“Mở rộng không gian phát triển và nâng cao năng lực cho các cơ sở giáo dục đại học, bảo đảm 100% cơ sở giáo dục đại học đạt chuẩn” là một trong những mục tiêu của giáo dục đại học đến năm 2030 tại Quyết định số 1705/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt chiến lược phát triển giáo dục đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045.
Theo lãnh đạo một số cơ sở giáo dục đại học, đây là một mục tiêu quan trọng và cần thiết để nâng tầm chất lượng giáo dục đại học của nước ta.
Còn nhiều rào cản trong mở rộng không gian vật lý
Chia sẻ với phóng viên Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam, Tiến sĩ Thái Doãn Thanh – Phó Hiệu trưởng Trường Đại học Công thương Trường Đại học Thành phố Hồ Chí Minh bày tỏ, chiến lược “mở rộng không gian phát triển và nâng cao năng lực cho các cơ sở giáo dục đại học, bảo đảm 100% cơ sở giáo dục đại học đạt chuẩn” là rất quan trọng, góp phần làm nền tảng và động lực để các cơ sở giáo dục đại học phát triển và nâng cao chất lượng.
Theo thầy Thanh, để mở rộng không gian phát triển cho các trường đại học trước hết cần mở rộng về diện tích đất, diện tích sàn. Thực tế hiện nay, còn nhiều cơ sở giáo dục đại học đang bị hạn chế về diện tích, hạ tầng này.
Phải có nguồn đất đai thì mới đảm bảo mở rộng được không gian vật lý cho các cơ sở giáo dục đại học theo đúng quy định tại Chuẩn cơ sở giáo dục đại học là từ năm 2030, diện tích đất tính bình quân trên một người học chính quy quy đổi theo trình độ và lĩnh vực đào tạo không nhỏ hơn 25 m2.
Đáng nói, muốn mở rộng diện tích đất cho cơ sở giáo dục đại học đòi hỏi phụ thuộc rất nhiều vào chính sách của Chính phủ cũng như chính sách của địa phương về việc di dời, cấp đất cho các cơ sở giáo dục đại học.
Bên cạnh việc mở rộng về không gian vật lý, chúng ta cũng cần lưu tâm đến mở rộng các nguồn lực khác như nguồn lực con người hay cơ sở vật chất, …
Đối với yếu tố con người, thầy Thanh bày tỏ, để mở rộng không gian phát triển, các cơ sở giáo dục đại học phải nâng cao cả số lượng và trình độ của đội ngũ giảng viên. Thực tế hiện nay, số lượng đội ngũ giảng viên ở Việt Nam vẫn còn khá khiêm tốn. Không chỉ số lượng, về trình độ, bình quân tỷ lệ giảng viên có trình độ tiến sĩ ở nước ta hiện vẫn còn đang dưới 40%, chưa đạt được con số theo quy định của Chuẩn cơ sở giáo dục đại học đặt ra.
Để nâng cao số lượng và chất lượng của nguồn lực này, Bộ Giáo dục và Đào tạo cũng cần tiếp tục đẩy mạnh sử dụng những chính sách đòn bẩy để phát triển, thu hút đội ngũ giảng viên, chuyên gia không chỉ ở trong nước mà cả việt kiều ở nước ngoài, người nước ngoài tham gia vào các hoạt nghiên cứu, giảng dạy của cơ sở giáo dục đại học. Từ đó, góp phần tạo ra một không gian rộng hơn, có kết nối với quốc tế.
Không những vậy, để mở rộng không gian phát triển cũng đòi hỏi phải có sự kết nối, sự tham gia vào những hoạt động đào tạo tại cơ sở giáo dục đại học của doanh nghiệp, viện, …
Mặt khác, việc mở rộng không gian số cũng cần được lưu tâm. Thầy Thanh thông tin, hiện nay, nhiều cơ sở giáo dục đại học Việt Nam đang thúc đẩy sự phát triển mạnh mẽ về chuyển đổi số, tạo ra những môi trường số. Tất yếu trong tương lai, nước ta sẽ có thêm những trường đại học số, mô hình đào tạo tạo số nhằm tạo ra cơ hội học tập, không gian phát triển tốt nhất cho người học. Khi đó, vấn đề về diện tích đất hay diện tích sàn không còn là rào cản cho sự phát triển của các trường đại học.
Chính vì vậy, không gian “không biên giới” này dự kiến sẽ là một không gian chiếm tầm quan trọng lớn trong thời gian tới đối với giáo dục đại học nói riêng và giáo dục đào tạo nói chung.
Để thực hiện chiến lược mở rộng không gian phát triển cho các cơ sở giáo dục đại học, thầy Thanh cho rằng, cần có giải pháp đồng bộ, kết nối được nhiều nguồn lực khác nhau để huy động được sức mạnh của tất cả các nguồn đó cho sự phát triển của giáo dục đại học.
Bên cạnh đó, cần có cơ chế, chính sách linh hoạt của nhà nước, địa phương trong việc quy hoạch, giao đất cho các cơ sở giáo dục đại học. Song song với việc giao đất, phải đồng bộ hóa về hạ tầng giao thông như có sự kết nối giao thông thuận lợi giữa nội thành với ngoại thành. Có như vậy, việc giao đất, xây dựng các hệ sinh thái trường đại học ở ngoại thành, các tỉnh lân cận mới thực sự khả thi.
Ngoài ra, vấn đề nguồn kinh phí đầu tư cho sự mở rộng, phát triển các nguồn lực của cơ sở giáo dục đại học cũng cần tạo cơ chế xã hội hóa, không thể để chỉ nhà nước đầu tư kinh phí sẽ khó thực hiện được mục tiêu đặt ra.
Để làm được việc này, Chính phủ cần có chủ trương quyết liệt trong vấn đề đẩy mạnh liên doanh giữa công và tư. Đồng thời, tạo cơ chế phối hợp công - tư linh hoạt bởi hiện nay các doanh nghiệp, tổ chức muốn đầu tư cho trường đại học còn gặp nhiều rào cản do liên quan đến vấn đề tài sản công, …
Nguồn lực tài chính là yếu tố rất quan trọng
Cùng trao đổi về vấn đề này, Tiến sĩ Nguyễn Hải Hoàn – Phó Hiệu trưởng Trường Đại học Kiến trúc Đà Nẵng cho rằng, để trường đại học có thể mở rộng không gian phát triển và nâng cao năng lực một cách bền vững và hiệu quả cần hội tụ nhiều điều kiện quan trọng.
Thứ nhất là, nguồn lực tài chính đủ mạnh. Đây là yếu tố then chốt, bởi trường đại học cần có nguồn vốn ổn định và đủ lớn để đầu tư vào cơ sở vật chất (xây dựng, sửa chữa, nâng cấp), trang thiết bị hiện đại, phát triển đội ngũ giảng viên và nghiên cứu viên, triển khai các chương trình đào tạo mới, thu hút sinh viên giỏi và hỗ trợ các hoạt động nghiên cứu khoa học.
Thứ hai là, đội ngũ nhân lực chất lượng cao. Mỗi cơ sở giáo dục đại học cần thu hút, giữ chân và phát triển được đội ngũ giảng viên, nghiên cứu viên giỏi, có trình độ chuyên môn cao, tâm huyết với nghề. Đồng thời, cần có đội ngũ cán bộ quản lý, hỗ trợ chuyên nghiệp, năng động, sáng tạo.
Thứ ba là, cơ sở vật chất hiện đại, đáp ứng nhu cầu phát triển. Bên cạnh các giảng đường, phòng thí nghiệm, thư viện truyền thống, trường cần đầu tư vào các không gian học tập mở, các trung tâm nghiên cứu chuyên sâu, các không gian kết nối cộng đồng, tạo môi trường học tập và làm việc lý tưởng.
Thứ tư là, chương trình đào tạo tiên tiến, đáp ứng nhu cầu xã hội. Cụ thể, các chương trình đào tạo cần được cập nhật thường xuyên, bám sát xu hướng phát triển của khoa học công nghệ và nhu cầu của thị trường lao động. Cần chú trọng phát triển các chương trình đào tạo liên ngành, xuyên ngành, các chương trình đào tạo chất lượng cao, quốc tế hóa.
Thứ năm là, mô hình quản trị đại học hiệu quả, tự chủ. Theo đó, mỗi trường đại học cần có một hệ thống quản trị minh bạch, hiệu quả, trao quyền tự chủ cho các đơn vị, khuyến khích sự sáng tạo và đổi mới.
Thứ sáu là, môi trường học thuật cởi mở, khuyến khích sáng tạo. Để đảm bảo điều kiện này, cần tạo ra một môi trường mà ở đó giảng viên, sinh viên được tự do trao đổi học thuật, khuyến khích các hoạt động nghiên cứu khoa học, các dự án khởi nghiệp, tạo ra những giá trị mới.
Thứ bảy là, có mạng lưới hợp tác rộng rãi. Việc hợp tác với các trường đại học, viện nghiên cứu trong và ngoài nước, các doanh nghiệp, tổ chức xã hội sẽ giúp trường tiếp cận được các nguồn lực, kiến thức, kinh nghiệm và mở rộng cơ hội phát triển.
Thứ tám là, chiến lược phát triển rõ ràng, tầm nhìn dài hạn. Trường đại học cần có một chiến lược phát triển cụ thể, phù hợp với bối cảnh và tiềm năng của mình, đồng thời có tầm nhìn dài hạn để định hướng cho sự phát triển bền vững.
Tuy nhiên, theo thầy Hoàn, việc mở rộng không gian phát triển hiện nay của các trường đại học vẫn còn phải đối diện với một số khó khăn, thách thức không nhỏ.
Cụ thể, nguồn ngân sách nhà nước cấp cho giáo dục còn hạn chế, trong khi việc huy động các nguồn lực khác (học phí, tài trợ, đầu tư) còn gặp nhiều rào cản. Điều này ảnh hưởng trực tiếp đến khả năng đầu tư vào cơ sở vật chất, đội ngũ và các hoạt động phát triển khác.
Không những vậy, việc thu hút và giữ chân giảng viên, nhà khoa học giỏi đang là một thách thức lớn, đặc biệt trong bối cảnh cạnh tranh nhân lực chất lượng cao ngày càng gay gắt. Nhiều trường đại học vẫn còn đối mặt với tình trạng thiếu thốn, xuống cấp về cơ sở vật chất, không đáp ứng được yêu cầu đào tạo và nghiên cứu hiện đại.
Thậm chí, nhiều đơn vị còn thiếu tính chủ động, sáng tạo trong việc tìm kiếm các giải pháp phát triển, chưa thực sự đổi mới mô hình quản trị và phương thức hoạt động. Hơn nữa, việc thu hút sinh viên quốc tế, hợp tác nghiên cứu và trao đổi học thuật với các đối tác quốc tế còn gặp nhiều rào cản về ngôn ngữ, văn hóa, thủ tục hành chính.
Đáng chú ý, sự cạnh tranh giữa các trường đại học trong nước và quốc tế hiện nay đang ngày càng khốc liệt, đòi hỏi các trường phải nỗ lực hơn nữa để nâng cao chất lượng và khẳng định vị thế.
Để hướng tới mục tiêu 100% cơ sở giáo dục đại học đạt chuẩn thông qua việc mở rộng không gian phát triển, Phó Hiệu trưởng Trường Đại học Kiến trúc Đà Nẵng đã đưa ra một số kiến nghị, đề xuất.
Về phía Nhà nước, cần có chính sách và nguồn lực đầu tư đủ mạnh, ưu tiên cho các trường có tiềm năng phát triển, các ngành mũi nhọn. Rà soát, sửa đổi, bổ sung các văn bản pháp luật liên quan đến giáo dục đại học, tạo điều kiện thuận lợi cho các trường tự chủ và phát triển.
Bên cạnh đó, cần xác định rõ vai trò, sứ mạng của từng loại hình trường để có chính sách hỗ trợ phù hợp. Đồng thời, nâng cao hiệu quả của công tác kiểm định chất lượng giáo dục, đảm bảo tính minh bạch và khách quan.
Về phía các trường đại học, cần xác định tầm nhìn, sứ mạng, mục tiêu cụ thể và lộ trình thực hiện; Chủ động trong công tác quản lý, điều hành, sử dụng hiệu quả các nguồn lực.
Ngoài ra, cần có chính sách thu hút, đãi ngộ và phát triển đội ngũ giảng viên, nghiên cứu viên giỏi. Liên tục cập nhật kiến thức, kỹ năng, chú trọng phát triển năng lực tự học, sáng tạo cho sinh viên. Cần tăng cường hợp tác với doanh nghiệp và các tổ chức qua việc đẩy mạnh hoạt động gắn kết đào tạo với nhu cầu thực tiễn của thị trường lao động.
Cùng đồng tình với quan điểm trên, Tiến sĩ Khổng Trung Thắng – Chủ tịch Hội đồng trường Trường Đại học Nha Trang cho rằng, để mở rộng không gian phát triển cho các cơ sở giáo dục đại học, nguồn lực về tài chính là rất quan trọng để đầu tư cho cả hoạt động đào tạo và hoạt động nghiên cứu khoa học.
Theo thầy Thắng, để nâng cao chất lượng cho nguồn lực là con người, cần có những chiến lược đào tạo nguồn nhân lực như cử giảng viên đi học nâng cao trình độ, tạo chế độ chính sách cho họ yên tâm đi học. Hoặc thu hút nhân tài về trường, tuy nhiên giải pháp này là khá khó khăn với những cơ sở giáo dục đại học ở khu vực miền Trung so với các thành phố lớn.
Bên cạnh đó, việc đổi mới, nâng cao các thiết bị giảng dạy, học tập, nghiên cứu cũng rất quan trọng quá trình mở rộng không gian phát triển này của các cơ sở giáo dục đại học. Tuy nhiên, việc đầu tư và vận hành các thiết bị đòi hỏi chi phí khá lớn. Chính vì vậy, theo thầy Thắng phải tạo cơ chế thông thoáng để các trường thực hiện đề tài khoa học cấp nhà nước, cấp Bộ, cấp tỉnh, từ đó có quỹ hỗ trợ nghiên cứu để đảm bảo chi phí vận hành cho các thiết bị, cơ sở vật chất. Đồng thời, tạo ra những sản phẩm chuyển giao cho thực tiễn sản xuất.
Cũng theo thầy Thắng, Chính phủ cần ban hành sớm quy hoạch mạng lưới các cơ sở giáo dục đại để các trường biết được không gian phát triển của mình. Hơn nữa, sự nỗ lực từ bản thân các trường để nâng cao năng lực của mình là rất quan trọng.