Cán bộ dám nghĩ, dám làm, Anh ở đâu?

31/03/2023 06:37
Phan Văn Lâm – Viện nghiên cứu Pháp luật và Kinh tế Asean
0:00 / 0:00
0:00
GDVN- Cán bộ là từ dân mà ra, trong nhân dân nuôi dưỡng rất nhiều con người dám nghĩ, dám làm vì lợi ích chung.

Bài viết này tôi không bàn lý luận về cán bộ dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm trong xã hội hiện nay, mà muốn đi tìm câu trả lời cho câu hỏi cán bộ có tiêu chuẩn đáp ứng lấy ở đâu…

Những ngày qua, khi Bộ Nội vụ trình dự thảo Nghị định quy định về khuyến khích và bảo vệ cán bộ năng động, sáng tạo, dám nghĩ, dám làm đang thu thút rất nhiều sự quan tâm của dư luận.

Thực tế, những người cán bộ lãnh đạo dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm, bản lĩnh, sáng tạo và quyết đoán trong từng quyết sách luôn có. Như Bí thư Tỉnh ủy Kim Ngọc - người khởi xướng chủ trương khoán hộ ở Vĩnh Phúc với những đổi mới, sáng tạo phát triển nông nghiệp; cố Tổng Bí thư Trường Chinh với đổi mới tư duy kinh tế, khởi xướng công cuộc đổi mới đất nước; cố Tổng Bí thư Nguyễn Văn Linh với chủ trương động viên, khuyến khích mọi người lao động, mọi năng lực sản xuất, mọi thành phần kinh tế sản xuất bung ra, cải tiến lưu thông, phân phối để thúc đẩy sản xuất phát triển….

Đánh giá về vai trò của công tác cán bộ, Chủ tịch Hồ Chí Minh khẳng định: “Cán bộ là gốc của mọi công việc”, “muôn việc thành công hay thất bại đều do cán bộ tốt hay kém… vấn đề cán bộ là một vấn đề rất trọng yếu, rất cần kíp”. Như vậy, không phải ngày nay chúng ta mới đánh giá cao vai trò công tác cán bộ mà từ rất lâu Đảng ta, chủ tịch Hồ Chí Minh đã rất coi trọng công tác lựa chọn cán bộ.

Ảnh minh họa: T.D

Ảnh minh họa: T.D

Chúng ta hiểu rằng cán bộ dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm là cán bộ luôn có khát vọng đổi mới, có tầm nhìn, dám quyết định, dám hành động, đề xuất giải pháp giải quyết vướng mắc. Và đặc biệt là bản lĩnh kiên cường của người đảng viên dám chịu trách nhiệm với việc mình làm nếu bị kỷ luật, bị cách chức thậm chí chịu tù đày nếu vì lợi ích chung, không tư lợi và bản thân không có động cơ vụ lợi. Đó là thực tế, đó là tiêu chí lựa chọn, nhưng giải pháp nào để tìm ra những con người đang tồn tại nhưng ẩn nấp đâu đó có lẽ việc đầu tiền thuộc về chính sách thu hút cán bộ, khơi dậy tiềm năng và hành lang bảo vệ nhân tài (dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm).

Đầu tiên phải có những con người dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm

Ở đâu có những con người như vậy? Cán bộ là từ dân mà ra, trong nhân dân nuôi dưỡng rất nhiều con người như vậy. Vấn đề là chính sách thu hút, tuyển dụng của ta đã đủ sức hấp dẫn, đã thực sự chọn đúng người tài, đã đúng nhân tài lựa chọn nhân tài, người liêm chính lựa chọn người liêm chính cho Đảng, bộ máy Nhà nước đó mới là mấu chốt của vấn đề.

Trong công tác tuyển dụng chúng ta đã thực sự thi tuyển nghiêm túc, công khai, minh bạch để lựa chọn cán bộ theo thứ hạng. Hay ở đâu đó vẫn là hình thức, hay vì hậu duệ, quan hệ, tiền tệ, đệ tử? Bởi xưa nay chúng ta cũng biết người tài, bản lĩnh như đã đề cập sẽ khó luồn cuối, nịnh bợ…muốn có những con người như vậy ắt phải có môi trường nuôi dưỡng phù hợp. Phải làm sao trong xã hội người gù đúng là người có tật, không thể người thẳng là người có tật trong thế giới người gù. Tôi nghĩ trong bộ máy Nhà nước chúng ta không ít những cán bộ có tiêu chuẩn đảm bảo như vậy, tuy nhiên phải làm sao đánh thức, khích lệ họ hành động trong công việc mỗi ngày.

Phải có hành lang pháp lý bảo vệ người tiên phong dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm

Đảng đã nhìn ra những hạn chế về công tác cán bộ, luôn quan tâm và định hướng khá rõ ràng, Kết luận số 14-KL/TW của Bộ Chính trị về "Chủ trương khuyến khích và bảo vệ cán bộ năng động, sáng tạo vì lợi ích chung" ban hành ngày 22/9/2021 (Kết luận số 14) không chỉ góp phần khơi nguồn sáng tạo cho người cán bộ trong mọi mặt công tác và cuộc sống mà còn bảo vệ cán bộ, giúp họ phát huy sở trường, tài năng và ý chí quyết đoán của mình trong công tác lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện nhiệm vụ được giao trước những khó khăn, thử thách của thực tiễn.

Đến nay Bộ Nội vụ cũng đã Dự thảo Nghị định về khuyến khích cán bộ dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm và sắp được ban hành. Tuy nhiên bảo vệ như thế nào, khuyến khích có đủ không lại là vấn đề rất quan trọng. Nhưng trước mắt, với những căn cứ trên, đã có phần nào hành lang pháp lý bảo vệ cán bộ sẽ có trong thời gian tới. Điều chúng ta mong chờ vẫn là những cán bộ có tư tưởng, trách nhiệm dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm vì sự phát triển của đất nước như một phong trào có tính thường xuyên liên tục.

Cần khuyến khích, đãi ngộ người tiên phong đổi mới

Là con người ai cũng thích được khen, thích được thưởng, thích được ghi nhận sự đóng góp của cá nhân mình cho xã hội. Tôi nghĩ bên cạnh công tác phòng chống tham nhũng và tiêu cực để làm trong sạch hơn bộ máy Nhà nước thi cần phải có sự hành động của lãnh đạo các cấp như những phong trào thực tiễn chứ không phải lý thuyết, hình thức; nghiên cứu những chế độ, chính sách phù hợp, xứng đáng, bố trí đúng người, đúng việc để phát huy tối đa năng lực, trí tuệ của người dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm trong công cuộc đổi mới này. Tôi tin rằng những linh hoạt trong điều hành, quản trị quốc gia sẽ ngày càng phù hợp hơn để đất nước ta ngày càng phồn thịnh.

Phan Văn Lâm – Viện nghiên cứu Pháp luật và Kinh tế Asean