Dự kiến bỏ kiểm định đối với giáo dục phổ thông, hiệu trưởng được cấp bằng THPT

12/05/2025 09:47
Doãn Nhàn
0:00 / 0:00
0:00

GDVN -Số lượng trường mầm non, phổ thông và TTGDTX lên tới hàng chục nghìn cơ sở, trong khi số tổ chức kiểm định đang hoạt động rất hạn chế.

Dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Giáo dục đề xuất sửa đổi, bổ sung Điều 110 quy định về mục tiêu, nguyên tắc, đối tượng kiểm định chất lượng giáo dục.

Điểm mới đáng chú ý là việc không tiếp tục áp dụng kiểm định chất lượng đối với các cơ sở giáo dục mầm non, phổ thông và giáo dục thường xuyên thông qua tổ chức kiểm định chất lượng giáo dục như hiện hành. Thay vào đó, Dự thảo chuyển sang hình thức đánh giá chất lượng theo quy định của Bộ.

Lý do được đưa ra là quy định hiện nay không khả thi trên thực tế. Nếu áp dụng cơ chế kiểm định như đối với giáo dục đại học sẽ gây quá tải lớn, do số lượng trường mầm non, phổ thông và trung tâm giáo dục thường xuyên lên tới hàng chục nghìn cơ sở (hơn 15.000 trường mầm non, 12.000 trường tiểu học, 10.700 trường trung học cơ sở, gần 3.000 trường trung học phổ thông...), trong khi hiện nay số tổ chức kiểm định đang hoạt động rất hạn chế, nhân lực kiểm định viên cũng không đủ đáp ứng yêu cầu. Chưa kể, Thông tư của Bộ quy định chu kỳ kiểm định chất lượng giáo dục là 5 năm.

Bên cạnh đó, việc kiểm định thông qua tổ chức kiểm định chất lượng sẽ phát sinh nhiều chi phí như hợp đồng đánh giá ngoài với tổ chức kiểm định chất lượng giáo dục, chi phí cho thành viên đoàn đánh giá ngoài, tổ chức tập huấn, chuyên môn, nghiệp vụ cho các đơn vị, cá nhân thực hiện công tác tự đánh giá…, trong khi đó, đa số là cơ sở giáo dục mầm non, phổ thông và giáo dục thường xuyên công lập, không có quyền tự chủ tài chính như cơ sở giáo dục đại học, nên rất khó đảm đương nguồn kinh phí cho hoạt động này.

LUẬT GIÁO DỤC 2019 DỰ THẢO LUẬT SỬA ĐỔI, BỔ SUNG MỘT SỐ ĐIỀU CỦA LUẬT GIÁO DỤC

Điều 110. Mục tiêu, nguyên tắc, đối tượng kiểm định chất lượng giáo dục
1. Mục tiêu kiểm định chất lượng giáo dục được quy định như sau:
a) Bảo đảm và nâng cao chất lượng giáo dục;
b) Xác nhận mức độ đáp ứng mục tiêu của cơ sở giáo dục hoặc chương trình đào tạo trong từng giai đoạn;
c) Làm căn cứ để cơ sở giáo dục giải trình với chủ sở hữu, cơ quan nhà nước có thẩm quyền, các bên liên quan và xã hội về thực trạng chất lượng giáo dục;
d) Làm cơ sở cho người học lựa chọn cơ sở giáo dục, chương trình đào tạo, cho nhà tuyển dụng lao động tuyển chọn nhân lực.
2. Việc kiểm định chất lượng giáo dục phải bảo đảm các nguyên tắc sau đây:
a) Độc lập, khách quan, đúng pháp luật;
b) Trung thực, công khai, minh bạch;
c) Bình đẳng, bắt buộc, định kỳ.
3. Đối tượng kiểm định chất lượng giáo dục bao gồm:
a) Cơ sở giáo dục đối với giáo dục mầm non, giáo dục phổ thông và giáo dục thường xuyên;
b) Cơ sở giáo dục và chương trình đào tạo các trình độ đối với giáo dục nghề nghiệp và giáo dục đại học.
Sửa đổi, bổ sung Điều 110 như sau:
Điều 110. Mục tiêu, nguyên tắc, đối tượng đánh giá chất lượng và kiểm định chất lượng giáo dục
1. Đánh giá chất lượng giáo dục
a) Mục tiêu của đánh giá chất lượng giáo dục nhằm bảo đảm và nâng cao chất lượng giáo dục; xác định mức độ đáp ứng mục tiêu giáo dục của cơ sở giáo dục trong từng giai đoạn; làm căn cứ để giải trình với cơ quan quản lý, các bên liên quan và xã hội; hỗ trợ người học trong việc lựa chọn cơ sở giáo dục phù hợp;
b) Nguyên tắc đánh giá chất lượng giáo dục phải bảo đảm: khách quan, trung thực, công khai, minh bạch, phù hợp với mục tiêu giáo dục và đặc thù của cơ sở giáo dục; kết hợp giữa tự đánh giá và đánh giá ngoài, bảo đảm tính toàn diện và cải tiến liên tục; được thực hiện định kỳ và tuân thủ đúng quy định của pháp luật;
c) Đối tượng đánh giá chất lượng giáo dục bao gồm: cơ sở giáo dục mầm non, cơ sở giáo dục phổ thông, cơ sở giáo dục thường xuyên.
2. Kiểm định chất lượng giáo dục
a) Mục tiêu của kiểm định chất lượng giáo dục nhằm xác định và công nhận mức độ đạt tiêu chuẩn chất lượng của cơ sở giáo dục hoặc chương trình đào tạo; bảo đảm và nâng cao chất lượng giáo dục; làm căn cứ để giải trình, công khai chất lượng với các cơ quan quản lý và xã hội; hỗ trợ người học và nhà tuyển dụng trong việc lựa chọn cơ sở giáo dục, chương trình đào tạo và nguồn nhân lực;
b) Nguyên tắc kiểm định chất lượng giáo dục bao gồm: độc lập, khách quan, trung thực, công khai, minh bạch, bình đẳng, định kỳ và tuân thủ pháp luật;
c) Đối tượng kiểm định chất lượng giáo dục bao gồm: cơ sở giáo dục và chương trình đào tạo thuộc các trình độ của giáo dục nghề nghiệp và giáo dục đại học”.

Chuyển thẩm quyền cấp bằng tốt nghiệp trung học phổ thông cho hiệu trưởng

Ngoài ra, Dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Giáo dục cũng đề xuất sửa đổi, bổ sung Điều 34 theo hướng giao các cơ sở giáo dục xác nhận hoàn thành chương trình trung học cơ sở, thay vì thủ tục “cấp bằng tốt nghiệp trung học cơ sở” đang thực hiện tại Phòng Giáo dục và Đào tạo.

Đồng thời, chuyển thẩm quyền cấp bằng tốt nghiệp trung học phổ thông từ Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo cho hiệu trưởng nhà trường, nhằm thực hiện chủ trương phân cấp, phân quyền và cắt giảm thủ tục hành chính.

LUẬT GIÁO DỤC 2019 DỰ THẢO LUẬT SỬA ĐỔI, BỔ SUNG MỘT SỐ ĐIỀU CỦA LUẬT GIÁO DỤC


Điều 34. Xác nhận hoàn thành chương trình tiểu học, trung học phổ thông và cấp văn bằng tốt nghiệp trung học cơ sở, trung học phổ thông
1. Học sinh học hết chương trình tiểu học đủ điều kiện theo quy định của Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo thì được hiệu trưởng nhà trường xác nhận học bạ việc hoàn thành chương trình tiểu học.
2. Học sinh học hết chương trình trung học cơ sở đủ điều kiện theo quy định của Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo thì được người đứng đầu cơ quan chuyên môn về giáo dục thuộc Ủy ban nhân dân cấp huyện cấp bằng tốt nghiệp trung học cơ sở.
3. Học sinh học hết chương trình trung học phổ thông đủ điều kiện theo quy định của Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo thì được dự thi, đạt yêu cầu thì được người đứng đầu cơ quan chuyên môn về giáo dục thuộc Ủy ban nhân dân cấp tỉnh cấp bằng tốt nghiệp trung học phổ thông. Học sinh học hết chương trình trung học phổ thông đủ điều kiện dự thi theo quy định của Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo nhưng không dự thi hoặc thi không đạt yêu cầu thì được hiệu trưởng nhà trường cấp giấy chứng nhận hoàn thành chương trình giáo dục phổ thông.
Giấy chứng nhận hoàn thành chương trình giáo dục phổ thông được sử dụng để đăng ký dự thi lấy bằng tốt nghiệp trung học phổ thông khi người học có nhu cầu hoặc để theo học giáo dục nghề nghiệp và sử dụng trong trường hợp cụ thể theo quy định của pháp luật.
4. Học sinh có bằng tốt nghiệp trung học cơ sở, theo học trình độ trung cấp trong cơ sở giáo dục nghề nghiệp, sau khi đã học và thi đạt yêu cầu đủ khối lượng kiến thức văn hóa trung học phổ thông theo quy định của Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo thì được người đứng đầu cơ sở giáo dục tổ chức giảng dạy khối lượng kiến thức văn hóa trung học phổ thông cấp giấy chứng nhận đủ yêu cầu khối lượng kiến thức văn hóa trung học phổ thông. Giấy chứng nhận đủ yêu cầu khối lượng kiến thức văn hóa trung học phổ thông được sử dụng để theo học trình độ cao hơn của giáo dục nghề nghiệp và sử dụng trong các trường hợp cụ thể theo quy định của pháp luật.
- Sửa đổi, bổ sung Điều 34 như sau:
“Điều 34. Xác nhận hoàn thành chương trình tiểu học, trung học cơ sở, trung học phổ thông và cấp bằng tốt nghiệp trung học phổ

1. Học sinh học hết chương trình tiểu học, chương trình trung học cơ sở, đủ điều kiện theo quy định của Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo thì được hiệu trưởng nhà trường xác nhận học bạ việc hoàn thành chương trình tiểu học, chương trình trung học cơ sở.
2. Học sinh học hết chương trình trung học phổ thông đủ điều kiện theo quy định của Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo thì được dự thi, đạt yêu cầu thì được hiệu trưởng nhà trường cấp bằng tốt nghiệp trung học phổ thông”.

- Bỏ khoản 4 Điều 34 (chuyển sang Luật Giáo dục nghề nghiệp)

Dự thảo cũng sửa đổi, bổ sung Điều 36 quy định về mục tiêu của giáo dục nghề nghiệp. Theo đó, giáo dục nghề nghiệp được xác định nhằm đào tạo nhân lực cho sản xuất, kinh doanh, dịch vụ và phát triển kỹ năng theo hướng ứng dụng, thực hành liên quan đến nhiều lĩnh vực nghề nghiệp, sản xuất, dịch vụ và sinh kế nhằm hướng tới việc làm, thích ứng với sự thay đổi của công nghệ và thị trường lao động, thích ứng với môi trường hội nhập quốc tế; bảo đảm nâng cao năng suất, chất lượng lao động; tạo điều kiện cho người học sau khi hoàn thành khóa học có khả năng tìm việc làm, tự tạo việc làm hoặc học trình độ cao hơn.

Bên cạnh đó, Bộ Giáo dục và Đào tạo đề xuất bãi bỏ các Điều 49, 50 và 51 của Luật Giáo dục hiện hành (về điều kiện thành lập, đình chỉ hoạt động, chia tách, sáp nhập, giải thể nhà trường), nhằm cắt giảm triệt để thủ tục hành chính và điều kiện đầu tư trong Luật, đồng thời chuyển thẩm quyền quy định sang Chính phủ.

Cùng với đó, tại khoản 1, Điều 85, quy định về học bổng, trợ cấp xã hội và hỗ trợ chi phí học tập cũng được đề xuất sửa đổi theo hướng không quy định chi tiết kết quả học tập để xét học bổng ngay trong Luật, mà sẽ giao cho Chính phủ và Bộ Giáo dục và Đào tạo quy định cụ thể, nhằm tăng tính linh hoạt và phù hợp thực tiễn.

LUẬT GIÁO DỤC 2019 DỰ THẢO LUẬT SỬA ĐỔI, BỔ SUNG MỘT SỐ ĐIỀU CỦA LUẬT GIÁO DỤC
Điều 85. Học bổng, trợ cấp xã hội, miễn, giảm học phí, hỗ trợ tiền đóng học phí và chi phí sinh hoạt
1. Nhà nước có chính sách cấp học bổng khuyến khích học tập cho học sinh đạt kết quả học tập xuất sắc ở trường chuyên, trường năng khiếu quy định tại Điều 62 của Luật này và người học có kết quả học tập, rèn luyện từ loại khá trở lên ở cơ sở giáo dục nghề nghiệp, cơ sở giáo dục đại học; cấp học bổng chính sách cho sinh viên hệ cử tuyển, học sinh trường dự bị đại học, trường phổ thông dân tộc nội trú, người học trong cơ sở giáo dục nghề nghiệp dành cho thương binh, người khuyết tật
2. Nhà nước có chính sách trợ cấp và miễn, giảm học phí cho người học là đối tượng được hưởng chính sách xã hội, người dân tộc thiểu số ở vùng có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn, trẻ mồ côi, trẻ em không nơi nương tựa, người khuyết tật, người thuộc hộ nghèo và hộ cận nghèo.
3. Nhà nước khuyến khích tổ chức, cá nhân cấp học bổng hoặc trợ cấp cho người học theo quy định của pháp luật.
4. Học sinh, sinh viên sư phạm được hỗ trợ tiền đóng học phí và chi phí sinh hoạt trong toàn khóa học. Người được hỗ trợ tiền đóng học phí và chi phí sinh hoạt sau 02 năm kể từ khi tốt nghiệp nếu không công tác trong ngành giáo dục hoặc công tác không đủ thời gian quy định thì phải bồi hoàn khoản kinh phí mà Nhà nước đã hỗ trợ. Thời hạn hoàn trả tối đa bằng thời gian đào tạo. Học sinh, sinh viên sư phạm được hưởng các chính sách học bổng khuyến khích học tập, trợ cấp xã hội, miễn, giảm học phí quy định tại khoản 1 và khoản 2 Điều này.
5. Chính phủ quy định chi tiết Điều này.
Sửa đổi, bổ sung khoản 1 Điều 85 như sau:
“1. Nhà nước có chính sách cấp học bổng khuyến khích học tập cho học sinh trường chuyên, trường năng khiếu quy định tại Điều 62 của Luật này, học sinh, sinh viên tại cơ sở giáo dục nghề nghiệp, cơ sở giáo dục đại học có kết quả học tập, rèn luyện đạt mức cấp học bổng theo quy định; sinh viên tại cơ sở giáo dục đại học đang học chương trình đào tạo để thực hiện các Chương trình, Đề án phát triển nguồn nhân lực các ngành công nghiệp mới do Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ phê duyệt, có kết quả học tập, rèn luyện đạt mức cấp học bổng theo quy định. Nhà nước cấp học bổng chính sách cho sinh viên hệ cử tuyển, học sinh trường dự bị đại học, trường phổ thông dân tộc nội trú, người học trong cơ sở giáo dục nghề nghiệp dành cho thương binh, người khuyết tật”.

Xem chi tiết Dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Giáo dục TẠI ĐÂY.

Doãn Nhàn