lao động) |
Thực tế giáo viên dù muốn dạy thật tốt cho mọi học sinh nhưng bất khả kháng, không thể làm được.
Từ thực tế đó, phụ huynh bắt buộc phải cho con học chữ trước khi vào lớp 1, dù đã đọc báo nghe đài biết tác hại của việc học trước chương trình.
Vào lớp 1 rồi, vẫn phải tiếp tục cho con học thêm, vì lớp đông, chương trình nặng, cô giáo không bao quát hết học trò trong thời gian ở lớp được.
Có cầu ắt có cung, giáo viên vì chất lượng của lớp mình phụ trách nên phải dạy thêm.
Cấm dạy thêm ở tiểu học khi sĩ số lớp còn quá đông, chương trình học còn quá nặng như hiện nay là chưa phù hợp với thực tế cuộc sống.
Ngoài ra, thực tế hiện nay giáo viên chưa sống được bằng lương của mình, nếu không có thu nhập từ dạy thêm, làm thêm khác (đặc biệt là giáo viên thành thị chưa có nhà ở).
Vì cuộc sống, giáo viên đành phạm luật, chấp nhận dạy thêm để lấy thu nhập “nuôi” dạy chính. Giáo viên tiểu học phải dạy thêm vừa đáng thương và đáng trách, nhưng thương nhiều hơn trách.
Vì thế cấm dạy thêm ở tiểu học khi nhu cầu học thêm thực tế có thật, khi cuộc sống giáo viên chưa sống được bằng lương của mình, là chưa phù hợp với thực tế cuộc sống.
Bất cứ chính sách nào mà chưa phù hợp với thực tế cuộc sống thì chỉ mang tính hình thức và không có tác dụng, làm cho pháp luật không được ... tôn trọng.
Làm sao cấm dạy thêm ở tiểu học phù hợp với thực tế cuộc sống?
Nhu cầu học thêm, dạy thêm là có thật và chính đáng, nguyên nhân là do áp lực của chương trình, sĩ số học sinh trong lớp quá đông, cuộc sống giáo viên chưa sống được bằng lương của mình.
Giải quyết được ba vấn đề gây ra nhu cầu học thêm, dạy thêm trên là không cần cấm.
Chương trình giáo dục nhẹ nhàng, phù hợp tâm sinh lý tuổi thơ, bám sát mục tiêu giáo dục; sĩ số lớp càng ít càng tốt, tối đa là 35 em/lớp, đảm bảo giáo viên có thể dành quan tâm đến tất cả học sinh, chất lượng giáo dục đạt yêu cầu, chẳng có bố mẹ nào cho con đi học thêm, làm khổ con, khổ mình.
Không có nhu cầu học thêm, thầy cô sao dạy thêm được, dù có ép cũng khó lòng mà ép học trò đi học thêm khi chính bản thân nội tại và gia đình không có nhu cầu.
Nếu giải quyết được vấn đề giáo viên sống được bằng lương của mình, tôi tin rằng chẳng giáo viên nào dám dạy thêm, muốn dạy thêm trái phép.