Tọa đàm “Thói quen đọc sách góp phần hình thành nhân cách cho học sinh như thế nào?” do Hội Xuất bản Việt Nam phối hợp với Sở Giáo dục và Đào tạo và Thành đoàn Thành phố Hồ Chí Minh đã diễn ra tại thành phố Hồ Chí Minh vào ngày 27/8.
Buổi tọa đàm thói quen đọc sách trong học sinh ở Thành phố Hồ Chí Minh được tổ chức ngày 27/8 . (Ảnh: P.L) |
Nguyên Chủ tịch nước Trương Tấn Sang có thư ngỏ gửi Ban tổ chức với những đề nghị tâm huyết:
“Những chia sẻ, hiến kế từ các chuyên gia, nhà quản lý giáo dục, các thầy cô và học sinh được đúc kết trong tọa đàm, theo tôi sẽ thật giá trị và thiết thực. Ngành giáo dục thành phố phải quyết tâm làm và phải làm ngay, làm có hiệu quả để tạo sự chuyển động, đổi mới trong thầy cô, học sinh, hệ thống các trường phổ thông trong thành phố, đồng thời nhân rộng trong toàn ngành giáo dục của cả nước…
Vì vậy, những đề nghị như cần đưa tiết đọc sách vào khung chương trình ở các cấp lớp học, nhân sự vận hành, các hoạt động truyền thông giao lưu, các cuộc thi đọc sách, kể chuyện; đến những kiến nghị tạo lập một danh mục khuyến đọc cho từng cấp lớp… Tôi nghĩ, tất cả những giải pháp gợi ý này đều khả thi, ngành giáo dục cần ra văn bản chỉ đạo hoặc nếu cần, xin chủ trương của Bộ Giáo dục và Đào tạo để sớm triển khai cho hệ thống các trường học trong thành phố…
Hãy tạo môi trường và động lực để giúp các cháu thấy việc đọc sách là một niềm vui cùng với nhiều lợi ích cho bản thân, thay vì hàng giờ dán mắt vào màn hình chơi game, lướt web tán gẫu vừa lãng phí thời gian vừa thật vô bổ…”( Trích thư)
Nếu yêu sách, trẻ sẽ đến với yêu thương và nhiều ước mơ |
Tại Tọa đàm, em Lê Ngọc Phương Trinh, học sinh lớp 8A2, Trường trung học cơ sở Nguyễn Hiền (thành phố Hồ Chí Minh) chia sẻ:
“Thú thật rất nhiều bạn bè em dường như không có khái niệm đọc sách mà Ipad, smartphone, laptop, game online, Facebook, mạng xã hội… đang chiếm hết sự chú ý của chúng em.
Chúng em không đọc sách không phải hoàn toàn là do lỗi ở công nghệ điện tử”.
Tuy nhiên, theo Phương Trinh, hiện tại thời gian đọc của học sinh dường như không có:
“Chúng em muốn đọc sách cũng không hề dễ dàng. 6 giờ sáng đã dậy đi học đến 4- 5 giờ chiều, sau đó còn phải học thêm đến 8 - 9 giờ tối mới về nhà.
Chưa hết, phải làm bài ở trên trường đến tận 10 - 11 giờ đêm, lúc đó chúng em chỉ muốn đi ngủ thôi”. (Báo Văn hóa)
Trước thực trạng sa sút văn hóa đọc trong giới trẻ, nhà trường, cách đây 4 năm, Bộ Giáo dục và Đào tạo cũng từng ban hành Công văn số 6841/BGDĐT-GDTX gửi đến các sở trực thuộc nhằm thúc đẩy phong trào đọc, hình thành thói quen đọc trong nhà trường và cộng đồng.
Theo đó, các trường tổ chức thảo luận trong trường, trao đổi với cha mẹ học sinh để thống nhất áp dụng quy định về thời gian đọc sách tại thư viện trường, ở nhà, trong đó có thời gian cha mẹ đọc sách cùng con.
Nhà trường lựa chọn, giới thiệu những cuốn sách thiết thực, phù hợp với tâm lý lứa tuổi, phù hợp với mục tiêu giáo dục.
Mặt khác, Bộ Giáo dục và Đào tạo yêu cầu các sở đổi mới hình thức và phương pháp dạy học, kiểm tra, đánh giá theo hướng tận dụng các nguồn thông tin ngoài sách giáo khoa, nhất là thông tin từ thư viện.
Việc này để nâng cao chất lượng giáo dục, khuyến khích học sinh đọc các tài liệu in và tài liệu kỹ thuật số, rèn luyện năng lực tự học, năng lực học tập suốt đời.
Những đứa trẻ không muốn đọc sách, lớn lên rồi sẽ ra sao? |
Theo tôi, những giải pháp, hiến kế để thúc đẩy phong trào đọc, thói quen đọc sách trong nhà trường và cộng đồng là rất cần thiết, góp phần khơi dậy, đánh thức vai trò, ý thức trách nhiệm của nhà trường, phụ huynh, học sinh trong bối cảnh văn hóa đọc ở giới trẻ đang bị mai một, lãng quên, có chiều hướng suy giảm nghiêm trọng.
Song để nó thật sự “sống lâu bền”, thật sự đạt hiệu quả, mục đích đề ra lại là một vấn đề vô cùng nan giải, không thể một sớm, một chiều có thể vực dậy ngay được, đòi hỏi một quá trình dài hơi, có sự phối kết hợp, trách nhiệm từ nhiều phía, vì sức ỳ của giới trẻ, nhiều cám dỗ, tác động, thú vui khác từ bên ngoài hiện nay chi phối rất lớn.
Từ thực tiễn nhà trường, chúng tôi có mấy đề xuất, kiến nghị:
Thiết nghĩ, về lâu, về dài, Nhà nước ta, nhất là ngành văn hóa và giáo dục cần có sự quan tâm, hỗ trợ, đầu tư tốt hơn nữa về hệ thống thư viện, giảm giá thành sách các loại; lựa chọn, bổ sung những loại sách phù hợp với nhận thức, tâm lý lứa tuổi học sinh, sinh viên.
Tăng cường công tác tuyên truyền, quảng bá, giới thiệu, luôn cổ vũ, tôn vinh giá trị của sách, việc đọc sách, những người mê sách…sâu rộng đến mọi học sinh, sinh viên.
Bên cạnh đó, cách quản lý, công tác xuất bản, in ấn sách cũng phải đổi mới theo hướng chặt chẽ, căn cơ, chọn lọc kỹ lưỡng để có được những sản phẩm, đầu sách tốt.
Đặc biệt, ở nhà trường phổ thông giảm bớt áp lực thi cử, học hành, thành tích, kiến thức hàn lâm, những hoạt động, cuộc thi vô bổ.
Cần đổi mới, cải tiến mạnh mẽ cách dạy học, ôn tập, thi cử ở nhà trường theo hướng người thầy gợi mở, yêu cầu, bắt buộc học sinh, sinh viên phải hình thành thói quen tìm tòi, đọc tài liệu, đọc sách có liên quan để nắm bắt, tìm hiểu các nội dung, bài học…
Văn hoá đọc xuống cấp là do giáo dục lạc hậu |
Về phía các bậc phụ huynh cũng cần thay đổi nhận thức, giảm bớt chuyện bắt buộc con em phải vùi đầu vào học, phải đi học thêm suốt ngày, suốt đêm để có thành tích, đỗ đạt cao như hiện nay.
Đã đến lúc cần đưa tiết đọc sách vào khung chương trình ở các cấp lớp học với cách triển khai đồng bộ và hiệu của nhà trường, thầy cô giáo.
Cán bộ thư viện nhà trường không những là người giữ sách, giữ thư viện mà còn là những người yêu sách, biết cách hướng dẫn, giới thiệu sách cho học trò, sinh viên với các hình thức phong phú, đa dạng.
Ở gia đình, nhất là bậc mầm non, tiểu học, các em cần được phụ huynh làm gương, luôn quan tâm, cổ vũ, khích lệ con trẻ yêu sách, mê đọc sách, thậm chí đọc sách cùng con.
Mặt khác, Ngày Hội đọc sách, tuần lễ hội sách được tổ chức đều đặn, quy mô, bài bản hằng năm ở tất cả tỉnh, thành trong cả nước để thu hút, nâng cao ý thức thường xuyên ham thích đọc sách của người Việt ta, nhất là giới trí thức trẻ.